CHIẾN TRANH NHÌN TỪ TRUYỆN NGẮN CỦA MỘT SỐ CÂY BÚT NỮ
Chúng ta là tù binh của những hình ảnh “đàn ông” và những xúc cảm “đàn ông”(1) và bởi vì “cuộc chiến tranh “nữ” có những màu sắc riêng của nó, những mùi riêng của nó, nguồn chiếu sáng riêng và không gian cảm xúc riêng của nó”(2).Những nghiên cứu về văn học nữ Việt Nam đương đại gần đây bên cạnh việc khẳng định sự đông đảo về đội ngũ cũng đã chú ý đến những đặc điểm và dấu ấn của người sáng tác nữ. Mặc dù có những ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau về sáng tác của những cây bút nữ, nhưng điều này cho thấy sáng tác của họ đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được luận giải một cách thấu đáo. Và việc tiếp cận những vấn đề chiến tranh trong truyện ngắn là một phương diện để đi vào khám phá thế giới nghệ thuật của họ.
Trong dòng mạch văn học viết về chiến tranh những thập niên gần đây của các cây bút nữ có thể kể đến các tác phẩm: Dạo đó thời chiến tranh, Mong manh như là tia nắng - Lê Minh Khuê, Có một đêm như thế - Phạm Thị Minh Thư, Trên mái nhà người phụ nữ - Dạ Ngân, Người sót lại của rừng cười - Võ Thị Hảo, Bản lí lịch tự thuật - Y Ban, Đàn sẻ ri bay ngang rừng - Võ Thị Xuân Hà, Khúc nhạc rừng dương - Trần Thùy Mai, Con ma, Đêm thảo nguyên - Lý Lan, Ơi đò Ca Cút, Gió của mùa sau - Trần Thanh Hà, Núi đợi - Bùi Thị Như Lan, Gió tháng chạp - Nguyệt Chu, Đỉnh khói, Giấc mơ đá vỡ - Nguyễn Thị Kim Hòa...
Sự tiếp nối với nhiều gương mặt và sắc thái đã cho thấy những góc nhìn khác nhau về chiến tranh trong sáng tác của các cây bút nữ. Một đề tài chiến tranh được các nhà văn nữ chú ý khai thác là người lính trở về. Thông qua đề tài này, các cây bút nữ đã khám phá những bi kịch, những chấn thương tinh thần khó tránh khỏi của những người lính trong quá trình tái hòa nhập với cuộc sống đời thường.
Truyện ngắn Một chuyến đi của Nguyễn Thị Thu Huệ tái hiện cuộc sống của những người thương binh trở về quê hương khi thân hình không còn nguyên vẹn, những ước hẹn năm xưa cũng không còn, chuyện tình duyên lỡ dở. Y Ban đã khắc họa đời sống cơ cực của một người lính sau khi rời quân ngũ qua truyện ngắn Bản lí lịch tự thuật.
Sau chiến tranh, những bất công trong đời sống hậu chiến đã khiến Thông ngày càng trở nên lạc lõng giữa đồng nghiệp và những người sống quanh mình. Qua Đêm thảo nguyên, Lý Lan lại đề cập đến một vấn đề khác khi chiến tranh kết thúc: Liệu thế hệ trẻ ngày nay có còn quan tâm, đau đáu đến quá khứ đau thương của cha ông mình?
Tuy nhiên, đề tài chính, quan trọng nhất và cũng đạt được nhiều thành công của các cây bút nữ khi viết về chiến tranh là khắc họa thân phận người phụ nữ trong và sau cuộc chiến. Viết về người cùng giới, các cây bút nữ đã phát huy hết thế mạnh của mình trong văn chương, tạo ra những màu sắc chiến tranh khác so với sáng tác của các cây bút nam giới: “Tác phẩm của các nhà văn nữ viết về chiến tranh tất nhiên cũng có những đặc điểm khác với tác phẩm của một nhà văn nam giới. Lẽ dĩ nhiên là nó ít tiếng súng ùng oàng hơn, ít đi vào những vấn đề có tính trọng đại, to tát(!). Các chị thường chú trọng khai thác “giới tính” của mình, đi vào khai thác những mảnh đời thầm lặng, những số phận cá biệt, những đau thương mất mát người phụ nữ phải gánh chịu trong chiến tranh. Cảm quan tinh tế, bén nhạy của người phụ nữ giúp họ viết “thật” về giới mình hơn”(3).
Đây là đề tài xuyên suốt các sáng tác trong và sau chiến tranh của các cây bút nữ. Trong chiến tranh, nhiều nhà văn nữ đã trực tiếp vào chiến trường và có tác phẩm đồng hành với cuộc kháng chiến như Bích Thuận, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Dương Thị Xuân Quý, Lê Minh Khuê... Vượt lên trên những trở ngại của giới và bản thân, các nhà văn đã có những đóng góp nhất định cho nền văn xuôi chống Mĩ.
Những trang viết của họ luôn hiện lên hình ảnh những cô gái giao liên chịu đựng gian khổ trong điều kiện khắc nghiệt để hoàn thành nhiệm vụ (Hoa rừng, Niềm vui thầm lặng - Dương Thị Minh Hương - bút danh của Dương Thị Xuân Quý), những cô gái giàu ý chí và nghị lực cùng với những chuyển biến trong tình cảm và lẽ sống (Sao mai, Ở thành phố bờ biển - Nguyễn Thị Như Trang), người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà (Những người thân yêu - Nguyễn Thị Cẩm Thạnh), những người vợ, người mẹ ở hậu phương trong những ngày cả nước đánh Mĩ (trong tập truyện Người hậu phương của Nguyễn Thị Ngọc Tú)...
Qua sáng tác của mình, các cây bút đã tạo dựng được những gương mặt nữ của lớp nhà văn chống Mĩ. Khi hòa bình lập lại, những sáng tác về chiến tranh của các cây bút nữ vẫn hướng sự quan tâm đến người phụ nữ. Họ khắc họa cuộc sống bế tắc, thiếu thốn của những người vợ trẻ cô đơn khi chẳng may chồng chết trận.
Trong Điều ấy bây giờ con mới hiểu ra, Y Ban đã đào sâu vào tâm trạng, nỗi khắc khoải đợi chờ, nỗi khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trong và sau chiến tranh. Phải đến tận nhiều năm sau, khi đã thành người lớn, đứa con mới hiểu được sự khờ khạo của đứa trẻ là mình ngày ấy: chiến tranh không có ngoại lệ và bố cô vĩnh viễn ra đi sau lần gặp mẹ không thành để mẹ ở lại với một niềm khao khát thiếu phụ dở dang.
Trong truyện ngắn Con ma - Lý Lan, nỗi đau của một góa phụ được cảm nhận đến tận cùng từ nhân vật đứa con là người gần gũi và thân thuộc nhất với người mẹ. Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo đã lột tả quãng đời đầy ám ảnh của những người lính nữ trong đời thường sau những năm tháng sống, chiến đấu ở núi rừng.
Những sáng tác về chiến tranh ở thời điểm trong và sau quãng thời gian tham gia kháng chiến chống Mĩ của Lê Minh Khuê luôn hiển diện những gương mặt phụ nữ. Sự khác biệt, có chăng chỉ nằm ở giọng điệu. Cảm hứng lãng mạn trong thời gian chiến tranh được thay bằng cảm hứng phân tích, xu hướng nhận thức lại hiện thực, quan tâm khai thác những thực trạng tinh thần, những biến đổi của đời sống xã hội sau chiến tranh.
Sau Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ, những truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 của Lê Minh Khuê đã có thêm những sắc thái mới. Dạo đó thời chiến tranh là một thực tế đời sống buồn của những người lính bước ra từ chiến tranh. Cúc và Thắng đã từng có một quá khứ tươi đẹp, đầy mộng mơ cả trong những thời điểm khắc nghiệt nhất của cuộc chiến.
Cứ tưởng tình yêu đã có trong chiến tranh sẽ là chất men trong cuộc sống vợ chồng nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nếu như trong chiến tranh, Cúc và Thắng đã từng đến với nhau bằng tình yêu trong sáng thì giờ đây cuộc sống của họ là một bi kịch. Họ đang phải từng ngày đối mặt với miếng cơm manh áo. Gánh nặng áo cơm đè nặng lên cuộc sống gia đình, những đứa con lần lượt ra đời và tình yêu của họ trở nên mong manh.
Mong manh như là tia nắng lại là những kí ức, những ám ảnh không dứt về xúc cảm người nữ (nhân vật người mẹ trong truyện ngắn) vào những thời khắc trong chiến tranh, những xao động của cô gái trẻ khi đối diện với một người lính thuộc chiến tuyến bên kia - người đàn ông với khuôn mặt lạ lùng có “đôi mắt trong veo, vô tội, khuôn mặt đa cảm, không hề là khuôn mặt của chiến tranh” ngày ấy.
Trong những miêu tả về người phụ nữ, các nhà văn nữ rất chú ý biểu hiện bản thể giới tính của họ. Trong các sáng tác của mình, Lê Minh Khuê luôn chú trọng miêu tả mái tóc của người phụ nữ, một biểu tượng của nữ tính. Trong truyện ngắn Anh kĩ sư dạo trước, Lê Minh Khuê đã chú ý đến hình ảnh và niềm mong ước giản dị của các cô gái tuổi đương thì trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh: “... những lúc đó muốn tắm một cái bằng nước lá hương nhu. Muốn gội cái đầu đầy những đất mà mồ hôi đang bết lại như chui vào rừng quả ké (...) tóc xõa mảnh dẻ sau lưng, đội cái nón mỏng, quai xanh nhạt...”(4).
Trong truyện ngắn Người sót lại của rừng cười, một khía cạnh của đời sống bản năng nữ được Võ Thị Hảo chú ý khai thác là nỗi cô đơn, khát khao đàn ông đặc quánh của những cô gái ở rừng cười, điều mà có lẽ chỉ trong không khí đổi mới của đời sống văn học hiện đại mới được nhiều người viết chú ý khai thác.
Trong Trên mái nhà người phụ nữ, Dạ Ngân đã rất tinh tế khi khắc họa một chi tiết thể hiện những xúc cảm và trạng thái tâm lí rất “đàn bà” của Hai Mật. Khi con gái nuôi đến tuổi cập kê, chị cảm nhận được nỗi phấp phỏng của con gái đồng thời cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến nỗi sợ thời gian và nhất là trước thực tế “chị thì vẫn trinh nguyên mà con gái chị sắp không còn con gái nữa. Nếu là người dứt ruột đẻ ra nó chắc hẳn chị đã vui mừng và lo âu trước sự bắt gặp này. Ngược lại trái tim son rỗi của chị bỗng dưng đập những nhịp đập đồng cảm bạn bè với cô con gái”(5).
Nhìn lại sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam gần đây từ góc độ thể loại có thể thấy các sáng tác về đề tài chiến tranh đa phần là truyện ngắn, và truyện ngắn viết về chiến tranh cũng chưa chiếm một số lượng lớn trong gia tài sáng tác của họ. Những biểu hiện của việc lựa chọn đề tài này cũng phần nào phản ánh đặc tính của cảm hứng sáng tạo, hướng quan tâm trong đời sống và nghệ thuật của người sáng tác.
Sự so sánh (nếu có) về việc có ít thành công hơn ở đề tài chiến tranh trong tương quan với các nhà văn nam giới cũng là biểu hiện của sắc thái nữ trong sáng tạo nghệ thuật. Dù rằng, đọc nhiều truyện ngắn của các cây bút nữ viết về chiến tranh gần đây, không phải trong sáng tác nào cũng có thể trừu xuất được những dấu ấn giới tính trong sáng tạo nghệ thuật, và dù rằng đề tài chưa phải là phương diện đảm bảo cho sự thành công của tác phẩm, đề tài cũng chưa phải là phương diện đáng quan tâm nhất của cả người viết và người đọc, nhưng rõ ràng qua việc lựa chọn đề tài và xử lí chất liệu hiện thực trong nhiều trường hợp đã cho thấy sự chi phối của đời sống vào việc lựa chọn cũng như một số phương diện của lối viết nhìn từ nhân vị giới.
L.H.T
--------
1. Svetlana Alexievich. Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ. Nguyên Ngọc dịch. Nxb Hà Nội, 2018, tr.8.
2. Svetlana Alexievich. Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ. Sđd, tr.9.
3. Gặp gỡ một số nhà văn nữ. Tạp chí Tác phẩm mới, 10/1991.
4. Lê Minh Khuê. Anh kĩ sư dạo trước. In trong Những dòng sông buổi chiều cơn mưa. Nxb Phụ nữ, 2003, tr.281.
5. Dạ Ngân. Trên mái nhà người phụ nữ. In trong Tuyển truyện ngắn đoạt giải cao 30 năm đổi mới 1986 - 2016. Nxb Trẻ, 2017, tr.8.
NGUỒN: VNQĐ