Thời sự văn học nghệ thuật

3/6
3:43 PM 2017

NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC LINH: BÍ MẬT CỦA SÁNG TẠO

Ngô Xuân Hội-Nhà văn Nguyễn Đức Linh, sinh ngày 22-4-1944. Quê quán: An Hiệp, Tuy An, Phú Yên. Năm 1954 tập kết ra Bắc, học phổ thông tại các trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng, Hà Đông...

                                            Nhà văn  Nguyễn Đức Linh

Tốt nghiệp ngành kỹ sư Cầu đường trường Đại học Giao thông Hà Nội năm 1969; công tác ở Viện Thiết kế Giao thông Bộ GTVT, sở GTVT các tỉnh Đắklắk, Phú Khánh. Hiện nghỉ hưu, sống và viết tại Nha Trang, Khánh Hòa.

TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN:Cún con đã lớn (truyện, nxb Kim Đồng – 1997);Thủ lĩnh min trán đỏ (truyện, nxb Kim Đồng, 1998); Người khổng lồ của em tôi (truyện, nxb Kim Đồng, 1999); Bí mật của rừng (truyện, nxb Kim Đồng, 2000); Bí mật một kho báu(truyện, nxb Kim Đồng, 2001); Kim thần kê (truyện, nxb Kim Đồng,2006); Chuyện của một người lính (tập truyện ngắn, nxb QĐND, 2012)…

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC:Giải khuyến khích Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi của Nxb Kim Đồng - 1999(Bí mật của rừng). Giải nhì Văn học tỉnh Khánh Hòa - 2016 (Cuộc phiêu lưu kỳ thú trong rừng đại ngàn).                                                                      

  Viết truyện cho thiếu nhi, để có tác phẩm hay, theo tôi nhà văn cần ba điều cơ bản:1) Trí tưởng tượng phong phú; 2) Sự hồn nhiên;3) Tính hóm hỉnh.Trí tưởng tượng thì rõ rồi, với các em vũ trụ không giới hạn, các em có thể tưởng tượng đủ điều mà người lớn chúng ta khó thể nào hình dung. Trí tưởng tượng phong phú giúp nhà văn đồng cảm được với các em trong tiếp nhận thế giới, sự hồn nhiên làmcâu văn bớt cứng nhắc, tính hóm hỉnh khiếncuốn sách trở nên hấp dẫn hơn.Ở nhà văn Nguyễn Đức  Linh, hội tụba điều cơ bản này.

*

*    *

Thời ấy, những năm giữa thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, tôi công tác ở Hội Văn nghệ Nha Trang. Một hôm nhà văn Thế Vũ, người giữ golf văn xuôi của Hội đưa tôi tập bản thảo có tên Cún con đã lớn chép tay còn tươi màu mực của cộng tác viên Nguyễn Đức Linh, kèm lời dặn:

“Ông đọc xem thế nào”

 Đấy là câu chuyện đồng thoại, nói về một con chó con bị lưu lạc, tự mình vươn lên trong cuộc sống. Tôi đọc, thấy hay, văn phong chững chạc. Truyện toát lên tình thương yêu, đùm bọc nhau vượt qua nghịch cảnh, lòng dũng cảm, dám truy đuổi đến cùng những thói hư tật xấu của một chó con có tên là Cún cùng những chó mà Cún kết bạn trên đường lưu lạc. Lúc đem bản thảo trả Thế Vũ, tôi bảo:

“Ông Linh này biết võ ông ạ, thậm chí cao cường nữa đấy”

“Sao ông nghĩ vậy?” – Thế Vũ hỏi tôi.

“Này nhé” - Tôi mở tập bản thảo ra, đọc to:

“… Ngay tức khắc tôi phóng tới, ngoạm vào giữa lưng lão chuột. Ôi! Bộ răng non nớt làm sao xuyên thủng lớp da dày như da trâu trên lưng lão! Nhưng vì đòn bất ngờ, lão chuột hốt hoảng bỏ con vịt. Sau một giây trấn tĩnh, lão quay đầu lại đớp một phát vào chân trái tôi. Tôi thét lên một tiếng ẳng. Đã hiểu được đối thủ của mình như thế nào rồi, lão chuột bèn tấn công liên tục. Đang loay hoay chống đỡ, tôi bỗng giật thót người, thấy khấu đuôi đau buốt, từ chỗ ấy máu ứa ra nhỏ giọt. Lão chuột lại chồm lên. Tôi lấy chân trước gạt mạnh khiến lão té chổng vó. Vừa lúc nhác thấy cái đuôi lão cong lên, tôi tợp luôn. Lão chuột ngoắt lại ôm lấy mõm tôi. Trước mắt tôi, bốn chiếc răng nhọn hoắt của lão chìa ra. Lão sẽ không tha thứ cho con mắt trái thô lố của tôi đâu. Tôi hốt hoảng nghĩ…” (tr.9)

Ông thấy không, văn viết rất có hồn. Tả cảnh chuột chó đánh nhau mà sinh động, hấp dẫn. Từ những đòn thế hai bên tung ra, cái thần của nhân vật dần bộc lộ. Chỉ những người am hiểu kỹ thuật đối kháng mới viết được vậy. Nếu không, cao tay như bác Tô Hoài cũng đành để chú Dế mèn yêu quý của mình thúc thủ cho xiến tóc cắt râu. Tôi nói vậy, ông đừng nghĩ tôi chê bác Tô Hoài. Bác là người tuyệt vời, Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm tuyệt vời. Nhưng cam đoan với ông, trong kỹ thuật “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, ông Cún này là một cao thủ.

Sự kết giao về sau giữa tôi với tác giả Cún con đã lớn khẳng định điều đó.

Nguyễn Đức Linh quê Phú Yên, là con của một gia đình cán bộ miền Nam tập kết, 10 tuổi được bố, một võ sư, dạy võ cổ truyền. Khi thấy những đường quyền của con đã tinh diệu, ôngmời hai người bạn thân của mình là Ba Cung và Triệu Tử Long (tên giới giang hồ đặt), những bộ tướng một thời của Mười Trí, thủ lĩnh Bình Xuyên về dạy tiếp cho con trai võ Thiếu lâm tự và Hồng quyền tại nhà. Nhuần nhuyễn ba môn phái, Linh lại thọ giáo Judo và Bốc slíp từ võ sư Phan Tùng (anh ruột Thiếu tướng Võ Đông Giang). Bản tính phóng khoáng, lại thêm võ nghệ đầy mình, sống trong những trường học sinh miền Nam cậu bé Nguyễn Đức Linh có quậy phá, kéo bè kéo cánh cũng là chuyện bình thường, nhưng chỉ những năm học cấp I. Lên cấp II, đặc biệt từ năm lớp 6, cậu thay đổi rõ rệt, không còn tụ bạ bạn bè theo lối bầy đàn, sẵn sàng phản ứng lại những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, vì thế năm học lớp 7 cậu được bạn bè bầu làm lớp trưởng, Phó Bí thư Đoàn trường. Tiếp theo, Bí thư Đoàn trường cấp III. Năm 1964 khi vừa tròn 20 tuổi, đang học lớp 9 thì được kết nạp vào Đảng, trước sự ngỡ ngàng của gia đình và bè bạn.

Tuổi thơ đi qua, nhưng quán tính của nóvẫn còn. Một lần anh Bí thư Đoàn trường cấp III học sinh miền Nam số 25 Hà Đông Nguyễn Đức Linh  đạp xe dọc phố Cửa Nam, Hà Nội, thấy trong đám thanh niên đứng lố nhố trên vỉa hè có một người nhìn phía sau anh tưởng là bạn mình. Anh bèn rà xe sát lề đường, rồi để đùa vui, đưa tay giật nhanh chiếc mũ cối trên đầu bạn. Người bị giật mũ hốt hoảng kêu to:

“Kẻ cắp. Kẻ cắp giật mũ!”

Nghe tiếng kêu, đám đông hè phố lập tức ùa theo đuổi. Vừa đuổi vừa la:

“Kẻ cắp. Kẻ cắp giật mũ!”

“Đánh bỏ mẹ nó đi!”

 Thấy mình nhầm,Nguyễn Đức Linh dừng xe  xin lỗi mọi người, nhưng đang hăng máu mọi người đâu có chịu. Ẩu đả xảy ra. Công an xuất hiện bắt ráo cả bọnvề nhà tạm giam. Khi hai bên đã yên vị trong phòng, các đối thủ của Linh (8 người) ỷ đông, xúmlại xử anh. Biết “Đấu tranh này là trận cuối cùng…”, hơn cả lúc ở ngoài đường, anh nhảy ra giữa phòng,vận hết mười thành công lực đánh tứ môn: Tung hư chiêu, hất bàn tay phải lên ngang mặt người bên phải. Người bên trái thấy anh hở sườn, lao vào. Chỉ chờ có thế, anh lập tứcthu tay phải, chuyển tấn sang trái, lên chõ. Lãnh trọn cú thúc cùi chõ vào chấn thủy, người này bị gục. Tiến đả song quyền, tung hai nắm đấm về đằng trước, thanh niên cao to đứng trước anh bị gục tiếp. Thúc cùi chõ trái ra sau, lại chuyển tấn thúc cùi chõ phải sang phải…bốn đối thủcủa anh bị dính đòntrong giây lát. Hoảng hốt, bốn thanh niên còn lại dạt về bốn phía. Không để cho kẻ địch hoàn hồn, Linhgập đầu vào vai lộn nhào, đánh mạnh hai gót chân vào mặt đối thủ ở góc phòng phía trước. Nghe ối một tiếng, đối thủ thứ năm ôm mặt chới với. Đến lúc này tám địch nhânkia hiểu trước mặt họ là một bậc cao thủ. Bỏ qua mọi sĩ diện, một người kêu lên: “Không đánh lại nó được đâu, tôn nó làm sư phụ đi thôi chúng mày”…

Lần đánh nhau bất đắc dĩ ấy để lại cho Nguyễn Đức Linh bài học lớn về sự cẩn trọng,có lẽ nhờ vậy, từ đó về sau mọi việc với anh đều hanh thông: Tốt nghiệp cấp III,vào Đại học giao thông Hà Nội; năm 1969 ra trường với tấm bằng đỏ ngành Kỹ sư Cầu đường, trở thànhmột trong 5 sinh viêncủa trườngnăm ấy được Viện Thiết kế Bộ Giao thông tuyển dụng. Năm 1974,trước những biến chuyển của chiến trường miền Nam,anh cùng 45 CBCN Viện Thiết kế Giao thông chuyển công tác vào Ban Giao vận khu V đóng ở Trà My, Quảng Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 10-1975 Ban Giao vận khu V điều anh về làm Đội trưởng Đội Khảo sát Thiết kế,Ty GTVT tỉnh Đắklắk.Công việc ngập đầu: Khảo sát, thiết kế, sửa chữa cầu đường. Mở tuyến mới đưa dân ở đồng bằng lên lập các khu kinh tế mới. Đội Khảo sát thiết kế hơn 80 người mà vẫn thấy thiếu.

“Phúc hề họa chi sở phục”(Trong phúc có họa – Lão Tử). Đang say sưa với công việc, đùng một cáinăm 1980 anh bị bắt vào tù. Chuyện kể lắm khúc nhôi, tóm tắt thế này: Do yêu cầu công việc, tháng 10-1979 Ty GTVT Đắklắk thuê một tổ Khảo sát thiết kế ở TP Hồ Chí Minh do ông Phạm Huy Quý,Kỹ sư Công chánh thời Pháp làm tổ trưởng -đặt dưới sự chỉ đạo, giám sát của Đội Khảo sát Thiết kế Ty; khảo sát thiết kế 50km quốc lộ 21B, đoạn Buôn Ma Thuột – Lạc Thiện (hồ Lắk). Tổng giá trị hợp đồng 30.000 đồng. Đến tháng 4-1980, ông Quý giao được 20km hồ sơ.Tiến độ như thế là chậm, Đội trưởng Đội Khảo sát Thiết kế Ty GTVT tỉnh phải xuống TP Hồ Chí Minh gặp ông đốc thúc.

Ở TP Hồ Chí Minh về, gần 2 tháng sau (ngày 20/6/1980) Nguyễn Đức Linh nhận đượcgiấy của Ty Công an tỉnh mời lên làm việc. Người công an làm việc với anhhôm ấy trưng Hợp đồng kinh tế và một số bức ảnh được chụp lại từ bản chính ra, nhấn mạnh: anh đã rút 30.000 đồng tiền công trình giao cho ông Quý. Không hiểu vì sao lại có chuyện ấy, Nguyễn Đức Linh phủ nhận. Sau hai ngày quần thảo anh, 4 giờ chiều thứ 7, lấy lý do thứ 2 làm việc tiếp, công an mời anh lên xe Jeep và đưa thẳng vào nhà lao Buôn Ma Thuột. Đến chiều thứ 2, họ xuốnggặp đương sựmột lần nữa, rồi im. Cuối tuần, ông Hồng - Trưởng Ty Công an Đắklắk đi họp ở dưới xuôi về biết chuyện, cho kiểm tra. Vỡ lẽ số tiền 30.000 đồng vẫn còn nguyên trongNgân hàng…

Bắt giam người thì dễ, thả người ra thì khó, lấy lý do gì đây? Và thế là Nguyễn Đức Linh phải chịu trậnthêm một thời gian nữa. Khi còn thiếu hai ngày đầy hai tháng, anhđược xe Jeep của Ty Công an vào trại giam đưa thẳng về nhà.“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, gần hai tháng chịu tù oanvới đủ thứ tù nhân đang thụ ánlàm thành một vết bẩn hằn sâu trong ký ức Nguyễn Đức Linh. Chán nản, anh bỏ việc đi chơi mấy tháng.

“Họa hề phúc chi sở ỷ” (Trong họa có phúc - LT), trải qua vận hạn, Nguyễn Đức Linh bỗng gặpmay mắn lớn. Gần hai tháng ở tù, vùng ngôn ngữ trong não bộ của anhbỗng được kích hoạt, đầu óc sáng láng hẳn lên. Luôn luôn anh cảm thấy nhu cầu được đọc sách, được bộc lộ tâm tình, trong điều kiện ấy viết văn đến như một lẽ tự nhiên. Nhưng viết gì đây? Thông thường người ta quen cái gì viết về cái ấy, soi thực tế sáng tác của các bạn văn của anh ở Nha Trang cũng thấy điều này.Nhà thơ Giang Nam gắn bó với quê hương thì viết “Quê hương”;Nhà văn Cao Duy Thảo trong chiến tranh chống Mỹ ởrừng núi chiến khu Quảng Đà nhiều năm, viết“Chim bay về núi”;Nhà thơ Trần Chấn Uy yêu rộng dài các em, viết“Gửi người áo gió, khăn mưa”… Theo lẽ ấy Nguyễn Đức Linh ắt sẽ viết về việc luyện võ, việc khảo sát, thiết kế giao thông, về những tháng ngày anh bị tù oan…Nhưng anh lại viếtCún con đã lớn, là chuyện chẳng mấy liên quan đến những gì anh từng trải nghiệm. Bản thảo sau đó Hội Văn Nghệ Nha Trang chúng tôi đưa in, số lượng 15.000 bản, bán hết veo. Năm 1997, Nxb Kim Đồng tái bảnlần 1: 24.200 bản, năm 2003 tái bản lần 2.

Được đà, Nguyễn Đức Linh viết như lên đồng. Một loạt những tác phẩm dài hơi sauCún con đã lớn, gồm:Thủ lĩnh min trán đỏ,Người khổng lồ của em tôi,Bí mật của rừng, Bí mật một kho báu, Kim thần kê…nối nhau ra đời. Am tường phong tục tập quán của các cư dân miền núi cao, hiểu biết sâu sắcTây Nguyên, truyện của Nguyễn Đức linh mang đến cho các em nhiều chi tiết thú vị, nhiều kiến thức mới mẻ về núi rừng và đời sống của đồng bào các dân tộc Ê-đê, Mơ-nông, Chăm, Ba na, Jơ rai… Dưới con mắt của ông, cái gì cũng có thể thành chuyệnMột chú gà con bị con diều hâu sà xuống quắp đi.Một con nghé mải rong chơi, lạc mẹ. Nhữngđứa trẻ phố Lý Thánh Tôn nghịch ngợmHay cái tháp bà Po Nagar của người Chàm xưa...

Giàu tưởng tượng, truyện Nguyễn Đức Linh thường có kết thúc mở. Người khổng lồ của em tôi chẳng hạn. Năm 1987 ông viết xong lần thứ nhất, Hội Văn nghệ Nha Trang in, năm 1999 Nxb Kim Đồng tái bản. Năm 1996 ông viết tiếp, Nxb Kim Đồng in tiếp phần này, đề tập 2 (ra hai tập cùng lúc). Chưa dừng lại ở đó, năm 2013 Nguyễn Đức Linh lại viết  tiếplần nữa. Năm 2016, Nxb Kim Đồng gộp ba lần viết của ông in thành một cuốn Người khổng lồ của em tôi dày 300 trang như đã nói. Bây giờ ông đang viết chương 4: Chiếc nhẫn thần và người khổng lồ phục thiện.Vì vậy mai nay, nếu ông có tặng tôi một cuốnNgười khổng lồ khác dày bịch thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên.

Chuyến phiêu lưu kỳ thú trong rừng đại ngàn cũng như vậy. Năm 1999 ông viết xong chương 1, Nxb Kim Đồng in với tên gọiBí mật của rừng. Năm 2014 ông viết tiếp chương 2, năm 2016Nxb Kim Đồng in gộp hai chương làm một, lấy tên gọi Chuyến phiêu lưu kỳ thú trong rừng đại ngàn.Nghĩa là mỗi lần đọc lại những gì mình đã viết, những ý tưởng mới trong ông lại xuất hiện, đòi hỏi được ra đời. Cái hay ở những cuốn sách lần in sau dày hơn lần in trước  nàylà, dù viết ở những thời điểm khác nhau, nhưng khi đứng chung, chúng vẫn thống nhất trong một chỉnh thể sáng tạo, đọc không thấy sự chắp nối, khiên cưỡng.

Một con người thời học phổ thông, môn văn thuộc loại “chua dôn dốt”; một võ sư giỏi quyền cước; một kỹ sư giao thông chỉ quen với cầu cống, đường sá; một doanh nhân trước những công trình thường cân nhắc lợi, hại(3)….Qua nửa bên kia dốc cuộc đời bỗng đốc chứng nổi máu viết văn, mà lại viết rất hay những cuốn truyện dài cho trẻ con,khiến nhiều người ngạc nhiên. Và tôisau khi đọc hết những sách ông tặng, đã thử tìm cách lý giải, nhưng chẳng lý giải nào thỏa đáng. Đến lúc ấy tôi hiểusự không thỏa đáng trong những lý giải của tôi là đương nhiên, vì việc Nguyễn Đức Linh trở thành nhà văn thuộc về bí mật của sáng tạo.

-------------------------------------------------

1. Thơ Hồ Xuân Hương

 2.Phát âm của tiếng Nga, Pháp, Trung, Nhật: Cám ơn!

3. Năm 1989 Phú Khánh chia tỉnh, Nguyễn Đức Linh từ chối về Phú Yên làm Phó Giám đốc sở GTVT và xin nghỉ mất sức, sau đó thành lập công ty TNHH Đức Lai, chuyên Khảo sát, thiết kế, xây dựng các công trình cầu đường.

 

Nguồn Văn nghệ số 22/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *