“THỜI KỲ BĂNG TAN” CỦA XÃ HỘI XÔ VIẾT QUA CON MẮT CỦA MỘT NHÀ NGOẠI GIAO KỲ CỰU
Cầm cuốn tiểu thuyết O, Mari (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội – 2016) của tác giả Robert Enghibarian, lúc đầu tôi hơi ngại. Sách dày. Khổ lớn. Một nhà Ngoại giao, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Luật pháp liệu có gạt sang bên thói quen tư duy khoa học nghiêm ngặt để cảm hứng cất cánh cùng số phận nhân vật và tái hiện được sống động hiện thực xã hội? Và tôi đã nhầm khi bập vào ngay từ những trang đầu đầy hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết mang cái tên không mấy khêu gợi này.
O, Mari là một câu chuyện tình chân thành, tuyệt đẹp giữa một chàng trai Armenia, Đavit - sinh viên khoa Luật trường đại học Tổng hợp Erevan và Mari - sinh viên khoa Ngoại ngữ cùng trường. Mari có bố là người Armenia, mẹ người Pháp. Cô sinh ra ở Pháp. Năm lên 9 tuổi Mari theo cha mẹ trở về sống ở thủ đô Erevan của Armenia, thuộc Liên bang CHXHCN Xô viết. Đavit là con đầu một cán bộ cấp cao, Tổng biên tập tờ báo uy tín của nước Cộng hòa. Đavít đẹp trai, học giỏi và đạt danh hiệu kiện tướng môn vật tự do của đất nước. Anh còn là một đội trưởng đội tự quản sinh viên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, rất được các bạn học yêu mến, nể phục. Đó là một cặp trai tài gái sắc bậc nhất của lứa sinh viên trường đại học Tổng hợp Erevan những năm đó. Mari hiện lên như một đóa hoa rực rỡ. Nàng cao một mét bảy lăm, tóc vàng óng ả, duyên dáng, mang sắc đẹp hút hồn của sự pha trộn giữa hương sắc bản địa với vẻ đài các cao sang của thủ đô Ánh sáng. Mối tình của họ kéo dài 5 năm trong bối cảnh hiện thực của nước Cộng hòa Armenia trong thành phần của Liên bang Xô viết những năm 1950 – 1960 dưới thời Khơrusốp cầm quyền, mà người ta hay gọi là Thời kỳ băng tan. Gặp nhau lúc mới mười tám tuổi, trải bao yêu thương, sóng gió giận hờn, Mari đã mang trong mình giọt máu của Đavít nhưng rồi họ vẫn phải chia tay nhau trong đau đớn. Gia đình Mari trở về Pháp sinh sống. Mari sinh con trai đặt tên là Sebaschian. Nàng ở vậy suốt đời với tâm trạng khép kín. Đavít ở lại Armenia trở thành cán bộ ngành Tư pháp nước Cộng hòa, lấy vợ sinh con như một sự an bài của số phận những con người trong xã hội Liên xô những năm tháng đó.
Câu chuyện tình giữa Đavít - Mari và đằng sau họ là gia đình người thân của đôi trẻ được tác giả sử dụng như sợi chỉ xuyên suốt, như một cái cớ để tái hiện xã hội Liên xô nói chung và Armenia nói riêng thời kỳ này, đặc biệt là mặt trái của nó. Dù không gay cấn, quyết liệt nhưng quan điểm, thái độ nhìn nhận về bản chất xã hội, về cuộc sống người dân của hai tuyến nhân vật trái ngược nhau. Mari, bà Xilvia mẹ nàng và ông chú Varugian luôn luôn nhìn Liên xô như một đất nước tồi tệ, nghèo nàn, vô luật pháp, kỳ thị dân tộc, lãnh đạo đất nước thì dối trá, vô dụng. Quyền dân chủ của con người bị o ép, bị đe dọa trước bọn trộm cướp và cả lực lượng an ninh của đất nước. Bên kia là Đavít, ông Tổng biên tập bố anh và một số người khác nhìn nhận xã hội với tâm thế của một người bị quá nhiều ràng buộc về quyền lợi, về danh dự, trách nhiệm và lòng yêu nước. Họ chấp nhận cuộc sống đó vì đây là Tổ quốc họ.
Đavít và Mari là hai nhân vật chính thể hiện quan điểm thẩm mỹ của tác giả, thông qua điểm nhìn của các nhân vật này để nói về hiện tình đất nước. Đavít được kết nạp đảng trong trường học, Mari đã giận giữ thốt lên lúc Đavít đến thăm cô: “ - Mẹ ơi, anh ấy vào đảng – Đảng nào? Mẹ cô hỏi – Còn đảng nào nữa ở cái đất nước u ám này? – Mari thốt lên với nước mắt trong giọng – Đavít, anh cần đảng làm quỷ gì? Anh thế nào, định sống hết đời trong cái đế quốc hà khắc, bất công, nơi người với người là kẻ thù này à?”. Đavít trả lời: “ – Mari, anh với em cảm nhận thế giới mỗi người một khác. Em quá nhậy cảm và phóng đại các khía cạnh tiêu cực của cuộc sống ở đây”. ( 155 ) Bản thân tác giả cũng bị giằng xé trước hiện trạng của đất nước thông qua các suy nghĩ của nhân vật chính Đavít: “ Sự phân hóa xã hội đã diễn ra mạnh mẽ. Xuất hiện các triệu phú ngầm đầu tiên, những kẻ buôn bán vàng, trang sức quý và đồ cổ...Nhiều thứ trong số này lại quay về Matxcơva dưới dạng hối lộ cho các quan chức liên bang...”. (132) Và chuyện gì phải đến đã đến: “Khi tôi đã đứng đến gần chính quyền tối cao của đất nước và là người chứng kiến trực tiếp tất cả các sự kiện đánh dấu những năm cuối cùng của sự tồn tại Liên xô, tôi thực sự sửng sốt bởi chiều sâu của sự suy thoái có hệ thống và mức độ suy thoái của giới thượng lưu Xô viết”.... “ Không cần sự thúc ép nào từ bên ngoài, chỉ do nguyên cái sự bất tài, hạn hẹp và sự bưng bít vì ý thức hệ của giới chóp bu tinh hoa, Liên xô cứ thế mà nhục nhã tự triệt tiêu, đổ sụp, không còn tồn tại...”.( 298 )
Hơn 450 trang sách khổ lớn, tác giả đã rất tinh tế và điêu luyện khi sử dụng nghệ thuật đối thoại để mô tả xã hội và tâm trạng nhân vật. Số lượng trang tả và kể rất ít. Mặt trái của xã hội Xô viết từ những mối liên hệ ở giới chóp bu tinh hoa; tới tệ nạn: tham nhũng, lãng phí; hình thức chủ nghĩa; côn đồ hoành hành; mất dân chủ...nếu chỉ tả, chỉ kể thì dễ nhàm chán và trùng lặp. Để các nhân vật tham gia vào hoặc trở thành nạn nhân của tệ nạn, của những biến cố đời sống, họ đối thoại tranh luận với nhau, bức tranh xã hội trở nên sống động, hiện thực và đa chiều. Đôi khi sau những tranh luận đó là sự tỉnh ngộ của những con người ưu tú nhất của đất nước như Đavít. Anh chính là hình ảnh của một con người yêu nước, trong sáng, thiện tâm phải đối mặt với hiện thực xã hội đầy phức tạp, tiêu cực. Như con cò dầm chân trong bùn lầy muốn cất cánh mà không bay lên được. Đavít tự hỏi mình: “ Thế ai cho tôi một đất nước tươi đẹp? Liệu một đời tôi có đủ để đợi đến cái kết cục hạnh phúc ấy chăng? Và phải làm gì? Bỏ chạy một cách hèn nhát đến với những chiếc bánh krussan Pháp? Còn cha mẹ, những người gần gũi ruột thịt thì sao?...”. Là một cán bộ ngành Tư pháp Đavít cũng đứng trước những món quà đút lót, hối lộ. Anh cật vấn lương tâm: “ Như vậy hóa ra là: để mà sống cho khá giả ở đất nước này, cần phải trộm cắp, nhận hối lộ, lừa lọc. Chung quanh có biết bao công an, mật vụ, những kẻ kín đáo giầu có! Hệ tư tưởng và các luật lệ - tách ra một bên, cuộc sống hiện thực – một bên khác biệt. Chúng ta sống trong giả dối...” ( 338 ).
O, Mari là tác phẩm của một cán bộ cấp cao trong ngành Ngoại giao Liên xô và nước Nga sau này. Robert Enghibarian còn là Tiến sĩ khoa học luật pháp. Giáo sư, Nhà hoạt động công huân của Liên bang Nga, Tiến sĩ danh dự Viện hàn lâm khoa học Armenia và nhiều quốc gia khác. Ông chính là nhân chứng, là nhân vật trung tâm của một giai đoạn chuyển động đến chóng mặt của hiện thực Liên bang Xô viết thời kỳ hậu Stalin. Dù thể hiện dưới hình thức tiểu thuyết O,Mari vẫn làm bật lên hiện thực mang tính tâm lý – bi kịch của xã hội Xô viết thời ấy. Tác phẩm mang ý nghĩa cảnh báo mạnh mẽ đối với bất kỳ quốc gia nào, thể chế nào nếu tự nó không lành mạnh hóa cơ thể. Nếu vi phạm những quyền sống cơ bản của con người. Nếu để cho luật pháp chỉ còn là cái áo che cho tệ nạn hoành hành... Sự tự diễn biến dẫn tới sụp đổ là điều không tránh khỏi. Bài học của Liên bang Xô viết mà tác phẩm này phản ánh vẫn luôn mang tính thời sự nóng hổi.