Chuyện văn chương

8/9
7:52 AM 2016

GIỚI THIỆU CÁC CÂY BÚT THAM GIA HỘI NGHỊ NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC :CHU THÙY ANH,NGUYỄN THỊ MINH NGỌC

Nhân dịp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ vào tháng cuối tháng 9/2016 tại Hà Nội, trang VANVN.NET giới thiệu sang tác của một số cây bút trẻ tham gia hội nghị này. VANVN.NET chúc mừng những người viết văn trẻ cả nước về dự hội nghị này.

Chu Thùy Anh (Hà Nội)

                                       NGƯỜI GIỐNG TÔI

Tôi để túi lên giá đỡ rồi ngồi vào chỗ cạnh cửa sổ. Tầu sẽ khởi hành trong vài phút nữa. Nếu đúng giờ và không có trục trặc nào trên đường, thì tôi sẽ về đến nhà trước nửa đêm. Sẽ kịp tắm rửa rồi tự rót rượu mời mình trước khi năm mới trườn đến. Năm mới lúc nào cũng như một con trăn no nê và uể oải, trườn từ đầu này đến đầu kia của lịch. Năm nào tôi cũng chờ con trăn mệt mỏi ấy ở nhà, bất kể có việc gì đi chăng nữa, cũng cố về đến nhà trước giao thừa. Bởi cũng chẳng còn nơi nào khác, dù nơi ấy có mình tôi, với cái đồng hồ, chờ kim phút nhúc nhích thẳng hàng rồi tự thì thầm với mình “chúc mừng năm mới”

Tầu có vẻ không đông, có lẽ vì ai cũng lo sắp xếp để về nhà từ hôm trước. Hoặc có thể vì tôi là người duy nhất ở thành phố này cần trở về thành phố kia. Có những thành phố ngoảnh mặt chẳng nhìn nhau, nên chẳng có người nào đi lại giữa hai nơi ấy. Dầu sao thì ngồi trên tầu vắng cũng thật là dễ chịu. Tôi nghiêng người nhìn qua cửa sổ. Trời đã tối mà trong tầu đèn bật sáng, nhìn ra ngoài thật khó. Nhưng sẽ thấy rất rõ những người ngồi cùng khoang với mình. Thấy họ loay hoay tìm chỗ, lật đật xếp những vali rất to và rất nặng lên kệ hành lý trước khi thả người xuống ghế. Ai cũng có rất nhiều đồ. Có lẽ vì năm mới. Tôi nhìn mọi người trong kính, giống như xem TV, như nhìn một cuộc sống khác, cứ như thể trong một không gian khác, chẳng liên quan gì đến mấy mét quanh mình đây. Có một chị mặt giống như tờ giấy trắng, phẳng, trơn, không ấm không lạnh, không có chữ nào viết trên tờ giấy ấy. Tờ giấy có ba túi to, có lẽ phần nhiều là quà. Tờ giấy xếp túi lên ghế, rồi rướn người đẩy từng túi một lên kệ để hành lý. Xong đâu đấy tờ giấy ngồi xuống, vẫn im lặng, không một chữ nào xuất hiện trên tờ giấy. Một anh khác, giống một tờ giấy một mặt trơn một mặt sần, đen không ra đen nâu không ra nâu, rất nhiều chỗ có vết đậm hơn những chỗ khác, và nhiều chỗ mỏng đến mức nhìn xuyên qua được. Mặt giấy này viết rất nhiều chữ: mỏi mệt mỏi mệt mỏi mệt. Những hàng dài mỏi mệt nối nhau kín cả trang. Giấy mỏi mệt chỉ có một túi du lịch vải mềm to, quăng túi lên kệ cứ như thể thả bóng bay. Rồi giấy mỏi mệt ngồi xuống, cạnh giấy trắng tinh không một chữ nào. Một vài người đã đến từ sớm yên lặng ngồi trong chỗ của mình, lọt thỏm sau những tấm ghế.

Tầu hú một hồi dài báo hiệu sắp chuyển bánh. Khoang vẫn thưa thớt. Tôi vẫn quay đầu nhìn những nhân vật trong kính. Một người mới hớt hải chạy lên. Tiếng thở đi trước tiếng chân. Tôi nhìn vào kính chờ đợi. Tiếng thở đến rất gần rất gần. Còn tôi thì nghẹt thở. Một khuôn mặt quen. Rất quen. Quen đến từng nét một. Tôi nhìn thấy tôi, đứng ở cạnh ghế, thở gấp, hai tay buông thõng. Tôi đang ngồi và nhìn thấy tôi đứng, trong kính

Tôi quay đầu lại. Nhìn. Anh ta vẫn đứng đấy. Nhìn tôi. Anh ta giống tôi đến từng đường nét, từng cái nếp nhăn, từng sợi tóc. Anh mặc cái áo sơ mi xanh kẻ caro tôi vừa thay hôm trước. Đến đôi giầy anh ta đi tôi cũng có. Tôi nhìn tôi đang đứng đấy. Tôi đang đứng nhìn tôi ngồi. Rồi ngồi xuống cạnh tôi.

Tầu bắt đầu chuyển bánh và chúng tôi vẫn không nói được lời nào. Chỉ nhìn nhau. Anh ta có vẻ run rẩy. Tôi nhìn chăm chú vào anh mong tìm được điều gì khác biệt. Nhưng không, anh ta, thực sự, giống tôi đến từng đường nét một. Cứ như thể một ngày sau khi soi gương tôi quay lưng bước đi, và hình bóng trong gương bước theo, ra sọt quần áo bẩn, nhặt lấy cái áo xanh kẻ caro tôi vừa thay ra ấy, xỏ vào đôi giầy tôi vẫn để trong tủ ấy, rồi điềm nhiên đi lại ở thế giới này

Nhưng dường như chỉ có tôi là để ý đến con người đặc biệt ấy. Một vài người đi qua đi lại, chẳng ai buồn ngoái đầu nhìn. Những tờ giấy xếp ngay ngắn cạnh nhau trên ghế, im lặng. Đến chính anh ta, cũng chẳng buồn nhìn tôi. Anh ta chỉ ngồi yên, run rẩy, như thể anh ngậm một cái đồng hồ báo thức rung lên không ngừng trong cổ họng

Cái con người giống-tôi ấy làm tôi không rời mắt được. Tôi bỏ cuộc sống trong tấm kính, quay người lại, nhìn chằm chằm vào anh, không giấu diếm. Thậm chí điều này cũng chẳng làm anh ta thấy phiền. Anh ngồi im, nhìn thẳng về phía trước, không ngừng run rẩy. Cái ý nghĩ làm sao có một người giống mình cứ dính chặt trong đầu tôi. Và cách duy nhất để thoát khỏi nó là cất tiếng hỏi con người kỳ lạ ấy

- này anh

im lặng

- này anh mặc áo sơ mi xanh kẻ caro đang ngồi cạnh tôi

Anh ta quay sang, nhìn tôi, hay nhìn xuyên qua tôi chẳng biết. Cái nhìn như một chất keo dính chặt mọi lời định nói lại trước khi chúng kịp rơi ra khỏi môi tôi. Bỗng dưng tôi hỏi một câu ở đâu rơi xuống miệng

- anh đi đâu thế?

- trốn

(đến lượt tôi im lặng)

- tôi vừa giết người. Anh hiểu không. Giết. Tôi không cố ý. Tôi thề. Có tất cả các chậu cây trên ban công chứng giám. Tôi chỉ tưới cây thôi. Tôi chỉ tưới cây trước khi mang chậu vào nhà. Vì em tôi thích những bông hoa bé xíu ấy. Em tôi sẽ cười khi nhìn thấy những bông hoa bé xíu ấy. Và thế là năm mới sẽ đến. Năm mới nghĩa là tôi được nhìn thấy mắt em lấp lánh cười. Tôi chỉ muốn tưới cây thôi. Mà chẳng hiểu sao một chậu bỗng rơi xuống. Vào đấy, chính giữa đầu người đàn bà ấy. Bà ta ngã lăn ra. Nằm yên. Tôi đứng từ trên cao nhìn xuống đến khi thấy máu bắt đầu rỉ ra, như một dòng suối không biết cạn. Tôi đi xuống bằng lối thoát hiểm. Và chạy trốn. Tôi không muốn giết người. Tôi chỉ tưới cây thôi. Có tất cả các chậu hoa chứng giám

Anh ta nói một hơi dài còn tôi ngồi lặng nghe. Một câu chuyện không phải để kể cho người ngồi cạnh trên tầu. Rõ là thế. Anh ra vẫn run lên không ngừng. Ngoài trời chừng như bắt đầu mưa, những vệt nước chạy chéo kính cửa sổ. Nói xong anh lại quay đầu nhìn về phía trước, run nhè nhẹ. Tôi nghẹt thở, trong đầu tự tua lại những gì vừa được nghe. Hình như có gì đó lấp lánh. Hình như có một tai nạn. Hình như có một người vừa chết. Hình như có gì đó lấp lánh. Tôi quan tâm đến điều ấy, có gì đó lấp lánh

- anh nói lại đi, cái gì lấp lánh cơ?

- Mắt của em tôi. Em rất thích loại hoa bé tí xíu ấy. Cây ấy không trồng được. Anh không thể tìm thấy đâu trong khắp thành phố này, và cả thành phố khác nữa. Tôi đã tìm thấy một cây con ở trong rừng rồi đem về trồng. Cây này không dễ trồng. Muốn trồng phải có duyên. Phải biết nghe. Tôi có duyên với nó. Tôi có thể nghe tiếng nó nói. Tôi nhân ra được ba chậu cây. Cây phải để quanh năm ngoài trời, chỉ có thể đem vào phòng một ngày thôi. Một ngày thôi cũng đủ để cây chết. Đây là thứ cây không chịu được ngột ngạt. Đem vào nhà, nó sẽ bị ngạt thở. Ngạt dần rồi chết. Chết không phải héo rũ ra, mà nó sẽ tan dần tan dần vào đất, qua một đêm đến sáng hôm sau thì tan biến hẳn. Em tôi bị một bệnh không thể ra ngoài trời được. Ra ngoài da em sẽ trở nên trong suốt rồi lả đi. Có đôi khi tôi nghĩ hay cây hoa kia chính là em tôi ở thể thực vật? Một em tôi khác? Không thể biết được. Nhưng chính vì thế mỗi năm tôi sẽ mang hai chậu cây vào nhà lúc giao thừa. Em sẽ chạm vào những cánh hoa ấy, môi cười, mắt cười, lấp lánh. Thế là năm mới đến. Sớm hôm sau hai chậu cây tan biến chỉ còn đất. Chậu thứ ba còn lại ngoài ban công tôi lại nhân giống ra. Mỗi năm tôi lại có hai chậu hoa lúc giao thừa. Và em tôi chạm vào những bông hoa li ti mắt lấp lánh

Nói xong anh lại quay đầu nhìn thẳng về phía trước. Hoặc xuyên qua phía trước. Câu chuyện về những chậu cây làm tôi nghĩ đến nhà của mình, nơi tôi đang chạy về. Nhà không có cây vì một năm tôi chỉ về có một lần mỗi kỳ nghỉ năm mới. Cả năm tôi sống và làm việc ở những nơi khác nhau, chạy quanh những thành phố. Cả những nơi tôi chạy quanh cũng không đâu có cây, vì chẳng chỗ nào tôi lưu lại nổi vài ba tháng. Đêm giao thừa tôi sẽ ngồi bên cửa kính tự nâng ly với bóng mình và thì thầm chúc mừng năm mới. Tôi cứ nghĩ mãi và tưởng tượng mãi một đôi mắt trẻ thơ lấp lánh là thế nào? Liệu có giống pháo hoa? Hẳn phải là một thứ gì tương tự thế, vì nó đem năm mới đến. Chẳng phải anh ta bảo khi đôi mắt ấy lấp lánh cười, ấy là năm mới đến ư?

Bỗng nhiên tôi thèm được nhìn thấy năm mới ấy, năm mới lấp lánh, không phải một năm mới uể oải như con trăn no say vẫn trườn đến với tôi. Sự thèm khát mãnh liệt đến mức tôi lấy một mẩu giấy viết địa chỉ nhà rồi đưa chìa khóa cho người ngồi bên

- Này anh, không biết anh có nhìn thấy không, nhưng trông anh thực sự rất giống tôi. Hay nói cách khác, trông tôi thực sự rất giống anh. Đây là địa chỉ và chìa khóa nhà tôi, anh có thể đến đấy ở. Tôi sẽ quay lại nhà anh, sẽ xem một chậu hoa rơi rốt cục đã gây ra điều gì. Tôi sẽ đem một chậu cây từ ban công vào cho em anh, thật tiếc là năm nay chỉ có thể đem một chậu vào thôi. Sẽ không ai nhận ra điều gì đâu, nếu anh im lặng. Anh nghe tôi nói không? Đây là địa chỉ và chìa khóa nhà tôi, anh có thể đến ở. Không có chậu cây nào rơi từ ban công nhà ấy cả. Nhưng cũng không có gì lấp lánh nơi ấy hết. Chúng ta trao đổi, hiểu không? Đưa tôi địa chỉ nhà anh, tôi sẽ chịu trách nhiệm về chậu cây rơi

Người giống-tôi, lần đầu tiên từ khi ngồi xuống đến giờ, thôi nhìn thẳng. Anh quay sang tôi, nhìn, không phải xuyên qua, mà chính là nhìn vào mắt tôi. Không biết anh ta có hiểu rằng anh thực sự trông rất giống tôi không, hay nói cách khác, tôi thực sự trông rất giống anh ta không. Nhưng rồi anh chìa tay ra, cầm lấy địa chỉ và chìa khóa. Cái đồng hồ báo thức ngậm trong cổ họng bấy lâu thôi không rung lên nữa. Anh ngồi yên, hết run rẩy

Tôi, quên cả lấy hành lý, chạy ra cửa chờ tầu dừng ở bến tiếp theo rồi lấy chuyến tầu quay ngược trở lại, đi mang một chậu hoa bé ti li vào để nhìn một đôi mắt trẻ con lấp lánh. Ít nhất tôi cũng muốn được biết, một năm mới lấp lánh là thế nào.

*

Anh kể đến đấy thì dừng lại uống hết cốc nước để trước mặt anh. Xong. Anh với tay lấy nốt cốc để trước mặt tôi. Uống

Tôi vẫn im lặng trước câu chuyện vừa nghe. Anh là một khách hàng tôi mất liên lạc từ một năm nay, tôi cần trả anh một số giấy tờ mà không sao liên lạc được. Bỗng dưng một ngày anh gọi vào điện thoại của tôi, giọng là lạ. Anh hẹn gặp, và vừa nhìn thấy tôi là kể chuyện, không để tôi kịp hỏi lý do vì sao anh biến mất

- Rốt cuộc, vì thế anh biến mất phải không?

- Vì thế anh ấy biến mất

- Anh ấy?

- Phải, tôi không phải bạn cô. Tôi là người giống bạn cô. Giống đến từng đường nét và từng cái nếp nhăn nơi khóe mắt. Tôi có áo sơ mi xanh kẻ caro và đôi giầy giống như anh ta cũng có. Nhưng tôi không phải anh ấy. Tôi đã giữ chặt mảnh giấy và chìa khóa trong tay. Nhưng rồi, thực sự thì chạy trốn có nghĩa lý gì. Mọi chuyện có nghĩa lý gì nếu tôi không được nhìn thấy em chạm vào những bông hoa rồi mắt cười lấp lánh. Thế nên tôi đã xuống ở sau bến bạn cô xuống một bến, lấy tầu, quay trở lại. Nhưng dường như không có một chuyện gì xảy ra. Thật kỳ lạ, tôi về đến nhà, không thấy anh ta đâu. Ý tôi là bạn cô, người giống tôi như hệt. Tôi nhìn ra ban công và vẫn còn nguyên ba chậu cây ở đó, nở hoa. Đường phía dưới ban công sạch sẽ. Chẳng một ai ngã ở đấy, không một vệt gì dính lại. Cứ như thể mọi chuyện chỉ do tôi tưởng tượng ra thôi vậy. Nhưng tờ giấy ghi địa chỉ và chìa khóa tôi vẫn cầm trên tay. Anh ta ghi địa chỉ ở mặt sau tấm danh thiếp của cô. Đây, cô nhìn xem, có phải địa chỉ này và chìa khóa này là của bạn cô không?

Anh đặt tấm danh thiếp của tôi lên bàn cùng với chìa khóa. Tôi đọc dòng địa chỉ ghi ở mặt sau tấm danh thiếp rồi kiểm tra lại với thông tin khách hàng. Đúng là người ấy, ở địa chỉ ấy

- Nhưng anh ta không phải bạn tôi

- Điều đấy không quan trọng. Tôi chỉ muốn biết đây có phải sự thực không? Không phải tôi tưởng tượng ra phải không? Thực sự có một người như thế đúng không?

- Phải. Nhưng anh ta đã biến mất. Tôi không liên lạc được với anh ta từ sau kỳ nghỉ lễ năm ngoái

- Tôi cũng vậy. Tôi đã tìm đến địa chỉ này, xỏ chìa này vào lỗ khóa, mở cửa, bước vào căn hộ của anh ta. Cô biết không, đấy là một căn hộ im lặng. Mọi thứ đều im lặng. Ngăn nắp, gọn gàng, nhưng im lặng. Không một tiếng nói nào có thể cất lên ở đó. Thật là nghẹt thở. Kể cả khi tôi mở hết cửa sổ ra, đấy vẫn là một nơi ngạt thở. Cứ như thể mọi đồ đạc ở đó lấy hết không khí rồi. Tôi xin trả lại cô tấm danh thiếp cùng với chìa khóa của bạn cô

- Tôi xin nhắc lại, đấy không phải bạn tôi, đấy là một khách hàng, và tôi không biết gì về anh ta hết, ngoài một số thông tin cần điền vào cột “khách hàng”, anh hiểu không?

- Vậy tôi phải làm thế nào? Sau hôm ấy em tôi bỗng nhiên bước ra ban công được. Em tôi có thể ra ngoài trời mà da không trở nên trong suốt và không lả đi. Em tôi, bỗng dưng, khỏe mạnh. Như một phép mầu vậy. Tôi đã nghĩ việc gặp anh ta là một phép mầu. Tôi muốn cảm ơn con người ấy mà không được. Anh ta dọn dẹp mọi rắc rối cho tôi. Không tai nạn, không vỡ chậu hoa, thậm chí cả sức khỏe của em tôi cũng quay trở lại. Còn anh ta thì biến mất. Cô có tin mọi chuyện này đều là thực không?

Làm sao tôi có thể trả lời chuyện này là thực hay không, câu chuyện liên quan đến một khách hàng của tôi, và một người giống anh ta như đúc. Chẳng có gì là liên quan đến tôi cả

Cuối cùng tôi đồng ý cầm lại tấm danh thiếp, dù sao cũng có tên và địa chỉ liên lạc của tôi trên đó. Tôi không muốn người đàn ông này lại gọi điện cho tôi một lần nữa. Còn chìa khóa, tôi bảo anh ta hãy giữ lấy, để tin rằng mọi chuyện là thật

Khi bước khỏi quán café và đi được một đoạn, bỗng dưng anh ta quay đầu nói lại với tôi

- Có thể bạn cô, quên, khách hàng của cô, anh ta biến mất vì không thể cứ chờ năm mới trườn đến một cách ngột ngạt thế được. Cần phải có một năm mới lấp lánh. Cô có nghĩ thế không?

Nguyễn Thị Minh Ngọc (Hải Dương)

 

Truyện ngắn: Lá Diêu Bông

Viết tặng cho sông quê, đò chiều, và những ngày thơ bé!

"Lời ru buồn nghe mênh mang mênh mang, sau lũy tre làng, khiến lòng tôi xốn xang..." (*)

Làng nhỏ của tôi nằm cạnh con sông cái đục ngầu mùa nước lũ. Mỗi lần nước sông dâng cao, nước tràn qua bờ đê nhỏ vào trong ruộng, cánh đồng trũng chỉ còn là một bể nước mênh mông. Tôi nhớ như in những ngày thơ bé, tôi thường rủ Nhàn và bọn trẻ con gần đó ra lội ruộng, bì bõm cả ngày. Nhàn kém tôi hai tuổi, bé choắt như suy dinh dưỡng, nhưng lại rất gan dạ và đặc biệt bơi lội rất giỏi, không thua gì lũ con trai bọn tôi. Nhàn như một con rái cá, thoăn thoắt bơi trong nước, dám lặn ngụp đến cả những vùng nước sâu mà khi đó lũ con trai chúng tôi còn sợ không dám đến.

Chúng tôi vẫn thường cùng nhau đến trường, cùng nhau đi chăn trâu ở bờ đê phía bên kia sông, cùng bì bõm mò hến, trai mùa nước cạn, cùng nhau đi cất vó tép mỗi đêm trăng sáng. Đến mãi sau này, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn như ngửi thấy mùi thơm nức mũi của cám rang đâu đó. Hồi ấy, Nhàn rang cám khéo lắm, lại khéo luôn việc chọn chỗ đặt vó nên lúc nào cũng được rất nhiều tôm tép. Đến mùa gặt thì chúng tôi cùng nhau đi mót lúa, bắt châu chấu đồng. Tôi bắt châu chấu và mót thóc rơi về cho gà, nhưng Nhàn thì nhặt cẩn thận từng bông lúa còn sót lại, bắt thật nhiều châu chấu, vì đó là thức ăn của hai mẹ con Nhàn. Tôi thường nhường cho Nhàn những bông lúa bằng cách giả vờ không trông thấy chúng. Mỗi lần thấy Nhàn reo lên vồ lấy những bông lúa đó, tôi thấy vui vui trong lòng.

Có lần Nhàn hỏi tôi:

- Anh Long, anh biết lá diêu bông không?

- Lá diêu bông là lá gì? Có nghe bài hát nhưng không biết.

Nhàn không nói gì nữa, nhưng tôi chạy về hỏi mẹ ngay. Mẹ nói không hề có lá diêu bông, đó chỉ là trí tưởng tượng trong thơ ca. Khi tôi nói lại với Nhàn điều đó, Nhàn dẩu môi cãi lại:

- Có… mẹ em bảo là có… Anh chả biết gì…

Nào lúc đó tôi đã biết gì. Thằng nhóc 13 tuổi đầu vẫn còn cởi truồng tắm sông, vẫn còn vô tư chơi trò cô dâu chú rể với bọn bạn trong xóm thì làm sao có thể hiểu được lá diêu bông là gì và có ý nghĩa gì?

Nhàn 14, tôi 16, em không còn chạy nhông nhông ngoài đường bêu nắng cả ngày với chúng tôi nữa. Nếu không đi học thì Nhàn ở nhà giúp mẹ, em ra dáng thiếu nữ hơn trong mắt đám trai làng chúng tôi.

***

Người làng này ai cũng biết câu chuyện của mẹ con Nhàn.

Mẹ Nhàn tới từ bên kia sông, cũng xuất thân nông dân. Nghe nói, thời thiếu nữ bà rất đẹp, làm nức lòng bao nhiêu trai làng vì giọng hát rất hay. Nhàn nói mẹ hát hay nhất bài “Lá Diêu Bông” nên từ nhỏ Nhàn đã thuộc bài đó, thỉnh thoảng em còn hát cho tôi nghe.

18 tuổi, mẹ Nhàn đem lòng yêu con trai một người làm nghề chài lưới trên sông này. Mái nhà ven sông của họ dột nát, xiêu vẹo trước mỗi mùa nước lũ. Người con trai đó sống cùng người cha suốt ngày say rượu, và một bà mẹ kế ngoa ngoắt. Vợ trước của ông ta vì không chịu nổi cảnh bạo hành của chồng mà bỏ đi xa xứ, để lại đứa con nhỏ dại.

Mẹ Nhàn yêu người thanh niên ấy lắm nên hai người thề sẽ sống trọn đời bên nhau, mặc cho nghèo khổ cỡ nào. Rồi một đêm mưa gió bão bùng, trong điếm canh bỏ hoang của làng, người đó đã từ biệt mẹ Nhàn để ra đi. Ông nhận được thư của mẹ đẻ mình ở bên kia biên giới gửi về, và ông muốn vượt biên sang tìm mẹ.

- Tôi van em, tôi lạy em… Mẹ tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa. Bà không về được, bà chỉ muốn nhìn mặt tôi lần cuối… Em thương tôi em để tôi đi, rồi tôi sẽ về, sẽ cưới em, cả gia đình ta sẽ đoàn tụ.

Đêm ấy, ông đã quỳ xuống chân mẹ Nhàn, khóc ướt đẫm cả một vạt áo của bà để xin bà cho mình được đi tìm mẹ, coi như là đi gặp mặt lần cuối.

Và ông đi, để lại mẹ Nhàn cùng giọt máu của mình trong bụng bà.

Năm tháng, rồi mười tháng, ngày Nhàn ra đời, chỉ có tiếng khóc của mẹ, tiếng chì chiết của ông bà ngoại, lời bàn ra tán vào của làng xóm… Mẹ Nhàn mang con sang bên này sông, được một bà cụ không con cháu cưu mang bao bọc và nhận mẹ Nhàn làm con nuôi. Căn nhà nhỏ của ba người họ ở cuối xóm tôi luôn bập bùng ánh lửa và tiếng nói cười ấm áp.

Năm Nhàn 10 tuổi thì bà ngoại em mất. Chỉ còn lại hai mẹ con côi cút nương tựa nhau mà sống. Mẹ Nhàn đi cấy, đi gặt thuê cho người trong làng. Những ngày không phải ngày mùa, mẹ Nhàn lại tranh thủ mò mẫm ở khúc sông trước cửa, nhặt nhạnh từng con trai, con hến, cái tôm cái tép rồi đem bán vội phiên chợ chiều.

Nhàn 17 tuổi, em nghỉ học ở nhà giúp mẹ những công việc đồng áng. Tôi đi học trên thành phố, dăm bữa nửa tháng mới về một lần, mỗi lần về tôi lại đến tìm em. Chúng tôi lang thang ngoài bờ sông, tôi kể cho em những điều mới lạ trên thành phố, em nghe bằng một sự thích thú khiến tôi cũng vui lây.

Nhàn 18 tuổi, tôi ngỏ lời yêu em trước sự phản đối từ phía gia đình tôi. Mẹ tôi nói rằng em không phải là người vợ lý tưởng cho một kĩ sư tương lai như tôi. Nhưng tôi không quan tâm điều đó. Chúng tôi yêu nhau, và trao nhau nụ hôn đầu run run dưới một cơn mưa chiều tầm tã.

Tôi vẫn đi học xa, vẫn đều đặn về thăm em, lén lút gửi thư cho em.

Rồi tôi nhận được tin mẹ em qua đời vào năm cuối tôi học đại học. Những khó nhọc của cuộc đời đã cướp đi mẹ của em ở tuổi bốn mươi. Cái tin dữ đó làm tôi bàng hoàng đến sững sờ, tôi vội lao ra xe về quê, tôi cần phải ở bên em lúc này.

Tôi ra trường, mẹ tôi giới thiệu cho vài cô gái làm giáo viên gần nhà, nhưng trong lòng tôi chỉ có Nhàn. Em vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ đó. Em nói em phải nghe lời mẹ em, ở lại đây đợi cha em trở về. Tôi ngỏ lời muốn cưới em và đưa em lên thành phố sống cùng tôi.

Tôi trở lại thành phố làm việc được ít ngày thì mẹ tôi đến nhà em làm ầm lên. Tôi không biết mẹ đã nói gì với em, nhưng một tháng sau, tôi nhận được tin em sẽ lấy chồng. Em lấy một người ở làng bên, làm nghề công nhân trên thành phố.

Sau cả một đêm dài thức trắng và đốt thuốc liên tục, tôi nghỉ việc, vội vã ra xe về quê sáng sớm ngày người ta định đến dạm hỏi em. Trên chuyến xe đó, tôi gặp một người đàn ông giàu có. Ông là người làng bên kia sông, tha hương xứ người đã hai mươi năm và giờ mới có cơ hội trở lại. Tôi kể cho ông nghe chuyện về em - về người con gái tôi yêu. Ông vỗ nhẹ vai tôi và nói trước khi chúng tôi chia tay:

- Về già như tôi, cậu sẽ thấy hối tiếc nhiều chuyện mà lúc trẻ cậu không làm được, hoặc không có dũng cảm để làm… Tôi nghĩ cậu nên quyết định dứt khoát với tình cảm…

Tôi cám ơn ông và vội trở về làng. Tôi không về nhà mà đi thẳng đến nhà em. Ngôi nhà vẫn như thế, không rèm hoa giấy đỏ, không người thân họ hàng, chỉ có một mình em, sững sờ nhìn tôi khi tôi bước qua ngưỡng cửa. Ánh mắt em hoang mang và đầy thương tổn, còn lòng tôi đau như xát muối khi ôm em, khi tôi hôn và nuốt trọn những giọt nước mắt mặn chát trên môi em. Vào khoảnh khắc đó, tôi muốn rũ bỏ tất cả, và mang người con gái tôi yêu đi thật xa.

Người đàn ông giàu có ấy là cha em, người cha đã bỏ lại mẹ con em hơn 20 năm trời. Ông đã có một gia đình khác ở bên kia biên giới, nhưng ông vẫn muốn nhận em và đưa em đi cùng. Hai mươi năm trước, ông tìm được mẹ đẻ của mình, rồi bị mẹ ép lấy cô con gái của một gia đình bản xứ làm nghề buôn vải vóc, sau đó cha em chẳng còn cơ hội quay lại tìm mẹ con em nữa. Nhưng mối tình đầu ấy vẫn day dứt trong tâm can ông bao nhiêu năm qua, để bây giờ, ông quyết tâm tìm về quê hương, và vui mừng khi biết đến sự tồn tại của đứa con gái này.

Em đã có một thân phận mới. Ông thay mặt em từ chối sính lễ của gia đình bên kia sông. Mẹ tôi ngọt ngào hơn với em. Còn với tôi, em vẫn là cô bé Nhàn ngày nào, vẫn bé dại và hồn nhiên bên tôi.

Nhìn ngôi mộ của mẹ với tấm bia mà cha mình mới lập, em siết lấy tay tôi thầm thì:

- Anh có tin có lá diêu bông không?

- Ừ, có, anh tin…

(*) Trích Lá diêu bông, nhạc: Trần Tiến.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *