GIÁ TRỊ THIÊNG LIÊNG CỦA ĐỘC LẬP
Vì lẽ đó, với người Việt, Độc Lập thiết thân như cơm ăn nước uống, như mái nhà để ở, đám ruộng để cấy lúa, cây đa đầu làng để nghỉ trưa sau buổi làm đồng nhọc mệt, như làng quê thân thiết tự bao đời.
Vì lẽ đó, hơn nghìn năm trước, nước Việt Nam ta đã có bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, tương truyền là do Thần viết, Vua và Tể tướng nước Nam tuyên đọc:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Bản dịch của Trần Trọng Kim:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
Có nhiều dị bản nguyên tác bài thơ này, cũng như có nhiều bản dịch ra Việt ngữ bài thơ này, nhưng theo tôi, nguyên tác và bản dịch vừa dẫn là chuẩn nhất, hay nhất, bình dị nhất.
Và đó chính là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, bản tuyên ngôn chỉ gồm 4 câu thơ, dịch ra và đọc, bất cứ người Việt nào cũng hiểu. Và đều cảm thấy máu trong người sôi lên, nếu khi đọc bài thơ lại trùng với thời điểm bọn xâm lược ngoại bang đã ở trước cửa nhà mình.
Có thể coi bài Hịch tướng sĩ văn của Đại Vương Trần Hưng Đạo là bản văn gần với một tuyên ngôn độc lập lần thứ hai, nhưng vì bản văn này viết ra để kêu gọi, kích thích lòng yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của tướng sĩ, nên sự giới hạn của đối tượng bản văn hướng đến khiến nó chưa được coi là một “Tuyên ngôn độc lập”. Dù theo tôi, nó vẫn là một thanh bảo kiếm của lòng yêu nước, là một “Thiên cổ hùng văn”, và nó đứng cùng với những bản văn được chính danh là “Tuyên ngôn độc lập”.
Rồi đến bản Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi vĩ đại thừa lệnh Vua Lê Lợi viết ra sau khi đánh thắng giặc Minh xâm lược, chấm dứt 30 năm đô hộ của giặc Minh trên đất nước ta. Đây cũng lại là một “Thiên cổ hùng văn”, một “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam, sau bản Nam quốc sơn hà ngót 500 năm.
Rồi đến ngày 2/9/1945, lại vang lên trên quảng trường Ba Đình bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc trước quốc dân đồng bào, sau khi chấm dứt 80 năm cai trị của thực dân Pháp bằng cuộc Cach mạng tháng Tám năm 1945.
Một đất nước trong suốt nghìn năm lịch sử có tới ba bản “Tuyên ngôn độc lập” chính thức, và một bản Hịch có giá trị ngang với một tuyên ngôn độc lập, câu chuyện ấy nói lên điều gì?
Đầu tiên, nó nói lên, đất nước Việt Nam đã chịu quá nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, chịu quá nhiều lần và quá nhiều thời gian bị mất nước, phải sống trong vòng nô lệ. Nhưng, nó cũng nói lên, dân tộc Việt Nam đã quá nhiều lần đứng lên khởi nghĩa, đứng lên kháng chiến giành Độc Lập cho đất nước mình. Giá trị của Độc Lập, với người Việt Nam, vì thế trở nên vô cùng thiêng liêng, vì nó phải đổi bằng bao nhiêu xương máu của nhân dân Việt Nam, bao nhiêu bi kịch tan nát của đất nước xinh đẹp và hòa hiếu này.
Không ai tự hào về những nỗi đau mình phải chịu đựng, nhưng người Việt Nam lại tự hào vì không một thế lực xâm lược gieo đau thương chết chóc nào có thể khuất phục, có thể tiêu diệt ý chí giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã viết về tội ác của giặc xâm lăng: “Bại nhân - nghĩa, nát cả càn -khôn, nặng khoa - liễm vét không sơn trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn-hại cả côn - trùng thảo - mộc; nheo - nhóc thay quan quả điên -liên. Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no - nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục -dịch cho vừa. Nặng - nề về những nỗi phu - phen, bắt - bớ mất cả nghề canh - cửi. Độc - ác thay! trúc rừng không ghi hết tội; dơ - bẩn thay! nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần - nhân nhịn được” (Bản dịch của Trần Trọng Kim - Trong bản dịch này, chúng ta thấy những dấu nối (-) ở một số chữ. Đã có một thời khá xa, chữ quốc ngữ của chúng ta viết như vậy. Tôi muốn giữ nguyên cách viết ấy vì sự tôn trọng đối với bản dịch)
“Việc nhân nghĩa cốt ở an dân, quân điếu phạt trước lo khử bạo”. Khi nhân dân chưa có cuộc sống bình an, thì Độc Lập thực sự cũng chưa có được. Chính sự bất an trong cuộc sống người dân là một tai họa cho bất cứ chính thể nào. Khi đạo lý lớn nhất của Việt Nam là đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo, thì ta phải hiểu, đại nghĩa ấy chỉ phát huy hết sức mạnh nếu nó đi với chí nhân, đỉnh cao của lòng nhân ái. Có thể thắng giặc ngoại xâm hung tàn, nhưng phải thắng được những tư tưởng và những thế lực cường bạo bên trong liên kết với giặc ngoài hòng áp chế, bóc lột, vơ vét của nhân dân. Thắng “giặc ngoài” nhưng đồng thời phải quét sạch các loại “thù trong” vì quyền lợi ích kỷ của cá nhân, của bè nhóm mình mà cướp bóc chà đạp lên những quyền sở hữu thiêng liêng của nhân dân,
Đúng như trong phần mở đầu Tuyên ngôn Độc Lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Đoạn mở đầu ấy trích Tuyên ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ năm 1776, nguyên văn câu ấy là: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc Lập Hoa Kỳ - 1776)
Giờ đây, một lần nữa, nền Độc Lập xây bằng xương máu nhân dân Việt Nam suốt nghìn năm lại bị đe dọa. Bãi Tư Chính thuộc vùng biển đặc quyền Việt Nam lại đang bị hàng trăm tàu Trung Quốc xâm hại. Những vòi rồng phun nước với tốc độ cao lại phun “đạn nước” về phía những chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam đang kiên trì và nhẫn nại bảo vệ vùng biển thiêng liêng của quốc gia mình. Sự “hung tàn”, “bạo ngược” của kẻ manh tâm xâm lược thì thời nào cũng giống nhau, chỉ cách thể hiện là khác về hình thức, không khác về bản chất.
Trong “Ngày Độc Lập 2/9” này, toàn dân Việt Nam lại hướng về bãi Tư Chính với sự căm giận - trầm tĩnh. Đó là biểu hiện của sức mạnh Việt Nam. Không ồn ào, la lối, dọa dẫm, nhưng kiên quyết bảo vệ từng tấc biển chủ quyền của mình. Chúng ta không bao giờ chiếm của ai, ăn của ai một tấc đất tấc biển, nhưng cũng không cho phép bất cứ một kẻ xâm lấn nào toan cướp đất cướp biển của ta. Độc Lập bao giờ cũng phải đi với toàn vẹn lãnh thố. Không thể khác.
Với Việt Nam, Độc Lập, toàn vẹn lãnh thổ, nhân nghĩa, an dân là những mục tiêu không thể tách rời. Khi lòng dân thống nhất, thì Tổ quốc thật sự thống nhất.
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2019