HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT ĐỜI LÝ
Hội thảo khoa học "Thơ Đường luật đời Lý" được tổ chức vào cuối tuần qua tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nơi có Khu di tích đặc biệt cấp quốc gia Đền Đô – Đình Bảng, thờ 8 nhà vua đời Lý; do Hội thơ Đường luật Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (Liên hiệp các Hội Khoa học – Kĩ thuật Việt Nam) tổ chức. Hội thảo nhằm đánh giá đúng đắn về tư tưởng, nghệ thuật thơ Đường của một triều đại kéo dài 226 năm. Qua đó, thấy được ảnh hưởng lớn của Phật giáo, tam giáo đồng nguyên, và đặc biệt là tính dân tộc, nhân văn của các thi nhân đời Lý.
Tại Hội thảo, gần 40 bài tham luận đã đi sâu vào thơ Đường đời Lý. Các tham luật của GS.NGND Nguyễn Đình Chú, AHLĐ-NGND Nguyễn Đức Thìn, PGS.TS Đoàn Lê Giang, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hải, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục... đã cho thấy cái nhìn đã chiều về thơ Đường đời Lý; bước đầu nhận diện được cảm xúc nghệ thuật cao siêu của thơ Đường luật, triết lý về Phật đạo, tinh thần dân tộc, là dịp để tìm hiểu một số tác giả tiêu biểu về một số tác giả tiêu biểu thể thơ này.
Tham luận đề dẫn của PGS.TS Nguyễn Công Lý cho rằng: Các bản tham luận đã đi từ diện đến điểm, từ chung đến riêng, lý giải, phân tích, bình giảng, cảm nhận. Các tham luận cũng tập trung trình bày về diện mạo với con số thông kê cụ thể, về giá trị, về vai trò và vị trí của thơ Đường luật đời Lý trong lịch sử văn học Việt Nam. Chính thơ Đường luật đời Lý đã tạo nền móng để thơ Đường luật đời Trần phát triển với những thành tựu rực rỡ với nhiều tác gia ưu tú. Các tác phẩm với những tác gia xứng danh như: Diệu Nhâm ni sư Lý Ngọc Kiều, Ỷ Lan nguyên phi, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Đỗ Pháp Thuận, Đoàn Văn Khâm, Lý Thường Kiệt, Vạn Hạnh, Kiều Trí Huyền, Viên Chiếu, Nguyễn Quảng Nghiêm, Phạm Thường Chiếu, Lý Thái Tông...
Nhà thơ Bằng Việt lý giải: Cái gì có lý thì nó tồn tại, như thơ Đường luật đang tồn tại ở nước ta, nó là văn hóa nên nó lan tỏa và được lưu giữ. Chúng ta nên gọi là thể thơ Đường luật chứ không gọi là thơ Đường, tức sử dụng luật thơ có gốc từ thời nhà Đường, và phát triển mạnh ở Việt Nam. Thơ Đường luật tồn tại ở ta một cách kỳ lạ. Ở Trung Quốc giờ họ phá cách đi, còn ở ta vẫn còn vì nó phù hợp với tình cảm con người Việt Nam.
GS.NGND Nguyễn Đình Chú nhận định: Thơ Đường luật vốn là thể thơ của Trung Hoa đã du nhập vào nước ta trước đời Lý, nhưng để có được một kho báu thơ Đường luật Việt Nam ở thời trung cận đại như thể thì không thể không nói đến vai trò khai mở của thơ Đường luật đời Lý. Đến đời Lý mới bắt đầu hình thành một đội ngũ sáng tác thơ Đường luật mà hầu hết là các vị thiền sư để có một diện mạo thơ Đường luật Việt Nam làm đà cho sự phát triển hơn nữa ở thời đại nhà Trần và các triều đại sau. Văn hóa thời đại nhà Lý là văn hóa tinh hoa mở đầu cho nền văn hóa Việt Nam rực rỡ ở thời trung đại trong đó có thơ Đường luật. Thơ Đường luật đời Lý là sản phẩm của thời đại nhà Lý, thời đại thăng hoa, lên ngôi của đất nước.
GS. Nguyễn Khắc Phi với tham luận “Một số vấn đề quanh bài thơ Nam quốc sơn hà”, một lần nữa đánh giá cao bài thơ này, ông coi đó như là “Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của dân tộc, qua đó để thấy rằng, thơ Đường luật đời Lý đã để lại diện mạo rõ nét như thế nào. GS. Nguyễn Khắc Phi cũng bình luận thêm về nhiều bài dịch xung quanh bài thơ này.
TS. Nguyễn Minh San, trong tham luận "Thơ của các Thiền sư đời Lý" đã có khái quát chung về thơ đời Lý: Nhà Lý là triều đại mở đầu cho thời kỳ độc lập, tự chủ, ổn định, lâu dài của dân tộc ta. Tồn tại 216 năm (từ năm 1010 đến năm 1225), trải qua 9 đời vua (mở đầu là vua Lý Công Uẩn, kết thúc là Lý Chiêu Hoàng), Nhà Lý là một trong những vương triều phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Làm nên thành tựu lớn lao đó, có sự đóng góp không nhỏ của những nhân tài Phật giáo – những vị Thiền sư – những trí thức tinh hoa của thời đại ấy. Họ không chỉ đóng góp trí tuệ, công sức trong việc kiến tạo vương triều Lý, bảo vệ, gìn giữ và phát huy những thành quả của nhà Lý trong suốt nhiều năm sau đó, mà còn là lực lượng chủ yếu đặt nền móng xây dựng và phát triển văn hóa, đặc biệt là văn học thời Lý. Trong việc xây dựng và phát triển văn học thời Lý ấy, sự đóng góp nổi bật nhất, thành tựu to lớn nhất của các tác giả - thiền sư thời Lý là ở mảng/loại hình thơ Đường luật.
Do nhiều nguyên do khác nhau, mà nguyên do chủ yếu là chiến tranh, di sản văn học viết thời Lý hiện còn, được tập hợp in thành sách không nhiều. Đúng như nhà thơ Lý Tử Tấn sống vào giữa thế kỷ XV, nhận định: “Phần còn lại chỉ là một, hai trong trăm ngàn phẩn” những sáng tác của các nhà văn thời Lý. Những tác phẩm thơ Đường luật của các Thiền sư thời Lý cũng chịu chung số phận như vậy. Tuy thế, với số lượng tác giả là nhà sư/thiền sư chiếm số lượng lớn nói ở trên, không khó hiểu khi số lượng tác phẩm (để lại được tập hợp trong sách Thơ văn – Lý-Trần) của các tác giả là nhà sư cũng chiếm số lượng nhiều nhất. Cụ thể, trong 109 tác phẩm thành văn ở cả hai loại hình văn và thơ, tác phẩm của các nhà sư chiếm số lượng nhiều hơn, với 67 tác phẩm (trên 60%). Trong số 67 tác phẩm văn học ấy, đa số các tác phẩm thuộc loại hình thơ ca (có 59 tác phẩm, chiếm gần 90%), số tác phẩm thuộc loại hình văn (bài văn ngắn và bi ký) chỉ có 08 tác phẩm. Căn cứ vào nội dung tác phẩm, thơ ca thời Lý có 4 thể chủ yếu, là: thơ sấm vĩ, thơ suy lý, thơ trữ tình, thơ tự sự. Có một điểm chung là, để chuyển tải nội dung trên, các nhà thơ – thiền sư thời Lý đều sử dụng / vận dụng hình thức / vỏ là thơ Đường luật (đương nhiên là viết bằng chữ Hán). Như vậy, 59 tác phẩm thơ ca (thơ, kệ) của các nhà thơ-thiền sư thời Lý là thơ Đường luật Việt Nam. Trong di sản thơ Đường luật của các Thiền sư thời Lý ấy, có một số tác phẩm như: Bài thơ “Thị đệ tử” (Bảo với đồ đệ) của Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1018), bài thơ “Đáp nhân tri túc chi vấn” (Trả lời người hỏi về hai chữ “Tri túc”) của nhà sư Nguyễn Trí Bảo (?-1190), bài kệ “Hưu hướng Như Lai” (Đừng theo bước Như Lai) của Thiền sư Nguyễn Quảng Nghiêm (1122-1191), bài thơ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) của Đại sư Mãn Giác (1052- 1096),… được đánh giá là những tác phẩm đỉnh cao của văn học thời Lý.
Những thiền sư - nhà thơ Đường luật thời Lý quan tâm, phản ánh trong các tác phẩm của mình hầu hết mọi lĩnh vực của công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ, hùng cường, ổn định, lâu dài. Song, một mảng đề tài lớn, một xu hướng sáng tác nổi bật nhất của các thiền sư - nhà thơ Đường luật đời Lý (qua những tác phẩm thơ Đường luật để lại nói đến trên đây) là mảng đề tài về Con Người trong sự chi phối / ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo và trong mối quan hệ Tam giáo: Phật - Lão - Nho. Phật giáo là tôn giáo ngoại lai, từ bên ngoài truyền vào nước ta từ lâu, đến thời Lý nó đã “cắm rễ” sâu bền, và đã trở thành Quốc giáo. Nhưng những vấn đề cơ bản nhất của Phật giáo (cũng là vấn đề của không riêng Phật giáo), như: “sống - chết”, “sinh-lão-bệnh-tử”, “sắc - không”, “xuất thế - nhập thế”, “tâm – pháp”, “niết bàn”,…là gì vẫn chưa phải là đã được những người theo đạo Phật và xã hội thấu đạt. Để làm sáng tỏ những phạm trù đó, đồng thời để tháo gỡ những băn khoăn, cũng là những cản trở con đường đến với “giác ngộ”, “giải thoát”, “niết bàn”,…của phật tử, nhiều vị thiền sư đã đưa ra những kiến giải của mình. Và, thật cao siêu, những kiến giải mang tính triết lý đó phần lớn được các nhà sư chuyển tải dưới dạng thơ ca theo thể Đường luật.
PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân đánh giá, đời Lý được xem như triều đại thực sự mở đầu cho nền thơ dân tộc được viết bằng chữ Hán với chủ yếu là thể thơ Đường luật. Chiếm bộ phận lớn trong thơ đời Lý là thơ Thiền. Trước hết, đó vốn là những bài kệ nhằm giảng minh triết lý thiền thông hoặc đúc kết những điều lĩnh hội sâu xa nhất trong cả đời tu học của một thiền sư để trao truyền lại cho thế hệ đi sau lúc viên tịch.
Tuy nhiên, do tính chất truyền dạy đặc biệt của Thiền tông – “trực chỉ nhân tâm” – nên các thiền sư không lý luận, diễn giảng dông dài để học trò dính mắc vào chữ nghĩa, vốn chỉ có tính quy ước, rất tương đối hữu hạn, mà thường dùng những hình ảnh ẩn dụ từ thiên nhiên, cuộc sống thường ngày cốt để khơi gợi cho đối tượng tự mình suy ngẫm và ngộ ra chân lý. Thơ của các vị Thiền sư là thể thơ như “vô ngôn”, “đốn ngộ”, giàu sức gợi, đáp ứng được tiêu chí về từ ngữ, câu thơ, cách diễn đạt và kết cấu bài thơ.
(Theo: văn hien.vn)