GIỚI THIỆU CHÙM TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN TRỊNH TUYÊN
Nhà văn Trịnh Tuyên, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa. Ông nguyên là sĩ quan cảnh sát điều tra Công an Thanh Hóa. Khi nghỉ hưu, Trịnh Tuyên mới bắt đầu sáng tác. Dấu ấn nghề nghiệp cảnh sát điều tra rất rõ trong các sáng tác của ông. Trịnh Tuyên đã xuất bản 4 tập truyện ngắn, đó là Những mảnh vỡ của số phận (2012), Hang cóc thần (2014), Giấc mơ lạnh 2016), Nhớ đêm thời xa ây (2018).
Trân trọng giới thiệu chùm 3 truyện ngắn của nhà văn Trịnh Tuyên:
Nhà văn Trịnh Tuyên
CHUYỆN TÌNH LÃO CHĂN DÊ
Bằng giờ này mọi hôm, lão Trầu đã đuổi đàn dê xuống núi rồi. Thế mà hôm nay, mặt trời lặn từ lâu, đàn dê của lão vẫn thấp thoáng chen nhau kêu be be trên sườn núi. Phía sườn núi bên kia cũng thế, đàn dê của mụ Thắm Mốc vẫn chưa về chuồng. Chắc lão Trầu và mụ Thắm còn đang tìm dê lạc hay dê lộn đàn chăng?
Xã Cẩm Xuyên cách xã Cẩm Tú một dãy núi đá. Ranh giới là “đường chia nước”. Không biết ông trời sắp đặt thế nào mà hai chủ thầu của hai xã giáp ranh dãy núi này lại thuê hai con người già nua xấu xí cô độc chăn dê. Lão Trầu năm nay dễ chừng gần sáu mươi, người xã Cẩm Xuyên. Mụ Thắm mốc chừng gần bốn chục, xã Cẩm Tú. Gọi là mụ Thắm Mốc là vì người mụ mốc meo như người bạch tạng. Mới gần bốn mươi nhưng tóc đã bạc trắng. Mụ đi bước một nhấp nhổm, trông như người từ hành tinh xa xôi nào vừa lạc xuống trái đất. Trên dãy núi đá xa xa chỉ có tiếng dê kêu be be và hai con người này đi đi lại lại thấp thoáng sau đàn dê mỗi buổi sáng sớm hay khi hoàng hôn buông xuống. Hai ông chủ trang trại giao toàn bộ đàn dê có dễ đến vài trăm con cho họ. Khi nào có khách mua, mới cho người vào.Lão Trầu ghét cay ghét đắng mụ Thắm, đi đứng đã chậm chạp lại còn hay cãi lại lão. Lão nói một thì mụ nói mười. Nhưng cũng không sao! Cả một triền núi vắng, có cãi nhau cả ngày cũng chả ma nào can thiệp.
Đầu tiên thì mụ bảo dê cái có thể đẻ vài ba con dê con một lần, vì mỗi ngày mụ thấy một con dê cái bị hai ba con dê cụ “nhảy đực”. Lão lý sự: Nếu cứ mỗi một lần nhảy, dê cái đẻ ra một con dê con, thì cha mẹ mụ ngày trước sao không đẻ bảy tám đứa giống mụ mà lại chỉ đẻ được một mụn con như mụ? Loài người còn “nhảy đực” dày hơn loài dê! Nếu cứ như quan niệm của mụ, trái đất để đâu hết người?
Nghe có lý, mụ hết cãi nhưng vẫn thi thoảng đưa cặp mắt trắng dã lườm lão. Mặc kệ! Lườm thì lườm! Nhưng mụ đã phải chịu thua cái "ný nuận" của lão. Lão thấy mình cũng oai. Trình độ học vấn ít nhất cũng khiến cho mụ phải biết kính nể!
Hai người ở riêng hai cái lán ở hai bên sườn núi nhưng không xa là mấy. Ban ngày, hai đàn dê nhập lại một. Chỉ khi về chiều, chúng tự tách ra, đàn nào về chuồng đàn nấy. Sau một năm, tình hình có phần cải thiện hơn. Lão Trầu chịu trách nhiệm quán xuyến chung hai đàn dê trên núi, còn mụ Thắm xuống ruộng bắt ốc, bắt cua, nhặt củi, nấu ăn chung. Trông thế mà mụ nấu ăn cũng khá. Lão Trầu được ăn ngon, đủ chất, da dẻ mỗi ngày thêm sáng sủa. Lão hứng chí bảo mụ: Hay ta dồn thành một nhà cho vui?
Mụ chứi lão, nói là đừng giở cái giọng đĩ đực ấy ra! Mụ là con nhà "nề nết" chứ không phải như giống dê cái, dê đực nào cũng chịu!
Lão Trầu cười hì hì trước con mắt cảnh giác của mụ.
Cả làng không ai để ý gì cặp đôi chăn dê này. Thứ nhất, lão Trầu vừa gầy, vừa già. Đàn ông trên năm mươi coi như là “hết đát” hay gọi theo khoa học bây giờ là mãn dục. Còn mụ Thắm xấu xí, mỗi bước đi, chân lại nhót lên một cái cứ như dẫm phải gai nhọn. Ngữ ấy ai lấy, mà giả dụ có người lấy, làm sao chửa đẻ? Nói tóm lại, không ai thèm để tâm, coi như họ sinh ra cũng chỉ để làm cái công việc chăn dê, số phận như những con dê. Với lại bây giờ có mấy khi gặp ai? Trước đây còn có người lên núi kiếm củi, từ ngày núi có người nhận thầu, coi như là đã có chủ, đám chặt củi vắng bóng. Cả làng trăm phần trăm bếp ga, suốt dọc triền núi đá trở thành “thánh địa” của lão Trầu và mụ Thắm cùng với đàn dê mấy trăm con tha hồ sinh sản.
Có một lần mụ Thắm phải nhờ vả lão Trầu. Hôm ấy vì bêu nắng cả ngày đuổi đàn dê ăn lạc sang núi khác, mụ bị cảm nặng. Hai ngày nằm trong lán, không ló cổ ra ngoài. Mụ bị sốt cao, nằm đắp cái chăn chiên lù xù, tay chân run cầm cập, không ăn không uống. Ban đầu thì lão Trầu cứ tưởng mụ giả vờ, bỏ mặc. Đến ngày thứ hai lão mới mò sang. Nhìn thấy đống chăn rung rung, mụ nằm đầu đuôi kín mít. Sờ váo trán mụ thấy nóng bỏng tay! Đích thị cảm hàn rồi! Lão hơi hoảng. Bệnh này kéo dài, dễ biến chứng, liệt người như chơi! Lão hỏi ăn gì mụ cũng lắc. Lão đâm lo. Giữa triền núi hoang vu, xung quanh đồng không mông quạnh, có muốn nhờ vả thì cũng chả có ai mà gọi. Nói dại, nhỡ mụ không may, lấy ai làm bạn với lão để chăn dắt đàn dê? Nói thế chứ, tuy trông mụ “cũ “ người nhưng được cái nết, rõ tốt bụng, từ khi quen nhau, có bao giờ tham lam giấu diếm cái gì lão đâu? Món canh cua nấu me chua của mụ, mấy cái hàng bún riêu ngoài chợ còn thua xa!Lão thấy có trách nhiệm phải chăm sóc mụ, nếu không sẽ bị người đời chê cười, cho là ăn ở không biết điều. Nhưng giữa triền núi hoang vắng này, tìm đâu ra thuốc thang cho mụ? Lão nằm vắt tay lên trán suy nghĩ mãi. Chợt lão nhớ ra, trước đây, có người nói, sữa dê rất bổ, ốm nặng mấy, uống cũng khỏi, chữa được cả bệnh ho lao. Bởi vì con dê suốt ngày leo núi, ăn đủ các loại lá, trong đó có những loại lá là dược liệu quý, nên sữa dê có thể chữa được bách bệnh. Cần phải cho mụ Thắm uống sữa dê, lão nghĩ.
Lão xăm xăm cầm cái bát to sứt miệng đi vào chuồng dê. Một con dê cụ trông thấy lão chui vào chuồng tưởng nhầm là lão xâm phạm đến đàn dê cái của nó, liền lao lại húc vào mông lão một cái đau điếng. Mặc! Mụ Thắm đang cần uống sữa dê, lão phải vắt cho được sữa dê cái đã.
Mới vắt một bầu vú dê mẹ, đã được miệng bát sữa. Lão cũng không ngờ sữa dê lại trắng thơm đến thế! Lão vực mụ Thắm dậy, đỡ bát sữa gần kề miệng cho mụ uống. Đang khát nước vì sốt cao gần hai ngày, mụ Thắm uống ực một hơi hết bát sữa.
Lạ thật! Uống hết bát sữa dê, mụ Thắm hết rên, nằm ngủ im thiêm thiếp. Nhìn mụ Thắm nằm ngủ, tự nhiên lão Trầu thấy lòng lắng dịu. Một tình thương mơ hồ như làn sương mong manh đọng dần thành giọt. Lão chợt nghĩ, người ta khi ốm đau, không thể không có người chăm sóc. Nhất là đối với một người đàn bà thân cô thế cô như mụ Thắm. Lão hình dung lại những tháng ngày êm đẹp sống bên mụ, bát cơm bát canh tự tay mụ nấu cho lão ăn. Nếu không có mụ, một mình lão làm sao có những bữa ăn ngon như thế? Đêm hôm đó, lão ngồi bên cạnh mụ Thắm, lắng nghe từng nhịp thở của mụ, lão thấy trong lòng bồi hồi. Lão hoàn toàn chưa có khái niệm về tình yêu, bởi từ xưa đến nay, đã có người đàn bà nào để mắt đến lão đâu? Thiên hạ ai mà thèm để mắt đến một một kẻ làm thuê nghèo kiết xác như lão? Lão cảm thấy mơ hồ một tình cảm rất lạ đang xâm chiếm mà lão không tài nào giải thích nổi. Nhưng lão nhận thấy mình là một nhân vật quan trọng. Nếu không có lão, trong hoàn cảnh này, mụ Thắm biết cậy nhờ ai?
Nửa đêm, lão vén mép chăn chiên, tay run run sờ vào trán mụ Thắm. Cả đời lão chưa từng chạm vào một người đàn bà nào. Lão Trầu thấy trán mụ Thắm đã mát. Lão yên tâm tựa bên cạnh thiu thiu ngủ. Tự nhiên mụ Thắm thức giấc, tay quờ quạng xung quanh, chạm vào người lão Trầu. Hình như mụ đoán biết được tình cảm của lão Trầu từ chiều nên có vẻ cảm động lắm.
Sáng hôm sau, mụ Thắm ngồi dậy được nhưng trông vẫn còn lề bề lệt bệt. Lão Trầu lại vắt tiếp sữa dê cho mụ uống. Lần này, lão vắt hẳn một chậu để trong lán cho mụ uống cả ngày, còn mình thì lùa đàn dê lên núi.
Chiều về, mụ Thắm đã dứt hẳn cơn sốt, đi lại xăng xái, cơm ngon canh ngọt chờ lão.
Đích thị là sữa dê có tác dụng bồi bổ sức khoẻ và chữa bệnh. Bắt đầu từ chiều hôm ấy, lão cùng với mụ Thắm vắt sữa dê để uống thay nước, thứ thức uống không bao giờ cạn giữa vùng núi hoang vắng này.
Da dẻ mụ Thắm cứ trắng hồng dần lên. Lão khen mụ, rồi mụ lại khen lão. Mỗi buổi sáng, trông thấy “dê cụ” quán xuyến đàn dê cái, mụ đỏ mặt, mắt long lanh ngước nhìn lão Trầu như e thẹn, điều mà từ trước tới nay chưa từng có.
Lão nhận thấy sức khoẻ tốt dần lên vì leo núi đuổi dê cả ngày không biết mệt, so trước, leo một lúc, người đã mệt phờ. Da lão không còn chỗ đen chỗ trắng lổ lang khoang vện như da rắn ráo mà đỏ đắn hẳn lên. Hình như sữa dê cũng có tác dụng làm đẹp như mỹ phẩm, trông lão Trầu dáng vẻ đàn ông hơn.
Mụ Thắm bắt đầu biết làm duyên, sáng nào cũng chải tóc trước khi cùng lão lên núi. Ở trên núi có một khe suối nhỏ, nước róc rách chảy, trong văn vắt, mụ Thắm thường xuống tắm, kỳ cọ thân thể. Trông mụ cơ thể càng ngày càng nở nang, da trắng nõn nà, đến nỗi, mỗi lần ông chủ đưa người vào bắt dê, cứ ngạc nhiên, chắm chắm nhìn mụ. Có lần ông chủ nói sẽ đưa người khác vào chăn dê, còn mụ thì về nhà ông chủ làm việc khác. Hình như mụ linh tính thấy một điều gì đó nên bảo thẳng với ông chủ, là mụ quen rồi, không thể xa rời đàn dê. Nếu ông chủ có ý định thay người khác thì mụ sẽ bỏ đàn dê, đi tìm việc ở một nơi khác...
Dạo này mụ Thắm hay để ý đến lão Trầu, thường tự ý chui vào lán của lão lục lọi xem có cái áo cái quần nào của lão bẩn mang giặt giúp lão. Lão Trầu hay nhìn mụ từ phía sau. Đôi khi hứng chí, còn khen mụ, có lấy chồng, chắc “tốt nái”. Mụ lại lườm lão, cái lườm xem ra có vẻ tình tứ lắm. Mụ thấy sống gần lão Trầu cũng chẳng đến nỗi nào! Mụ thấy lão Trầu trở nên gắn bó thân thiết với cuộc đời mụ. Hôm nào lão Trầu lên núi về muộn, mụ chờ cơm mà chưa thấy lão Trầu về, mụ đứng dưới lán của mình đăm đắm nhìn lên sườn núi, đôi mắt mụ đượm một nỗi chờ mong vời vợi. Có hôm vừa nấu cơm, mụ vừa khe khẽ hát. Giọng hát của người đàn bà xấu xí tuổi ngoài bốn mươi chịu nhiều thiệt thòi giờ rung lên hư hư như người sốt rét nhưng chứa đựng bên trong bao khát khao cháy bỏng...
Mới qua một năm, hai đàn dê đã tăng thêm vài trăm trăm con. Thường thì dê con tám chín tháng tuổi đã bắt đầu động đực. Chúng sinh đẻ với tốc độ đáng nể. Tết năm ấy, hai ông chủ trang trại cho người mang ra tận nơi nào nem chua, giò thủ, giò nạc, bánh kẹo và kèm theo hai chai rượu “lúa mới” để uý lạo cho hai kẻ đầy tớ hết lòng chăn dắt đàn dê sinh con đàn cháu đống, tận tâm, tận lực, trung thành với chủ.
Đêm ba mươi tết, trong làng đèn điện sáng choang, ngoài đường loang loáng ánh đèn xe máy. Thiên hạ người người đang vội về đoàn tụ cùng gia đình đón giờ phút giao thừa thiêng liêng đêm tất niên. Ngoài cánh đồng xa tít kia, dưới chân núi vắng, hai kẻ cô đơn đang nhen ngọn lửa hồng. Lửa đốt bằng gỗ cây “song sanh” lão Trầu chặt trên núi đá cháy đượm lắm. Mụ Thắm cứ cố tình ghé sát vào thổi lửa cho má đỏ hây thêm. Lão Trầu trong lòng thấy xốn xang. Lão nhấp một ly rượu, người nóng phừng phừng. Lão thấy mình thật có phúc, đang sống cô đơn, tự nhiên lão gặp mụ Thắm. Dù chưa cưới hỏi, nhưng ở chung, ăn chung thế này có khác chi chồng vợ? Mà đã mấy cặp vợ chồng hạnh phúc được như lão? Lão thấy một tình cảm rất lạ đang dâng lên trong trái tim cô đơn. Lão thèm hơi ấm, thèm một bàn tay đàn bà chăm sóc. Lão cũng là một con người như bao nhiêu con người đang sinh sống trên mặt đất. Trái tim lão cũng khao khát tình thương yêu! Nhưng bấy lâu có ai để mà yêu? Mấy chục năm hầu hạ hết ông chủ nọ đến ông chủ kia, cũng chỉ đủ đổ vào miệng. Bây giờ về già, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Càng nghĩ, lão càng tủi thân, lo lắng cho cái tuổi già cô đơn của mình, nước mắt tự nhiên cứ ứa ra từng giọt, từng giọt lăn tròn trên gò má mầu nâu sậm.
Hình như mụ Thắm hiểu được lòng lão. Mụ ngồi xích lại gần, cầm cái chai rót thêm cho lão chén rượu và nói với lão những lời cho đến chết lão cũng không quên được.
- Khóc làm gì cho phí nước mắt! Người đáng thương, anh không thương, còn định thương ai?
Trời ơi! Mụ Thắm gọi lão bằng anh? Lão không tin vào tai của mình, gượng hỏi lại mụ:
- Anh nào?
Mụ dụi cái đầu lão xuống lòng mụ:
- Còn cái anh nào vào đây nữa! Xưa nay anh có thấy em tơ tưởng đến ai đâu?
Đích thị là mụ đã yêu lão rồi! Lão xúc động, quàng tay ghì chặt ngang lưng mụ. Mụ thổn thức:
- Đừng anh! Đợi ra năm, chúng mình làm lễ cưới…
Lão nghĩ: Ừ nhỉ, cũng phải làm lễ cưới cho nó đàng hoàng! Đời người chỉ có một lần, hạnh phúc trăm năm, sao phải vội vàng? Bây giờ mụ là của lão rồi, còn ai vào đây mà tranh cướp?
Nhưng ý định tổ chức đám cưới chưa thực hiện thì cái bụng mụ Thắm đã lù lù lên rồi! Hơn chín tháng sau, kể từ cái đêm hai người đốt lửa cùng ăn tết với nhau, buổi chiều, đột nhiên mụ Thắm kêu đau bụng dữ dội. Mụ gọi lão lại gần nói thều thào:
- Mình ơi! Em đau lắm… Em chết mất!
Lão hoảng hốt dìu mụ vào một cái hang đá sạch sẽ và ấm áp, mọi khi lão thường rải lá cây để ngủ trưa, bây giờ lại là nơi lão đưa vợ vào “vượt cạn”.
Trong hang đá có mái vòm như thời tiền sử, một sinh linh bé bỏng đã cất tiếng chào đời trong sự hân hoan của cha mẹ nó. Dưới chân núi, trời đã tối sầm, hai đàn dê không có người chăn dắt nằm lẫn lộn với nhau, bình thản nhai lại những búp cây ngọn cỏ vặt được trong ngày, vô tâm không hề biết rằng, nhờ có dòng sữa quý giá ngàn đời truyền cho dê mẹ, đã tạo nên hạnh phúc tuyệt vời cho hai con người cô đơn ở cõi trần gian này.
ÔNG LÃO ĐI CÂU
Từ ngày nhập nhóm câu cá, lão Vận như trẻ khỏe ra. Lão không có cái thú ăn thịt cá, nhưng mỗi khi giật được một con cá, lão sướng rơn như vớ được vàng. Suốt ngày, lão bận rộn với lưỡi, với dây, với cần, với ống. Có hôm, nửa đêm lão còn hì hụi trong bếp rang bột thính, xong, nhón tí đưa lên mũi, lão chậc chậc, món này đến thượng đế còn muốn ăn, huống chi cá đói? Cất kỹ mồi câu, lão mới đi ngủ. Tưởng là xong đám mồi cá rồi thì lão nằm yên, nhưng chưa. Tay lão lại vung lên như đang giật cần câu khiến vợ lão phải gắt:
- Ông có nằm yên không? Tôi đang đau nhức khắp người, không cựa nổi cái thân già đây này. Tôi không phải cá đâu nhé!
Lão cười khà khà:
- Ngày mai rồi bà sẽ thấy, tôi gặp một con cá rất tinh khôn. Tôi chưa từng gặp con cá nào như thế. Ba ký rưỡi, bốn ký là ít. Nhất định nó sẽ dính câu của tôi. Tay lão lại vung lên, lúc sang phải, lúc sang trái, lúc thẳng đứng, theo sự tưởng tượng của lão. Lão hình dung con cá chuối tổ to như bắp chân đang lừ lừ bơi đến, há cái miệng đầy răng nhọn hoắt, ngửi ngửi vào cái mồi câu mà lão dày công chế biến cả tuần nay. “Thơm quá đi chứ, ăn đi con! Ngậm rồi! Bập! Chết mày!”. Lão vung tay sang phải. Bộp! Tay lão bập trúng vào khuôn mặt gồ ghề xương xẩu của vợ. Vợ lão kêu ầm lên:
- Ôi trời ơi, ông đập vỡ mặt tôi rồi…
Bấy lâu nay, lão có thế đâu? Mới chỉ gần tháng nay thôi, tự nhiên lão trở chứng. Cứ theo như lời lão nói thì lão đã gặp một con cá khôn thành tinh, lão đang đấu trí với nó. Nhưng cứ mỗi lần đối mặt, lão đều thất bại. Lão đã nhìn thấy cả hai con mắt có viền trắng xung quanh, điềm tĩnh và khôn ngoan khi nó nổi lên mặt nước nhìn lão. Đúng là con cá chuối tổ. Lão khẳng định. Giống này khôn và sống dai nhất trong các loài cá. Có hôm lão ngồi từ sáng đến trưa, rồi trưa sang chiều, trời nắng chang chang, trên người buộc cành buộc lá, giả là cái cây, đám kiến lửa ngửi thấy mùi tanh kéo đến chỗ lão ngồi, châm vào chân lão nhoi nhói, lão vẫn cố chịu đựng vì đối thủ của lão đã xuất hiện. Con cá chuối tổ đen bóng, toàn thân điểm xuyến hoa ngâu, nghếch miệng hít hít, ngửi ngửi vào cục mồi câu nắn hình con nhái. Lão nín thở chờ nó bập vào. Nhưng không, nó phì hơi cho mặt nước sủi tăm lúc búc trêu tức lão rồi quay ngoắt, đuôi xòe ra như cái quạt nan đưa đi đưa lại. Lão như chết đứng, tim đập thình thịch, chưng hửng, nhìn theo con cá, chẹp chẹp miệng. Thật phí của giời!
Đã năm bảy lần như thế, con cá vẫn không đớp mồi của lão. Không bỏ cuộc! Biết con cá khôn ngoan, lần này lão dùng biện pháp câu chùm. Theo phương pháp này, mồi câu móc ở giữa, xung quanh treo lủng lẳng từng chùm lưỡi câu cực sắc, có ngạnh. Chỉ cần con cá chui vào ngửi mồi câu thôi, khi phóng ra, những lưỡi câu kia sẽ cắm vào bất kể chỗ nào thân cá chạm tới. Thế thì chết đứt còn gì?
Hôm sau, lão ngồi không xa chỗ cũ là mấy. Thường mỗi loài cá quen kiếm ăn theo vùng. Những con cá đã trưởng thành, khi đã “lập gia đình” mỗi con chiếm giữ một lãnh thổ riêng. Con cá chuối tổ cũng thế, nó cũng chỉ quanh quẩn đâu đây. Lão thả chùm lưỡi câu có móc con mồi thơm nức ở giữa rồi ung dung ngồi đợi. Ba mươi phút, rồi một tiếng, con cá chuối tổ vẫn chưa xuất hiện. Lão đã định di chuyển đến một vị trí khác thì nó đến. Nó lượn một vòng khiến cho mặt nước gợn thành lớp sóng nhỏ. Lão nín thở. Vào đi con! Vào đi, mồi thơm lắm. Con cá chắc đã lặn sâu vì không có gợn sóng nào. Hình như đám dây câu đụng đậy? Biết chắc là con cá đã chui vào, nóng ruột, lão nhặt một hòn đá, ném đánh tùm! Ý định của lão là làm cho con cá giật mình phóng ra sẽ dính lưỡi câu. Chùm lưỡi câu im lặng, lão từ từ nâng lên. Lão không tin vào mắt mình, con mồi biến mất, chỉ còn trơ lại chiếc lưỡi câu bằng thép đung đưa… Con cá tinh khôn đã lặn sâu, ngoi lên theo phương thẳng đứng, tránh không đụng đến các sợi dây có treo lưỡi câu, thận trọng kéo con mồi xuống, chứ không phóng ngang. Lại một lần nữa, lão thất bại!
Sau mấy tuần đối mặt với con cá chuối tổ và liên tiếp thua cuộc, lão đổ bệnh. Lão sốt, nằm một chỗ suốt hai ngày ba đêm. Có lúc sốt cao, lão lên cơn mê sảng, tay vẫn cứ giật giật. Hàng xóm đến thăm, ngỡ lão trở buồn, nhưng chỉ có vợ lão là hiểu, lão đang mơ giật cần câu đấy.
Khi lão hồi phục thì trời sắp chuyển sang thu. Nhớ nghề câu, lão lại ra hồ. Lão tròn mắt khi nhận ra con cá chuối tổ đã sinh một đàn con. Trên mặt nước ven bờ, lắp nhắp hàng ngàn con cá chuối con màu đỏ, nhỏ như đầu tăm, bám theo mẹ. Lão lẩm bẩm: “Chuyến này thì mày chết với ông rồi. Cá chuối đắm đuối vì con!”.
Sáng hôm sau, lão không mang cần câu ống ngắn như mọi hôm mà lão vác theo cần câu rê. Cái cần câu dài đến năm mét, trên đầu có lắp ròng rọc để luồn sợi cước, lão kẹp cần câu vào nách, tay phải cầm cần, tay trái ống câu, móc vào lưng con nhái còn sống, lão rê qua, rê lại bên đám cá con đang bơi bên mẹ nó như thách thức, trêu ngươi cá mẹ. Thoạt đầu, con cá chuối tổ chỉ đớp dọa, cảnh cáo. Nhưng không kết quả, nó bắt đầu nổi nóng. Nó lao vào, dùng đầu hất tung con nhái mồi lên cao, há miệng đớp nhẹ vào hai chân con nhái, kéo xuống sâu rồi lại thả ra. Nó không có ý định ăn thịt con nhái. Con cá chuối tổ có vẻ ốm hơn. Người nó dài ra, bụng thót lại. Lão Vận ngồi trên bờ, quan sát hoạt động của nó không rời mắt. Lão muốn tìm điểm yếu nhất trong bản năng làm mẹ của con cá. Lão nhận ra, từ ngày có đàn con, nó trở nên rất dữ tợn. “Sự dữ tợn hung hăng”, có khi lại là điểm yếu nhất của nó. Đến người, mà còn “cả giận mất khôn” nữa là?.
Được! Biết thế đã. Lão Vận ra về, trong đầu đã xuất hiện một âm mưu.
Đêm hôm đó, lão lấy bột mì có tẩm bột củ nhóc. Củ nhóc là loài cây lá nhọn, thân mềm, đặc biệt là gây ngứa. Lão bôi đen con cá chuối mồi, cố tạo cho miệng con cá ngoác ra như thể đang đớp mồi. Một con cá chuối con có đầu, có mắt như thật. Lần này lão luồn vào con cá mồi chiếc lưỡi câu đặc biệt, đầu lưỡi và ngạnh móc lút vào con cá, chỉ hở ra một tí ở phần đuôi. Lão biết, con cá chuối tổ rất cảnh giác. Nó sẽ đớp vào đuôi con cá, vừa để xua đuổi, vừa để tránh lưỡi câu. Hôm sau, lão đợi mặt trời lên tầm cây sào mới vác cần câu đi. Lão nhón chân nhẹ nhàng, căng mắt quan sát. Kia rồi! Mặt nước sủi tăm lắp nhắp. Mặt nước ánh lên màu đỏ của đàn cá chuối con. Lão nhẹ nhàng thả con cá mồi xuống và rê cho con cá mồi phóng thẳng vào đám cá con. Con cá mẹ lập tức từ vị trí ẩn nấp lao ra. Bập! Bập! Nó chỉ đớp nhẹ vào con cá như cảnh báo rằng hãy đi khỏi đây. Lão điều khiển cho con cá lặn xuống rồi lại ngoi lên. Con cá chuối tổ đã nhận ra, đó là con cá chuối con, cùng dòng họ với nó và vì thế mà nó biết, rất hung hăng và tham ăn. Nó bắt đầu nổi giận và lao vào tấn công con cá mồi. Lão Vận đắc ý. “Trúng mưu ông mày rồi!”. Lão tiếp tục cho con cá mồi lặn xuống, ngoi lên như đang đớp cá con. Con cá mẹ lao vào đớp liên tục nhưng không trúng vì con cá mồi dưới bàn tay điệu nghệ của lão Vận, chuyển động rất linh hoạt. Con cá mẹ bắt đầu nổi điên, một phần vì miệng nó bỗng ngứa ngáy khó chịu do bột củ nhóc phát tác, một phần vì đám con nó bắt đầu rối loạn, tan tác. Thiên chức làm mẹ thôi thúc nó không còn nghĩ đến bản thân. Sự khôn ngoan cũng thế, bởi có kẻ đang ăn thịt con nó. Nhưng nó vẫn kiềm chế, vì nó biết, mỗi khi đớp vào con mồi, sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhưng hình như con cá kia có vẻ không biết điều, cố tình coi thường nó. Sự kiên nhẫn đã quá giới hạn. “Bập!”. Con cá mẹ miệng há to hết cỡ, đớp ngập vào đuôi con cá mồi. Chỉ đợi có thế, lão Vận nghiêng cần câu giật chéo, hướng cho lưỡi câu ngoắc xuống phía dưới. Con cá mẹ đã dính lưỡi câu. Nó giật lên đùng đùng lao ra mặt hồ. Cuộn cước xoay tít trong tay Lão Vận. Lão ghìm ống câu, từ ngoài xa, con cá chuối nổi lên quẫy cựa lùng bùng rồi lại lặn xuống. Giằng co chừng mười lăm phút, con cá chuối mẹ đã thấm mệt, lừ đừ bơi theo sợi dây câu vào bờ. Nó ngúng nguẩy thân mình, cái đuôi xòe ra, ve vẩy thụ động. Lão Vận cảnh giác lấy cây vợt chuyên dụng vợt nó lên. Con cá chuối mẹ nằm yên. Nó trở nên hiền lành hơn nhiều so với mấy phút trước khi còn dưới nước. Lão Vận hể hả. Chuyến này thì vợ lão sẽ biết tài năng của lão. Lão ngồi ngắm chiến lợi phẩm của mình. Nhưng đột nhiên lão nhìn sâu vào hai con mắt nó. Mắt nó chớp chớp như có vẻ van xin, như muốn nói với lão rằng, ông lão ơi, cái thân tôi, tôi có xá gì, chỉ thương đàn con thơ dại, yếu ớt kia, chúng làm sao có thể sống nổi khi thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của mẹ nó. Chỉ tối nay thôi, chúng không còn đôi vòm mang ấm áp và an toàn của mẹ mà chui vào? Chúng sẽ bị các loài cá khác ăn thịt dần cho đến con cuối cùng.
Ngay lúc ấy, sự việc đau lòng diễn ra trước mắt lão Vận. Đàn cá con mất mẹ đang bị lũ cá khác tấn công. Chúng chạy cuống cuồng, cố tránh những cái miệng của những con cá chuối choai choai. Thật đúng là “cá lớn nuốt cá bé”. Lão vội nhặt đá ném xuống tùm tùm để cứu cá con, nước bắn tung tóe nhưng vẫn không ngăn được đàn cá háu đói đang lao vào. Lão như nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của lũ cá con. Không do dự, tức khắc, lão Vận lấy hai tay nhẹ nhàng nâng con cá mẹ, đặt xuống nước rồi giục:
- Mau lên! Xuống mà cứu đàn con của mày!
Con cá chuối mẹ nằm yên dưới nước vài giây như cảm nhận được tình cảm của lão Vận qua đôi bàn tay ấm nóng. Nó muốn cất lời nói, nhưng không thể. Nó nằm yên như không muốn xa rời cái con người vừa mới đây thôi đã tốn bao nhiêu sức lực để chinh phục nó, mà giờ đây lại trở thành ân nhân, không những với nó mà với cả hàng ngàn đứa con thân yêu của nó. Nó chớp chớp mắt như đang cảm kích lắm lắm.
Nhưng rồi hình như tiếng kêu cứu của lũ con đã thấu đến tai nó qua sóng âm thanh đặc biệt của loài cá. Ngay tức khắc, nó lao tới nơi đang diễn ra cuộc săn mồi mà phần thảm khốc nghiêng về đàn con nó. Nó quẫy mạnh đuôi, tạo thành một lực đẩy ghê gớm. Nó đã xuất hiện rất kịp thời trước khi những đứa con của nó nằm trong bụng lũ cá háu đói kia.
Phút chốc nó đã lấy lại trật tự, hòa bình đã trở lại với đàn con thân yêu của nó, theo quy luật của muôn đời, chân lý thuộc về kẻ mạnh. Thấy con cá mẹ xuất hiện, bọn cá choai choai lập tức biến mất. Đàn cá con nhanh chóng tập hợp quanh mẹ. Phía dưới, mẹ nó đang thả ra vô số bong bóng nước như nói với chúng rằng, hãy tự tin các con! Mẹ đã trở về, hãy hít nhanh những cái bong bóng kia, người đời bảo là tăm cá, nhưng chính là hơi thở của mẹ đấy!
Đột nhiên, lão Vận rơm rớm nước mắt. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến hôm nay, lần đầu tiên lão thấu cảm được tình mẹ của một con cá đang nuôi con. Những ngày sau đó, người làng không thấy lão Vận vác cần đi câu cá nữa.
LIÊN
Khi chiếc xe khách có giường nằm về đến bến xe thị trấn thì chiều đã muộn. Chân trời phía Tây là tầng tầng lớp những đỉnh núi sườn non chỉ còn rớt lại những mảng nắng yếu ớt. Gã tài xế thấp lùn có bộ râu quai nón đen sì, béo ục ịch khệnh khạng từ trên xe bước xuống, ngó sang bên kia đường, nơi có cô chủ quán đôi môi đỏ chót như quả ớt chín cuối mùa đang giơ tay vẫy. Chắc gã ta đã chờ đợi giây phút này từ khi xe bắt đầu trườn ra Quốc lộ.
Trên xe chỉ còn lại bốn người. Tôi, một người đàn ông vẫn đang còn say giấc trên giường tầng và mẹ con người phụ nữ ở phía cuối xe. Một tay cô ta bế con, một tay xách chiếc túi du lịch căng phồng đang loay hoay chưa biết cách nào để cùng một lúc bước xuống. Tôi đi nhanh về phía đó.
- Để tôi giúp chị!
Vừa đúng lúc cô ta ngẩng mặt lên, chạm ánh mắt, tôi đã thốt lên:
- Liên! Liên đi đâu mà…
Tôi định nói đi đâu mà mẹ con lại qua đây… Nhưng tôi kịp kìm lại vì từ ngày xa nhau, tôi đã nghe tin Liên cưới chồng đâu? Hỏi thế, nhỡ không phải, mình thành hớ hênh.
- Anh Thanh! - Liên cũng mừng rỡ reo lên.
Nhưng rồi Liên nhìn nhanh xuống chân và đứa con nhỏ trên tay, vẻ như ái ngại cho cuộc gặp gỡ bất ngờ không hề hẹn trước này.
- Liên định về đâu?
- Em về xã Ya Ka.
- Ya Ka? Từ đây về đấy còn gần ba chục cây số, Liên đi bằng cách nào?
- Bạn em hẹn đến đón.
Chiều sập xuống rất nhanh. Bóng đêm dần trườn ra mặt phố, nhiều nhà đã bật đèn. Thị trấn nhỏ bé chìm dần vào đêm. Tôi ngồi bên Liên cùng chờ. Liên mấy lần bấm máy nhưng đều nghe một câu trả lời, “ số máy tạm thời không liên lạc được”. Thấy vẻ mặt Liên có vẻ buồn, thất vọng, tôi bảo, hay vào nhà anh nghỉ tạm, khi nào bạn xuống đón, rồi đi.
Liên có vẻ ngần ngại. Biết Liên ngần ngại vì điều gì, tôi động viên, nhà chỉ có mẹ và anh, Liên không phải ý tứ gì cả. Thế là lần đầu tiên trong đời, một gã trai tơ chiều tối đưa về nhà ra mắt mẹ mình một “căp mẫu tử”…
Tôi và Liên cùng học khoa kỹ thuật công trình thủy Đại học thủy lợi. Năm cuối, khi chọn đề tài làm luận án tốt nghiệp,
tôi đùa: “Cẩn thận không rồi đời ngập chìm trong nước thôi, chuẩn bị chống thấm và ăn mòn đi là vừa”.
Nói vui nhưng tôi có dụng ý ám chỉ Liên, vì khi ấy, Liên đã yêu thằng Khanh lớp trưởng, con ông cán bộ to phe ở Bộ . Chiều thứ bảy nào nó cũng đánh xe đến đón. Có hôm nó còn đưa cả đám bạn đi nhà hàng. Những cuộc vui vẻ đó, tịnh không thấy bóng dáng tôi. Tôi ghét hắn, không thèm! Liên biết vì sao tôi vắng mặt. Thế mà lại đúng như tôi tiên đoán, ra trường, cứ tưởng Liên sẽ được tuyển về vụ nọ cục kia, ai ngờ, khi thằng Khanh được chọn đi nghiên cứu sinh, hắn đã “đá” Liên. Cho chừa! Tôi đã từng rủa thầm Liên. Tôi yêu Liên, nhưng làm sao dám so găng với với thằng “nhà mặt phố, bố làm to”? Tôi biết phận mình, chỉ là gã trai nghèo, cha mất sớm, sống nhờ sự tảo tần của mẹ già ở quê. Tôi cứ tưởng chẳng bao giờ còn gặp nhau nữa, nào ngờ, bốn năm sau, gặp lại trong hoàn cảnh “mẹ bồng con giữa ngã ba đường” thế này, xem ra, đời người ta có số cả đấy chứ?
- Mẹ!
Mẹ tôi đang đứng trong sân nhìn ra. Bao giờ cũng thế, đi đâu về tới nhà, tôi cũng chỉ gọi có một tiếng mẹ!. Mẹ tôi nhìn nhanh về phía Liên vẻ như muốn hỏi. Liên nhanh nhẩu: - Cháu chào bác ạ! Bác ơi, cháu với anh Thanh là bạn học cùng lớp ngày đại học, hôm nay mẹ con cháu đi thăm một người bạn, tình cờ gặp anh ấy ở bế xe, anh ấy bảo về nhà chơi thăm bác…
- Ồ, quý hóa quá! Mấy khi nhà bác có khách quý. Nào, đưa cháu bé đây, bà bế cho. Vừa nói, mẹ tôi vừa giang tay đón cháu bé. Rất lạ, con bé con theo ngay. Nó tưởng đó là bà nội. Chắc mẹ nó bảo nó là về quê chăng?
Bữa cơm muộn nhưng khá tươm tất. Có thịt gà luộc, cá kho, canh rau đay vườn nhà nấu với tép giã, nhờ bàn tay khéo léo của Liên… Mẹ tôi rất vui vì có đứa bé con cứ bi bô, ba ba bà bà.
Đêm xuống chầm chậm. Liên bưng mâm bát ra cái sân giếng vừa lát gạch rửa xong. Con bé con đã theo bà nằm trên giường. Nó đã ngủ say vì cả ngày ngồi gật gù trên xe. Tôi bảo, Liên lên nhà trên với mẹ, anh ngủ nhà dưới. Liên nhìn tôi, ánh mắt khó tả. Nàng định bước lên nhà, nhưng nán lại nhìn tôi, vẻ như cười cợt, chả biết là cười tính nhút nhát, hay thương hại tôi ?
- Anh còn nhớ con Thủy Lém lớp ta không? Vợ chồng nó giờ lập nghiệp ở YaKa, xây một đập thủy điện nhỏ, có trăm héc ta đất , cả một cơ ngơi. Biết em thất nghiệp, bảo đến ở với vợ chồng nó, có lương lậu hẳn hoi. Chỉ lo không có sức mà làm. Hẹn đón em, sao mãi giờ vẫn không đến. Em nóng ruột quá!
- Chắc là nó bận khách khứa gì đó. Cơ sở làm ăn lên, đám báo chí, rồi truyền hình lại chẳng mò đến phỏng vấn, đưa tin ngậu xị lên à.
- Nhưng sao lại tắt máy? Chắc là có vấn đề gì.
- Chẳng có vấn đề gì đâu! Thể nào sáng mai nó sẽ gọi cho Liên – Tôi động viên.
Nhìn cảnh tình hai mẹ con, túi đựng đồ, đi chơi mà không ăn diện, tôi biết hoàn cảnh của Liên hiện giờ đang rất khó khăn. Đứa bé chính xác là con của Liên. Không biết Liên cưới chồng hồi nào mà không thông báo với bạn bè, chắc có uẩn khúc gì đây? Tôi không hỏi, nhắc lại chuyện cũ, lại chạm đến nỗi đau của Liên. Đời người, mấy ai không mắc phải sai lầm? Vậy thì cứ coi như không biết, như thế tốt cho cả hai.
- Thôi, Liên lên nhà ngủ đi, anh đang díp mắt lại rồi. Tôi giục Liên, mặc dù tôi vẫn muốn ngồi lại với Liên cả đêm. Vết thương tình ái trong tôi do Liên gây ra ngày ấy đến bây giờ vẫn chưa kín miệng. Thực lòng tôi rất yêu Liên. Liên biết chứ, cớ sao lại cứ bám riết lấy thằng kia? Tham tiền bỏ ngãi. Giờ tan tác như thúy kiều lưu lạc, còn nói năng chi cho đau cái sự đời? Giả tạo! Mình đâu phải thằng đàn đông bất tài, hèn kém? Có lẽ Liên đoán biết tôi đang nghĩ gì, và lòng tự trọng, Liên đã đứng dậy đi lên nhà trên. Tôi khép cửa rồi lên giường nằm, đầu óc gã trai thất tình ngày ấy cứ nghĩ miên man, miên man...
Tôi vừa chợp mắt thì nghe có tiếng quát tháo từ ngoài cổng: - Có phải nhà kỹ sư Thanh ở đây không? Đúng rồi! Còn nhà ai vào đây nữa? ThằngThanh! Mày giấu vợ con tao ở đâu? Ái chà chà! Tình cũ không rủ cũng đến! Các cụ xưa nói cấm có sai! Xưa yêu không lấy được nhau, giờ hò hẹn đến nhà hú hí đây. Liên đâu? Em ơi, em nỡ phản bội anh sao?
Nghe giọng nói, thấy rõ vẻ đau đớn, tức giận đến cuồng nộ của một kẻ ghen tuông cực đỉnh.
Tôi hốt hoảng mở toang cửa. Ở trên nhà, mẹ tôi đã bật điện. Tôi lao ra sân, tóm cổ áo thằng kia dùng hết sức mạnh đẩy hắn ngược trở ra. Mồm hắn sặc sụa mùi rượu.
- Mày là thằng nào mà đêm hôm dám xâm phạm nhà tao? Tao có thể đâm chết mày mà vô tội! Mày có hiểu pháp luật không?
Thằng kia khá khỏe, nó đẩy tôi trở vào và dùng chân ngáng, tôi ngã chổng khoèo giữa sân.
Tôi lồm cồm bò dậy, định chạy vào nhà cầm dao, quyết sống mái với nó.
- Đừng manh động! Hắn cười khà khà. Tao vào nhà là có lý do chính đáng đấy. Tao có xâm phạm nhà mày đâu? Tao đi tìm vợ con tao! Mày đã cưỡng bức nó về nhà mày. Mày giấu nó ở đâu? Nào! Mở cửa ra!
Cánh cửa nhà trên mở toang, mẹ tôi và Liên đã dậy, đang ngồi, tựa nhau. Mẹ tôi mặt thất thần, vẻ hoảng loạn, mẹ không biết thằng con trai mẹ đã gây tai họa gì mà người ta xông vào nhà giữa đêm hôm như thế này? Trời ơi, nếu hôm nay mà mẹ tôi có mệnh hệ gì thì tôi thề sẽ mổ bụng moi gan thằng khốn nạn kia ngay tức khắc.
Hắn đứng giữa sân, chỉ tay vào nhà, sằng sặc cười. Khi hắn vạch mái tóc dài ra đằng sau, tôi bỗng thốt lên: - Thằng Phạm Khiêm! Hóa ra là mày ư? Thằng Khiêm học cùng khóa với tôi, nhưng học chuyên ngành “cấp thoát nước”. Hồi đó, hắn đã tỏ ra lãng tử, bị nhà trường cảnh cáo mấy lần vì bỏ học không có lý do.
- Nhận ra rồi hả? Tốt lắm! Hắn đắc chí chỉ tay vào nhà. Rõ ràng bị bắt quả tang nhé. Khá thật! Mày đã giữ vợ con tao bao nhiêu ngày rồi?
Cơn tức giận nghẹn ứ lên cổ. Tôi không thể mở miệng giải thích mà Liên thì cứ ngồi yên ôm lấy con trông rũ rượi như tàu lá sen hơ lửa. Tôi không thể tưởng nổi là cuộc đời mình lại có lúc rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này. Tôi chỉ muốn sống mái với hắn.
- Mày muốn gì? – Tôi gầm lên.
- Ha ha ha… Phải thế chứ! Dĩ nhiên là tao muốn rồi. Thằng khiêm có vẻ đắc ý.
Thấy mẹ tôi ngồi run mà mắt tôi ngầu đỏ, hắn biết, chỉ tích tắc nữa là tôi có thể giết chết nó bằng một thứ vũ khí nào đó. Vốn khôn ngoan, hắn liền xuống giọng nói với mẹ tôi, cháu xin lỗi bác vì sự có mặt đường đột này. Nhưng vì vợ con cháu bị thằng này nó rủ rê về nhà nó, làm sao cháu để yên được?
Tôi chỉ chực lao vào cắn vào cổ hắn. – Nói nhanh lên, mày muốn gì?
- Tốt lắm! Vậy thì tao nói ngay: Tao cần tiền! Tao đang thất nghiệp và cần một khoản tiền để đi làm ăn xa. Mày chỉ cần đưa cho tao ba mươi triệu, hai mươi triệu, ít hơn cũng được. Cứ cho là tao vay. Tao sẽ ra khỏi nhà này ngay. Còn vợ con tao, hắn nháy mắt, ánh mắt hắn lúc ấy, tôi nhìn rất rõ, vừa cười cợt, vừa láu lỉnh tinh ranh, mày muốn làm gì, tùy ý.
- Còn nếu không? – Tôi nói gầm lên, chỉ tích tắc nữa là tôi lao vào bóp cổ hắn. Thằng Khiêm lùi lại: Nếu không tao sẽ la to cho cả phố nghe là mày lợi dụng bạn cũ rủ rê vợ con tao đến nhà để cưỡng bức. Rôi sau nữa, tao sẽ viết đơn tố cáo với cơ quan công an và nơi mày công tác.
Tôi nhìn sang Liên. Mặt Liên tái nhợt. Liên cũng như tôi, không thể ngờ lại xảy ra tình huống này.
- Hắn là chồng em sao? - Tôi hỏi, Liên cúi đầu, im lặng.
Cần phải tống cổ nó ra khỏi nhà càng sớm càng tốt. Thứ nhất là vì mẹ tôi, tuổi già, làm sao mẹ chịu nổi khi người ta bôi xấu con mình. Tôi đi nhanh vào gian buồng, mở tủ, lấy ra hai tập tiền có mệnh giá 500 ngàn vứt trước mặt nó.
- Tao chỉ có chừng ấy, mày cầm lấy và xéo nhanh. Nếu chậm, mày sẽ chết tại nhà tao! Thằng Khiêm vồ lấy tiền như thể con cóc đớp con bọ , rồi biến thẳng. Nó biết, tôi không nói đùa.Thằng Khiêm đã ra khỏi ngõ. Cả nhà im phắc, kể cả tiếng thở cũng không nghe thấy. Thật là bang hoàng, cứ như một cảnh trong phim. Tôi đi lại phía giường ôm lấy mẹ tôi. Mẹ tựa vào ngực tôi, rồi khóc. Tôi biết, người khóc vì mừng cho tôi là không xảy ra đổ máu. Dù sao thì con trai mẹ vẫn an toàn. Tôi nhìn Liên, không biết lúc đó ánh mắt tôi nói lên điều chi mà Liên cúi mặt.
Tôi xuống nhà dưới nằm bất động. Sự việc giống như một bát bùn đen đúa hắt vào lòng tự trọng bấy lâu tôi gìn giữ. Tôi cố hình dung lại sự việc từ chiều xem có gì sơ xẩy không? Tôi chỉ tình cờ gặp lại người bạn gái trong hoàn cảnh éo le và mời về nhà mình. Gặp bạn cũ trong tình cảnh như thế, ai mà chả làm như tôi?. Nhưng làm sao thằng Khiêm lại nhè đúng vào lúc cả nhà vừa lên giường mà xông vào? Nó ở đâu đến và ai thông báo vị trí nhà tôi cho nó? Người đó phải là Liên. Chắc là Liên đã nhắn tin? Hèn chi mà khi hắn xông vào nhà, miệng không ngớt chửi rủa và hạ nhục tôi Liên vẫn ngồi câm lặng. Sao Liên không đứng dậy mà vả vào miệng hắn khi hắn vu cáo rằng liên đã bị tôi cưỡng đoạt? Hai mươi triệu, đối với tôi ví một chiếc lá rơi trên một cái cây còn tươi xanh mơn mởn. Nhưng tôi đau. Một năm làm lụng, tiết kiệm chi tiêu tối đa, tôi cũng chỉ dành dụm được hai cái lần số tiền tôi đã đưa cho hắn. Tôi buồn cho Liên, sao lại u mê để đến nỗi gửi thân cho thằng đàn ông khốn nạn. Cứ miên man với những câu hỏi rồi tự giải thích, tự nhiên tôi đâm ghét cả Liên. Liên đã có con với hắn? Từ bao giờ? Sao từ chiều không nói?
Hay đây là một phi vụ làm ăn? Liên đóng vai một con mồi? Dám lắm! Tôi đã từng nghe nhiều phi vụ làm ăn của giới lừa đảo. Một cô gái giả vờ lỡ xe xin đi nhờ, đến đoạn đường vắng, gạ tình, gã trai ngu ngốc dính vào. Khi cuộc tinh
đang đến hồi say đắm thì “ thằng chồng” xuất hiện, thế là gã trai bị lột từ đầu đến chân. Chả nhẽ Liên đã hư đốn đến mức đó? Thôi thì trong thiên hạ mênh mông, ai cũng được, nhưng làm sao Liên nỡ lấy tôi làm con mồi? Thật đúng là "ách ngoài đàng quàng vào cổ".
Tôi thiếp đi trong cảm giác nặng nề. Ký ức tái hiện trong vỏ đại não, tôi mơ thấy Liên hồi sinh viên. Liên vừa gội tóc xong, bàn tay búp măng trẵng nõn túm chặt một đầu rồi cho cả búi tóc dày mượt xoay tít. Bụi nước li ti thơm nức mùi bồ kết bay tỏa ra không gian, mắt tôi như bị thôi miên, đắm đuối ngắm nhìn cái cổ cao của Liên trắng ngần như men sứ. Ngay lúc đó, thằng Khanh xuất hiện, nó cầm tay Liên dắt đi. Bất giác tôi gọi, Liên Liên, đừng đi theo hắn. Hắn là thằng Sở Khanh, sẽ hại đời em đấy! Nhưng Liên vẫn đi. Tôi nhìn thấy bóng hai người như lướt trên các bậc cầu thang của tòa nhà chính hình chữ U, trước khi đi khuất, còn ngoái nhìn tôi vẻ diễu cợt, thương hại.
Tôi tỉnh dậy, trời đã mờ sáng. Tôi thấy liên ngồi bên canh. – Anh mơ à? Liên ân cần hỏi thăm tôi, rồi nói, em không ngờ hôm qua lại là ngày đen tối nhất cuộc đời em. Em đã làm khổ bác và anh. Xin anh hãy vì tình bạn xưa mà tha thứ cho mẹ con em. Em khổ lắm! Liên khóc. Tôi không muốn nhìn Liên trong tình cảnh ấy, liền ngồi dậy, lặng lẽ đi ra sân. Tôi như nhìn thấy thằng Khiêm vẫn còn đang đứng lù lù ở đó…
Tôi lao vào công việc, cố quên đi kỷ niệm buồn. Nhưng hình ảnh thằng Khiêm và cái dáng ngồi của mẹ con Liên trong cái đêm hôm ấy vẫn ám ảnh tôi mỗi khi ngồi một mình. Làm sao lại có thể tồi tệ như thế được? Tôi cố liên kết các hành động của thằng Khiêm xem có liên quan gì đến Liên, Liên có phải là tòng phạm với hắn không? Tôi đã tiêu tốn bao nhiêu thời gian và trí lực vì chuyện ấy. Buồn, đau đớn, thất vọng vì sự dại dột của mình. Công trình cầu cảng đang đến giai đoạn nước rút. Tôi phụ trách kỹ thuật thi công cọc bê tông, nghiên cứu chất phụ gia và kết cấu cốt thép cho hợp với môi trường nước tại hiện trường. Khi đứng nhìn búa máy đang giáng xuống, từng chiếc cọc cứ lún dần, lún dần, tôi chợt nghĩ đến câu nói đùa với Liên ngày xưa, đúng là cuộc đời tôi đang dầm trong nước. Bỗng nhiên tôi nhớ Liên. Nhớ đôi mắt u buồn ngơ ngác như mắt nai của Liên. Cái cổ cao ba ngấn thon thon trắng mầu men sứ của Liên. Sau cái lần gặp sự cố ấy, bây giờ mẹ con Liên đang ở đâu?...
* *
*
Chiều hai tám tết tôi mới khăn gói về nhà. Bước đến ngõ, nghe tiếng trẻ con líu ríu. Tôi bước vào, sân vườn, mẹ quét dọn sạch bong. Ở đầu ngõ, rác với lá khô được vun thành đống để đốt rấm, khói bay lên phơ phất quyện theo làn gió xuân nhè nhẹ, không khí tết đã tràn về. Mẹ! Tôi gọi to lên cho mẹ nghe là thằng con trai mẹ đã về. Mẹ tôi nhìn tôi, đôi mắt mẹ ánh lên tình mẫu tử, thương mến vô bờ, rồi bảo đứa trẻ: - Thu! Chào bác đi con! Tôi hỏi, con ai thế mẹ?
- Con đoán xem con của ai nào?
- Con nhìn quen lắm. Tôi giơ tay, con bé sà vào tôi, cái miệng nhỏ xíu, gọi, bác bác. Mẹ tôi như trẻ ra, không khí trong nhà thật ấm áp.
- Con của cái Liên chứ con ai. Nó về quê rồi.
- Sao liên lại gửi con cho mẹ?
- Nó bảo, gửi lại để có bà có cháu, bà đỡ buồn. Từ ngày con vắng nhà, mẹ con nó vẫn thường về chơi.
Tôi bước ra sân giếng, nhìn xuống mặt nước đá ong trong suốt. Mặt nước in rõ khuôn mặt nhuốm đầy sương nắng của tôi. Khuôn mặt thằng đàn ông chưa đầy ba mươi tuổi đầu, suốt tháng quanh năm lăn lộn ngoài hiện trường, hết công trình này lại đi công trình khác, đã chớm vết nhăn, gầy gùa, xương xẩu. Thoáng cái, tám tháng đã trôi qua. Tám tháng trời, có cái gì mới không? Cuộc đời của thằng kỹ sư thủy lợi? Tháng ngày trôi, cứ dầm, xà, móng, cọc, cùng với tiếng búa đóng cọc khô khốc, xập xì bụi khói, tiếng ầm ào của các phương tiện thi công trong áp lực thực hiện tiến độ đã choán hết thời gian của tôi. Tôi nhận thấy, tôi sắp già.
Tôi bước vào nhà, lòng thư thới. Tôi đã quen với hương vị đồng quê, cảnh vườn tược ao chum, tiếng gà gáy, chó sủa... Âm thanh ấy đã ám vào tôi từ thuở lọt lòng. Mỗi lần về nhà, tôi thấy mình thành trẻ thơ.
Mẹ tôi từ trong nhà bước ra, nhìn thằng con trai một lượt, ý như khoảng thời gian dài đó, nó có biểu hiện gì khác thường không. Mẹ cười, ra ý là con trai mẹ vẫn thế, chẳng có gì thay đổi cả dù nó có là một ông tướng thì nó vẫn cứ là trẻ con dưới con mắt mẹ.
- Có một phong thư không biết ai gửi cho con. Gửi theo địa chỉ nhà ta. Mẹ nhận đã gần hai tháng nay rồi.
Ai nhỉ? Bây giờ mà còn viết thư?- Tôi thấy lạ. Tưởng ai, hóa ra thư của thằng Phạm Khiêm. Tôi đã định không đọc, xé đi, giữa tôi với hắn bây giờ còn gì nói nữa?
Hắn đã vu cáo, hạ nhục, bôi đen cuộc đời tôi, khiến tôi bị tổn thất nặng nề, nỗi đau đó còn ám vào cuộc sống của tôi cho đến khi nào mới hết? Nhưng rồi tôi tĩnh tâm lại. Thử xem hắn viết cái gì? Chắc cũng phải có lý do nào đó. Hắn viết: "Thanh! Trước hết tao phải nói một câu đầu tiên là xin mày tha thứ. Không phải tha thứ mà là tha tội. Bạn bè xa nhau lâu nên mày chưa biết hết về cuộc đời của Liên đâu. Năm ấy, sau cái lần bị thằng Khanh đá, Liên đã có bầu với nó. Đáng lẽ phải xổ cái giống Sở Khanh ấy đi thì Liên lại cố tình giữ lại. Thế mới khổ! Một mẹ nuôi con nhỏ, mà ở quê, ông nội có lương hưu, nguồn tài chính cung cấp cho Liên đi học mấy năm trời lại vừa mới chết. Liên thành bơ vơ, không nơi bấu víu. Tao đành phải dang cánh tay của một thằng đàn ông lãng tử mà cứu giúp nàng. Nhưng cũng chỉ được hai năm, năm thứ ba thì tao quyệt quệ. Tao làm công trình cấp thoát nước ở một thành phố lớn, thi công giữa chừng thì người ta phát hiện chất lượng ống quá kém. Tất cả đổ lên đầu tao vì tao chịu trách nhiêm khâu kiểm tra chất lượng. Phải đào lên thay thế, thất thoát tiền tỷ. Tao bị cảnh sát kinh tế truy cứu, trốn chui trốn lủi. Trong lúc đó thì Liên bế con đi tìm tao, vì có lần tao đã hứa liên hệ tìm việc cho nàng. Liên vào cơ quan cũ, thấy Liên, tao vội lủi ra bến xe, ý định ra Bắc, không ngờ, tao vừa lên xe, một lúc sau, mẹ con Liên đã lù lù trước cửa. Tao đành leo lên giường tầng và giả vờ úp mặt ngủ chờ bến nào mẹ con Liên xuống mới dám ló mặt. Tao không muốn gặp Liên, vì sợ Liên bị liên lụy. Cái thằng người tóc bù xù nằm trên giường tầng đến bến xe rồi mà không xuống chính là tao đấy! Thật là trời sắp đặt cho ba đứa chúng ta gặp nhau ở bến xe cuối cùng. Khi mày đưa Liên về nhà, tao đã định vào theo hỏi vay tiền mày nhưng nghĩ đi nghĩ lại, rồi thôi. Bí bót lắm rồi, mấy tháng trời không một xu dính túi. Tao vào quán rượu, biết mày là thằng đàn ông cao thượng, trọng danh dự, coi nhẹ đồng tiền mà mày đã có việc làm ba năm rồi, chắc cũng có của ăn của để, nên tao nghĩ ra một âm mưu như mày biết đấy.
Nhờ có số tiền của mày nên tao không phải chết đói. Mọ vào tận Cà Mau tìm việc, bụng lo thon thót, chỉ sợ công an kinh tế tóm bất kể lúc nào. May mà trời còn thương tao, vụ ấy công an đã bắt gã phó giám đốc phụ trách kỹ thuật nhận hối lộ mấy trăm ngàn đô nên ký nhận lô hàng kém chất lượng. Tao được minh oan. Giờ thì tao đã có việc làm và tiền tiêu rủng rỉnh. Nhưng tao không thể gặp Liên, tao tự thấy không xứng đáng với nàng. Tao biết mày vẫn còn yêu nó. Loại người như mày, không dễ thay đổi. Thôi thì mày hãy thương lấy mẹ con nó. Tao nói thật lòng đấy! Mày cho tao xin số tài khoản, tao gửi trả mày món nợ vay mày đêm ấy”.
Tôi đập tay vào đùi rồi bỗng cười lên khơ khớ. Cuộc đời có những bước ngoặt kỳ lạ. Cái thằng Khiêm, thế mà đóng kịch giỏi. Xưởng phim nào vớ được nó, chắc phát tài.
Mẹ tôi nói lại, theo lời Liên kể, lần ấy Thủy đi đón Liên, khi xe ra đến đường chính thì bị một chiếc xe tải lấn hết phần đường. Thủy liều đánh tay lái sang trái để tránh thì lại gặp hai mẹ con một người dân đi ngược chiều. Không thể tông vào họ, Thủy đành đánh xe lao xuống suối, chấp nhận hy sinh để cứu mẹ con nhà kia. Thủy được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hai chân dập nát. Giờ đã khỏi nhưng ngồi xe lăn. Liên đã nhận việc ở công ty của Thủy, bảo, vợ chồng Thủy cử nó làm chức phó gì đấy phụ trách kỹ thuật…
Không hiểu sao, tôi muốn gặp Liên. Tôi có nên quay lại với Liên, sau bao nhiêu mất mát, khổ đau, hờn giận? Có nên không? Nhiều đêm tôi thao thức. Bức rào ngăn cách giữa tôi và Liên là đứa con mà mẹ tôi đang bồng bế kia. Nó đâu phải là giọt máu của tôi? Là của thằng "Sở Khanh", kẻ địch tình. Có thể nào tha thứ cho Liên, dễ dãi kéo Liên vào lòng? Tôi cười chua chát.
Thôi! Cứ đón mùa xuân này cho thật vui vẻ đã. Mọi sự hãy đợi ra giêng, ngày rộng tháng dài...
Tôi xé lá thư của thằng Khiêm, tung lên trời. Những mảnh giấy vụn bay theo làn gió xuân tan tác tơi bời như mảnh pháo khi xưa người ta đốt trong giao thừa hay lễ đón cô dâu. Đã kết thúc những tháng ngày buồn, tự nhiên tôi thấy mình cô đơn. Cố xua đi nỗi trống trải ấy, tôi hỏi vống ra vườn. Mẹ tôi dẫn con bé Thu ra thăm mấy luống cải đang lên ngồng.
- Liên hẹn hôm nào trở lại nhà ta hả mẹ?
- Nó chỉ bảo, để cháu lại chơi với bà, rồi lái xe về quê, không nói hôm nào trở lại cả…
Chiều ba mươi, khi mẹ con bà cháu chuẩn bị dọn mâm chiều tất niên thì Liên quay lại, chiếc xe con nhuốm đầy bụi đỏ. Liên bước vào, dáng đi nhanh nhẹn, tự tin, thể hiện con người của công việc, nhưng vẻ mặt đượm buồn, bảo, em về quê thắp hương cho các cụ rồi đi. Ở quê, giờ chỉ còn anh trai bị tàn tật. Năm nay em ở lại nhà cùng bác với anh đón giao thừa, sáng mai phải lên với vợ chồng Thủy. Thủy không thể thiếu em một ngày.Thế là tôi với Liên chỉ có một đêm nay. Tám tháng trước, tôi đã gặp em ở bến xe cuối cùng, và đêm nay, cũng là đêm cuối cùng trong một năm dài thăm thẳm. Tôi sẽ ngỏ lời với Liên. Không còn thời gian nữa rồi…
Hai đứa ngồi ngồi bên nồi bánh tết đang sôi sùng sục. Lửa ánh lên nét mặt Liên đầy tư lự. Tám tháng thôi, tôi thấy Liên thay đổi quá nhiều. Trên nét mặt rắn rỏi, thể hiện sự trải đời. Đàn bà sau một lần vấp ngã, họ trở thành con cáo tinh ranh. Trên nhà, mẹ tôi đang nựng cho bé Thu ngủ. Ngoài trời mưa bụi lay phay, không gian chùng xuống, mênh mông, gợi buồn, cái lạnh đêm giao thừa vừa đủ để người ta muốn gần sát bên nhau. Liên nhìn tôi. Đôi mắt! Ôi, đôi mắt của Liên, giờ tôi mới nhận ra, long lanh, nhân hậu, thủy chung, mạnh mẽ nhưng buồn thăm thẳm.
- Liên! Chúng mình đến với nhau đi. Anh vẫn còn yêu em! – Tôi nắm tay Liên, chân thành.
Cứ tưởng nói xong câu đó, Liên sẽ gục vào lòng tôi mà khóc, mà thổn thức, cảm ơn lòng vị tha của tôi, xin tôi tha thứ cho những lỗi lầm vì nhẹ dạ cả tin trước đây. Nhưng không! Liên nhìn tôi, mắt ánh lên những tia sáng rất lạ.
- Anh Thanh! Em biết anh là người tốt, rất tốt là đằng khác, và em nhận biết anh đã yêu em từ những ngày đầu tiên. Nhìn ánh mắt anh khi ấy, con tim em mách bảo, rằng anh đã yêu em chân thành. Nhưng muộn rồi anh ạ! Em đã yêu Khiêm, mặc dù anh ấy chưa ngỏ lời. Trong tim em, Khiêm mới là người đàn ông em cần. Anh có biết không? Khi em bị Khanh phản bội, mẹ con em rơi vào tình thế cùng quẩn. Chính lúc đó, Khiêm đã đưa bờ vai của anh ấy cho mẹ con em tựa mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Hai năm! Đúng hai năm, mẹ con em sống nhờ vào tiền chu cấp của anh ấy. Một con người như thế, sao có thể vào nhà anh đường đột, dọa anh rồi cầm vội mấy triệu đồng? Mà hôm ấy, em thấy thái độ và con mắt của anh ấy khác lắm. Sớm hay muộn rồi em cũng sẽ tìm gặp anh ấy hỏi cho ra nhẽ. Em không tin anh Khiêm là con người như vậy!
Thế là hết! Rõ ràng bao giờ tôi cũng là kẻ chậm chân, kẻ thất trận. Có nên nói cho Liên biết sự thật và địa chỉ hiện nay của Khiêm không? Bấy lâu, tôi biết Khiêm không tìm gặp Liên là muốn tạo cơ hội cho tôi. Giờ tôi có nói, cũng chẳng thay đổi được gì. Tình yêu sẽ dẫn dắt họ tìm đến nhau vì có con tim mách bảo. Khiêm ơi, tao mới là người không xứng đáng với Liên. Mồ hôi rịn ra ở sống lưng, mặt tôi tái đi, tay tôi run run cời than cho lửa cháy to lên. Tôi nhìn thấy rõ trong đôi mắt Liên có hai ngọn lửa đang cháy bập bùng. Và tôi biết, hơi ấm tỏa ra từ ngọn lửa ấy không dành cho tôi nhưng tôi mừng cho Liên, qua bao nhiêu thất vọng, khổ đau của cuộc đời, Liên đã tìm cho mình một người đàn ông đích thực... ./.
( Nhà văn Nguyễn Chu Nhạc tuyển chọn và giới thiệu )