TỪ NGUYÊN MẪU ĐẾN NHÂN VẬT: NGƯỜI MẸ NÔ LỆ ĐƯỢC TONI MORRISON HOÀN TẤT ĐỊNH MỆNH
“Yêu dấu” được xem là tác phẩm văn chương tinh tế nhất trong sự nghiệp của Toni Morrison, đóng vai trò như một tiền đề cho giải thưởng Nobel danh giá năm 1993 dành cho bà. Tác phẩm thám cứu những di chứng của chế độ nô lệ, kể lại cuộc sống của một người phụ nữ nô lệ da đen tên Sethe.
“Yêu dấu” không đi theo trình tự thời gian mà bắt đầu từ hiện tại cuộc sống của Sethe ở Ohio, vào năm 1873, khi mà Sethe cùng cô con gái mười tám tuổi tên Denver đã được sống cuộc đời tự do. Nhưng những ám ảnh của quá khứ nô lệ, mà lên đến đỉnh điểm là kí ức về đứa con hai tuổi đã bị Sethe giết chết, luôn luôn bao vây lấy cuộc sống của hai mẹ con. Quá khứ được lần mở: năm xưa, Sethe còn là một cô gái không có tương lai, bán sức cho một trang trại vô cùng tàn bạo ở Kentucky. Sau khi trốn khỏi nơi ấy và trong một trận săn đuổi, Sethe đã buộc phải giết đứa con nhỏ của mình (được đặt tên là Beloved - tức Yêu dấu) vì không muốn nó tiếp nối cuộc đời nô lệ.
Câu chuyện trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi một hôm nọ, Sethe và Denver phát hiện một cô gái trẻ xuất hiện trước thềm nhà, tự xưng là cô con gái khi xưa. Đó là một bóng ma hay còn điều gì khuất tất phía sau bi kịch năm cũ? Những mối quan hệ trong gia đình mới của Sethe sẽ bị xáo động ra sao sau khi đón nhận một thành viên mới? Tác phẩm “Yêu dấu” với một cốt truyện lớp lang, cùng một lúc vừa rùng rợn vừa quyến rũ, vừa xúc động vừa bi thảm đã mang về cho Toni Morrison mọi vinh quang của một sự nghiệp văn chương lớn.
Ngày nay độc giả đều biết rằng Toni Morrison lấy cảm hứng nhân vật Sethe từ nguyên mẫu một phụ nữ da đen ở Mĩ có tên Margaret Garner.
Mặc dù trí tưởng tượng, lối dẫn chuyện và khả năng hư cấu trác tuyệt của Morrison mới là cốt lõi trong thành công của bà, nhưng vụ án Margaret Garner đóng vai trò như một trục toạ độ để toàn bộ vũ trụ trong "Yêu dấu" được vận hành. Margaret Garner - sinh thời được gọi là Peggy - vốn là một Mulatto (tức một người da màu có dòng máu lai với da trắng). Cô là nô lệ cho gia đình Gaines thuộc đồn điền Maplewood. Một số tài liệu đặt nghi vấn rằng Margaret có thể là đứa con ngoài giá thú của chủ đồn điền John P. Gaines. Tuy nhiên, điều này không giúp ích chút nào cho cuộc đời bi kịch của người phụ nữ này.
Margaret kết hôn với một nô lệ khác là Robert Garner (và qua đó mang họ Garner). Khi Margaret có thai đứa con thứ tư (năm 1856), hai vợ chồng đã đào thoát và trốn đến Cincinatti thuộc bang Ohio, cùng với một số gia đình nô lệ khác. Trong đêm, Robert đã đánh cắp ngựa, xe trượt tuyết cùng với khẩu súng của chủ nhân. Nhóm “vượt ngục” này ngoài nhà Garner thì có thêm mười bảy nô lệ khác. Trong mùa đông lạnh nhất trong 60 năm, sông Ohio đã đóng băng. Cả nhóm băng qua phía tây Convinton, ở Kentucky vào lúc bình minh và trốn thoát đến Cincinnati, sau đó chia ra nhiều ngả hòng trốn sự truy đuổi.
Hai vợ chồng Garner và bốn đứa con đến trú ẩn tại tư gia của một người nô lệ cũ, vốn là chú họ của Margaret. Cuộc sống an toàn của họ không kéo dài được bao lâu thì căn nhà rơi vào tay của những người săn nô lệ với sự trợ lực của chính quyền. Trong cuộc bạo động chống trả, Robert Garner đã làm bị thương một phó nguyên soái.
Bi kịch lên đến đỉnh điểm khi Margaret biết gia đình không thể trụ vững, cô đã giết chết đứa con hai tuổi của mình bằng một con dao. Ngoài ra, làm bị thương những đứa trẻ còn lại, cũng như chính mình. Có thể trong giây phút đó, Margaret có ý định giết con và tự sát, thay vì phải tiếp tục kiếp nô lệ, cũng như chứng kiến con mình sống đời tù ngục. Cô chưa kịp hoàn tất ý định thì đã bị bắt bỏ tù. Một phiên toà sau đó được mở.
Bang Ohio ngày ấy ưu tiên quyền công dân bang hơn đạo luật Nô lệ. Vì thế, phiên toà xử Margaret Garner coi như phải đối mặt với một vụ án phức tạp, chủ yếu vì phân vân giữa việc Margaret bị khép vào tội nào: tội cố ý giết người hay bị xét xử theo luật Nô lệ bỏ trốn. Mỗi ngày có đến hàng ngàn người xếp hàng trên đường phố bên ngoài tòa án để theo dõi quá trình tố tụng. Năm trăm nhân viên cảnh sát và trật tự trị an đã được điều động để đảm bảo an ninh trong thị trấn, nơi diễn ra phiên toà.
Vào ngày phiên toà khép lại, Lucy Stone - một nhà hoạt động vì nhân quyền đã trò chuyện với Margaret Garner. Cuộc phỏng vấn này cung cấp những chi tiết giá trị nhất trong toàn bộ hồ sơ vụ án: câu chuyện của Margaret Garner, bi kịch không cùng của cô, không hẳn chỉ xoay quanh vấn đề nô lệ da màu mà chủ yếu lại nằm ở một yếu tố bất ngờ: việc cô là con lai giữa hai màu da.
Khuôn mặt nhạt xám, lờ nhờ giữa hai màu sáng đen của cô, cũng như của những đứa trẻ sau này, sẽ nhận sự kì thị của cả hai chủng tộc. Với những người chủ da trắng, việc có những đứa con da đen không khác mấy một sỉ nhục. Còn với những nô lệ thuần Phi, Margaret và thế hệ con cháu chính là những thứ tạp chủng hạ cấp. Về căn bản, Mulatto không có chỗ trong chế độ nô lệ. Và Margaret đã bị thôi thúc bởi ý nghĩ giải cứu những đứa con mình, gửi gắm chúng về với Chúa.
Sau này, Margaret Garner được người chủ cũ cứu. Tuy nhiên trong một tai nạn đắm thuyền, cô và các con đã bị ném xuống biển. Margaret vẫn sống sót và thậm chí hạnh phúc khi thấy những đứa con chìm dần xuống đáy hải dương xanh thẳm. Một vài tài liệu cho biết Margaret sau này chỉ qua đời vì bệnh dịch.
Margaret Garner đúng hay sai? Cô giết những hài nhi hay là cứu chúng? Người Mĩ vẫn đau đáu với câu hỏi ấy. Không ai biết được chính xác câu trả lời, và đó là lúc, con người cần sự soi sáng của tiểu thuyết. Toni Morrison đã xuất hiện như một sứ mệnh. Margaret Garner đã sinh ra ý tưởng cho Morrison, và ngược lại, Toni Morrison hoàn tất định mệnh của Margaret.
Cũng giống như bóng ma mang tên “Beloved” xuất hiện ở thềm cửa nhà Sethe, Margaret Garner dường như ám ảnh Toni Morrison mãi đến tận cuối đời, ngay cả khi đã đoạt lấy mọi vinh quang văn chương.
Năm 2005, Toni Morrison hợp tác với nhà soạn nhạc từng đoạt giải Grammy là Richard Danielpour để soạn một vở Opera về Margaret Garner. Vở kịch này được công diễn trong nhiều năm, rải rác trong các sân khấu lớn nhỏ ở Mĩ, từ Charlotte, Chicago, Philadelphia đến New York, và đạt số lượng lớn bất thường đón xem, đặc biệt là những lớp khán giả Mĩ gốc Phi.
HẠNH NGUYÊN- NGUỒN: VNQĐ