MỆNH LỆNH CẤM BUỒN
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Đêm, một cơn chết chóc từ trời dội xuống giấc ngủ lính trẻ. Cả tuần vắt sức trèo đèo lội suối mở đường, làm kho trạm, gùi gạo đạn... lót ổ cho chiến dịch. Đường đi cắt góc phương vị, theo sườn dốc phía tây dãy Chư Mom Ray. Chỗ dừng chân cũng một sườn dốc, che chắn trên đầu là vòng cung các điểm cao hơn ngàn thước, đại pháo của quân lực Việt Nam Cộng hòa, từ mạn Đắc Tô - Tân Cảnh chỉ có thể dội vào vách núi phía đông. Phía ấy, thỉnh thoảng vẫn ì ùng súng đạn. Lữ đoàn dù, quân chủ lực của đối phương, đang nống ra bờ tây sông Pô Cô, nếu muốn, nhanh cũng phải nửa ngày đường mới tới đây. Lính thám báo, bao giờ cũng vậy, thường tránh đụng độ trực tiếp, vì thế, có thể sẽ không phải đương đầu một cuộc tập kích đêm của bộ binh. Nỗi lo ngại lớn nhất là bom tọa độ. Anh Chi, Chính trị viên phó Đại đội, nhận định như vậy, và lệnh đào hầm trú ẩn. “Dốc chênh vênh thế này, đếch thằng bom nào chịu rơi xuống đâu, chúng mày!”, Nguyễn Công Ốc phán và rủ cánh Ngô Phú Qúy, Lê Bồi... mấy tay súng từng quần nhau với thủy quân lục chiến Mĩ, hít khói bom ở Khe Sanh hồi Mậu Thân 1968, lánh ra xa một góc rừng, lẳng lặng treo võng rồi… ngáy. Chỉ huy khua dậy bằng hết, buộc phải cầm lấy cuốc xẻng. Lại ì ùng bom và pháo, lần này gần hơn, tiếng vọng nghe đã đanh sắc. Chẳng ai thúc giục giỏi bằng bom đạn, ba chục gã tráng đinh, kẻ uể oải, làm việc cầm chừng dần dần cũng hối hả. Giữ lấy cái gáo! Lính chiến thời bấy giờ bảo nhau như thế. Thằng Như vẫn bảo tôi, nửa đùa nửa thật. “Anh nhà con một, thầy anh mất rồi, cố mà giữ lấy cái gáo về cho u anh, nghe chưa! Nhà em những bốn cái vòi. Sợ quái gì!”.
Mười chiếc hầm rải ven sườn núi, cửa nhòm xuống thung lũng. Toàn hầm kèo. Xong việc, mệt rũ và đói ngủ, một số tưởng ngả lưng chốc lát mà thiếp đi luôn, không kịp cơm nước. Ở tiểu đội tôi, thằng Như và thằng Hóa vừa ăn vừa gà gật. Tôi nhận luôn ca gác đầu thay cho cả hai đứa. Đêm trên núi cao se lạnh, lính tráng chìm vào giấc ngủ rất nhanh. Hết ca gác, tôi gọi thằng Vĩnh thay rồi chui xuống hầm, nằm cạnh anh Du. Đêm ấy, tôi không ngủ cùng hầm với thằng Như, thằng Khương, như mọi khi. Rừng bên ngoài cả gió, nhưng hơi đất trong hầm tỏa ra khí nóng. Trời đang chuyển mùa, có lẽ sắp mưa. Tôi chỉ thoáng nghĩ đến đó rồi không biết gì nữa. Một lúc nào đấy, thình lình bị dựng dậy. Những cú xô lắc, hất lên rồi quật xuống, cùng lúc gió xoáy buốt tai... “Nằm sấp. Co một chân. Há miệng!”, Tiểu đội trưởng Nguyễn Đức Du ra lệnh. Anh kéo chân thằng Hóa sâu thêm vào trong ngách chữ chi. Tôi kịp đẩy mấy chiếc ba lô ra chắn cửa hầm. Những cú xô lắc, gió xoáy và chớp giật liên hồi kì trận tiếp theo. Bao nhiêu căm hờn, phá phách, chém giết ở khắp đất trời này dồn lại, hùa nhau dội xuống. Ô cửa hầm biến dạng, khoảng sáng bé nhỏ bị băm chém không ngớt. “Chết này… chết này… chết này”. Thằng Hóa chốc chốc lại rên rẩm. Sốt ruột, tôi thúc cùi chỏ vào vai nó. Có lẽ nó nghe thấy tiếng bom xé gió trên đỉnh núi. Tôi thì không. Tai ù đặc, chẳng biết tôi nghe được tiếng anh Du, tiếng thằng Hóa, hay chỉ cảm thấy. Các giác quan rối loạn, thật khó nhận biết rõ ràng những gì đang xảy ra. Dần dần thì… vắng lặng. Vắng lặng tuyệt đối. Chốc lát sau lại bom. Có lẽ của chiếc B52 thứ ba, chiếc cuối cùng trong tổ hợp giết chóc, đùng đùng bung phá từ lưng chừng núi tràn xuống thung lũng. Trăm ngàn mảnh gang chém vào cây, vào đất. Lá rụng, bão cũng không tơi bời dữ dằn như thế. Lắng đi một lát thì nghe: “Có đứa nào bị không?”, vẫn là tiếng anh Du. “Không. Không ạ”, tôi và Hóa cùng lên tiếng. “Tốt rồi. Tao lo chỗ thằng Khương quá! - Anh Du bảo. Ra thôi!”. Làm sao có thể ra ngay đây. Căn hầm bị xô lệch. Một góc sạt xuống, chạm lưng thằng Hóa thì dừng. Tôi lựa thế dựng khẩu AK chống vào vách gỗ hãm lại, lách dao găm, moi bớt đất dưới bụng. Thằng Hóa trườn ra, ôm ngực ho, nhổ phì phì, đất ướt bay vào vai vào gáy tôi. Anh Du, bằng cách nào đấy, bị hơi bom hất ra sát ngách chữ chi, lùng nhùng mãi giữa đám rễ cây cùng mấy chiếc ba lô ngoài cửa hầm. Ơn trời, có những chiếc ba lô! Sau này, lúc chuẩn bị xuống núi, chúng tôi mới để ý, ba lô nào cũng bị xuyên thủng dăm ba lỗ. Riêng chiếc của thằng Hóa, một mảnh gang to bằng lưỡi dao găm, đột từ hông thấu vào giữa. Quần áo của nó coi như đi đứt. Cửa hầm sạt lở, một thân gỗ lớn đổ sấp, vít lại. Sờ sẫm tìm thế để cưa cắt, tôi nhận lần vỏ nhẵn nhụi. Đấy là cây săng lẻ duy nhất ở vạt rừng này, hồi chiều thằng Khương móc hăng gô vào một cái mấu, đun nước. Tối, trước khi chui xuống hầm, nó kéo tay tôi ngồi dựa vào gốc cây ấy. Nó hát, bao giờ cũng vậy, trước khi đi ngủ, những câu quan họ không đầu không cuối, bài nọ ngoắc vào bài kia, nghe cũng thuận tai. “Trèo lên quán dốc, ngồi gốc í a cây đa. Í a… Tình bằng chị Hai xinh, tang tình này thì ngồi tựa í a…”. Giọng thằng Khương hơi khàn, đôi lúc cố ý đùa cợt khiến nhịp phách cong vênh mà tấm tình nó dồn cả vào đấy nên vẫn thiết tha nồng ấm. Sinh hoạt đại đội, sinh hoạt chi đoàn, nó chẳng hát bao giờ. Một lần tôi bảo. “Mày thử hát một bài nghiêm chỉnh, có đầu có cuối, xem nào”. “Độc tủ của em mà”, nó cười khẽ vênh cằm lên. “Em cưa đổ cái Thanh vì của độc ấy đấy”. Tôi chả tin mấy. Lính tráng thường thế, đôi khi bịa ra một em Thanh, Đào, Thúy, Liễu, Mận, Mơ nào đó, đương nhiên rất xinh đẹp và giỏi giang, cho ra vẻ ta đây, cho những thằng tay không liếm mép thèm. Thường thì thằng Khương hát, tôi im lặng nghe, đôi lúc hứng chí thuận tay gõ nhịp vào một cái gì đấy: Báng súng, nắp hăng gô, bát sắt… Đêm hôm ấy, tôi vỗ nhịp vào đoạn rễ nổi của cây săng lẻ. Cây săng lẻ to chừng hai vòng ôm ấy gần cửa hầm thằng Khương lắm. Nó đã bị quật đổ, vắt một cành qua cửa hầm bên này. Cưa cắt, xả đất vách hầm hồi lâu ba anh em tôi mới lách ra được. Cả đại đội đã vây quanh hố bom. Từ đâu đó, anh Chi bươn tới, ôm xiết lấy chúng tôi, ba người ra sau cùng, những người chắc chắn còn sống. Một cuộc hủy diệt tàn độc tràn qua Chư Mom Ray. Ba chiếc B52, hàng trăm quả bom dội xuống, không khí đặc quánh, khét lẹt mùi thuốc nổ, đất cháy. Cả sườn núi buổi chiều âm u mấy tầng cây, bấy giờ trống hoác. Vạt rừng đại ngàn toàn gỗ ba bốn người ôm bật gốc, đổ chồng lên nhau, vỡ toác. Căn hầm thứ hai của tiểu đội tôi biến mất hoàn toàn. Căn hầm đó đêm nay có ba người, Khương, Vĩnh và Như. Qua miệng hố bom lớn ấy chừng hai chục bước, căn hầm của tiểu đội Nguyễn Bình Nguyên dẹo dọ, bay hết mái, trơ cây gỗ nóc; dưới ngách chữ chi, sóng xung kích ép khẩu tiểu liên chìm vào vách đất, giật tung quai những đôi dép đúc.
Đêm trên núi cao, ở những vòm rừng cây cối đã bị đốn hạ, không đến nỗi tối mịt tối mù, trong quãng cách dăm ba thước, có thể nom thấy bóng người. Chúng tôi đi, vài ba người một, nhóm xuyên ngang rừng, nhóm lần mò xuống dốc. Đi, nghe ngóng, săm soi… Hi vọng mỏng manh một phép mầu. Có anh Chi lội vào những vùng cây đổ ngổn ngang. Cả đại đội duy nhất chiếc đèn pin của anh Chi, do phải che bớt ống kính, nó chỉ loe hoe sáng. Để tránh máy bay trinh sát gọi một cuộc thảm sát tiếp theo bằng bom tọa độ, chiếc đèn ấy phải úp gần sát nền rừng, dò từng bước. Trời đêm lại nhì nhằng chớp. Không phải đèn dù. Không phải chớp bom hay đại bác. Là sấm sét, từ sườn đông Chư Mom Ray, từ mạn sông Pô Cô dội lại. Rồi mưa. Mưa đầu mùa, hạt thưa mà to lạ, quất rát da. Cuộc tìm kiếm không dừng, đèn hết pin, anh Chi thay cặp mới. Lại đi. Tiếp sức cho chiếc đèn tù mù nọ là thằng Thàng. Lục Văn Thàng, tay súng săn có sừng có mỏ đất rừng Cao Bằng, nó luôn bước cùng anh Chi. Dò dẫm từ hố bom này sang hố bom kia. Trượt, vấp, ngã, đổ xoài trên những xác cây, những vỉa đá, bê bết bùn đất, chúng tôi nháo nhác tìm nhau. Thực ra, ai cũng biết, tìm cho đỡ nặng lòng mình mà thôi. Cặp pin cuối cùng cũng tắt. Bải hoải, không thể nhúc nhắc thêm được nữa, quân tướng tản ra, dựa vào cây cối, kẻ nằm người ngồi, trùm áo mưa, ôm nhau đợi sáng.
Rừng mới lơ mơ, tất cả đã túa ra. Hốc hác và lem nhem, đói thắt ruột từ đêm mà không ai nghĩ đến ăn uống. Tổ anh nuôi của Lê Đức Tuyết cũng tắt lửa, bươn ra hố bom. Tôi cùng anh Du, thằng Hóa cắt xuống thung lũng; Nguyễn Đức Kiệm và Trần Minh Vui bên phải, Trần Văn Thộ và Nguyễn Trung Huân, Lê Quýnh bên trái, đạp ngang sườn núi. Những người khác lần xuống khe, người leo lên ngọn cây, vách núi, chui vào hang hốc. Ban ngày, vơi hẳn nỗi dè chừng lính thám báo đối phương, quân ta dông ra xa hơn. Một vài người cất tiếng gọi. Khương ơi! Vĩnh ơi! Như ơi! Từ lưng núi, tiếng gọi giội lên đỉnh trời, tràn xuống thung lũng, vút theo suối khe, vọng vào dông đồi trước mặt. Gọi trong vô vọng. Gọi, cho bớt hoang vắng lòng mình. Một quả bom tấn. Một căn hầm ba người. Gọi, dù biết mười mươi không thể có phép mầu!
Gần trưa, phần còn lại của ba chàng trai, Nguyễn Tuấn Khương, Trần Vĩnh và Nguyễn Văn Như, kể cả những thứ liên quan, từng mẩu quần áo, tăng màn, dây võng, dây lưng, bát sắt... dồn vào túi, non một ba lô, xách nhẹ tay. Trên một cành cây, cách căn hầm bị nạn chừng năm chục thước, tôi gỡ một vỏ hộp thịt. Nó bị găm chặt vào đấy, nát bươm, không còn mẩu thịt xay nào, thay vào đó, tôi nhận ra một phần cốt nhục, bé nhỏ lắm, của đồng đội mình. Hộp thịt loại hai lạng rưỡi đó, hộp thịt cuối cùng của tiểu đội tôi, thằng Như bo bo giữ cả tháng. Bữa tối hôm ấy, nó định mở ra, khao quân. Thằng Vĩnh ngăn lại, bảo để chờ anh Bút. Trần Vĩnh, cô Tấm quê Nghệ An đã nói, ai nghe cũng lọt tai. Thằng Như khịt mũi, cười. “Ừ thì chờ bố Bút. Nhưng mà bố Bút tài lắm. Hồi đường 9 Nam Lào, bố lạc rừng, bẫy chim, mò cá nướng thịt, nấu cơm bằng bi đông. Ngồi võng đu đưa, vừa ăn vừa xua tay đuổi… thám báo”. Kể lại chuyện tôi đã kể cho nó nghe, thằng Như bịa thêm khúc đuôi về thám báo. Uầy, thằng Như, nó kém tôi một tuổi đời, một tuổi quân, một tuổi… ngủ hầm. Tôi vẫn ngủ nghỉ với tổ thằng Khương. Thằng Như cũng thích như thế. Mắc võng, tôi tầng trên, nó ở dưới. Ngủ hầm thì kề nhau, nó thường khụt khịt mũi trước khi mở lời. “Này, nghe em bảo đây. Nay mai hòa bình, anh làm em rể em nhé. Em gái em ý, nó đẹp lắm”. Tôi gật. “Ừ, tao sẽ làm em mày!”. Một đêm đã lâu, tôi thức dậy vì phiên gác sắp tới, quờ tay chạm phải cái đàn ông con trai của nó. “Đồ quỷ, dậy mà đi tiểu”. Nó co hai tay ôm khư khư lấy bọc, khụt khịt. “Anh ngố hề. Có phải người ta buồn đi tiểu đâu”. Ôi thằng Như, đêm cuối cùng, nó không ngủ hầm cùng tôi.
Những lúc yên hàn nhớ lại mới dài dòng văn tự, chứ khi đó, tôi chỉ nhìn cái vỏ hộp thịt rách nát, tróc hết sơn ấy, nhìn rất lâu, rồi bỏ vào ba lô, đặt xuống lỗ huyệt. Đất rụng rào rào. Anh Du và thằng Hóa cắt, xẻ một khúc gỗ lớn làm bia. Những xẻng đất cuối cùng chưa kịp đắp, một người đổ gục xuống, vật vã. Loáng thoáng vài lời hứa với thề gì đấy. Là gã. Từ đầu cuộc tìm kiếm đồng đội đến lúc ấy, gã rúc sâu trong hầm, đôi lần xăng xái lên tiếng ở chỗ này, chỗ khác. Gã, một bí thư đoàn ở quê, dẻo miệng động viên người ta ra trận, đến hồi cái lưỡi không giúp gã lẩn lánh được nữa, gã phải đi, cùng lứa thằng Như. Lính trận chẳng lạ gì bụng nhau. Gã lính binh nhất trường kì, trơn lông đỏ da đến tận ngày tạnh bom tạnh đạn. “Thôi, dậy đi!”, ai đó nói. Gã quệt nước mắt, đứng lên. Chúng tôi vây quanh nấm mộ. Anh Chi nói lời vĩnh biệt. Những khuôn mặt trẻ trai ầng ậng nước. Đến lúc mặc niệm, tôi bật khóc, tôi khóc to lắm. Anh Chi nhìn, chớp chớp mắt, rồi đột ngột cao giọng. “Mệnh lệnh... Cấm buồn! Không được khóc! Hãy nhớ lấy hôm nay...!”. Nhưng mệnh lệnh tuyệt nhiên vô hiệu. Sau một giây ắng lặng, chính anh Chi, thượng sĩ Nguyễn Minh Chi, chính trị viên phó đại đội bưng mặt, nước mắt nhòe nhoẹt khuôn mặt góc cạnh, chảy qua cánh tay, nhỏ xuống áo từng dòng. Cả đại đội nấc nghẹn. Nguyễn Đức Du, Lê Đức Tuyết, Nguyễn Bình Nguyên ngồi thụp xuống bên nấm đất, mắt đỏ sòng sọc, mặt nhão ra. Đầu dốc, bất chợt một điểm xạ AK 47. Những điểm xạ tiếp theo. Hai viên, rồi ba viên đạn K56, xen kẽ nhau trong một lần nhíp cò. Ba mươi lần nòng súng lóe sáng, đạn chếch lên trời. Bầm bầm... bầm bầm bầm... bầm bầm... Kiểu bắn của một tay súng khổ luyện. Là tay thiện xạ Lục Văn Thàng. Trước lúc hoàn tất ngôi mộ, anh Chi mở bản đồ xác định tọa độ chôn cất đồng đội, Thàng xiết tay tôi, xách súng leo lên. Xong việc cần làm, nó len vào đội hình, đứng bên cạnh tôi.
Vòm trời lại âm u rền rĩ. Vẫn là B52, ba chiếc, chúng đã bay vượt qua đầu. Bom, có lẽ bom khoan - cắm sâu dưới lòng đất mới nổ, lẫn bom phát quang - triệt hạ tức thì mọi thứ trên mặt đất. Chớp giật từng đợt. Tiếng nổ trầm đục xen kẽ bùng phá đanh lạnh. Vệt bom nổ rất dài, có lẽ trúng đường chúng tôi đã đi qua. Dứt bom, anh Chi khẽ ngước lên, gương mặt gồ ghề sắt lại. Một lát, anh vỗ vỗ vào nấm đất mới: “Thôi, ở lại nhé, các em…!”. Chúng tôi xốc ba lô, xuống núi. Mùa mưa, sau cơn dậm dọa hồi đêm, sầm sập đổ xuống trắng rừng.
Mười ngày sau, anh Bùi Huy Bút đuổi kịp đơn vị. Trận bom B52 trưa ngày chúng tôi chuẩn bị xuống núi, đổ chệch hành lang chiến dịch một dông đồi, cắt đứt đường dây hữu tuyến, phá banh mấy căn hầm dã chiến vắng người. Nhưng một tay súng thám báo thiệt mạng. Không biết do bom hay tại kiếp nạn gì. Lính thông tin ta đi cắt tuyến mới, gặp ở góc rừng, gần vách đá nhỏ đựng đứng, cách hố bom gần nhất chừng nửa cây số, đất đá vun lên còn mới. Bia chìm, bằng vỏ bi đông nhựa, tên người nằm dưới đất viết tắt, kèm một dãy số. Người lập mộ rất có nghề, đã tính tới chuyện sau này tìm kiếm cho dễ. Là anh Bút nghe giao liên kể lại. Chuyện lính đường trường không biết thực hư đến đâu. Anh Bút về, tiểu đội tôi bốn người, ngủ nghỉ chia hai, anh Du và Hóa, anh Bút chuyển sang cùng hầm với tôi. Cái ngày, bây giờ đã xa xăm ấy, anh Bút bị sốt rét quật, buộc phải nằm lại trạm giao liên. Vắng anh Bút, tiểu đội trưởng Du bảo tôi sang ngủ cùng anh và thằng Hóa. Thường, tôi vẫn ngủ cạnh thằng Như, một hầm với Khương và Vĩnh. Cơ duyên run rủi, nếu không, tôi đã nằm lại cùng bạn bè mình, trên núi cao. Đời người vậy đó, còn mất trong tấc gang. Hãy thương nhau mỗi ngày, từng phút một! Hình như anh Chi nói vậy, lâu rồi.
Đã bốn mươi lăm năm! Dãy núi thuở nào bời bời bom đạn, bây giờ là Vườn quốc gia - Di sản ASEAN, một điểm du lịch sinh thái hút người hút của ở Tây Nguyên. Tôi vào Google tìm đọc, thấy có nhiều thứ hay ngày xưa chưa kịp biết. Dù vậy, với tôi Chư Mom Ray chỉ đau đáu một nỗi niềm. Ba người bạn của tôi, trong chiếc ba lô bé nhỏ đã được đón về nghĩa trang, hay vẫn nằm ở đấy cùng phần lớn cốt nhục tản mát khắp đất rừng, trên ngọn núi quanh năm sừng sững mây mù!
Nguồn: Văn nghệ Quân đội