MỘT NGƯỜI BẠN NGA-TRUYỆN CỦA LÊ NGỌC MINH
Tôi cũng nói với anh, tôi là Hà Mi, sinh viên năm thứ hai trường đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Lomonosov. Hai chúng tôi đều có sở thích với môn cờ vua nên nhanh chóng trở thành bạn thân.
Sau trại hè, vào chiều thứ tư hàng tuần, Ivan đều xuống cổng trường Điện ảnh đón tôi vào xem chương trình chiếu phim hiện đại, tức là những bộ phim Nga vừa sản xuất chưa công bố ra đại chúng, chưa có dư luận chú ý đến để bắt buộc sinh viên năng khiếu nghệ thuật phải viết bài thẩm định bằng cảm nhận tự thân. Đôi khi chúng tôi cũng được xem một số bộ phim mới của các nền điện ảnh nổi tiếng như Italia, Mỹ, Nhật, Ba Lan, Pháp…
Ivan là một sinh viên có tài và quảng giao. Mỗi lần đến trường Điện ảnh xem phim, tôi đều thấy anh giống như vị ong chúa giữa một đám ong thợ. Các sinh viên- đạo diễn nhờ anh viết tiểu phẩm không thoại để làm bài tập, các sinh viên- biên kịch năn nỉ nhờ anh thẩm định chất lượng kịch bản - bài tập. Mấy em sinh viên-diễn viên eo co thon chuẩn như dáng nàng tiên cá thì mê mẩn vẻ đẹp rất thi sĩ Exenhin, Lermontov của anh. Có người còn ác khẩu nói rằng, mấy em đó bám cái túi đầy ních tiền của Ivan là chính, vì anh rất giầu, tiền nhiều hơn cả đại quân phát xít Hitler.
Làm quen với một số bạn sinh viên trường Điện ảnh, tôi nghe kể, mới năm đầu, bài thi nhập học của Ivan đã được xưởng phim Thanh thiếu niên mang tên Gorky nhận làm phim truyện ngắn. Từ đó, hàng năm anh thường có đến bảy tám tiết mục dạng ngắn được xưởng này dựng phim. Cứ mỗi cái ngăn ngắn đó, Ivan được trả ba ngàn ruble nhuận bút. Để bạn đọc dễ hình dung giá trị của đồng ruble hồi đó, xin đưa ra ví dụ, một chiếc xe đạp thể thao hiệu Sputnik giá chín mươi ba ruble, một cái bàn là nồi đồng cối đá là năm ruble bốn mươi copek.
Vừa kết thúc năm học thứ hai, do sự giới thiệu của một ông anh phiên dịch, tôi được theo lớp cán bộ trung cao bốn mươi người của Việt Nam đang tu nghiệp tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội đi tham quan tại thành phố Volgagrad sáu ngày. Tôi khoe với Ivan. Anh vui lắm, hứa sẽ về Volgagrad trước để đón đoàn và tự nguyện làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí. Tôi lo ảnh hưởng đến kỳ tốt nghiệp của Ivan nhưng anh bảo, kịch bản tốt nghiệp ngon rồi, các môn thi cơ bản cũng đã trả xong. Nhân dịp này, được đi theo một đoàn ngoại quốc tham quan thì cũng là điều bổ ích cho công việc viết lách của anh.
Khi chúng tôi xuống sân bay Volgagrad, thấy Ivan đã lái chiếc Lada ra đợi sẵn. Đi với anh còn có một cụ già ngực đeo trĩu huân chương và một thiếu nữ có vẻ đẹp nữ tính như nàng Aksinhia trong phim Sông Đông êm đềm nhưng thân hình cân đối, eo co ba vòng còn chuẩn hơn cả mấy em sinh viên-diễn viên xinh đẹp ở trường Điện ảnh của Ivan. Cụ già là Igor Ivannưts Ivannov, cha của Ivan, thương binh chiến tranh Vệ quốc. Chiếc Lada mà Ivan lái là tiêu chuẩn nhà nước Xô viết cấp cho các thương binh như cụ. Thiếu nữ xinh tươi nữ tính là em gái Ivan, nàng tên là Nhina Ivanovna, sinh viên năm thứ hai, trường đại học Sư phạm Volgagrad.
Các cán bộ đoàn Việt Nam thoạt nhìn thấy cụ Igor liền quây lại thăm hỏi, chụp ảnh kỷ niệm. Tôi dịch đến vã mồ hôi mà không thể nào khắp lượt được. Đến khi có xe của tour du lịch đến đón, cụ Igor liền được phía ta mời lên xe lớn ngồi cùng để hỏi chuyện tiếp. Và theo nguyện vọng sốt dẻo của đoàn, Ivan và Nhina chạy chiếc Lada dẫn đường cho xe du lịch tiến thẳng tới khu tượng đài Mẹ-Tổ quốc, một biểu tượng bậc nhất của thành Volgagrad anh hùng.
Xe đến, đỗ gần chân tượng đài. Tất cả các vị khách thật sự bị choáng ngợp trước sự bề thế của pho tượng. Chờ cho mọi người chụp ảnh xong, Ivan say sưa giới thiệu kỹ lưỡng về bức tượng Mẹ-Tổ quốc. Ai là tác giả, nó được thực hiện thời gian bao lâu, chế tác bằng chất liệu gì? Riêng thanh gươm Mẹ -Tổ quốc giơ cao lên trời đã có chiều dài tới bảy mét nặng tới hai tấn rưỡi. Toàn bộ pho tượng có trọng lượng dễ chừng đến mấy trăm tấn nhưng có cảm giác nó nhẹ nhàng, thân thiện như sắp bước ra với quảng trường, với đại lộ của thành Volgagrad rộng lớn.
Có một ông tuổi trung niên, là phó chủ tịch của một tỉnh ở miền Trung cứ ngắm nghía pho tượng mãi không thôi rồi ông bỗng lắc đầu tặc lưỡi, thốt lên: “Không được! Không đươc! Mẹ sao l. to thế?”. Tất cả đám người Việt đều phì cười, trừ ông vừa thốt ra câu đó. Chúng tôi tiếp tục cười, có người ôm bụng mà cười nhưng ông phó nọ vẫn nghiêm khắc nhìn pho tượng cùng với những cái lắc đầu tiếp tỏ thái độ phản ứng.
Cung cách bất thường của ông phó này khiến cụ Igor lưu tâm, hỏi tôi: “Anh ấy vừa nói câu gì mà khiến các bạn tức cười thế?” Tôi không dám dịch lại vì sợ bất nhã. Song, tiếng cười vẫn cứ chực bật ra khi mọi người nhìn vẻ mặt nghiêm trang, khó chịu của ông phó. Cụ Igor lại hỏi tôi. Tôi nhìn Nhina, tự nhiên mặt đỏ rựng lên. Nhina như hiểu được có sự trắc ẩn, cô xin đi ra xe lấy nước uống cho đoàn. Nhina đi rồi, Ivan vỗ vai tôi: “Miska (cách người Nga gọi tên Mi của tôi một cách thật mật”), cái gì đã xảy ra đáng buồn cười như vậy?” . Tôi ra hiệu cho Ivan để được nói nhỏ với cụ Igor. Tôi quan sát thấy mọi người phía Việt Nam đều lặng phắc, còn ông phó kia thì bắt đầu hãi sợ. Cụ Igor lại nhìn tôi. Tôi đành ghé sát vào tai cụ nói thật nhỏ. Cụ Igor cười tóa lên, cởi mở vẫy ông phó lại gần. Ông phó mặt vẫn tái nhợt, đá nhanh ánh mắt về phía tôi đầy vẻ trách móc. Cụ Igor bắt tay ông phó, cười vui vẻ giải thích: “Mẹ - Tổ quốc phải sung mãn thế mới sinh ra được những binh đoàn hùng mạnh chứ!”. Tôi dịch lại cho cả đoàn nghe. Mọi người đều “à” lên một tiếng giải tỏa, ông phó cũng lấy lại được thần sắc. Nhân đó, ông xin lỗi cụ Igor, xin lỗi các đồng liêu hãy bỏ qua sự nhận xét trực giác thô thiển của ông. Ông trưởng đoàn nói câu rất quan điểm: “Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng về cái đẹp. Cụ Igor có cái lý của cụ. Ta nghe để tham khảo thôi nhé! Còn chuyện vừa rồi, tôi đề nghị không lưu truyền tiếp”. Ông trưởng đoàn nói và bắt tay ông phó chủ tịch như một sự ân xá bỏ qua.
Dường như không yên tâm việc phó thác cho tôi nên hai hôm sau ông anh bay xuống Volgagrad làm phiên dịch chính. Sau đợt, ông anh thưởng cho tôi được ở lại theo Ivan đi tham quan miền sông Đông. Đã đọc mấy lượt Sông Đông êm đềm từ thời còn là lính tráng bằng tiếng Việt và cuối năm học vừa rồi, lại được viết khóa luận về tác phẩm này bằng tiếng Nga nên tôi luôn tự tin mỗi khi đàm đạo với Ivan về các nhân vật trong Sông Đông êm đềm. Cụ Igor là dân Cozak và đã sống cả thời tuổi trẻ tại sông Đông nên cụ kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện ngoài Sông Đông êm đềm. Cụ luôn trầm trồ khen kiến thức tuyệt vời của nhà văn Solokhov vĩ đại. Cụ bảo, không trang nào của Solokhov không có máu xương, mồ hôi, nước mắt, tình yêu, phong tục, hủ tục của người dân Cozak- sông Đông. Hứng chí lên, cụ se sẽ hát bài ca của dân Cozak- sông Đông mà tôi đã được nghe trong phim Sông Đông êm đềm: “Người vợ trẻ hướng về phương bắc/ Sớm ngóng trông, chiều lại ngóng trông/ Đợi, đợi mãi mong có ngày sẽ thấy/ Ngựa chiến trả về chàng Cozak bạn lòng”.
Ivan và Nhina dùng chiếc Lada đưa tôi đến thăm nơi đạo diễn Sergei Gherasimov thực hiện cảnh quay bộ phim Sông Đông êm đềm. Trường quay vẫn còn được giữ nguyên vẹn như một bảo tàng. Chúng tôi thuê ngôi nhà của nàng Akxinhia và chàng Stephan nghỉ lại đó một ngày đêm. Nhina trổ tài nấu các món ăn Cozak. Tôi cũng đem món tủ là nem rán kèm rau sống ra cống hiến góp vui.
Hai chúng tôi vừa làm xong các món thì Ivan đưa về mấy ông già Cozak, trong đó có một cụ trông rất giống cụ Panteley, cha của chàng Grigori. Ông cụ mang theo một cái đàn và vừa vào nhà liền tay gẩy miệng hát bài dân ca Cozak, giọng rất hào sảng: “Biển Azov ầm ầm cuộn sóng/ Đoàn chiến thuyền tiến ngược sông Đông/ Chàng Cozak trai tráng đẹp mã/ Về với quê hương nhà cửa ruộng vườn”.
Bữa ăn kéo hơi bị lâu nhưng thật vui nhộn và thú vị. Sau khi tiễn khách, ba chúng tôi đi dạo dọc bờ sông Đông. Đã gần tối nhưng không gian vẫn còn ánh mặt trời. Một dải mây màu kén tằm vắt ngang sườn dãy núi bên kia sông Đông. Nhina chỉ áng mây, bảo tôi: “Mây của Lermontov đấy!”, rồi nàng cao giọng đọc: “Đám mây vàng yên ngủ/ Tựa mình trên vách đá cao nghiêm!”. Khi đọc hai câu thơ đó, ánh mắt Nhina có cái gì lạ lắm. Sáng ngời! Tình tứ! Xanh thăm thẳm! Phát lộ mênh mang!
Khi chúng tôi quay về nhà Aksinhia, Nhina không vào phòng mình mà đi ra phía đồng cỏ. Trong nhà, Ivan tủm tỉm bảo tôi: “Em gái tao phải lòng mày rồi đấy! Mày ra với nó đi! Tao ủng hộ hai đứa!”.
Tôi sững lịm cả người. Nhina phải lòng tôi ư? Không thể! Nàng đẹp quá! Vẻ xinh đẹp của nàng luôn toát ra uy lực. Tôi chưa một lần dám nhìn thẳng vào gương mặt nàng. Đôi lúc hiếu kỳ thì chỉ dám nhìn trộm, nàng cao cỡ dư thước bảy, chẳng phấn son gì mà cứ rực lên toàn thứ màu tươi rỡ. Còn tôi, một gã đầu đen, mũi tẹt, hai bàn chân khi bước luôn có xu hướng chụm lại kiểu vơ rác. Nghĩa là quê như một cục đất cằn. Nếu đúng như Ivan nói, nàng phải lòng tôi thì phải lòng cái nỗi gì?
Thấy tôi thần độn mặt ra như một gã muzhik nghễnh ngãng, Ivan nói tiếp: “Nhina có con mắt nghệ thuật đấy. Người thường thì chỉ khi nhìn điện Cremli mới thấy đẹp, còn người nghệ thuật, nhìn cái phòng này, biết có những chỗ đẹp đáng nhìn. Em gái tao đã nhìn thấy cái độc đáo của mày. Tới đi, đừng để thiếu nữ sông Đông phải buồn!”.
Nghe nhận xét có vẻ xu phụ của Ivan, tôi choáng và tôi càng thêm hoang mang lắm lắm! Không phải tôi không thích Nhina. Một gã thanh niên mới hai lăm tuổi, mặt mũi dễ coi, tuy quê kiểng chút chút nhưng sức vóc tôi so với đám người Việt đầu đen thì cũng đến nỗi nào, vì tôi cao thước sáu chín nặng sáu mươi cân, do chăm tập thể dục nên tôi cũng có được bộ ngực nở nang và cái bụng thon hằn lên dăm sáu múi. Nhưng khi đứng cạnh Nhina, sao tôi vẫn luôn cảm thấy mình thấp bé nhẹ cân đến thế! Và cơ bản tôi mất tự tin vì những nét nân nẩy đầy sức hút nữ tính của nàng. Cũng đã có lần tôi thành thật khen nàng bằng câu thơ của thi sỹ Thu Bồn có hoán đi vài chữ: “Nhina cười, ánh sáng cũng cười theo”. Nghe thế, Nhina thích lắm, hỏi đó là thơ của ai. Tôi trí trá: “Thơ nẩy ra từ nụ cười của Nhina đấy!”. Ngẫm lại thì tôi cũng đã biết tán gái bằng chữ nghĩa. Nhưng mà tán để mà tán thôi chứ làm theo gợi mở của Ivan thì tôi không dám. Không dám vì những điều băn khoăn tự ti về hình thức. Không dám còn vì một lý do nữa là hồi đó, yêu người nước ngoài bị coi là trọng tội. Ngày tôi mới sang học tại khoa Dự bị tiếng Nga đã chứng kiến cảnh một nữ sinh viên người Hà Nội phải về nước do bị bạn học cùng phòng phát hiện, tố giác cô có cuốn nhật ký ghi lại cuộc tình đắm say với một sinh viên người Ba Lan.
Ivan như đọc được băn khoăn của tôi nhưng anh lại nghĩ theo hướng khác: “Nhina không phải là Akxinhia đâu. Đừng có ngại!”. Tôi cười trừ và nói câu thô vụng: “Cảm ơn Ivan, Mi đã có người yêu rồi!”. Ivan gật đầu: “Thật tiếc! Nhưng tao chúc mừng mày đã có cô gái của mình”.
Ngày Ivan tốt nghiệp, tôi được anh mời. Buổi bảo vệ tốt nghiệp cho sinh viên khoa Kịch bản điện ảnh diễn ra trong một giảng đường rộng vừa phải và rất tôn nghiêm. Ngồi sau bàn Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp gồm bảy thành viên toàn là các tác gia điện ảnh nổi tiếng, biên kịch của nhiều bộ phim kinh điển. Phía cử tọa, ngoài các sinh viên ứng thí, tôi còn thấy có các đạo diễn, diễn viên lừng danh cũng tham dự như: Bondartruk, Chikhonov, Gurtrenko, Bytritskaia (người sắm vai nhân vật Akxinhia trong phim Sông Đông êm đềm)… Buổi bảo vệ tốt nghiệp do giáo sư, nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng Gabrilovits làm chủ tịch. Qua lời giới thiệu của bà trưởng khoa Kịch bản, giáo sư Gabrilovits còn là chủ nhiệm lớp của Ivan.
Ivan được xếp là người bảo vệ đầu tiên của lớp. Có lẽ do tên tuổi của anh đã được công nhận nên anh bảo vệ khá nhanh, chỉ mất chừng mười lăm phút và được giáo sư chủ nhiệm lớp, chủ tịch hội đồng kết luận: “Sinh viên Ivan Ivannưts Ivannov đã là nhà biên kịch ngay từ năm học thứ nhất. Chúc nhà biên kịch trẻ có nhiều tác phẩm hay, tính chuyên nghiệp cao trong tương lai”.
Cử tọa vỗ tay và tặng hoa. Trong phút giây thành công ấy, Ivan mang hoa đến tặng các thầy trong hội đồng, các thầy ngồi dự thính rồi anh trở về chỗ ngồi ở cuối giảng đường xem các bạn trong lớp bảo vệ.
Buổi bảo vệ tiếp tục diễn ra suôn sẻ cho đến hết người thứ tám.
Người thứ chín vào cuộc là một sinh viên da nâu đến từ vùng Vịnh. Anh có dáng người cao lớn, vững chãi và đặc biệt có bộ râu rậm đen tuyền sợi to, dài ánh lên màu sức lực. Anh vận bộ comple thời trang mầu sáng trông thật hợp với thời tiết ngày hè dịu mát ở xứ lạnh. Anh lại may mắn vào cuộc bằng con số chín, con số cực đẹp về vận hội. Lên bục diễn giả, anh cúi chào cử tọa điệu nghệ như một diễn viên ngôi sao có hạng… Mọi người đáp lại sự nghiêm kính đó bằng các tràng vỗ tay. Theo giới thiệu của bà trưởng khoa, tên anh là Phayden, họ Mutlah.
Phayden bắt đầu trình bày về kịch bản của mình. Anh mới nói được dăm câu thì trong cử tọa bắt đầu rộ lên tiếng thì thào. Bà trưởng khoa ngồi ở bàn thư ký và ông phụ trách quan hệ quốc tế của trường ngồi cạnh nữ diễn viên Gurtrenko mặt mày lộ vẻ thất sắc. Bà trưởng khoa luôn đáo mắt cho Phayden nhưng anh ta không quan tâm và càng tỏ ra tự tin hơn trong cách trình bày. Mọi người đổ dồn cái nhìn vào giáo sư Gabrilovits nhưng vị giáo sư này vẫn bình thản như không có việc gì xảy ra cả. Ông còn hơi mỉm cười, nhắc các bạn sinh viên đang có biểu hiện ồn ào: “Các bạn ơi! Chúng ta hãy trật tự để nghe anh Phayden Mutlah trình bày nào!”.
Cử tọa im lặng ngay. Phayden vẫn chậm rãi rành rõ trình bày với vẻ mặt mỗi lúc một đanh lại. Nội dung kịch bản tốt nghiệp của anh kể về thân phận một thanh niên tên là Phah đến từ vùng lò lửa chiến tranh Trung Đông. Rất không may cho Phah, anh bị làm sinh viên của một giáo sư Xô viết gốc Do Thái tên là Gab. Vị giáo sư tên Gab đã không hề ưu tiên điểm thi cho Phah mỗi khi anh ta đề nghị thầy chủ nhiệm dành cho mình một cơ chế đặc biệt mà còn khuyến cáo: “Trong nghệ thuật không có sự chiếu cố nào cả. Muốn đạt đến chân lý của cái hay, cái phát hiện chỉ có thể lao động cật lực bằng trí tuệ, mồ hôi và sự đam mê vô hạn độ!”. Phah đã phản biện lại giáo sư Gab: “Chúng tôi thừa trí tụê, tâm hồn, chúng tôi không những có dư mồ hôi mà còn có cả núi xương sông máu chống kẻ thù Do Thái. Ngài đừng dạy chúng tôi cái điều ây, bây, xây (A,B,C) đó nữa”.
Kết thúc kịch bản tốt nghiệp, Phayden viết đại ý: Phẫn chí, Phah đã lập mưu khủng bố vị giáo sư gốc Do Thái. Anh ta mua một trăm bao diêm, tỉ mẩn gột bằng hết thuốc diêm ở các đầu que, nhồi chúng vào ruột một bánh xà phòng 72% chắc nịch như nửa hòn gạch và có dặm thêm vào đó mấy miếng thủy tinh đập từ cái cốc vại ra. Phah lắp kíp mìn đặt được nó dưới chiếc ghế của giáo sư Gab tại khoa Kịch bản. Mìn nổ. Giáo sư Gab chết bất đắc kỳ tử… Nhưng đó chỉ là một giấc ác mộng. Phah lại tiếp tục những ngày học buồn chán và căm hận ...
Phayden kết thúc phần trình bày bằng một câu quét: “Cám ơn hội đồng bảo vệ tốt nghiệp đã cho phép tôi được trình bày hết sức khái lược về một thân phận bi đát và mong được sự ủng hộ cá nhân tôi, dân tộc tôi. Cảm ơn tất cả!”.
Qua trình bày của Phayden, cử tọa hiểu rằng, anh ta ám chỉ giáo sư Gabrilovits bằng cái tên Gab. Còn nhân vật Phah hẳn là anh ta-Phayden Mutlak. Có thể nói là bị tấn công vỗ mặt và cạnh khóe nhưng giáo sư, chủ tịch hội đồng Gabrilovits vẫn điềm tĩnh mời cử tọa: “Quý vị và các bạn! Chúng ta đã được nghe sinh viên Phayden trình bày về nội dung kịch bản tốt nghiệp. Theo qui trình, tôi xin mời chúng ta thảo luận thật cởi mở để giúp cho hội đồng có được sự tham khảo khách quan nhất trước khi đưa ra kết quả chấm thi cho sinh viên tốt nghiệp Phayden Mutlah. Xin mời!”.
Im lặng. Phayden nhìn nhanh khắp lượt. Ông trưởng khoa Quan hệ quốc tế nhấp nha nhấp nhổm như người ngồi trên đống lửa.
Vẫn im lặng. Dù giáo sư Gabrilovits nhắc lại lần thứ hai câu đã nói.
Đang ngồi, bỗng Ivan làm động tác xin lối ra. Tôi né. Ivan len ra nhanh. Anh đến chỗ cái bàn để kịch bản và tài liệu tốt nghiệp của sinh viên cả lớp.
Ivan tìm quyển kịch bản của Phayden Mutlah, giở giở ra xem rồi giơ lên. Cuốn kịch bản trông khá mỏng chỉ chừng vài chục trang đánh máy. Sau khi xin phép cử tọa, anh nói: “Tôi muốn trao đổi với Phayden hai vấn đề, thứ nhất dường như anh chưa tôn trọng nghề nghiệp viết kịch bản phim. Theo thông lệ quốc tế và thực tiễn sản xuất phim hiện đại, một kịch bản cho bộ phim chín mươi phút thời lượng màn ảnh phải tương đương với chín mươi trang đánh máy khổ giấy A4 và khoảng từ hai lăm đến ba mươi phân đoạn. Nhưng kịch bản của anh Phayden chỉ được viết có hai chín trang và bảy phân đoạn. Kịch bản điện ảnh phải có hình ảnh của bộ phim trên giấy. Đằng này, cách viết của anh Phayden là dạng bài báo dài, không hề có yếu tố montage, rất ít chi tiết hành động mà thiên về suy ngẫm nội tâm… Nhưng thôi, nói nghề nghiệp bao giờ cũng cần bài bản và dài dòng. Tôi muốn nói đến vấn đề thứ hai rất hệ trọng…”.
Phayden ngắt lời Ivan bằng thứ giọng gay gắt: “Xin lỗi. Chúng tôi có cách làm phim của chúng tôi. Hai mươi chín trang đã là quá dài!”. Ivan bình tĩnh nhìn Phayden rồi hướng về cử tọa, nói tiếp: “Vấn đề thứ hai, đó là nhân cách của người cầm bút. Phayden ơi, theo tôi, anh tuyệt đối không nên dùng chữ nghĩa để tấn công hạ nhục con người, đặc biệt là thầy giáo của chúng ta. Anh nhân danh vấn đề Do Thái để mạt mạ thầy. Thầy Gabrilovits, gốc Do Thái thì đã sao? Cha mẹ thầy đã bị bọn SS tàn sát ngay hôm đầu tiên chúng chiếm pháo đài Brest. Thầy của chúng ta là gốc Do Thái thì đã sao? Trên đất nước Xô viết hiện tại có bảy triệu người Nga gốc Do Thái sinh sống. Nhà điện ảnh vĩ đại nhất của mọi dân tộc và mọi thời đại Sergei Eyzenstein, người được đặt tên cho con đường chạy qua trước cửa ngôi trường của chúng ta là Do Thái đấy. Thầy của chúng ta, mười chín tuổi đã là phóng viên chiến trường đặc biệt cho báo Sao Đỏ, bảy mươi tuổi được phong Anh hùng lao động do những cống hiến xuất sắc cho văn học và điện ảnh. Thầy của chúng ta, khi làm trưởng đoàn điện ảnh Liên Xô tại liên hoan phim Tây Berlin đã bỏ ra khỏi phòng chiếu bộ phim Mũ nồi xanh, để phản đối thái độ phỉ báng cuộc chiến tranh chống xâm lược của người Việt Nam. Thầy của chúng ta đã đào tạo nên những Tsukhrai, Bondartrúc, Shukshin…”. Phayden mỉa mai ngắt lời: “Và cả Ivan Ivannưts Ivannov nữa!”. Ivan đáp ngay: “Đương nhiên”. Phayden giục: “Nữa đi, Ivan!”. Ivan: “Dài rồi, Phayden à, có thể là chưa đủ nhưng tôi xin dừng ở đây, cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm lắng nghe”.
Tiếng vỗ tay dài tán thưởng. Ivan đi xuống, có một số người với tay ra bắt tay anh…
Không có ai trong số cử tọa nói gì thêm. Sau đó, khi chờ hội đồng cho điểm, Phayden còn nói mấy câu rặt mùi ám chỉ đối với Ivan, khiến bà giáo chủ nhiệm khoa Kịch bản phải yêu cầu anh ta dừng…
Vài ngày sau, Ivan đến tìm tôi. Anh cho biết cả lớp đã nhận bằng tốt nghiệp riêng anh bị treo một năm vì lý do, đã làm ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của trường. Tôi an ủi chia sẻ. Ivan cười: “Không sao! Cũng là một cơ hội có thêm thực tế thôi mà!”. Ivan rủ tôi đi đội xây dựng ở Sibir rất dễ kiếm bộn tiền nhưng tôi từ chối vì đã xin đi làm hè ở Moscva rồi. Chúng tôi mất liên hệ với nhau từ đó, mặc dù năm sau tôi có đến trường Điện ảnh dò hỏi tin tức về Ivan. Người ta cho tôi biết anh đang đi đội khai thác dầu lửa ở gần Bắc Cực, trường đã báo anh về nhận bằng tốt nghiệp nhưng không thấy hồi âm. Bà chủ nhiệm khoa Kịch bản nói với tôi: “Ivan là con gấu trong rừng Taiga. Có thể bất ngờ cậu ấy sẽ mang về cho bạn một đõ mật quý đấy!”.
*
Nhân đọc truyện ngắn Hơi thở nhẹ của văn hào Nga, Ivan Bunhin, giải thưởng Nobel năm 1933, được nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang chuyển ngữ quá hay, tôi tò mò tra tên tác giả để tìm nguyên tác, đối chiếu. Không tìm được Hơi thở nhẹ nguyên tác nhưng cái tên Ivan của Bunhin đã kéo theo rất nhiều Ivan khác hiện lên. Tôi thấy một cái tên Nga, vừa đọc đã bật cười: Ivan Ivannưts Ivannov. Dưới cái tên có đến ba tiếp đầu từ Ivan là những dòng giới thiệu. Chỉ cần đọc qua tôi đã nhận ngay ra, đó Ivan Ivannưts Ivanov bạn cũ của tôi. Anh đã thành nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh tên tuổi, có địa chỉ email, số mob in kèm.
Tôi mừng quá, bấm số di động mã vùng Liên bang Nga, gọi cho Ivan. Bấm xong, tôi sực nhớ lúc đó mới tám giờ tức là bốn giờ sáng, giờ Moscva, thời gian mà người Nga đang say giấc. Tôi viết mail có cả số di động và post vào địa chỉ email của Ivan. Post xong chừng một phút thì máy di động của tôi reo lên. Tôi vừa alo thì nghe giọng chào bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Chào buổi sang tốt lành, Miska” rồi sau đó là tiếng Nga đúng giọng của Ivan, anh thông báo, anh đến Nha Trang đã được một tuần. Anh rất xúc động và bất ngờ được gặp tôi qua điện thoại trong buổi sáng đẹp trời nhất từ hôm anh đến Việt Nam.
Tôi bay vào Nha Trang. Lại thêm một bất ngờ nữa, Ivan làm đầu bếp trong một nhà hàng Nga có tên là Sông Đông. Cùng đi với anh là một phụ nữ trẻ chỉ chừng 30 tuổi, có vẻ đẹp dịu mượt rất Nga thời Phục hưng. Ivan giới thiệu, đó là Olga Muzavinopva, nhà ngôn ngữ học, cựu sinh viên trường Lomonosov của tôi. Tôi mừng vì được gặp Ivan, được gặp người cùng trường. Lúc Olga có việc phải đi, tôi hỏi đùa: “Tập mấy?”. Ivan: “Tập 1 và chỉ có một tập này thôi!”. Ivan sôi nổi kể, anh đã qua nhiều nghề, nhưng đọng lại hai nghề đã ngấm vào máu là viết kịch bản phim và làm thơ cùng một sở thích đến phiêu phê là đi du lịch ở những nơi nổi tiếng trên thế giới. Anh đã từng có các bóng hồng để quan tâm và vướng vít nhưng chỉ có Olga là người đã sống giá thú với anh được mười một năm rồi, càng ngày họ càng thấy giống như hai người đang phải lòng nhau.
Tôi hỏi về nghề đầu bếp của anh. Anh giơ một ngón tay lên: “Kiếm tiền để khám phá một thế giới mới”. Thế giới mới đó được anh giải thích, anh đọc mạng, biết ở Việt Nam sắp có du lịch ra đảo Trường Sa. Vợ chồng anh đăng ký xin làm cho nhà hàng này để chờ cơ hội. Anh là đầu bếp chính và trực tiếp đảm nhiệm hai món tủ: món saslyk (thịt cừu nướng) và món bắp cải cuốn nhân thịt. Anh kêu mang hai món tủ đó cùng với chai rượu Vodca nhãn hiệu thời thượng Zoloto Party đến bàn ăn, khoản đãi tôi tới bến. Chợt Ivan hỏi: “Miska, anh đã ra Trường Sa chưa?”. Bị bất ngờ, tôi lúng túng đáp: “Chưa! Chưa có điều kiện”. Ivan cười: “Điều kiện thì phải tạo lấy chứ! Nào cạn chén cho một cơ hội hy vọng”.
Tôi đỏ mặt. Xấu hổ.
Nguồn Văn nghệ số 20/2017