VĂN NGHỆ KHẮP NƠI (30-6-2017)
Góc nhìn mới về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/2017) và 50 năm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trần (6-7-1967/2017), NXB Quân đội nhân dân vừa ra mắt cuốn sách“Nguyễn Chí Thanh-Những góc nhìn từ hậu thế”, với kỳ vọng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tác giả Bùi Chí Trung và nhóm biên soạn muốn giới thiệu những góc tiếp cận mới của những người trẻ tuổi về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua các tài liệu giải mật từ phía Mỹ, những đánh giá của các học giả nước ngoài về ông và nhất là những nhận xét của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội dành cho ông, khẳng định vai trò của ông trong giai đoạn mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Với 7 chương và 288 trang sách, nhiều câu hỏi đã được làm rõ: Trong góc nhìn của “phía bên kia” thì Nguyễn Chí Thanh là ai? Vị thế và sức ảnh hưởng của ông lớn ra sao? Sự ra đi đột ngột của ông có thể tạo ra hiệu ứng gì khiến chính quyền Mỹ phải hết sức thận trọng trong việc đưa ra những đánh giá phân tích? Vì sao khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam thì Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn đưa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Nam? Vai trò của “Tổ năm người” trong thời điểm đó là gì? Vì sao một Đại tướng lại được giao phụ trách công tác nông nghiệp và nông thôn? V.v...
Những câu hỏi như trên không phải được nêu ra lần đầu tiên mà có thể nghe thấy đâu đó trong dư luận. Vậy nên, khi nhóm tác giả nghiêm túc đi tìm câu trả lời từ nhiều phía, bạn đọc có thể thấy được sự sáng suốt của Đảng và Bác Hồ khi lựa chọn và giao nhiều trọng trách cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-vị Đại tướng xuất thân từ nông dân nhưng lại có tầm nhìn thời cuộc với cách làm việc sát thực tiễn. Nhóm tác giả đã rất công phu khi sưu tầm những tài liệu trong và ngoài nước để khẳng định tầm nhìn và tư duy lãnh đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người mà ngay từ chiến thắng của quân và dân ta trong Chiến dịch Bình Giã cuối năm 1964 đã khẳng định: “Mỹ không phải là một kẻ bất khả chiến thắng. Đánh Mỹ được, thắng Mỹ được, không còn nghi ngờ gì nữa!”.
(Theo: qdnd.vn)
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 41 năm thành phố mang tên Bác
Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/7/1976 – 2/7/2017), tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Thành phố tôi yêu”. Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn tri ân chào mừng ngày kỷ niệm đặc biệt.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Thành phố tôi yêu” gồm hai đêm nhạc hoành tráng diễn ra ở phố đi bộ Nguyễn Huệ vào lúc 20 giờ đến 21 giờ 30 ngày 1 và 2-7.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Bùi, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn, Hà Okio, Lân Nhã, Ái Phương, Thế Vĩ, Duy Linh, Thụy Vân, Hoàng Tú, Ngọc Mai, Vũ Cát Tường, Tiên Tiên, Bích Ngọc, Nhóm MTV, Nhóm Mắt Ngọc, Nhóm Lạc Việt, Nhóm V-Music… sẽ tham gia biểu diễn trong 2 đêm với nhiều tiết mục đặc sắc.
“Thành phố tôi yêu” như một bản hợp xướng nhiều màu sắc nhằm ngợi ca vẻ đẹp, lan tỏa tình yêu và tri ân TP Hồ Chí Minh. Câu chuyện 41 năm của một thành phố được kể bằng âm nhạc, người xem sẽ cảm thấy tự hào về lịch sử của vùng đất mình sinh ra, lớn lên hay đơn giản là có duyên gặp gỡ, gắn bó và lập nghiệp. Những tình cảm ấy cũng là chất keo để kết nối người dân xích lại gần nhau và góp phần xây dựng nên một TP Hồ Chí Minh rực rỡ, tươi đẹp.
(Theo: hanoimoi.com.vn)
Ngày hội giao lưu vùng biên giới Việt Nam - Lào
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã thông tin chính thức về chương trình Ngày hội giao lưu VH-TT&DL vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ II tại Sơn La, nhân kỉ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Lào và 40 năm ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác hai nước.
Theo đó, Ngày hội VH-TT&DL vùng biên giới Việt Nam - Lào năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 5-7 đến 7-7, nhằm giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế tiềm năng, thế mạnh phát triển VH-TT&DL và di sản văn hóa các dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.
Với chủ đề “Thắm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”, Ngày hội sẽ có sự tham gia của 9 tỉnh thành trên toàn quốc và 10 tỉnh của nước bạn Lào. Điểm nhấn của chương trình sẽ là lễ khai mạc được chuẩn bị chu đáo, nội dung đặc sắc, có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân hai nước.
Đồng thời, trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra chuỗi sự kiện như: biểu diễn văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa; triển lãm giới thiệu ảnh nghệ thuật về con người và tiềm năng 9 tỉnh có chung tuyến biên giới với nước bạn Lào trong quá trình hội nhập và phát triển…
Lễ khai mạc Ngày hội VH-TT&DL vùng biên giới Việt Nam - Lào năm 2017 sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 5-7-2017, tại sân Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La và được tường thuật trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
(Theo: cand.com.vn)