Thời sự văn học nghệ thuật

10/6
10:48 AM 2017

YẾU TỐ SÂN KHẤU-ĐIỆN ẢNH TRONG TIỂU THUYẾT “CÁT TRỌC ĐẦU”

Hoàng Thụy Anh-Nguyễn Quang Vinh là nhà văn, nhà viết kịch, nhà đạo diễn. Ông đã xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết như Người và dã thú, Dòng sông vàng, Người thất bại trở về, Phía Mặt trời lặn, Đêm thức...

Và gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết Cát trọc đầu (Nxb Trẻ, 2013, giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ V 2011-2015) gây ấn tượng mạnh về cách xây dựng, nhìn nhận, lột tả những mặt còn khuất lấp của con người trong chiến tranh. 

Cát trọc đầu tiếp cận chiến tranh qua cách mô tả trực diện nhân vật, qua bút pháp của nhà kịch bản, nhà đạo diễn. Có thể xem nghệ thuật tương phản và xu hướng sân khấu - điện ảnh là chiến lược văn bản của tiểu thuyết này. 

Chiến tranh bộc lộ vẻ đẹp của người anh hùng trong Nụ, Xuân, An,… mặt khác lại bóc trần bản chất đê tiện và cơ hội của nhân vật Bá. Bá làm con nuôi của một ông chủ tịch huyện. Bá từ chối đấng sinh thành của mình và cả người cho mình bú mớm. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, Bá viết thư bằng máu - máu của người khác - xin ra trận. Bá lợi dụng chiến tích của người khác đổi trắng thay đen thành chiến tích của mình, được tuyên dương là anh hùng xả thân cứu cả đoàn xe vượt qua bom đạn. Bá thiết đãi một bữa thịt chó để lấy lòng Chính ủy mặt trận mà không hề xót đau trước sự hy sinh của hai người lính. Bá nói dối đã làm thủ tục li dị vợ để quan hệ với Kim Anh, với Hà,… 

Hà trao thân cho Bá, bày kế để Bá ra Bắc nhưng Bá lại lật mặt báo cho thủ trưởng An, rồi tiếp tục tráo trở với An để Bá và Hà thoát khỏi khói lửa, dự đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc, bởi Hà là con của đồng chí Cục trưởng. Mà con của đồng chí Cục trưởng thì tất nhiên chả ai dại mà đụng vào. Trong tình cảm, Bá còn bộc lộ là kẻ trơ trẽn, bẩn thỉu, bệnh hoạn. Hắn luôn giữ lại những chiếc quần lót của các cô gái lỡ trao thân cho hắn.,...

Tại sao Nguyễn Quang Vinh lại xây dựng một nhân vật quá xảo quyệt giữa vòng vây những con người hết lòng vì tiền tuyến, một nhân vật vừa dâm đãng vừa nhát gan, sợ chết, thấy bom đạn là xanh mặt, tè ra cả quần như thế? Nguyễn Quang Vinh đặt ra nhiều thử thách cho Bá, nhưng lần thử thách nào Bá cũng dễ dàng vượt qua. Và lại càng tinh vi hơn. Bá xoay chuyển tình thế rất nhanh, khiến người trong cuộc đôi khi ngỡ ngàng, đứng họng không nói gì được. Bởi thế, qua tay Bá, việc chuyển dịch từ tốt sang xấu, thiện sang ác và ngược lại chỉ trong tích tắc. Đúng như lời của Kim Anh dành cho Bá: “Miệng anh như sợi dây chun” kéo ra co lại khéo léo, không lộ một vết rạn nào. 

Những người lính thanh niên xung phong không quản khó khăn, cái chết để góp phần thông đường cho xe ra trận, phục vụ tiền tuyến, còn Bá lợi dụng chiến tranh vì mục đích cá nhân, vì sự sống còn của bản thân, ấp ủ du học nước ngoài. Nhân vật Bá điển hình cho kiểu con người vụ lợi, đểu cáng, hèn hạ, tham sống sợ chết trong chiến tranh. Hắn giăng đủ mưu mô, sẵn sàng chà đạp bất cứ ai để tiến thân, để giữ mạng sống. Từ cách xây dựng nhân vật Bá của Nguyễn Quang Vinh, chúng ta thấy có hai kết cấu trong Cát trọc đầu. Kết cấu nổi là trận chiến đấu với kẻ thù, với bom đạn dày đặc, quyết giữ tuyến giao liên thông suốt. Kết cấu chìm là trận chiến chống lại “sự thoái hóa nhân cách”. 

Để xây dựng nhân vật Bá, nhà văn rất chú ý đến ngôn ngữ của Bá, khi Bá trong thế cầm đằng chuôi, lời lẽ của Bá được thúc đẩy nhanh, tấn công đối phương dồn dập: “Tôi có ép cô phải ngủ với tôi, phải cho tôi trinh tiết đâu? Tôi ép cô không? Không. Tôi có ép cô yêu tôi đâu? Ép không? Không. Tôi có một hai năm mười ép cô phải sống chết với tôi đâu. Ép không? Không. Tôi có nằng nặc ép cô phải làm vợ tôi đâu. Ép không? Không. Chính là cô tha thiết yêu tôi đấy chứ? Đúng không? Đúng. Chính là cô gào lên trong nước mắt nói rằng, anh ơi, em muốn làm vợ anh, em muốn sống bên anh trọn đời đấy chứ. Đúng không? Đúng…” Ngôn ngữ đời thường, giàu tính đối thoại, đậm chất kịch còn là một thủ pháp nghệ thuật, bộc lộ rõ thêm bản chất háo thắng của Bá, sẵn sàng chèn ép người khác đến cùng vì mục tiêu của mình. Nguyễn Quang Vinh không sa vào phân tích hay tra vấn mà để nhân vật Bá tự bộc lộ toàn diện bản chất. Vì thế, nhât vật Bá hiện lên một cách sống động, tự nhiên.

Nguyễn Quang Vinh đã vẽ nên cảnh bom đạn hết sức sắc nét, chân thực trên tuyến lửa Trường Sơn một thời của những con người trầm mình trong gió Lào cát trắng. Nổi bật trên nền khói bom là cuộc sống tràn đầy yêu thương, hồn nhiên, tinh nghịch, đùm bọc, sẻ chia của các nữ thanh niên xung phong. Họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng phơi mình giữa bom đạn đảm bảo thông suốt con đường giao thông. Trên tuyến đường, không tấc đất nào không nhuộm máu. “Nếu xếp các liệt sĩ dọc tuyến đường này thì tuyến đường dài bao nhiêu, thi thể các liệt sĩ cũng nối nhau dài bấy nhiêu” (tr.250). Nhưng có phải ai nằm xuống cũng được ấm êm trong quan tài. Rất nhiều chiến sĩ phải cuộn mình trong bao ni lông. Biết bao nhiêu chiến sĩ bị bom đạn xé tả tơi, máu thịt hòa lẫn trong đất đai. Tang thương bao trùm. Nhưng niềm tin và tình yêu trong trái tim những người chiến sỹ vẫn mãi mãi bất tử. Những ánh mắt, nụ cười, lời nói trao nhau,... là động lực, là niềm tin để họ tiếp tục chiến đấu. Giữa làn mưa bom đạn tàn khốc, mọi con đường dẫu bị băm nát ngàn lần vẫn trở lại hình hài cũ. Người ta ước tính mỗi mét vuông đường Trường Sơn phải gánh hơn 5 quả bom và loạt đạn rốc két trong một năm. Một thực tế quá ác liệt, khắc nghiệt. Ngày nào cũng có người chết. Đôi khi cả tiểu đội bị gạch tên và thay bằng những người lính khác. Đau thương chồng chất đau thương: “Mỗi ngày trọng điểm này hy sinh vài chục chiến sĩ. Cứ vài ngày thì lại bổ sung một đợt quân. Bổ sung xong, vài ngày sau hy sinh, lại bổ sung, lại hy sinh. Ai ra mặt đường đều phải làm lễ truy điệu sống”. Ngay như tiểu đội 4 của Xuân, của Nụ không biết bao nhiêu lần bị bom đạn xóa phiên hiệu. Thế nhưng, những người lính thanh niên xung phong vẫn xẻ rừng, phá bom, san lấp hố bom đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ chi viện cho miền Nam. Các tuyến đường bị phá hủy lại tiếp tục được vá bằng chính tình yêu Tổ quốc, bằng nước mắt và máu: “Bom xối xuống mặt đường như bàn tay một kẻ say, thô bạo xé áo, xé nát từng mảnh áo trên cơ thể một phần đất nước, còn cái cuốc, cái xẻng của thanh niên xung phong mong manh, bé nhỏ, như cái kim của mẹ già khâu mãi cái áo cũ rách. Nham nhở trên những cung đường ra trận, muôn vạn mũi vá bằng xẻng cuốc, bằng máu, bằng tuổi 20. Tuổi 20 xuyên qua những cung đường, xuyên qua cái chết, nối nhau trăm ngàn tuổi 20 thành những sợi chỉ, vá đường, nối đường, buộc đường” 

Âm thanh và hình ảnh là một trong những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật sân khấu điện ảnh. Cát trọc đầu sử dụng thành công hai đặc trưng này. Nguyễn Quang Vinh bố trí hẳn từng phần. Ví dụ như phần 7 dành cho âm thanh Tiếng kẻng, phần 10 là hình ảnh Những bàn tay, phần 11 là hình ảnh Ánh trăng,… Đó là cách nhà văn tạo được ấn tượng mạnh đối với người đọc, giúp họ lưu lại những khoảnh khắc khó quên, khó phai. 

Những cánh tay hậu phương vẫy chào người ra trận và những cánh tay vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường trong phần 10 của tiểu thuyết chất chứa nhiều cảm xúc. Những cánh tay hậu phương vừa chan chứa tự hào, yêu thương, ấm áp xen lẫn nước mắt, lo âu, vừa thức dậy lòng yêu nước, là động lực, là niềm tin đối với người ra đi. Những cánh tay trận chiến là kí ức khó quên đối với những người sống sót trở về, bị bom đạn băm nát vẫn “còn nóng da nóng thịt, vẫn còn đâm thẳng dưới đất lên” như chưa muốn đoạn tuyệt với trần gian, như thách thức kẻ thù. Hay hình ảnh ánh trăng được nói kỹ ở phần 11. Ánh trăng có lúc yên bình, khúc xạ, làm lộ vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong “soi rõ cái bắp chân con gái trắng ngời, sức lực”, “Bóng Xuân và Nụ chao nghiêng trong ánh trăng, lấp lánh như bóng những thiên thần”; có lúc hiện hữu một cách đớn đau “những vệt máu đỏ của đồng đội vương lại trên đất, sóng sánh trong ánh trăng sáng”; có lúc là nguồn an ủi “ánh trăng vá víu mọi vết thương của đất, của rừng, phủ tràn lên đấy cái ánh sáng ngọt ngào, yêu thương và làm dịu bớt nỗi nhớ nhung”. Sự vận động, chuyển dịch của các hình ảnh ở nhiều góc độ đã gây ấn tượng mạnh và là biểu tượng rõ nét về chiến tranh, về nỗi xé đau, mất mát xuyên suốt cõi nhân gian này.

Tiếng kẻng là âm thanh quen thuộc, gần gũi. Nếu tiếng kẻng quê nhà vang vọng, trong veo, gợi sự yên bình, một ngày mới, một niềm vui mới, vụ mùa bội thu,... thì tiếng kẻng mặt trận lại khốc liệt, nhức xót, buốt đau vô cùng. Nơi máu hòa với đất, tiếng kẻng là thứ âm thanh mà khi “vang lên thấy sợ”, khi “im lặng thấy sợ hơn”. Ma lực tiếng kẻng ấy như một vết sẹo vô hình ray rứt neo mãi trong tim, bám víu suốt cuộc đời sau này của người lính. Ám ảnh nhất là cảnh chiếu phim ở cuối thiên truyện, khán giả là những liệt sĩ. Đội trưởng An trở thành nhà đạo diễn, nhà kịch bản, chỉ đạo, phân cảnh, chọn khán giả, bố trí khán phòng trong hang đá: “Ánh sáng từ máy chiếu phim loang loáng lên màn vải, khói hương từ những chiếc quan tài khán giả bay lên, lẫn trong ánh sáng chiếu phim, nhập nhòa với những hình ảnh trên màn vải, thực thực, hư hư. Có tiếng cười rộn ràng của các nữ thanh niên xung phong, không biết tiếng cười bật vang lên từ trong phim hay từ trong các quan tài”. Âm thanh hư ảo. Hình ảnh hư ảo. Chỉ có nỗi đau là thực. Buốt nhói. Tê tái. Sống không đủ cái ăn cái mặc đã đành. Chết cũng chịu cảnh chết lạnh. Lời của An như nói hết nguyện vọng của những người lính, găm vào lòng chúng ta nỗi đau khôn nguôi: “Anh em trong quan tài kia thế cũng là thỏa mãn, hy sinh rồi còn được xem phim, nhiều anh em khác đến lúc chết không biết gì hết ngoài bom đạn”. Phần Khán giả này đã thể hiện đậm nét tính lai tạo sân khấu điện ảnh. 

Cát trọc đầu có sự bện xoắn giữa hai không gian: Chiến tranh và tâm tưởng. Không gian chiến tranh ngày đêm đội mưa bom bão đạn. Trên cái nền ấy, không gian tâm trạng của mỗi con người làm nên những bản vị sống động, góp phần khắc họa rõ bộ mặt dữ dội, ác liệt của chiến tranh, cũng như vẻ đẹp của những người lính trên mặt trận lửa, điển hình trong đó là Nụ, Xuân, An, Loan,… Cũng trên cái nền ấy, Bá đứng ở vị trí độc lập, chiếm lĩnh một không gian riêng, không gian phản diện của những kẻ hèn, sợ chết, trục lợi, cá nhân. 

Cát trọc đầu cũng đan xen hai thời gian: Lịch sử và tâm trạng. Thời gian lịch sử về con đường của lửa và máu, tập trung mọi lực lượng chi viện cho miền Nam, ngày đêm đối mặt với cam go, gian khổ. Sống trong thời gian đó, tâm trạng dù có phần riêng tư của những người lính thanh niên xung phong nhưng không nằm ngoài tâm trạng chung của cả dân tộc. Họ không né tránh cuộc chiến, sẵn sàng đón nhận cái chết bất cứ lúc nào. Chính bằng cách viết không tô vẽ, không lãng mạn hóa, Nguyễn Quang Vinh đã làm sống lại khát vọng của tuổi trẻ cũng như những cảm nhận riêng về tình yêu, về gia đình, về đất nước. Ra trận với ước mong trở về lành lặn bên mẹ hiền, được lấy chồng sinh con đẻ cái. Do vậy, thời gian ngóng trông hòa bình bao trùm cả tiểu thuyết. Bá lại khác. Đồng hiện với thời gian lịch sử, thời gian ngóng trông của Nụ, Xuân, An,… là một nhân vật Bá giả tạo vừa khát khao ràng buộc vừa khát khao thoát khỏi ràng buộc của cuộc chiến để thực hiện tiếng gọi của danh vọng, chức quyền. Tâm trạng Bá đối nghịch với tâm trạng các thanh niên xung phong bởi động cơ mà Bá đặt ra trên mặt trận này là thực hiện cuộc đào tẩu trong danh dự, rời khỏi trọng điểm, ra Bắc du học.

Sự góp mặt của chất liệu sân khấu điện ảnh cũng như lối viết nói thẳng nói thật, không phân tích, không lý giải, không lý tưởng hóa, đã góp phần đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh thời hậu chiến.

Nguồn Văn nghệ số 23/2017

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *