VỀ NỮ NHÀ VĂN OLGA TOKARCRZUK VỪA ĐOẠT GIẢI NOBEN VĂN HỌC
Biết tôi là dịch giả văn học Ba Lan từ Việt Nam sang, bà hồ hởi, thân tình trò chuyện với tôi. Tôi khoe với bà là tôi đã chuyển ngữ sang tiếng Việt hai tác phẩm của bà. Đó là truyện “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” và truyện “Vũ nữ”. Bà cảm động, lấy làm ngạc nhiên khi được biết tác phẩm của bà đã bay xa tới tận Á châu, đến với bạn đọc Việt Nam. Cuộc trò chuyện với bà bữa đó đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về một nữ nhà văn uyên thâm, giàu tình cảm. Tôi đã thầm dự tính trong đầu, sẽ phải dịch một tác phẩm nào đó của bà cho thật “ra môn ra khoai”.
Tối ngày 10 tháng 10 năm 2019 bất thình lình tôi nhận được tin cực vui. Nữ nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk, người bạn Ba Lan thân thiết của tôi, vừa được Viện hàn lâm Thụy Điển quyết định trao tặng giải Nobel văn học năm 2018, sau khi giải thưởng này bị hoãn trao năm ngoái vì một vụ bê bối tình dục. Theo công bố của Viện hàn lâm Thụy Điển, bà được vinh danh vì “trí tưởng tượng trong lối kể chuyện mà cùng với sự đam mê vô cùng tận, trí tưởng tượng này đang chứng tỏ, vượt qua mọi ranh giới là cách ứng phó với cuộc sống”. Olga Tokarczuk từng đã dõng dạc tuyên bố: “Văn học là phương cách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới”.
Trước khi công bố giải thưởng, ngài Anders Olsson, chủ tịch Ủy ban giải thưởng Nobel đã nói: “Viện hàn lâm Thụy Điển cần mở rộng diện các tác giả được đề cử trao giải Nobel, từ bỏ cách tiếp cận vẫn ngự trị lâu nay, đó là chỉ tập trung vào nam giới khi xét tặng giải thưởng này”. Như ta đã biết, trong số 114 người được giải Nobel văn học từ trước tới nay chỉ có 14 người là nữ. Trong đó có nữ nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska (1996). Lần này, cùng với Olga Tokarczuk còn có ba nữ ứng viên khác: Ludmila Ulitskaja (Nga), Maryse Condé (đảo Gwadelupa) và Margaret Atwood (Canada).
Olga Tokarczuk cho biết, bà bất ngờ nhận được tin trên khi bà đang trên đường đi quảng bá văn học tại Cộng hòa Liên bang Đức. Quá xúc động, bà đã phải ngay lập tức dừng xe bên vệ đường. Bà nói với phóng viên “Báo Bầu Cử” Ba Lan: “Nhận được tin, tôi đã phải dừng xe ngay lập tức!. Vì tôi chưa hề nhận được tin này. Tôi rất vui, khi cùng với tôi, Peter Handke, người tôi đánh giá rất cao, cũng được nhận giải. Thật là tuyệt vời khi Viện hàn lâm Thụy Điển đã nhìn nhận văn học Trung Âu. Tôi mừng vì chúng ta vẫn vững bước”.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Ba Lan, ông Piotr Glinski viết: “Tôi xin chúc mừng bà Olga Tokarczuk. Giải thưởng Nobel là một bằng chứng hùng hồn bảo rằng, Ba Lan được đánh giá cao trên toàn thế giới”.
Từ năm 1901, giải Nobel văn học đã được trao 110 lần cho 114 cá nhân. Độ tuổi trung bình của những người đoạt giải là 65, trong đó người lớn tuổi nhất là Doris Lessing, nhận giải năm 2007, khi 88 tuổi; còn người nhỏ tuổi nhất là Rudyard Kipling, nhận giải năm 1907, khi 41 tuổi.
Olga Tokarczuk Sinh năm 1962 tại Sulechow, Ba Lan. Là nữ nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà thơ, nhà tâm lý học. Bà cũng là nhà văn theo trào lưu nữ quyền (feminism) và hiện thực huyền ảo (magical realism). Năm 1979 những truyện ngắn đầu tay của bà được đăng tải trên tạp chí Thanh niên, năm 1989 những bài thơ đầu tay được in trong các tạp chí Radar và Đời sống văn học. Năm 1993 cuốn sách đầu tay của bà ra mắt bạn đọc. Đó là cuốn “Cuộc hành trình của những người tìm sách”. Bà thực sự nổi tiếng từ năm 1997, khi tác phẩm “Thời xa xưa và những thời kỳ khác” được tặng giải thưởng Quỹ Nhà thờ. Tháng 5 năm 1998, tại Pháp, bản dịch tác phẩm văn học này được công nhận là cuốn sách dịch hay nhất vụ. Tiếp đó, tác phẩm “Nhà ngày, nhà đêm” được bạn đọc Ba Lan bầu chọn là cuốn sách hay nhất năm 1999. Các tác phẩm “E.E.”. (1995), “Cái tủ”. (1997), “Chơi nhiều trống” (2001) cũng là những tác phẩm được bạn đọc rất mến mộ. Hai lần (2002 và 2015) bà được tặng Giải thưởng Nike (Nữ thần chiến thắng), giải thưởng văn học hàng năm danh giá nhất Ba Lan với số tiền mặt 100 ngàn zloty (khoảng 33 ngàn đô la) và tiểu tượng Nữ thần chiến thắng. Cuốn “Bieguni” (Người tị nạn) của bà đã đoạt giải Man Booker International Prize năm 2018. Tiểu thuyết “Bieguni” kể về tình cảnh của con người trong cuộc hành trình, cuộc di cư, hay cuộc trốn chạy. Theo tiểu thuyết này, ở Nga có một phái người tị nạn tin rằng, thế giới ngập tràn cái ác. Cái ác này khó lòng đột nhập vào một người khi người này luôn luôn dịch chuyển. Vì vậy, để không bị cái ác khuất phục, con người cần phải không ngừng dịch chuyển, hòa trộn lẫn nhau. Năm 1915 có khoảng 2 triệu người Ba Lan chạy trốn, hay lánh nạn, sang vùng lãnh thổ của đế chế Nga. Họ chính là những "bieguni" tức thị người tị nạn.
Bắt đầu nổi tiếng ở Ba Lan từ những năm cuối thập kỷ 90, nữ nhà văn Olga Tokarczuk đã sớm định hình về phong cách viết. Đọc và nghe tác phẩm của bà, người ta dễ bị thu hút bởi một thứ văn phong ma mị, thấm đẫm tinh thần nhân văn và nữ quyền. Tôi rất mừng và thật sự cảm động khi biết tin nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk vừa được trao giải Nobel văn chương 2018. Đây là một tác giả có văn phong và ngôn ngữ rất hiện đại. Điều tôi thán phục nhất ở bà là bà đã luôn luôn tìm tòi, luôn luôn khám phá những đề tài khó viết, khó hư cấu và khó tưởng tượng. Tôi đã đọc và chọn được hai truyện ngắn hay của bà mà tôi ưng ý để chuyển ngữ sang tiếng Việt, giới thiệu với độc giả Việt Nam. Đó là truyện “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” và “Vũ nữ ba lê”. Đây là hai truyện ngắn viết rất giỏi, đề tài mới, lạ, văn phong độc đáo, biểu đạt mạnh mẽ tư tưởng nữ quyền.
Theo bình luận của VOV2, trong truyện “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” Olga Tokarczuk sử dụng thứ giọng kể lạnh lùng, có phần dửng dưng, đôi khi tàn nhẫn, của nhân vật gã, chồng của Người đàn bà xấu nhất hành tinh. Cuộc đời ngắn ngủi của nhân vật chính được tái hiện với nhiều bi kịch: không quê hương, không nguồn cội, suốt cả cuộc đời phải đem khiếm khuyết ngoại hình của mình ra để mua vui cho thiên hạ. Thậm chí cái gã đàn ông mà nàng yêu hóa ra cũng chỉ là một kẻ giả dối. Chừng ấy thứ đã là quá nhiều khắc nghiệt, quá nhiều cay đắng và theo lô gích thông thường người ta chờ đợi Người đàn bà xấu nhất hành tinh sẽ gục ngã trước những ngón đòn ác độc của số phận. Nhưng lạ lùng thay, sau mỗi câu văn, sự xấu xí về ngoại hình cứ dần mất đi, nhường chỗ cho sự tốt đẹp của một tâm hồn cao thượng và một bản ngã vô cùng mạnh mẽ. Người đời có thể không coi nàng như một đồng loại, nhưng nàng chưa bao giờ quên rằng, mình là một con người. Chính ý thức mạnh mẽ đó đã khiến Người đàn bà xấu nhất hành tinh sau cùng lại trở thành nhân vật người nhất trong truyện ngắn này. Nàng biết yêu, thậm chí yêu một cách say đắm là đàng khác. Nàng biết đau nỗi đau của tình mẫu tử và giàu tự trọng đến mức coi thường đám đông tò mò ác ý, và có lẽ cũng vì thế mà cho đến khi nhắm mắt lìa đời nàng vẫn cứ làm một sinh linh dị dạng, một cá thể đột biến, khi trót là người giữa một thế giới phi nhân chăng? Truyện “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” đã khai thác một đề tài độc đáo, lạ, rất khó viết, nhưng lại viết rất hay, đó chính là cái tài của nhà văn. Đặc biệt tác giả đã khai thác cái đẹp từ cái xấu một cách rất tài tình.
Còn trong truyện “Vũ nữ ba lê”, Olga Tokarczuk cho ta thấy, một người đàn bà có nhiều khiếm khuyết, nhưng đã giàu nghị lực và quyết tâm như thế nào, đã vượt qua nọi gian khó như thế nào, đã bất chấp mọi mặc cảm và định kiến như thế nào, để trở thành một vũ nữ ba lê được người xem mến mộ. Thậm chí người đàn bà giàu nghị lực này còn tự mình gây dựng được một nhà hát, đêm đêm đỏ đèn, đông khách. Đọc “Vũ nữ ba lê” nhiều bạn đọc xúc động không cầm nổi nước mắt. Một lần nữa tác giả lại cho thấy, bà rất coi trọng và đề cao nữ quyền.
Như vậy, nước Ba Lan không lớn lắm, với số dân khoảng 40 triệu, diện tích xấp xỉ bằng diện tích của Việt Nam, hình dáng tròn như củ khoai tây chứ không dài ngoẵng hình chữ S như Việt Nam ta, đã có tới sáu nhà văn và nhà thơ được giải Nobel văn học. Đó là: nhà văn Henryk Sienkiewicz (1905), nhà văn Stanislaw Reymont (1924), nhà văn Isaac Bashevis Singer (1978), nhà thơ Czeslaw Milosz (1980), nữ nhà thơ Wislawa Szymborska (1996) và nữ nhà văn Olga Tokarczuk (2018). Cũng xin nói thêm rằng, nhà văn I.B. Singer là nhà văn Mỹ gốc Do Thái Ba Lan (1902 – 1991). Ông sinh tại Radzynim (ngày trước thuộc đế chế Nga, nay là đất Ba Lan) trong một gia đình có bốn con. Bố ông là người sùng tín Do Thái Giáo thần bí. Năm lên bốn tuổi ông đã chuyển về Warszawa, vào học trường dòng. Cho đến nay ta ít nghe nói và nghe giới thiệu về nhà văn này.
Bảo rằng, Ba Lan là một “Cường quốc văn chương”, theo tôi có lẽ không ngoa.
Hà Nội, 15.10.2019