LÍ THUYẾT TIẾP NHẬN-KHẢ DỤNG VÀ GIỚI HẠN
Điều này có nghĩa là, nhà nghiên cứu có xu hướng lấy một trong bốn yếu tố làm cơ sở cho việc định nghĩa, phân loại, phân tích tác phẩm nghệ thuật, cũng như làm tiêu chí chính để đánh giá”. Bốn yếu tố mà M.H.Abrams đề cập là tác phẩm, tác giả, độc giả và thực tại, mà trong đó, theo Sơ đồ Aristotle, thì tác phẩm là yếu tố trung tâm. Ngô Tự Lập đi đến khẳng quyết: Các lí thuyết văn học tiếp cận văn chương theo những cách khác nhau và có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung tối quan trọng không thể chối cãi: Tác phẩm văn học là một hiện tượng sử dụng ngôn ngữ trong đó không thể thiếu vai trò của tác giả, độc giả cũng như thực tại, cho dù mỗi yếu tố tham gia ở những mức độ khác nhau.(1)
Lí thuyết tiếp nhận tập trung vào quan hệ giữa văn bản và người đọc, vào cơ chế tạo nghĩa của văn bản khi tương tác với người đọc.
Về thực chất, tiếp nhận văn học là một cuộc giao tiếp đối thoại tự do sáng tạo giữa người đọc và tác giả qua tác phẩm, ở đó người đọc cụ thể hóa hiện thực hóa tác phẩm trong trí tưởng tượng của mình. Trong hoạt động này, người đọc có thể gặp gỡ với tác giả, trở về với tâm ảnh của tác giả, nhưng cũng có thể cách xa, rất xa so với tác giả. Tiếp nhận văn học thúc đẩy ảnh hưởng văn học, làm cho tác phẩm không đứng yên mà luôn luôn lớn lên phong phú thêm trong trường kì lịch sử, tạo thành đời sống lịch sử của tác phẩm. Nếu lí luận tiếp nhận truyền thống chủ yếu quan tâm tới sự gặp gỡ của hai chủ thể cá nhân của tác giả và người đọc, của hai “thế giới nội tâm”, của ý thức (và vô thức) tác giả với ý thức (và vô thức) người đọc, thì lí thuyết tiếp nhận hiện đại bổ sung thêm bình diện xã hội học, tính quy định văn hóa lịch sử đối với sự gặp gỡ kia. Ý nghĩa của lí luận tiếp nhận hiện đại là tường minh được cơ chế hoạt động tiếp nhận và từ đó cho thấy sự tồn tại đích thực của tác phẩm cũng như số phận lịch sử của nó.(2)
Các nhà lí thuyết tiếp nhận hiện đại như H.R.Jauss, W.Iser, M.Naumann, D.Schlenstedt, R.Ingarden… cho rằng, tác phẩm văn học là một “đề án tiếp nhận”, một “tiềm năng để tiếp nhận”, một “kết cấu vẫy gọi”, một “chương trình nhận thức”, một “sơ đồ”… Tuy nhiên, “đề án”/ “kết cấu”/ “chương trình”/ “sơ đồ” ấy chỉ được khai triển, được hiện thực hoá trong “tầm đón” của người đọc, với khả năng “đồng sáng tạo” của anh ta. Muốn thế thì tự thân dự đồ văn chương ấy phải giàu “tiềm năng”, được đặt ở chế độ động và mở, có khả năng mở ra những “chân trời” tiếp nhận nơi những “người đọc tiềm ẩn” - những người đọc được trông mong trong kết cấu của văn bản. M.B.Khrapchenco xem tác phẩm như một máy thu có nhiều dải sóng mà người nhận là kẻ chỉnh sóng để dò bắt được đúng cái “chương trình” mà mình mong đợi.
Quyết định số phận sáng tác mỗi thời là tầm đón của người đọc, thế hệ người đọc, cộng đồng người đọc. Tầm đón là khái niệm do K.Mannheim - nhà triết học và xã hội học người Đức nêu ra, được Jauss vận dụng vào văn học. Theo Jauss, tầm đón là tiền đề tiếp nhận tác phẩm của người đọc. Nó bao gồm kinh nghiệm và tri thức có được từ trong các tác phẩm đã đọc, mức độ quen thuộc đối với các hình thức và thủ pháp văn học khác nhau cũng như các điều kiện chủ quan khác (địa vị kinh tế, chính trị, trình độ được đào tạo, sự từng trải và kinh nghiệm sống, trình độ thưởng thức và thị hiếu nghệ thuật, hứng thú cá nhân, tính cách và các tố chất…). Jauss cho rằng tầm đón được biểu hiện cụ thể ở ba phương diện: 1/ sự hứng thú và đòi hỏi đối với hình thức, phong cách, thi pháp của tác phẩm, gắn liền với những hình thức thể loại đã biết; 2/ năng lực cảm nhận, trình độ lí giải gắn với một môi trường lịch sử văn học cụ thể; và 3/ sự đối lập của tưởng tượng và thực tại, của các chức năng thực tế và chức năng nghệ thuật của ngôn ngữ.(3)
Tán thành với các nhà lí thuyết tiếp nhận hiện đại, đặc biệt là nhận định của Jauss, rằng tính lịch sử của văn học chính là ở những trải nghiệm vốn có của bạn đọc đối với tác phẩm văn học, rằng không thể hiểu được nghệ thuật nếu chỉ nhìn vào tác phẩm và hành vi sáng tạo ra nó, khoảng năm mươi năm nay, các nhà nghiên cứu - dịch giả như Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử, Phương Lựu, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Trương Đăng Dung, Lã Nguyên, Nguyễn Hưng Quốc, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Văn Dân, Hoàng Phong Tuấn… đã hứng khởi tích cực lan toả lí thuyết tiếp nhận hiện đại vào đời sống văn học Việt Nam. Năm 1971, Nguyễn Văn Hạnh đã phát biểu: Trong khâu sáng tác, giá trị là cố định và ở trong thế khả năng; ở trong khâu thưởng thức, trong quan hệ với quần chúng, giá trị mới là hiện thực và biến đổi. Quan điểm nghiên cứu, đánh giá tác phẩm này sẽ lưu ý nhà văn đến độc giả, buộc người nghiên cứu trong khi đánh giá tác phẩm không thể chỉ dừng lại ở việc đối chiếu cái được phản ánh và cái phản ánh, ở sự phân tích cấu trúc bên trong của tác phẩm, mà phải chú ý đến tác dụng thực tế của tác phẩm, phản ứng của người đọc đối với nó, cơ sở xã hội - lịch sử và tâm lí của sự tiếp thu.(4) Về sau, Trần Đình Sử cũng khẳng quyết: Nếu xem hoạt động của văn học gồm hai lĩnh vực lớn là sáng tác và tiếp nhận thì bản thân sự tiếp nhận đã hàm chứa một nửa lí luận văn học.(5) Nhờ công của những nhà nghiên cứu - dịch giả kể trên trong việc giới thiệu lí thuyết cũng như công của rất nhiều nhà nghiên cứu - phê bình trong việc ứng dụng thực hành lí thuyết vào những trường hợp cụ thể, trong gần nửa thế kỉ qua, cộng đồng văn học Việt Nam dần ý thức sâu sắc, rằng trong hai loại lịch sử khác nhau của tác phẩm văn học là lịch sử sáng tạo và lịch sử tiếp nhận thì loại lịch sử sau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi chính loại lịch sử này một mặt làm cho tác phẩm trở nên giàu có đa bội hơn hẳn chính bản thân chúng, mặt khác mở rộng và thậm chí làm thay đổi tầm nhìn tầm cảm nhận của người đọc, khi mà cái đọc của họ đã có cơ hội cọ xát đối thoại với rất nhiều cái đọc khác cả trên hai chiều đồng đại và lịch đại.
2. Đặc biệt, đối với một hiện tượng văn học gây nhiều làn sóng tiếp nhận trái chiều, thì việc phục dựng lại cái diễn trình lịch sử mà nó được đọc được diễn dịch được đánh giá sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan đến “đời sống” của nó - cái đời sống riêng nằm ngoài khả năng can dự kiểm soát của tác giả - mà còn liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của nghiên cứu văn học như lịch sử văn học, lí luận văn học, phê bình văn học.
Chẳng hạn, thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng là hiện tượng gây nhiều tranh cãi, nhiều chiều hướng tiếp nhận. “Cách tân” hay là “giết thơ”? “Thơ đến tận cùng” hay là “phản thơ”? Những làn sóng tiếp nhận cứ va đập vào nhau rồi đẩy về đầu mút của hai thái cực. Nghiên cứu thực tiễn tiếp nhận thơ của nhóm tác giả này, kể từ khi các tập thơ của họ hoặc lần lượt hoặc đồng thời xuất hiện trên thi đàn, sẽ trừu xuất được ít nhiều kết quả khả dụng.
Các tập thơ “lạ” thường được xem là có dấu hiệu của chủ nghĩa hiện đại như Ba sáu bài tình (Lê Đạt - Dương Tường), Ngựa biển, Người đi tìm mặt (Hoàng Hưng), Bóng chữ (Lê Đạt), Bến lạ, Ô mai (Đặng Đình Hưng)... được bắt đầu công bố từ cuối những năm 80 thế kỉ XX. Tuy nhiên, cần lưu ý là thực ra nhiều sáng tác trong số này đã ra đời trước mốc xuất bản khá lâu. Đó là những sáng tác nằm ngoài lề dòng thơ ca chính thống một thời. Như vậy, có thể thấy những nỗ lực cách tân thơ ca của thời kì Đổi mới thật sự đã được manh nha khởi động từ trước đó bởi ý chí sáng tạo âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt của những nhà thơ kể trên.
Ngôn từ thơ, nhất là kiểu thơ từ chối “biểu nghĩa”, nỗ lực “làm việc trên chiều năng nghĩa”, tìm đến thủ pháp lạ hóa mờ hóa như trường hợp Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng, càng là nơi tập trung tính mơ hồ đa nghĩa của ngôn từ nghệ thuật, cũng là nơi có khả năng tạo sinh nhiều nhất “mã tiếp nhận”. Điều này cắt nghĩa hiện tượng đa tiếp nhận thơ các nhà thơ này.
Cuộc “đi tìm mặt” của Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng chính là nỗ lực tìm kiếm cho mình một thứ ngôn ngữ mới nhằm cách tân mở ra những hướng mới cho thơ, và mỗi người trong số họ đều đưa ra những tuyên ngôn (hoành tráng) riêng. Tuy nhiên, thơ của họ cách tân không đồng bộ (nghĩa không theo kịp chữ, hình thức không đi liền với nội dung hoặc ngược lại, hay ý chí thể nghiệm hình thức lấn lướt hoặc chênh với cảm xúc tự nhiên...), và không đồng đều (mức độ thành công ở mỗi bài/ câu không giống nhau). Do vậy, những người đọc chỉ quan tâm đến những điểm thành công thì vồ vập cổ suý, còn những ai chỉ chăm chăm vào những điểm kém/ thất bại/ cách tân chưa tới, thấy khoảng cách giữa tuyên ngôn và thực tế sức bật tài năng ở các tác giả này khá xa thì lớn tiếng phủ định sạch trơn.
Từ sau 1954, giới độc giả Việt Nam có sự phân hoá sâu sắc về văn hoá đọc. Lí thuyết văn học mà họ tiếp cận có thể là lí thuyết đã có phần lỗi thời so với thực tiễn sáng tác mới, có thể là thứ lí thuyết hiện đại phong phú đa dạng có nguồn cội từ những quan niệm tư tưởng triết - mĩ khác nhau. Gắn với những khung lí thuyết như ngôn ngữ học, phân tâm học, cấu trúc luận, hình thức luận, hiện tượng luận, “phê bình mới”..., một bộ phận người đọc thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng không nhất nhất đi tìm cái gọi là “nghĩa” của những từ/ câu/ đoạn/ bài, không lấy việc “hiểu” làm mục đích, chỉ cần bài thơ mang lại cho họ một cảm giác một ấn tượng là đủ; ngược lại, một bộ phận người đọc không lấy những lí thuyết này làm khung nhận thức, bất lực trong việc “diễn xuôi” thơ nên vội vàng cho thơ của các nhà thơ kể trên là “hũ nút”, là “phản thơ”.
Người ta khó tìm được tri âm rộng rãi trong quan niệm về yếu tính của thơ, nên khi đọc thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng, những ai quan niệm yếu tính của thơ là cách làm chữ là cách tổ chức ngôn ngữ thì sẽ cho đây là “thơ đến tận cùng”, tác giả của chúng là những “phu chữ”, còn những ai quan niệm yếu tính của thơ là thông điệp là điều chia sẻ giãi bày thì sẽ cho đây là thơ “hũ nút”. Cũng vậy, khái niệm hay dở mới cũ của thơ thường trừu tượng và mang tính chủ quan cá nhân, nên người ta khó có thể có tiếng nói chung khi tiếp nhận thơ của các nhà thơ này.
Một bộ phận chủ thể tiếp nhận - phê bình luôn cảnh giác với thứ thơ mà họ cho là “trò xiếc chữ”, “phá phách”, “bên lề”, “phụ lưu”, “bàng thống”, thứ thơ bị cho là “du nhập rác tri thức về”, “lai căng”, “nhố nhăng”, “vong bản”… Đã thế, công việc cách tân thơ của Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng lại đi kèm những tuyên ngôn như “chôn Thơ mới” dễ bị quy chụp là gây hấn phá bĩnh phạm thượng. Thêm nữa, một số trong những nhà thơ này bị gọi là “bọn Nhân văn - Giai phẩm”, “bọn có vấn đề”... Cứ như thế, tâm thế định kiến (hoặc về thẩm mĩ hoặc về chính trị hoặc về cả hai) chi phối cái đọc của nhiều người. Với bộ phận chủ thể tiếp nhận - phê bình này, đây là thơ “vô nghĩa”, “hũ nút”, “phá chữ”, “làm bẩn chữ”, “vong bản”, “đưa thơ vào thế chân tường”, “giết thơ”, “phản thơ”... Ngược lại, một bộ phận người đọc thơ bằng tâm thế đón đợi cổ vũ cái mới cái khác, không quan tâm đến những yếu tố phi thơ ngoài thơ. Họ đòi hỏi, thời đại khác chất liệu ngôn ngữ thơ cũng phải khác. Do vậy, khi nhìn vào các sản phẩm cách tân thành công, độc sáng của các nhà thơ kể trên, họ cho đây là “thơ đến tận cùng”, là niềm kiêu hãnh của nền thơ Việt Nam hiện đại.
Theo Ngô Tự Lập, “văn chương như là quá trình dụng điển”. Bài thơ là một kí hiệu được thiết lập tức thời giữa nhà thơ và người đọc trong quá trình tiếp nhận. Tài năng của nhà thơ nằm ở khả năng phán đoán được cái vốn “điển” tiềm ẩn ở người đọc, cái mà nhà thơ trông đợi sẽ trở thành “điển” chung tức thời giữa anh/ chị ta và người đọc khi tiếp nhận văn bản. Vì các độc giả khác nhau, vốn “điển” tiềm ẩn có thể được kích hoạt trong kí ức họ cũng khác nhau, nên cùng một bài thơ nhưng không bao giờ có sự tiếp nhận như nhau bởi những độc giả khác nhau.(6) Đa vốn “điển” nơi những chủ thể tiếp nhận khác nhau góp phần cắt nghĩa hiện tượng đa tiếp nhận thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng.
Thói quen đọc thơ, quán tính thẩm mĩ quy định lối thưởng thức thơ của một bộ phận người đọc. Bài/ tập thơ nào không vừa vặn với tầm mong đợi vùng thưởng ngoạn của họ thì bị phủ nhận chối bỏ. Trong một nền văn hóa còn đề cao tính đại chúng, những cách tân có khi quá bạo liệt của thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng vượt ra ngoài mọi khuôn khổ cũ khiến phản ứng chung của nhiều người là phủ nhận ngay tư cách thơ của những bài thơ được xem là mới trước khi đặt vấn đề là chúng hay hay không hay. Ngược lại, một bộ phận người đọc can đảm vứt bỏ những hình dung quen thuộc của mình về thơ và đủ hứng thú để tham dự vào cuộc phiêu lưu ngôn từ này. Với họ, thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng là niềm khoái thú đặc biệt trong giải mã, và do vậy, họ cho đây là thứ thơ “cách tân”, “thơ đến tận cùng”.
Trước khi thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng được công bố khoảng nửa thế kỉ, Thơ mới đã làm nên một cuộc đại cách mạng, “một thời đại trong thi ca” cả về diện và đỉnh. Một khi thực tế sức bật tài năng có khoảng cách khá xa so với những tuyên ngôn (hoành tráng) dẫn đến thành tựu thơ của các nhà thơ đi sau không thể vượt qua được thành tựu Thơ mới, thì người đọc thất vọng, cực đoan hơn là phủ nhận chế giễu cũng là điều dễ hiểu. Với nữa, sau khoảng ba mươi năm im lặng từ hậu thời kì Nhân văn - Giai phẩm, các nhà thơ này tái xuất, sự mong đợi kì vọng của mọi người lúc đó đối với họ là rất lớn, nên người đọc đã thất vọng trước những bài/ tập cách tân chưa tới trong loạt thơ gọi là cách tân mà các nhà thơ này trình làng. Thêm nữa, sau nhiều năm chiến tranh, sự tiếp xúc trực tiếp và đồng thời của độc giả Việt Nam với thơ hiện đại thế giới bị hạn chế, người ta vốn dị ứng với cái lạ và chưa kịp có nhu cầu đổi thay mĩ cảm, do vậy, những tập thơ “lạ” của Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng chưa giành được thiện cảm của số đông, do chúng không may mắn có được một lớp độc giả lí tưởng như thời Thơ mới - những trí thức Tây học đang hăm hở với cái mới và đã từng ít nhiều được làm quen với cái mới qua nền văn học Pháp thế kỉ XIX trong nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh việc gặp bối cảnh bất lợi như vừa trình bày thì những tập thơ của Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng được công bố giữa bối cảnh không ít thuận lợi. Tinh thần đổi mới đã thực sự thổi một luồng gió mới vào đời sống văn học nói chung và đời sống thơ nói riêng. Trong thời đại thế giới ngày một “phẳng”, đời sống thơ nước nhà không ngừng trở nên giàu có bởi những góc nhìn hướng nhìn tầm nhìn mới do những hệ thống lí thuyết mới trên thế giới soi chiếu. Chủ nghĩa hậu hiện đại mở ra sự khủng hoảng phân rã của những cái toàn trị nhất quán, là một môi trường văn hóa thuận lợi cho sự phát triển của các dòng văn học bị coi là “ngoại biên”, “phụ lưu”, “bàng thống”.(7) Nhờ tinh thần “giải trung tâm” trong văn nghệ mà thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng đã ngày càng có cơ hội nổi lên, trở thành bình đẳng với mọi hiện tượng văn học khác. Hệ quả của hơn ba mươi năm đổi mới và hội nhập là đã tạo ra một không gian thoáng mở. Văn hoá đọc không ngừng được cải thiện. Trình độ đọc không ngừng được nâng cao. Người đọc càng ngày càng ghi nhận khẳng định những đóng góp nhất định của các nhà thơ kể trên.
Như vậy, nếu đi sâu khảo sát miêu tả cái “dây chuyền tiếp nhận” thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng từ khi chúng được công bố cho đến nay và nỗ lực kiến giải hiện tượng đa tiếp nhận đó thì một cách nhìn nhận đánh giá toàn diện thấu đáo công bằng khách quan hơn về thơ của các tác giả này sẽ được kiến tạo, những đóng góp của họ trong sự vận động của thơ ca đương đại sẽ không bị bỏ sót, đồng thời, những vấn đề cốt lõi của lí thuyết tiếp nhận sẽ được thêm cơ hội tham chiếu và củng cố. Ngoài ra, thiết thực hơn, bức tranh toàn cảnh lịch sử tiếp nhận thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng và một cách đánh giá lại thơ các tác giả này sẽ là đường dẫn khả dụng để đi đến câu chuyện đang để ngỏ, đang ngổn ngang bộn bề, chưa bao giờ nguội tính thời sự: tiếp nhận - phê bình, sáng tác, lí luận thơ cách tân đương đại. Đối với tiếp nhận - phê bình, từ đây người ta có ý thức hơn trong việc nâng tầm đón nhận khi gặp thơ “khó”, thiết tạo cách đọc mới khi gặp thơ “lạ”; ứng xử với thơ bằng tâm thế không định kiến, bằng thái độ không phủ định sạch trơn; không a dua nói theo, không cổ súy thái quá đối với cả những trường hợp cách tân chưa tới, cách tân thất bại. Đối với sáng tác, từ đây người ta một mặt táo bạo hơn trong cách tân, dũng cảm hơn trong tìm tòi thể nghiệm, mặt khác biết nói “không” với lối cách tân vô điều kiện. Đối với lí luận thơ, từ đây người ta không đóng khung lí thuyết, không đông cứng thể loại; coi trọng vai trò hướng đạo của lí luận đối với sáng tác, tiếp nhận - phê bình...
3. Không có lí thuyết nào là toàn bích, độc tôn. Như đã nói ở đầu bài viết, mỗi lí thuyết văn học tiếp cận văn chương theo những cách khác nhau, bằng việc tập trung vào một bình diện khác nhau. Nếu tuyệt đối hoá một lí thuyết nào đấy khi nghiên cứu văn học thì đồng nghĩa với tự biến mình thành “thầy bói xem voi”, tự đẩy mình đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Một lí thuyết bất kì đều đang ở trạng thái dang dở, đang nỗ lực tự hoàn thiện, vừa bình đẳng với các lí thuyết khác vừa có nguy cơ bị phủ định thay thế bởi một lí thuyết mới. Do vậy, một cách hành xử khôn ngoan là tỉnh táo gạn đục khơi trong lí thuyết, là cân bằng hai mặt tích cực và tiêu cực của lí thuyết bằng việc không ngừng đa dạng hóa lí thuyết. Với tinh thần thức nhận như vậy, không khó để nhận ra, bên cạnh những hạt nhân hợp lí thì lí thuyết tiếp nhận hiện đại cũng bộc lộ những giới hạn, bất khả của nó, đặc biệt là khi lí thuyết này cực đoan dẫn dụ người nghiên cứu chú mục vào quan hệ giữa tác phẩm và người đọc, trong đó cường điệu hoá đến mức tuyệt đối hoá vai trò của người đọc. Phương Lựu phát biểu, vai trò tác dụng quan trọng của người đọc là quá rõ ràng, nhưng tất cả vai trò và tác dụng quan trọng đó chỉ diễn ra khi có tác phẩm. “Không có tác phẩm thì cố nhiên người vẫn còn đây, nhưng dứt khoát không có cái gọi là người đọc”.(8)
Không thể phủ nhận, rằng phương thức tồn tại của tác phẩm văn học, thực chất, chính là quá trình tạo lập đời sống cụ thể của văn bản văn học qua sự tiếp nhận của người đọc. Cũng không thể phủ nhận, rằng tác phẩm văn học không đồng nhất trùng khít với mọi sự đọc, bởi không ai có thể hiểu hoàn toàn đúng về tác phẩm, không có ý kiến phát biểu duy nhất đúng về tác phẩm; hơn thế, dù động cơ tâm thế tầm đón như thế nào thì đọc “nhầm” là một hiện tượng phổ biến: khen nhầm cũng như chê nhầm. Antoine Compagnon từng đặt ra câu hỏi: “Nếu ý nghĩa một văn bản là tổng số các diễn giải nó đã nhận được, thì tiêu chuẩn nào cho phép ta phân biệt một diễn giải có hiệu lực với một diễn giải sai? Khái niệm hiệu lực có thể duy trì được hay không?”.(9) Một câu hỏi khác cũng có thể được đặt ra là: Vậy thì cái gì bảo đảm sự đồng nhất trùng khít của một tác phẩm với chính nó?
Ấn tượng thẩm mĩ di động giữa hai cực (tác phẩm và người đọc), cho nên sự thay đổi của một trong hai cực đó đều làm hình thành những giá trị thẩm mĩ khác nhau, đặc biệt là ở cực chủ thể tiếp nhận, nơi mà thế giới nội tâm luôn có những biến động vô thường bất thường, vì thế khả năng biến thể của các giá trị thẩm mĩ liên quan đến một tác phẩm là rất lớn. Và thách thức đặt ra là làm sao có những chuẩn cứ giúp ta so sánh và khoanh vùng được các giá trị thẩm mĩ liên quan đến một tác phẩm.
Không thể lấy sự đánh giá của đại chúng làm tiêu chuẩn của sự sáng tạo. Với những thi phẩm “lạ” gây tranh cãi, gây những làn sóng tiếp nhận trái chiều thì không thể lấy “đa số thắng thiểu số”, lấy “chúng khẩu đồng từ” làm chân lí. Sự tiếp nhận đáng tin cậy là sự tiếp nhận của những “người đọc lí tưởng”, những “siêu người đọc”. Nhưng, nhận diện người đọc đáng tin cậy cũng chỉ là sự nhận diện chủ quan, và bản thân người đọc tưởng là đáng tin cậy đó thực ra cũng là một khối chủ quan, đầy thiên kiến và giới hạn.
Chính Jauss cũng từng khiêm tốn tự nhận, rằng mĩ học tiếp nhận là một phương pháp với những cơ sở vẫn còn chưa được hoàn toàn chắc chắn, nó không thể một mình đóng góp vào cái mới hiện tại của công việc nghiên cứu nghệ thuật. “Nó không phải là một bộ môn độc lập, xây dựng nên một hệ tiền đề có khả năng tự mình giải quyết mọi vấn đề gặp phải, mà nó là một sự suy tư phương pháp luận cục bộ có thể kết hợp với các phương pháp khác và được bổ sung bởi chúng để đạt tới kết quả của mình”(10)
P.L
--------
1. Xem: Ngô Tự Lập (2008), “Lời nói đầu”, Văn chương như là quá trình dụng điển, Nxb Tri thức, Hà Nội.
2. Xem: Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.325-326.
3. Xem: Trần Đình Sử (2005), Tuyển tập, tập hai, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.310.
4. Xem: Nguyễn Văn Hạnh (1971), “Ý kiến của Lenin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống”, tạp chí Văn học, số 4, tr.95-98.
5. Xem: Trần Đình Sử (2005), Tuyển tập, tập hai, sđd, tr.300.
6. Xem: Ngô Tự Lập (2008), Văn chương như là quá trình dụng điển, sđd, tr.101.
7. Xem: Nguyễn Hưng Quốc (2007), Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, Văn Mới, tr.297.
8. Xem: Phương Lựu (1999), Mười trường phái lí luận phê bình văn học phương Tây hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.230.
9. Xem: Antoine Compagnon (1998), Bản mệnh của lí thuyết - văn chương và cảm nghĩ thông thường, Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006, tr.116.
10. Dẫn theo Nguyễn Văn Dân (1999), Nghiên cứu văn học - lí luận và ứng dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.73.
NGUỒN: VNQD