NHÀ VĂN LỚN LÀ NGƯỜI TẠO RA ĐỘC GIẢ
HUỲNH TRỌNG KHANG - Xin lỗi các bạn khi bản tham luận thô vụng này đã không được chuẩn bị kỹ, nguyên do là vì lúc đầu tôi không thu xếp được công việc, cứ nghĩ mình không đến được đây. Tôi là người không quen nói trước đám đông, có lẽ bản tham luận này vì thế cũng chán hơn một chút.
Khi được đặt viết bài tham luận này, không hiểu sao tôi chợt nghĩ ngay đến mấy câu thơ của Rimbaud trong bài Roman:
Chẳng nghiêm túc khi anh mười bảy tuổi
Dưới cây xanh, thơ thẩn dạo trên hè
Rimbaud viết bài này khi ông mười bảy tuổi. Trước bài thơ hai năm, ông bắt đầu in những bài thơ đầu tiên, và sau bài thơ này hai năm, ông viết những bài thơ cuối cùng của mình. Kể từ đó, ông buôn lậu, đi khắp nơi, cuối cùng bị thương và qua đời ở tuổi ba mươi tám.
Trong các bài viết của người đương thời lẫn hậu thế về ông, chưa thấy ai gọi ông là nhà thơ trẻ, và vài nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới, những người chịu ảnh hưởng của Rimbaud, lại xem ông là tượng đài của thơ trẻ, hay nói đúng hơn, họ coi ông là nhà thơ của tuổi trẻ, của sự phá cách, của nổi loạn, của tinh thần lãng mạn. Rimbaud cho ta một định nghĩa về “người viết trẻ”, đó là định nghĩa không phải được phân định bởi tuổi tác, cũng không phải bởi sự mới – cũ trong cách viết; nó được phân định bởi thứ duy nhất mà thượng đế đã trao cho tuổi trẻ như một đặc ân: sự tự do không định kiến, sự thảnh thơi như Rimbaud thuở ấy, có thể thơ thẩn dạo bước dưới những tán cây xanh.
Nhưng có một điều ở Rimbaud tôi không đồng ý, khi ông cho rằng chẳng cần nghiêm túc gì đâu khi anh còn trẻ. Ừ thì bạn chẳng bị ràng buộc thật đấy, ừ thì bạn chẳng phải chịu một thứ trách nhiệm nào, nhưng đấy là bạn sống đời sống của một người trẻ tuổi bình thường, một-người-trẻ-tuổi-không-văn-chương.
Tôi không thích chúng ta cứ lưu hành mãi những kiểu chuyện biến làng văn thành một huyền thoại – kiểu như viết thật đơn giản, phóng bút là được ngàn bài, hay tất cả những gì tương tự vậy.
Tôi cũng không thích khi đọc một bài phỏng vấn tác giả mới – khi được hỏi thì tác giả bảo rằng anh ta chỉ xem văn chương như một cuộc chơi, rồi sau đó, như thấy mình cũng hơi hố, thế là lại đế thêm vào câu: Nghề chơi cũng lắm công phu.
Xem văn chương như một cuộc chơi là cách nói làm nhẹ trách nhiệm của ngòi bút. Bởi chơi thì phải vui. Đọc lại những trang ta viết hôm qua, chúng ta có thấy vui không? Tôi muốn thẳng thắn rằng nếu người ta muốn tìm vui, người ta có thể đi đến quán rượu tụ tập bạn bè, có thể hẹn hò người yêu, có thể đi du lịch, chứ không bao giờ người ta tìm vui trong văn chương làm gì.
Văn chương là người vợ không bao giờ cưới, kiên nhẫn tồn tại ở xó xỉnh nào đó trên thế gian này, chỉ để đón khuôn mặt thất thểu của chúng ta khi trở về và nghe ta kể lể đủ thứ chuyện trên đời, để ta trút hết nỗi mặc cảm trong lòng, và rồi ta sẽ tìm vui nơi khác.
Văn chương là thế. Chưa bao giờ là lựa chọn đầu tiên, nhưng luôn là lựa chọn tối hậu cho tất thảy những tâm hồn nhạy cảm cùng tồn tại dưới gầm trời này.
Tôi tin rằng không có một giọt mực nào rơi trên giấy lại không mang trong mình một sứ mệnh, một trách nhiệm, sự ký thác của tâm hồn người viết gửi lại cho nhân gian. Do đó, mọi tác phẩm được viết ra phải kèm theo đó một sự trân trọng không chỉ với bản thân mình mà còn đối với độc giả.
Nhà văn là người tạo ra tác phẩm, nhưng nhà văn lớn là người tạo ra độc giả.
Sự tôn trọng duy nhất mà nhà văn dành cho độc giả chính là sự khó chịu, là những đòi hỏi không bao giờ được thấp hơn thị hiếu của độc giả.
Trước tác phẩm của bạn, có thể lớp độc giả ấy chưa xuất hiện, nhưng sau tác phẩm của bạn, lớp độc giả ấy được hình thành. Bạn phải luôn đòi hỏi bản thân cao hơn, bước qua những giới hạn của chính mình và cùng lúc đó bạn nâng tầm của độc giả lên… Rồi dần dần, tác phẩm đó sẽ trở thành lạc hậu, và dọn đường cho một tác phẩm khác.
Tôi không tin vào nước mắt, tôi không tin vào tiếng cười, tôi không tin vào những cảm xúc được biểu đạt quá dễ dàng ra bên ngoài cho người thấy, tôi tin vào những thứ cuộn tròn trong nỗi đau khổ để giấu mình tránh xa ánh mắt soi mói của người khác, mọi thứ trên đời đều chỉ là giả tá, chẳng bám víu được vào đâu cả.
Đó cũng là lý do tôi đến với văn chương.
Văn chương là khả thể duy nhất chân thật hiện hữu trong thời gian và giữa thời gian, chỉ văn chương là khả thể duy nhất đối chọi lại với sự tha hóa, bởi một văn chương chấp nhận sự tha hóa là một văn chương chết, một thứ sinh thể không có bản ngã, nó không còn là văn chương nữa khi nó khước từ bản ngã.
Chính vì tính hạn chế thể loại của nó, một tác phẩm văn chương chắc chắn phải hình thành dựa trên một lõi cảm xúc nhất định. Ta không thể vào bàn và nói hôm nay ta sẽ làm một bài thơ – dĩ nhiên ta có thể làm một bài thơ theo cách đó, nhưng tôi tin đó không phải là một bài thơ hay, bởi một bài thơ như lữ khách gõ cửa nhà ta trong một đêm đông, bước vào căn phòng của ta khi ngoài trời bão tuyết và bảo ta chơi một tẩu khúc trong khi y hát lên một lần duy nhất, như thể y sợ sẽ không thể hát thêm lần nào nữa, rồi y bỏ đi.
Không thể định đoạt được sự xuất hiện của một tác phẩm, nó có thể có những dấu hiệu nhưng không dấu hiệu nào có vẻ chính xác, và nó đến, như cách nó sẽ đi, cảm xúc sẽ trôi tuột khỏi tay ta qua thời khắc mà cả vũ trụ dừng lại chỉ để cảm xúc cất lên. Văn chương đã vang lên như thế, trong sự im lặng tuyệt đối, vì thế mà người ta có thể nghe rõ từng nhịp rung, từng quãng giọng, từng cao độ của nó, bởi thế mà nó không thể che đậy tất cả những sở đoản của mình, bởi thế mà nó không thể giả tạo.
Nó còn là nơi cho ta sống một phần đời khác, nhà văn có thể giấu bản ngã của mình trong những bản ngã khác, nhà văn có thể trở thành một kẻ khác mà không ý thức được sự sa đọa, tha hóa của mình. Tiểu thuyết là thứ viết ra để kể câu chuyện của kẻ khác, kể cả một tiểu thuyết giàu tính tự thuật thì người viết cũng bị nhầm lẫn, y vẫn đang kể câu chuyện của người khác, người khác ấy do y nhìn thấy, soi lấy, đọc qua bản ngã của y, không có gì đảm bảo sự chân thật tuyệt đối khi tất cả được lọc qua nhãn quan cá nhân. Tôi không tin vào bất kỳ hồi ký, tôi không tin vào sự phi hư cấu, bởi tất cả chúng ta đều là hư cấu, tất cả chúng ta hình thành dựa trên cách thế giới nhìn thấy chúng ta. Trong Thánh Kinh khi Thiên Chúa phán rằng “ta là Hiện Hữu” (Ayeh Acher Ayeh), có nghĩa là, con người cũng như mọi sự vật khẳng định sự hiện hữu của mình chỉ khi nào có sự hiện hữu của Thiên Chúa, do đó, con người và vạn vật chỉ là bóng phản chiếu của Thiên Chúa, hiện hữu qua sự hiện hữu của Thiên Chúa. Và khi Chúa bỏ trái đất này đi, người để lại cho chúng ta một câu hỏi khó. Con người tự cho là mình hiện hữu, nhưng con người có thực sự hiện hữu hay không?
Vì thế mà mọi tranh luận về phản ánh hiện thực hay không phản ánh hiện thực trong văn chương không còn ý nghĩa gì nữa. Chúng ta chỉ nên hỏi, hiện thực nào? Hoặc chúng ta có thể hỏi: hư cấu nào?
Có một nhà thơ người Bồ Đào Nha tên là Fernando Pessoa. Ông sống một đời công chức quèn ở thủ đô Lisbon, cho đến ngày ông mất, người ta phát hiện ra những hòm bản thảo, trong đó ông sử dụng hàng trăm bút danh, mỗi bút danh là một phong cách viết khác nhau, do đó, những nhà nghiên cứu sau này đã gọi ông là « cả một nền văn học ». Ông đã hư cấu nên cuộc đời của chính minh, những cái tên của ông không chỉ là bút danh mà nó còn có một tiểu sử, một đời sống riêng.
Ông khiến chúng ta nghĩ nhiều về hiện thực và hư cấu.
Vậy thì ta phải nghĩ về chữ danh của Pessoa như thế nào? Ông là người có nhiều tên gọi, trong nhiều vai trò khác nhau, mang những chiếc mặt nạ khác nhau. Phải chăng, Fernando Pessoa đã nhìn ra trong khoảng trời đất này chỉ là cõi u minh tăm tối như Nguyễn Du đã thốt lên:
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen
Con người ấy, trong trường dạ của loài người đã thốt lên, đã gọi tên mình, gọi tên cuộc đời, bằng tiếng gọi, bằng sự hô ứng của chính nội tại để khẳng định chính mình, phải biết gọi tên chính minh, phải mang đến cho đời mình một ý nghĩa, phải khiến nó vang vọng trong bóng tôi bao trùm, và chỉ khi những tiếng nói hô ứng với nhau thì con người mới thoát khỏi sự khủng hoảng, cơn ác mộng của bóng tối, cái thế giới phi nhân tàn ác đang xâm chiếm lấy con người.
Bằng sự nghiệp của mình, Pessoa đã vạch rõ tính chất kịch của cuộc sống, tính trò của các quan hệ xã hội, các thiết chế, và tính diễn của con người. Chính ở đây, Pessoa đã hòa mình vào mạch đập truyền thống của những nghệ sĩ lớn, đã vạch rõ bản chất của cuộc sống, biết chơi đùa với cuộc sống và thức tỉnh con người thoát khỏi những giả tá của cuộc sống đó, kế tục đang Dante, khi thi hào vĩ đại người ý viết Thần Khúc, trong nguyên tác tiếng Ý có tên là La Divina Commedia – Hài kịch thần linh, để rồi mấy trăm năm sau, văn hào người Pháp – Balzac đã sáng tạo nên công trình kì vĩ Tấn trò đời, nguyên tác tiếng Pháp là La Comédie humaine – Hài kịch con người. Nếu vào thời Phục Hưng của Dante, nhân loại vẫn còn niềm tin vào thần linh, tin ở quyền lực của nhà thờ, nơi mà phép thông công được buôn bán như một món hàng ngoài chợ, để rồi sau này, thi sĩ Đức, Heine đã giễu cợt: “Chúa sẽ xá tội cho tôi vì đó là nghề của ông ta”. Dante vẫn còn tin rằng, tất cả bi kịch của con người trên cõi trần này, cái địa ngục này, chỉ là trò đùa của các thánh thần. Đến Balzac, ông đã nhận ra, tấn trò hề này chính do con người tạo ra, do xã hội đẩy đưa, do hoàn cảnh thời đại. Còn với Pessoa, đó là Hài kịch của hài kịch hoặc Trò hề của trò hề.
Nếu nói như Balzac, cuộc đời đã là một tấn trò. Nhưng con người trong thế kỷ của chúng ta không nhận ra mình đang sống trong một tấn trò, và vì vô minh nên họ lại diễn một trò kịch khác, tóm lại họ diễn kịch mà không ý thức rằng mình đang sống trong một vở kịch, như người diễn viên nhập tâm vào vai diễn của mình đến mức tin mình chính là nhân vật. Trong một thế giới của trò hề, thì chỉ có trò hề mới là hoạt động sống đích thực, cũng như trong thế giới người điên, người duy nhất tỉnh, chính là người duy nhất điên rồ.
Trong thi giới của García Márquez hay Kafka, khi dựng lên một chiếc tủ, một kệ sách, một căn bếp… họ muốn độc giả tin rằng đó là thật. Bước sang kỷ nguyên hậu hiện đại, với những nhà văn như Haruki Murakami, khi ông dựng lên một căn phòng, ông muốn độc giả tin rằng đó là giả. Sự phân tách thật-ảo, hay cố làm nhòe thật-ảo, chẳng qua là cùng muốn chỉ ra bản chất của cuộc sống.
Thật hay giả đều trong trạng thái tạm, lúc này nó có thể là thật, nhưng lúc khác nó đã hóa ra giả. Vì vậy khi tương tác với những thực thể ấy, con người chỉ con người bị buộc phải tham dự vào trò kịch, bởi vì nếu anh ta chân thật với cái ảo thì anh ta đang đóng kịch, và ngược lại, do đó, con người không thể quyết định được mình có đặt trong trạng thái đóng kịch hay không, và như thế tha nhân đối với bản ngã trở thành điều đáng sợ.
Henri Michaux viết: “Ai giấu kẻ điên của mình sẽ chết trong vô ngôn” (Qui cache son fou meurt sans voix). Văn chương khác, nó không tìm cách giấu kẻ điên, nó tìm cách hiển lộ kẻ điên rõ ràng nhất.
Chỉ cần bộc lộ cho kiệt cùng kẻ điên ấy, mang thai và sinh nở ra kẻ điên ấy, người viết đã hoàn thành hết sứ mệnh của mình, khi một tác phẩm ra đời nghĩa là đứa con ấy đã bị ném ra ngoài xã hội, nó đã có một đời sống mới, chúng ta không thể là phát ngôn viên để nói thay nó điều gì, chúng ta cũng không phải là luật sư để biện hộ cho nó mỗi khi nó gặp tai nạn.
Nó đã đứng ở đó, một sinh thể riêng biệt kiên gan đón chờ những thử thách khắc nghiệt nhất dành cho mình.
Nói như Rilke: “Trước đây tôi chưa bao giờ nhận ra lại có nhiều mặt đến thế. Có rất nhiều người, nhưng còn có nhiều khuôn mặt hơn, vì mỗi người có tới vài khuôn mặt.”.
Và chúng ta, trong cuộc đời ngắn ngủi và bình dị của mình, vẫn luôn khắc khoải tìm kiếm nhưng khuôn mặt khác của chính ta.
Đó là tất cả những gì tôi nghĩ về con đường sơ khởi mà một nhà văn phải đi. Nhưng tôi biết thế gian này vô cùng rộng lớn, tôi biết ngoài kia cũng lắm con đường, và mỗi người viết, đặc biệt là những ai mới bắt đầu chọn lựa văn chương, đến lượt mình, phải nhìn ra con đường đi ấy.
Xin cám ơn các bạn đã kiên nhẫn lắng nghe tôi!
Nguồn: NhavanTPHCM