TRANG THƠ TỰ CHỌN CỦA NHÀ THƠ CHÂU LA VIỆT
Những năm tháng ở chiến trường, Châu La Việt đã tự thể nghiệm ở khá nhiều thể loại, nhưng say đắm nhất là thơ với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương và đời lính, hiện thực và mộng mơ.
THƠ CHÂU LA VIỆT
Chùm táo
Táo vươn cành tuổi nhỏ
Ông trồng tự ngày xưa
Cháu tập đi quanh cửa
Theo bóng nắng sớm trưa
Mùa đông hoa táo nở
Gió rét ngọt môi se
Mùa xuân quả táo nhỏ
Tròn mắt đàn chim ri
Chùm chùm treo cao vút
Lơ lửng giữa trời xanh
Cháu đứng nhìn ngơ ngác
Ước mơ trĩu đầu cành
Quả chín chim ăn dở
Rụng đầy vại nước trong
Lá bay vào ô cửa
Ông cúi dọn quanh vườn
Ăn táo tuổi thơ mãi
Mà quả chín hãy còn
Táo ngọt mà rát lưỡi
Cháu sao vẫn thèm thuồng…
Mỗi mùa hoa táo nở
Mỗi mùa cháu với cao
Kiễng chân qua tuổi nhỏ
Ôi ông đã bạc đầu…
Cành táo chen cành táo
Chín ngọt chiều quê hương
Bóng ông vin cành trĩu
Cho cháu hái một chùm
Một chùm hạnh phúc nhỏ
Táo chin đầy hai vai
Đi suốt mùa táo nở
Cháu thầm gọi: ông ơi…
Tuổi trẻ trường sơn
Mày lên đường hôm trước
Tao ra đi hôm sau
Trường sơn gánh cả nước
Hai đứa mình đuổi nhau
Những nơi mày đi qua
Sao không để dấu lại
Trong bàn chân chỉ lối
Tìm mãi mày không ra
Cái thằng bạn răng sún
Chúa hay ăn quả xanh
Ngày đi cô hàng xóm
Tíu tít gọi em anh
Mày ngượng quá tỉm cười
(Lại hở cái răng sún)
Mà nay trông rõ oai
Có phải vì mang súng?
Hôm đi mày nhớ không
Mừng mày nhưng tao ức
Vật nhau tao khoẻ hơn
Mà nay mày đi trước
Thôi bây giờ như nhau
Đường trường sơn chung bước
Đường dài như mơ ước
Sao chẳng thấy mày đâu?
Hôm nay trời xanh quá
Mây bay và lá bay
Hôn khẽ vào đôi má
Càng cháy nỗi nhớ mày
Trên Trường sơn mày nhỉ
Bao nhiêu đứa tìm nhau
Con đường của tuổi trẻ
Bom dội trước dội sau
Hành quân bước gấp gấp
Đâu cũng là bạn bè
Vùng dậy khỏi đất lấp
Cùng cả nước ra đi…
(1968)
Tự thú một tình yêu
Chưa ra đời tôi đã bị mất cha
Lên ba tuổi lại mồ côi thêm mẹ
Đời mồ côi lang thang qua những gầm cầu
Tôi quen một cô gái mồ côi làm gái điếm
Tôi đã ngủ nhiều đêm trên một chiếc ghế bẩn
Đã một lần người ta định phiền tôi…
Cuộc đời ơi,
Tôi yêu cuộc đời bằng nước mắt
Nếu đêm ấy tôi không nghe khúc hát
Đêm hát cuối cùng người ca sỹ bạc đầu
Về một tình yêu khổ đau với nghệ thuật
Về một tình yêu khắc khoải với mai sau…
Cuộc đời ơi
Tôi yêu cuộc đời bằng tình yêu của đứa trẻ mồ côi
Đầy xót xa cay đắng
Nhưng tôi hơn tất cả những kẻ giả dối vì một tình yêu chân thật
Tôi yêu mặt trời dẫu buổi trưa ấy mặt trời còn bỏng rát
Và chao ôi cái tình yêu nghệ thuật
Cái tình yêu cứu sống cả đời tôi…
Tình yêu ấy làm tôi hết mồ côi
Khúc ru con đã làm tôi có mẹ
NàngVân Dại nổi loạn giữa cuộc đời
Mà trong tôi như hồn một người chị…
Tình yêu ấy trả tôi về với cuộc đời
Tôi muốn hát để cô gái ấy không còn là gái điếm
Em có thấy góc hồ kia xao xuyến
Bỗng mọc lên thơm ngát nột bông sen..
Tình yêu ấy giục tôi ra đi cầm súng với dòng người
Để cứu khúc dân ca quân thù hòng dập tắt
Cứu những tâm hồn “lý thương nhau”, “lý tang tít”
Và ngọn gió mùa thu trong tiếng mẹ ru con
Tình yêu ấy làm tôi hát với người ca sỹ ấy
bạc nửa mái đầu vẫn hát khôn nguôi
Mặt trời chiều rồi mà vẫn thèm hắt nắng
Tình yêu nghệ thuật kỳ lạ quá bạn ơi
Và bạn ơi,vì sao,tôi yêu cuộc đời
Và bạn ơi,vì sao,
Tôi hết trẻ mồ côi…
Người gõ trống
Người gõ trống quen sống với bão giông
Trong dàn nhạc anh là mưa là sấm
Là hào hùng của bao trận đánh
Của đời xưa và của đời nay
Khi cánh rừng chỉ có tiếng lá bay
Tiếng chim kêu buông vào thung lũng
Người gõ trống ngồi nghe im lặng
Phút êm đềm dàn nhạc dành cho anh…
Khi tiếng bom dội xuống quanh mình
Người gõ trống không ngồi im lặng nữa
Anh gõ xuống nhịp tim anh phẫn nộ
Bom và đạn
tiếng trống không át nổi
Những người nhạc công cầm súng lên đường
Người gõ trống quen sống với bão giông
Anh gõ nhịp hành quân ra trận
Ra chiến trường anh vào trận đánh
Những trận đánh như bản nhạc của đời
Nhưng âm thanh không vang lên bằng nhịp dùi
Bằng đại bác và cả máu đổ xuống
Những dàn nhạc ơi những người gõ trống
Hãy gõ thay anh nhịp bắn hôm nay
Trong tiếng hào hùng đừng quên có tấm lòng anh tràn đầy…
*
Khi anh trở về,trời xanh trên nhà hát
Anh lại ngồi bên chiếc trống năm xưa
Bao năm xa trống lại căng da mặt
Nhắc cho đời những trận thắng xa mờ…
Còn vọng lại những buổi hành quân
Còn vọng lại nhữngđêm pháo kích
Còn vọng lại tiếng xung phong mãnh liệt
Tiếng hào hùng chiến thắng vút bay cao…
Là mây bay và cánh cò xôn xao
Người gõ trống lại như xưa im lặng
Phút êm đềm dàn nhạc dành cho anh
Người quen sống bão giông
-Người gõ trống…
Chị ngâm thơ về Mẹ giữa cáng rừng
Kính tặng chị Linh Nhâm
Chị đi từ nỗi nhọc nhằn vai Mẹ
Đêm đất trời Hải Phòng lửa cháy ngút trời
Mẹ cõng chị chạy giặc
Qua sông Hồng, sông Luộc, về sông Mã xa xôi…
Giữa hai chặng đường Mẹ hát khúc à ơi
Khúc truân chuyên nàng Kiều 15 năm trời lưu lạc
Mái lều trống giữa chặng đường chạy giặc
Một khúc ru hời từ ấy, Mẹ trao…
Em đã hiểu vì sao, vì sao
Hôm nay giữa chiến hào chị ngâm thơ về Mẹ
Chị cùng những người con gái con trai
Một chiều chiến tranh về hôn bàn tay Mẹ
Nước mắt bạc Mẹ nhỏ xuống tóc chị xanh
Giọng bà ru cháu giữa hai đợt máy bay giặc
Lời ru ấy chị nhận vào tim gan
Em đã hiểu vì sao vì sao
Hôm nay giữa chiến hào chị ngâm thơ về Mẹ
Và chị - ơi người chiến sỹ
Một đêm giữa rừng nghe gió thổi bên lòng
Con gái nhỏ gửi bà nơi hậu phương
Nóng nực mùa hè, mùa đông lạnh giá
Có bao giờ cháu nhắc cha nhắc Mẹ?
Cha mặt trận và Mẹ cũng tiền phương
Nhớ con nhớ con chị ru những lộc rừng
Trong tiếng ơi à những mầm xuân tách vỏ
Có nước mắt người mẹ cây lá bỗng xanh hơn
“…À ơi
Cánh cò bay qua phủ Đồng Đăng
Sáng nay cánh cò cùng đi đánh giặc
Đám mây hồng ngũ sắc
Theo gió chiều bay vào dãy Trường Sơn
Lòng Mẹ yêu con sâu thẳm nước nguồn
Mấy núi mấy sông mấy non cao cũng vượt…”
Câu thơ lặng rồi... dồn vang nhịp tim đập
Trong âm vang lặng im ta bỗng nhìn rõ nhất
Bóng Mẹ già ta tạc tượng giữa Trường Sơn
Và người chị ngâm thơ giữa cánh rừng
Cùng bài thơ đã tạc nên dáng Mẹ…
Bộ đội
Khi đi ra chiến trường
Chúng tôi xếp hàng ngang
Không ai muốn lùi bước
Khi đi nhận lương thực
Chúng tôi xếp hàng dọc
Đồng chí khoẻ đứng sau
Đồng chí yếu đứng trước
Đồng chí nào thương tật
Đề nghị xếp lên đầu
( Mặt trận lào-1971)
Cô gái tên Hương gặp trên đường ra trận..
Cô gái ấy ngày xưa rất yêu hoa
Buổi tan học cửa trường tung cánh trống
Ông mặt trời giật mình lên cao ngọn
Hoa mười giờ cười xòe cánh tươi
Thẩn thơ giữa vườn trường
Em gái nhỏ hái hai bông hoa đỏ
Một bông cài đầu sáng giữa mái tóc đen
Một bông ướp vào trang vở
Điểm mười và hoa nở đỏ trang…
Cô gái ra đi khi vườn trường tan hoang
Hoa mười giờ nửa ngày chẳng xòe nữa
Buổi trưa ấy những trái bom lửa
Thiêu màu đỏ cháy đen
Lòng cô gái bừng lên
Cái màu đỏ cô chưa bao giờ thấy
Màu đỏ ấy
Cùng cô nắng mưa mở những con đường
Những con đường ra đi tự mái trường
Màu đất đỏ gợi rất nhiều nỗi nhớ
Bên những rìa đường
Có những bông hoa bâng khuâng tỏa nắng
Như ngày xưa cô gái hái hai bông
Một cài lên mái tóc
Lúc mặt trời lặn ,mặt trăng mọc
Lúc ngôi sao lạc bạn cuối trời
Bông hoa ấy đỏ tươi
Cứ toả ngàn ánh nắng
Cái màu nắng đi tới cuối t rời
Mang đoàn xe ra tuyến lửa
Và một bông hoa nữa
Cô gái tặng người lái xe
Trên cánh vô lăng có một bông hoa…
Cô gái và bông hoa đỏ
Nở bừng giữa đạn lửa
Mọc suốt con đường ra trận ngày đêm
Hương-tên gọi của em…
Đường 7-1971
Chiều sau trận đánh
Con bò hoang không thấy cỏ bỏ đi
Để mình tôi ở lại…
Nắng như chiếu cuộn dần vào núi
Đất chậm rãi ngả màu hoàng hôn
Dây thép gai rỉ nát quanh đồn…
Tất cả lặng im,màu đỏ lặng im
Những bức tường ngả nghiêng tự đổ
Khói đạn bay lỗ chỗ
Trận đánh vừa ở đây
Bản vào rừng nay lại về chốn cũ
Trên áo em hoa lại nở hồng tươi
Rượu nếp thơm bố hâm đầy hũ
Bếp lạnh tro mẹ nhóm lửa thổi sôi
Một cái gì bừng dậy trong tôi
Ấm hơn ngọn lửa mới…
Đồn quân thù đã tiêu tan thành khói
Bao năm nhức nhối tiếng súng càn
Cha nhìn đồn mắt như ngỡ gai đâm
Mẹ thương vạt lúa xanh đồng cháy
Em tuổi thơ nửa đêm giật mình dậy
Khiếp một bàn tay lông lá dọa đe
Chúng tôi về
Chúng tôi về
Khẩu súng,gạo rang và nước suối
Em mặc áo hoa lên đón từ đầu núi
Chúng tôi đánh đồn người dẫn đường là em
Đánh trận xong mới sực nhớ ra mình
Năm đêm rồi hành quân chưa ngủ
Nhưng lửa mới đã lại hồng bếp cũ
Niềm vui ấy chẳng kể đến hy sinh
Ôi đất này đất của mẹ,của em
Đất của cánh cò và đồng lúa
Tôi chiếm từ tay giặc nay tôi giữ
Cho ngày mai như buổi chiều nay
Con bò bỏ đi rồi sẽ trở lại đây
Chúng tôi lại đi đánh nhiều trận nữa
Bao mẹ già chờ ta đêm súng nổ
Chiến dịch mở dù chỉ tấc đất hoang
Chiều ơi xuống mau cho ló vầng trăng
Cha mở vội luống cày uống sương mới
Nắm cơm nếp mẹ đưa thơm lên tự khói
Em gọi ta tiếng trong gió vang ngân…
( Xiêng khoảng-chiến dịch cù kiệt 1971)
Trăng non
Đêm hành quân qua xóm
Gặp tiếng khóc trẻ con
Trăng non rung đầu súng
Nụ cười bỗng rưng rưng
Làng bao năm giặc chiếm
Chỉ cắn răng âm thầm
Bỗng òa tiếng con trẻ
Ngỡ sống lại muôn lòng
Hộ sinh o dũng sỹ
Vừa bắn tàu bay rơi
Tay lau sạch bùn đất
Đỡ đứa trẻ ra đời
Bao nhiêu người làm mẹ
Như lại có thêm con
Những đứa trẻ chết bom
Ngỡ cũng vừa sống lại
Cỏ lại lên chồi mới
Nên tiếng khóc xanh tươi
Xóm làng đang sống lại
Tiếng khóc hóa tiếng cười
Và tôi dù trẻ lắm
Nhưng cứ vẫn nghĩ rằng
Mình đang làm người bố
Đi giữ đời cho con…
Sức còn lại để hát
1-
sau trận đánh những người lính bên nhau
từ ngón tay đồng đội
Một tiếng đàn vút cao
Như chẳng có gì đâu
tiếng đàn gợi phố phường mùi hoa sữa
17 tuổi em đi vào tuyến lửa
Hoa nhớ em thả hương suốt đêm thâu
Như chẳng có gì đâu
Cánh đồng quê hương thơm mùi gặt hái
Cô gái ta yêu như đám mây đỏ cháy
Thức bình minh sáng dậy cánh đồng…
Như chẳng có gì tiếng nhạc giữa cánh rừng
Thiếu muối thiếu cơm thiếu sao đành nó được
Đêm mưa lạnh tựa nhau trong lòng đất
Cứ hát lên là lòng ấm bao nhiêu
Cuộc đời người lính chẳng có gì nhiều
Mà âm nhạc làm giàu lên đến thế
những người lính ngồi bên nhau hát khẽ
Sao quân thù không hiểu được điều này?
2-
Những cánh rừng lá bay
Cánh chuồn mong manh đan xiên tìm nắng
Tiếng bom âm u chìm trong khe vắng
chuồn cứ bay và lá cứ bay bay…
Nhưng chút nữa thôi khi âm nhạc tràn đầy
Như bỗng có hoa lên dầy mặt đất
Như bỗng trời xanh thả nhạn mùa thu bay
Như bỗng kỷ niệm về đây gặp mặt
Nồng nàn quá ráng hồng choàng lên đất
Hoàng hôn như cô gái hát khi say…
Âm nhạc ơi âm nhạc
Như chẳng có gì đâu
Mà lòng ta khát khao
Tiếng đàn bầu gợi nhớ
Tiếng ghi ta bập bùng ánh lửa
Tiếng sáo tre lơi lả cánh diều
Tiếng vĩ cầm xao động ngôi sao chiều
nếu như rồi chẳng có
Hẳn chiến trường sẽ chỉ toàn bom nổ
Trái tim mình biết đập làm sao?
Trận đánh phía trước dẫu mất mát còn nhiều
Nhưng khi lòng mình hát
Những tâm hồn bên trong dầy nhạc
Khẩu súng trong tay chắc vững vàng hơn…
3-
Rừng lại nối tiếp rừng
Những người lính đi vào trận đánh mới
trời xanh bình yên ở lại
Những bóng nắng lặng im
Những bông hoa ở lại
Rừng sau lưng lá mãi nghiêng nghiêng
Không có tiếng kèn thôi thúc
Hiệu lệnh gọn : xung phong
Những người lính chồm lên từ đất
Đồn giặc chuyển rung
…Tưởng chẳng có gì ngoài súng đạn
Ai ngờ rằng có câu hát đi theo
NàngVân Dại nổi loạn giữa câu chèo
Chàng Thạch Sanh với cây đàn tích tịch
Lý ngựa ô rung bờm vào chiến dịch
Sông vàm cỏ
câu vọng cổ đổ xuôi
Câu quan họ với bèo dạt mây trôi
chốn xa xôi này đây em vẫn đợi
Con gà rừng đi trong mùa gặt mới
Bỗng thắp lửa lên sáng những tâm hồn
Như chẳng thể có gì mãnh liệt hơn
Giữa mặt trận có những bài ca ấy…
Nếu không thế sao người lính ấy
Đạn thù cắm vào tim
Anh vẫn dướn người lên
Sức còn lại để hát…
Ba của em
Anh không biết gương mặt của ba em
Nhưng anh tin ba em hiền lành lắm
Nếu không thế người xa bao năm tháng
Những nét ấy vẫn đọng ở mặt em…
Anh không biết gương mặt của ba em
Nhưng anh tin tóc em người thường vuốt
Nếu không thế sao mái tóc em mượt
Em gìn giữ như thể có tay cha?
Anh không biết gương mặt của ba em
Nhưng anh tin tình yêu người mãnh liệt
Nếu không thế sao mỗi khi tha thiết
Gọi tên người em nước mắt vòng quanh?
Cha ra trận
mẹ xuôi ngược nhọc nhằn
Em tìm ba trong đôi tay của mẹ
Mẹ bế em vượt mưa nguồn chớp bể
Ba nằm xuống chắc chưa thể lòng yên
Anh chưa biết gương mặt của ba em
Nhưng điều này riêng anh hiểu được
Phải nâng niu em cô gái nhiều mất mát
Khi tình ba đã hóa vào trong anh…
Tôi có một Trường Sơn
Tôi có một Trường Sơn
Tuổi lên năm mây bay về trắng xóa
Mây Trường sơn có gì thân thiết quá
Bay trên tóc cha buổi ấy lên đường
Tôi có một Trường sơn
Tuổi 17 nuôi trong lòng khát vọng
Tiếp bước cha tay tôi cầm khẩu súng
Vai ba lô nhấp nhô giữa mây ngàn…
20 tuổi sống với trận sốt rừng
Với nhành lá tàu bay,với tiếng chim khe núi
20 tuổi với ngàn lần bom dội
Giáp mặt thù vai tôi tựa trường sơn…
Phút chiến thắng sao em khóc ơi em
Cô gái giao liên cùng tôi truy kích giặc
Sau nước mắt là thiết tha câu hát
Đỉnh trường sơn cao như một tình yêu
…Tôi có một trường sơn
Mây trắng vẫn bay về dẫu cha không về nữa
Bụi nhòa đi,vẫn còn đây sắc đỏ
Em nơi nao,em còn nhớ tôi không?
Tâm sự với sông Bồ
Bên này sông có một người chiến sĩ
Bên kia sông có một người thi sĩ
Sông Bồ (1) ơi 4 mùa nước xanh trong
Đất của thi nhân, đất của anh hùng…
“Ôi cơ chi anh sớm về quê nội
Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai
Như quê bạn Niêm Phò trơ trụi
Đạn bom cày cả nương sắn, đồng khoai…” (2)
Sông Bồ có nghe chăng, tiếng của người thi sĩ
30 năm được trở lại quê nhà
Họ đã đi suốt cuộc đời không nghỉ
Những chiến trường gần, những chiến trường xa…
Họ đã đi từ những năm rất trẻ
Một con đường giải phóng cho quê hương,
Kìm kẹp,lao tù,đạn bom,cái chết…
Những trái tim bất khuất kiên cường…
Họ ra đi mang dòng sông trong tim
Sông Bồ xanh trong câu hát ngã ba Sình..
Những Việt Bắc mù xa, những chiến hào nóng bỏng
Những Cửu Long tiếng hò lay động
Sóng xôn xao có tiếng sóng sông Bồ…
Họ đã đi suốt cuộc đời không nghỉ
Như dòng sông chảy mãi cùng tháng năm
Đôi bạn ấy cùng đi vào lịch sử
Người danh tướng và người là thi nhân
1-Xã Quảng Thọ huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) có con sông Bồ chảy qua là quê hương của nhà thơ Tố Hữu (làng Phù Lai) và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (làng Niêm Phò).
(2) Ý thơ Tố Hữu