Thời sự văn học nghệ thuật

20/9
5:42 PM 2020

BÊN LỞ MỘT DÒNG SÔNG

Võ Hương Quỳnh. Khi tôi bắt đầu giảng dạy tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm TìnhViên,) tác phẩm đoạt giải thưởng cao quý Pulitzer vào năm 2016, của giáo sư-nhà văn Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen), cho sinh viên Mỹ tại trường Đại học Hawaii vào học kỳ mùa thu năm 2017, đó cũng là lần đầu tiên các sinh viên của tôi biết đến sự tồn tại của dòng văn học Mỹ gốc Việt.

 

Thấm thoát, tên tuổi của Nguyễn Thanh Việt đã làm nên lịch sử khi vừa mới đây ông chính thức trở thành người Mỹ gốc Á và cũng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu cử vào hội đồng chấm giải thưởng Pulitzer.Với tầm ảnh hưởng của mình, ông đã mang văn học Mỹ gốc Việt đến gần hơn với độc giả trên toàn thế giới.

 

Thế nhưng cho đến nay, người Việt ở trong nước vẫn còn khá xa lạ với dòng văn học đang đi vào lòng lịch sử văn học Mỹ này. Phải chăng, vẫn còn đó những biên giới vô hình khiến văn học trong nước và hải ngoại chưa thể hoà chung vào dòng chảy với tên gọi là văn học Việt Nam để cùng đổ ra biển lớn của văn học thế giới?

 

“Viết về chiến tranh chính là viết về hoà bình,” nhà văn Bảo Ninh đã viết như vậy trong lời giới thiệu cho tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ và những những dư âm thời hậu chiến, Những vầng trăng khác (Other Moons), do giáo sư Hà Mạnh Quân (trường Đại học Montana) và Joseph Babcock dịch và hiệu đính, được xuất bản bởi nhà xuất bản trường đại học Colombia, Mỹ, vào tháng 7 năm 2020. Other Moons được tạp chí chuyên đánh giá chất lượng tác phẩm văn học có uy tín ở Mỹ như Kirkus Reviews, và một số tạp chí bình luận văn học khác như Asian Review of Books và The World Without Borders nhận định là một công trình có giá trị và ý nghĩa quan trọng, “khác với hầu hết các tác phẩm được viết bởi các nhà văn Mỹ về cuộc chiến ở Việt Nam, vì đã mang lại những góc nhìn của chính người Việt Nam không chỉ về sự khốc liệt của chiến trường mà còn về những dư chấn đau thương của một đất nước và con người Việt Nam thời hậu chiến.” Tuyển tập truyện ngắn Other Moons hiện đang được đề cử vào giải thưởng PEN America ở hạng mục văn học dịch. Hai mươi truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng trong nước như Nguyễn Minh Châu (“Mảnh trăng cuối rừng,”) Bảo Ninh (“Mây trắng còn bay,”) Nguyễn Ngọc Tư (“Vết chim trời,”) Tạ Duy Anh (“Xưa kia chị đẹp nhất làng”), Sương Nguyệt Minh (“Người ở bến sông Châu”)…là sự tái hiện những mảnh vỡ của ký ức về chiến tranh và những hệ luỵ dai dẳng của nó. Những tổn thương về cả tinh thần và thể xác của từng nhân vật trong mỗi câu truyện đã được các tác giả khắc hoạ vừa đau đớn vừa lạc quan (như biểu tượng “vầng trăng” được chọn làm tựa đề của tuyển tập)— sự lạc quan của những tâm hồn bất khuất không thể bị tàn phá bởi chiến tranh, bởi sự đẹp đẽ và tinh thần khát khao tự do sẽ vĩnh viễn không thể bị vùi dập bởi bất cứ sức mạnh tàn bạo nào, bởi phía sau tất cả những đổ nát và hoang tàn, những mầm xanh hi vọng của hoà bình vẫn sẽ vươn lên mạnh mẽ, như để nhắc nhở với chúng ta rằng, “nỗi đau này không của riêng ai.”

 

Lớn lên trong hoà bình, thế hệ tôi chỉ có thể mường tượng về “nỗi buồn chiến tranh” qua những ký ức như của nhà văn Bảo Ninh. Trong lời giới thiệu cho tuyển tập Other Moons, nhà văn Bảo Ninh đã kể: Khi những cựu binh Mỹ trở lại thăm Việt Nam từ những năm 1990, chỉ gần hai thập niên sau chiến tranh kết thúc, họ đã bất ngờ bởi tinh thần vị tha và sự lãng quên lịch sử rất hồn nhiên của người Việt. “Nỗi đau như mới ngày hôm qua, sao người Việt Nam dễ dàng quên nhanh như vậy?”, những cựu quân nhân Mỹ đã hỏi Bảo Ninh. Như lời nhắn nhủ của một dân tộc từng trải qua chiều dài lịch sử đầy ắp tang thương, mỗi lần chiến tranh là một lần khánh kiệt, Bảo Ninh đã nói với họ: “nếu chúng ta giữ mãi hận thù ở trong tim, có khác nào đang tự huỷ diệt chính mình, những đồng bào của mình, hay nói rộng hơn, là dân tộc mình… Sự thù hận chỉ khiến chúng ta ngụp lặn trong khổ đau, và cả con cái chúng ta sẽ không bao giờ được sống bình yên, hạnh phúc”.

 

Tôi cũng hiểu rằng đó chính là bài học và triết lý về hoà bình mà người Việt Nam đã đúc kết được sau bao nhiêu mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại: bước qua hận thù để tiếp tục đứng lên, vì chỉ có tình yêu mới có thể đắp bồi và hàn gắn được tất cả. Thế nhưng, có phải tất cả những người mang trong mình dòng máu Việt, cho dù ở bất kỳ nơi đâu, cũng cùng chung một niềm tin ấy?

 

Trong dòng chảy âm thầm và mãnh liệt của văn học Mỹ gốc Việt, quá khứ về cuộc chiến tranh mà cả thế giới biết đến là “chiến tranh Việt Nam” chưa từng nguôi ngoai cho dù cuộc chiến đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Năm nay, 2020, đánh dấu 25 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, cùng hướng đến một tương lai không quá khứ. Thế nhưng, trong văn học và văn hoá của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, dư âm về cuộc chiến tàn khốc và mất mát đó vẫn hiện diện đầy ám ảnh. Tại sao những người Việt-đã-trở-thành-người-Mỹ vẫn mãi mang theo vết thương tinh thần không thể liền da, những ký ức đau thương chưa bao giờ phôi phai như thế? 

 

Sau bất kỳ cuộc chiến nào, dường như chỉ những người chiến thắng mới có thể dễ dàng tha thứ và lãng quên quá khứ. Năm 2015, khi biết tôi đang thực hiện nghiên cứu về dư chấn của chiến tranh trong văn học và văn hoá của người Mỹ gốc Việt với hi vọng sẽ lấp đầy những khoảng trống trong lịch sử văn học của Việt Nam, vài người Việt trong nước đã dõng dạc khuyên: “chiến tranh, một đề tài quá cũ, một đống tro tàn, còn khơi lại làm gì nữa?”; “hãy để ngày đó lụi tàn”…

 

Tuy nhiên, đối với các học giả, nhà văn, nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt, “khép lại quá khứ” hẳn là điều không tưởng. Bởi, nó buộc họ phải quên đi sự tồn tại của chính mình - một cộng đồng trỗi dậy từ “đống tro tàn của lịch sử”, luôn khắc khoải về quá khứ cũng như hiện tại của mình trên quê hương mới là nước Mỹ. Trong những tác phẩm văn học và học thuật của mình, nhà văn - giáo sư Nguyễn Thanh Việt đã không ngừng viết về một ký ức chân chính, một sự nhìn nhận trung thực về lịch sử. Và ông khẳng định rằng, một ký ức do chúng ta cố tình quên đi hoặc ghi nhớ một cách bất công sẽ không bao giờ ngủ yên, bởi lẽ “không có gì mất đi bao giờ”. 

 

Sự vắng bóng của dòng văn học Mỹ gốc Việt trong dòng chảy văn học của Việt Nam cũng chính là một ký ức lịch sử không trọn vẹn, và dư âm của nó sẽ như những vết thương chưa được chữa lành, sẽ mãi còn rỉ máu, đớn đau, âm ỉ. Chúng ta dù muốn đoạt tuyệt với quá khứ để hướng đến tương lai cũng không thể dễ dàng quên đi lịch sử và tâm hồn của một cộng đồng người Việt bên kia đại dương và nền văn học đầy ắp những câu chuyện đẹp đẽ của họ, nhất là khi những câu chuyện đó đang được vang lên trong rất nhiều giảng đường đại học tại Mỹ, đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử văn học Mỹ.

 

Trong những nghiên cứu văn học của mình, tôi đã vượt qua rất nhiều biên giới: địa chính trị, lịch sử, văn hoá, không gian và thời gian để chạm đến tận cùng nỗi đau chưa thể nguôi ngoai giữa người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại. Giữa một thực tại luôn bị bủa vây bởi những nền công nghiệp ký ức bất bình đẳng, hàng loạt những tác phẩm văn học và nghệ thuật của người Mỹ gốc Việt, thế hệ lớn lên sau chiến tranh tại Mỹ, đã ra đời để cùng viết nên lịch sử về thân phận bấp bênh của họ trong cả chiến tranh và hoà bình - một nền hoà bình chưa bao giờ trọn vẹn trong tâm trí của cộng đồng người Việt ly hương. Những tên tuổi lừng danh như Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vuong, Monique Truong, Bao Phi, Thi Bui, Lê Thị Diễm Thuý, Thanhha Lai, Andrew Lam, Bich Minh Nguyen, Aimee Phan đã đem lại tiếng vang lớn cho dòng văn học Mỹ gốc Việt với rất nhiều giải thưởng lớn như Putlizer, McArthur, National Book Awards, Pen, Bard Fiction Prize. Phần lớn những tác phẩm của những nhà văn này, tuy phảng phất những dấu ấn riêng tư về đời sống của từng nhân vật, đều có chung một dấu chấm hỏi, nỗi niềm trăn trở, sự khắc khoải không nguôi về một thực tại ngổn ngang đầy bất trắc đã tạo nên một khoảng trống vô hình trong đời sống và nghệ thuật của họ.

 

Khoảng trống đó bắt nguồn từ một lịch sử đang bị lãng quên và những ký ức đã nhạt phai theo thời gian. Toni Morrison, nhà văn da màu hàng đầu của Mỹ, người đã được trao tặng giải thưởng Nobel về văn học từng nói, sự lãng quên lịch sử vô cùng nguy hiểm, “bởi cái giá của sự xoá bỏ đi nguồn cội của mình cũng chẳng khác gì một sự tự huỷ diệt.” Và văn học của người Mỹ gốc Việt là hiện thân của những tâm hồn luôn khắc khoải với nỗi đau nguồn cội.

 

Muốn hàn gắn vết thương của quá khứ, theo tôi, cần phải bắt đầu từ văn học, để thế hệ người Việt hôm nay và mai sau đến gần với nhau hơn. Bước qua lịch sử không thể là con đường dẫn đến hoà giải dân tộc. Và “khép lại quá khứ để hướng đến tương lai” sẽ chỉ dừng lại ở sự mỹ miều của ngôn từ và xa lạ với cộng đồng người Mỹ gốc Việt một khi nền văn học của họ vẫn chưa được biết đến ở Việt Nam. Và rồi, những câu chuyện của họ vẫn mãi dạt trôi về phía bên lở của dòng sông lịch sử. 

 

 

 

*Tiến sĩ Võ Hương Quỳnh hiện đang giảng dạy tại khoa Văn học Anh‑Mỹ thuộc Đại học Hawaii, Manoa, Mỹ.

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *