VĂN HỌC HÀN QUỐC PHƠI BÀY MẶT TỐI XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Cuốn tiểu thuyết của Jo Jung-rae có tựa đề The Millennial Question (tạm dịch: Câu hỏi ngàn năm)được báo chí ca ngợi là tác phẩm kinh điển của văn học hiện đại. Câu chuyện đào sâu vào những thỏa thuận mờ ám của các chính trị gia, doanh nhân, học giả, nhà báo, từ đó vạch trần những thế lực ngầm của xã hội Hàn Quốc.
Cuốn sách bám sát vào những sự kiện lịch sử lớn nhất của Hàn Quốc từ sau chiến tranh đến sự phát triển hưng thịnh, trở thành một cường quốc kinh tế thế giới. Tác giả đã đưa ra câu hỏi: Hàn Quốc đã đóng vai trò gì và nên đóng vai trò gì ở vị trí một quốc gia trên thế giới?
Nhà văn Jo Jung-rae chia sẻ: “Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng với Hoa Kỳ, được chứng minh là xã hội có cấu trúc kim tự tháp ngược (về tầng lớp xã hội), chính vì thế mà khoảng cách thu nhập, giàu – nghèo, trở nên quá lớn. Tôi bắt đầu viết cuốn sách này với mong muốn Hàn Quốc trở thành một quốc gia bình thường, nơi mà thế hệ con cháu tôi không phải chịu đựng sự phi lý và xung đột mà thế hệ chúng tôi đang đối mặt”, nhà văn cho biết.
“Ngay khi phát hành vào tháng 6, cuốn sách lập tức lọt vào danh sách bán chạy nhất”, nhà xuất bản Hainaim cho biết. Jo Jung-rae năm nay 76 tuổi, trước đó ông đã nổi tiếng với cuốn Taebaek Mountain Range (tạm dịch: Dãy núi Taebaek).
Cho Nam-joo sinh năm 1982, là một trong những nữ nhà văn nổi tiếng Hàn Quốc. Cô vừa ra mắt tác phẩm Sakha Mansion (tạm dịch: Ngôi nhà Sakha) lấy cảm hứng từ Cộng hòa Sakha, một đất nước nhỏ bé thuộc liên bang Nga.
“Sakha là một vùng đất sinh sống khó khăn bởi khí hậu khắc nghiệt. Nhiệt độ thấp nhất trong năm có thể xuống âm 70 độ C, trong khi nhiệt độ cao nhất là hơn 30 độ C. Thật thú vị, khoảng 50% kim cương của thế giới được cho là khai thác trong khu vực này. Tôi lấy Sakha làm ý tưởng cho cuốn sách mới bởi nó đại diện tiêu biểu cho vấn đề mà tôi đang giải quyết”.
Trong tiểu thuyết, nhân vật chính Soo và Do-kyung đại diện cho hai tầng lớp xã hội khác nhau sống trong tiểu bang thành phố. Soo là người thuộc tầng lớp thượng lưu, có đặc quyền, có lối sống xa xỉ, trong khi Do-kyung thuộc tầng lớp hạ lưu. Bên cạnh đó, cô cũng đề cập đến phụ nữ, trẻ em, cộng đồng LGBT, người già và người tàn tật.
“Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua cuốn sách này là những người thiểu số có thể coi là bất lực nhưng họ luôn cố gắng tạo ra sự khác biệt cho một tương lai tốt đẹp hơn”, tác giả cho biết.
Trước đó, Cho Nam-joo đã ra mắt cuốn sách Kim Ji-young, Born in 1982 (tạm dịch: Kim Ji-young sinh năm 1982), viết về đời sống thường nhật của một người phụ nữ. Cuốn sách này đã lập kỉ lục bán được hơn một triệu bản trong vòng 2 năm, chỉ sau Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-sook.
Nhà báo, nhà văn Chang Kang-myoung cũng ra mắt hai tập truyện ngắn có tựa đề Those Who Are Alive (tạm dịch: Những người còn sống) trong tháng 7 này. Cuốn sách đề cập những vấn đề nổi bật của xã hội Hàn Quốc trong ngành lao động, sa thải nhân sự, tái cấu trúc doanh nghiệp, những khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
“Tôi muốn sử dụng ngôn ngữ văn chương để đi sâu vào việc lý giải vì sao và làm thế nào mà những vấn đề này lại xảy ra, thay vì việc đơn giản là đưa những cảnh vô lý và vô nhân tính lên màn hình tivi”, nhà văn cho biết.
Chang Kang Myoung sinh 1975 tại Seoul, trước khi bước vào sự nghiệp viết văn từ năm 2011, anh từng có 11 năm kinh nghiệm với vai trò là phóng viên chính trị, xã hội tại nhật báo DongA. Một số tiểu thuyết đáng chú ý của Kang Myoung như: Tẩy trắng, Biệt đội anh hùng bàn phím, Kết hôn 5 năm mới đi nghỉ trăng mật, Ước muốn của chúng tôi là chiến tranh, Vì tôi ghét Hàn Quốc… Gần đây nhất, một tiểu thuyết sắc bén là Đắc cử - đỗ đạt - giai cấp (phát hành 2018) cũng gây tranh luận trên văn đàn Hàn Quốc.
NGUYỄN LINH theo Koreatimes (Nguồn: VNQĐ)