CÓ CÒN AI THẮC MẮC VỀ “TIẾNG VIỆT NHƯ BÙN”?
Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh
Phần lớn các nhà nghiên cứu, các độc giả và người yêu thơ đều cho rằng đề thi trích dẫn sai. Không thể “tiếng Việt như bùn” được. Trong nhiều bản in gần đây của thơ Lưu Quang Vũ đều là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Tranh cãi qua lại mãi rồi cũng đến hồi kết thúc. Bộ giáo dục trình làng nguyên văn cuốn thơ có in bài “Tiếng Việt”, rành rành câu “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Nhà văn Lưu Khánh Thơ, em ruột nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng cung cấp bản thảo gốc của bài thơ do chính tác giả viết tay, cũng là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” cùng lời lý giải vì sao “bùn” lại biến thành “đất cày” ở các bản in sau này. Lúc trước, bao nhiêu người hăm hở nhảy vào phân tích cái hay của “tiếng Việt như đất cày”, và miệt thị cái lỗi nhầm lẫn (do mọi người nghĩ vậy) của Bộ Giáo dục: cho tiếng Việt như bùn là giết tiếng Việt rồi còn gì! Lúc sau, lại bao nhiêu người nhiệt tình bình luận: phải là “như bùn” mới thậm hay. Bùn là tượng trưng cho trầm tích, cho phù sa sâu lắng...vv. Kể ra, văn chương có cái hay như thế. Bảo là tuyệt vời cũng được, mà nói không ra sao cũng có lý...
Kỳ thi đã khép lại, lẽ ra cũng chẳng nên nói qua nói lại làm gì về một việc đã rõ ràng rành mạch. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy “sao sao ấy” về cách nhìn, cách cảm của số đông với bài thơ “Tiếng Việt” - kể cả trong đáp án của Bộ Giáo dục. Kể cả khi chúng ta không còn tranh cãi về những câu thơ trích dẫn đúng hay sai nữa.
Việc đầu tiên tôi muốn trao đổi là khi muốn tìm hiểu về một câu, một khổ, một đoạn thơ nào đó thì trước hết phải biết đặt nó trong cả một hệ thống để nhìn nhận, mới có cái nhìn chính xác. Xem xét một đoạn thơ, phải cho nó nằm trong cả bài thơ, rộng hơn là cả
gia tài thơ của một tác giả, đặt trong phong cách nhà thơ ấy...vv thì mới có thể thẩm thấu được những điều nhà thơ muốn nói. Với học trò, đây là yêu cầu quá cao, nhưng với thầy cô giáo, những người làm đề thi và làm đáp án thi, buộc phải biết điều này. Chính bởi vậy nên cả đề thi lẫn đáp án môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi, theo tôi chưa thuyết phục - chỉ trừ việc trích dẫn không sai so với bản gốc. Nguyên văn đoạn trích là:
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.
Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.
Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.
Câu hỏi 1: Sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ nào trong khổ thơ thứ nhất?
Đáp án: Sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ: vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ, như bùn và như lụa, óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Chưa bàn đến chuyện trong đáp án nêu gần hết cả khổ thơ để trả lời, mà nguyên vấn đề xác định nội dung chính của khổ thơ là “sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt” đã không thực sự ổn. Có thể nói ngay: khổ thơ này không nói về sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt!
Trong bài thơ “Tiếng Việt”, trước đoạn thơ được trích dẫn này là 4 khổ thơ:
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.
Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.
Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.
“Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt...”
Đi mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.
Nội dung của bốn khổ thơ này là: sự thân thiết của tiếng Việt. Bài thơ là lời định nghĩa của nhà thơ về tiếng Việt. Trước tiên, tiếng Việt là những gì thân thiết và máu thịt nhất đối với mỗi con người. Đó là “tiếng mẹ gọi”, “tiếng cha dặn”, là những gì gắn bó với mỗi con người từ thủa ấu thơ, làm nên cuộc sống, từ những điều bình dị nhất, nhọc nhằn, cay đắng nhất. Những chi tiết gợi tả: cò trắng, đồng xa, hoàng hôn khói sẫm, gió thổi giữa cau tre, tiếng kéo gỗ nhọc nhằn... tiếng mưa dội ào ào... đều diễn tả những gì thân thiết, quen thuộc của cuộc sống quanh ta.
Sang đến đoạn thơ thứ hai (là đoạn trích trong đề thi), tiếng Việt được nhà thơ định nghĩa là những gì kỳ diệu, đẹp đẽ và bất tử. Khổ thơ được trích dẫn nằm trong tầng nghĩa ấy. Câu thơ đầu của khổ không có gì gây tranh cãi:
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Tiếng nói của dân tộc có trước chữ viết, điều đó ai cũng hiểu. Nhưng đến hình ảnh “Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ” thì bắt đầu gây tranh cãi. Có phải là “sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt” không? Xin thưa là không! Mượt mà và tinh thế thế nào ở trong hình ảnh này? Khó có thể phân tích cho thuyết phục. Nhiều người xoáy vào phép đối: vầng trăng cao/ đêm cá lặn sao mờ. Nhưng đối như thế để làm gì? Sao lại một bên thì trăng, một bên lại sao mờ? Hai thứ này liên quan gì đến tiếng Việt? Và nếu nói tinh tế với mượt mà thì tinh tế mượt mà ra sao ở hai hình ảnh này? Chúng ta phải đặt hình ảnh thơ trong hệ thống tín hiệu thẩm mỹ của toàn bài. Nói về tiếng Việt, về thứ thân thiết nhất trong cuộc sống mỗi con người, nhà thơ Lưu Quang Vũ luôn dùng hình ảnh của ca dao, tục ngữ, truyền thuyết... để gợi tả chiều sâu, sự gắn bó, truyền thống mấy ngàn năm... Cho nên hình ảnh “đi mòn đàng dứt cỏ đợi người thương” là ngữ liệu của ca dao, dân ca. “Đây muối mặn, gừng cay lòng khế xót” cũng gợi lên sự liên tưởng đến ca dao (Tay nâng chén muối đĩa gừng, gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau/ Trèo lên cây khế nửa ngày, ai làm chua xót lòng này khế ơi). Bởi vậy, cùng trong mạch thơ đó, những câu tiếp theo: “Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ” vẫn là ca dao (Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá cá lặn trông sao sao mờ/ Buồn trông con nhện chăng tơ/ Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai/ Buồn trông chênh chếch sao mai/ Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ) (Mình về có nhớ ta chăng? Ta như sao vượt chờ trăng giữa trời). Khi dân tộc chưa có chữ viết, thì tiếng Việt đã “vẹn tròn” hoàn chỉnh, đã lấp lánh cái hay cái đẹp. Mà ca dao, dân ca là nơi kết tinh vẻ đẹp của tiếng Việt. Cho nên hình ảnh thơ “Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ” phải đặt trong trường nghĩa ấy.
Đến hai câu thơ gây tranh cãi nhất trong khổ:
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ
Những người “ủng hộ bùn” phân tích rất hay ý nghĩa của “bùn” trong khổ thơ này. Nhưng dường như mọi người không đặt trong hệ thống tín hiệu thẩm mỹ của thơ Lưu Quang Vũ. Không có gì cầu kỳ khó hiểu ở đây. “Bùn” tượng trưng cho những gì cơ cực, khổ sở, cần lao, lấm láp (Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa - Thơ Nguyễn Duy). Thơ Lưu Quang Vũ nhiều lần nhắc đến bùn, vệt bùn trên áo, vệt bùn trên bánh xe, bùn đất dưới chân, dưới đường phố... để diễn tả cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, lam lũ (Người xa cách vẫn chung trời gió lộng/ Thương vệt bùn trên áo gió khô se - Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi) (Ở ngoài kia thành phố mưa bay/ Bùn lầy lội những ngả đường khuya khoắt/ Mưa và gió ầm ào trên mặt đất/Hai chúng mình bên cạnh một loài hoa - Hoa vàng ở lại). Còn “lụa” lại là những cao sang, quý giá. Tiếng Việt kết tinh từ cuộc sống, nhọc nhằn, lấm láp (bùn) nhưng cũng không kém phần sang trọng, đẹp đẽ (lụa). Nó vừa có vẻ đẹp của tấm áo nâu nhuộm bùn lại vừa có vẻ đẹp của xiêm y lụa là cao quý. Kỳ diệu hơn, tiếng Việt còn là:
Óng tre ngà và mềm mại như tơ
Hình ảnh tre ngà lại gợi lên truyền thuyết về một trong số các vị thánh “tứ bất tử” của Việt Nam - thánh Gióng. Trong suốt chiều dài lịch sử, tiếng Việt có lúc cũng thành vũ khí xung trận mạc, như cây tre đằng ngà trong tay người anh hùng làng Gióng. Một bài thơ thần ngâm trong đêm trăng trên sông Như Nguyệt đã khiến bao quân Tống hoảng hồn bỏ chạy. Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi soạn thảo khiến tướng quân nhà Minh hoang mang và hoảng loạn...vv. Tiếng Việt “óng tre ngà và mềm mại như tơ” là thứ ngôn ngữ vừa mang sức mạnh chiến đấu để bảo vệ non sông, vừa mang vẻ đẹp cao quý, dịu dàng.
Như vậy, nếu hiểu khổ thơ “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ” là diễn tả sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt e rằng chưa chuẩn xác lắm (tuy có một phần ý nghĩa này trong đó).
Nguồn: Văn nghệ