TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI
Để nhân tài nước ta xuất hiện ngày một nhiều, chúng ta cần phải đồng thời tiến hành mấy biện pháp sau.
Phát hiện.
Muốn có người tài trước hết chúng ta phải phát hiện ra người tài. Ban Tổ chức Trung ương hoặc Chính phủ cần xây dựng một dự án chiến lược về nhân tài từ nay đến năm 2050, có thể lấy tên dự án là Dự án quốc gia về “ Phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và tôn vinh nhân tài.”, để tạo và đào tạo ra khoảng 20 nhân tài tầm cỡ thế giới; 200 tài năng xuất sắc tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá- xã hội. Sau đó phát động phong trào tìm kiếm nhân tài trong toàn dân theo phương châm:
- Bất cứ ai phát hiện ra người nào có tài, ở đâu, không phân biệt tuổi tác, thành phần, nghề nghiệp thì cần viết một bản tường trình hoặc gọi điện thoại tóm tắt về bản thân và năng lực của người tài về Ban dự án quốc gia “ Phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và tôn vinh nhân tài”. Sau khi nhận được thông tin, Ban dự án sẽ uỷ quyền cho Ban tổ chức Tỉnh uỷ hoặc Sở Nội vụ các tỉnh cử người đi thẩm tra, nếu đúng sự thật thì Ban dự án quốc gia cần nhanh chóng cử tổ công tác đặc biệt bao gồm các nhà khoa học, chuyên môn giỏi về thẩm tra lần cuối để có kết luận chính thức. Nếu người đó đúng là người tài thì phải được trọng dụng ngay. Và cũng cần có chính sách khen thưởng xứng đáng cho người đã có công phát hiện ra người tài.
- Bất cứ ai có phát minh, sáng kiến, công trình khoa học nào mang lại lợi ích lớn cho dân, cho nước mà chưa được sử dụng đều có thể tự gửi hoặc uỷ quyền cho người khác gửi đến Ban dự án quốc gia để được chuyển cho Hội đồng chuyên môn thẩm định. Nếu những phát minh, sáng kiến, công trình khoa học đó đúng thật mang lại lợi ích to lớn thì Ban dự án quốc gia cần phối hợp với các cơ quan chức năng cho đầu tư vốn, phương tiện khoa học kỹ thuật triển khai ngay. Còn nếu nó chỉ mang lại lợi ích vừa phải thì giao cho cấp tỉnh, các sở, ban, ngành sử dụng.
- Phát hiện người tài thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Báo chí bao gồm báo in, báo mạng và các trang mạng cá nhân có vai trò rất lớn trong việc phát hiện, đăng tải những bài viết về các tài năng, người tài, Ban dự án quốc gia cần có một tổ báo chí để đọc và theo dõi những bài viết về người tài trên các phương tiện đài, báo, truyền hình, internet. Hoặc có công văn gửi đến các cơ quan báo chí yêu cầu cung cấp các bài báo viết về người tài về Ban dự án. Hoặc phối hợp với các cơ quan báo chí mở các cuộc thi viết về người tài; về những phát minh, sáng kiếnvv...
Đào tạo, bồi dưỡng.
Đối với những người tài là thiếu niên, nhi đồng, thanh niên đang là học sinh, sinh viên hoặc người lớn nhưng không có điều kiện học hành thì sau khi đã phát hiện ra cần phải có chính sách bồi dưỡng:
- Cấp học bổng để cho họ đủ sống, miễn học phí hoàn toàn, được khám chữa bệnh không mất tiền.
- Đối với những em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cần đưa về các thành phố, thị xã để tạo điều kiện cho các em học tốt hơn hoặc đưa vào các trường đào tạo tài năng quốc gia. Những em có tài năng xuất sắc nên đưa các em và cả gia đình lên TP.HCM hoặc ra Hà Nội để đào tạo và phát triển tài năng.
- Tất cả những em đoạt giải Nhất và Nhì các kỳ thi quốc tế về Toán, Lý, Hoá, Ngoại ngữ, Âm nhạc vv.. đều được nhà nước đầu tư cho đi học ở các trường đại học danh tiếng trong nước và trên thế giới để sau này về phục vụ Tổ quốc.
Trọng dụng.
Phát hiện ra người tài và đào tạo, bồi dưỡng người tài rồi thì khâu hết sức quan trọng là phải biết trọng dụng người tài, bằng cách:
- Bổ nhiệm, phân công người tài vào những cương vị, chức vụ, công việc theo tài năng chuyên môn. Những người thuộc diện tài năng xuất chúng thì trao cho những trọng trách lớn mang tính quốc gia đại sự.
- Tạo điều kiện cho người tài được thường xuyên đi ra nước ngoài nhất là các nước phát triển để học tập, nghiên cứu, tham gia hội thảo khoa học.
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất cả về vật chất lẫn tinh thần để cho người tài nghiên cứu thành công các công trình khoa học, kỹ thuật, văn hoá, kinh tế, xã hội vv...
- Mời gọi, trải thảm đỏ cho những nhân tài Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về nước phụng sự Tổ quốc.
- Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh bất cứ ai, bất cứ hành vi nào cản trở công việc, đời sống của người tài.
- Những nhân tài được cấp nhà ở khang trang, được cấp xe ô tô có lái xe riêng; được hưởng chế độ đặc biệt về tiền lương có thể nuôi sống toàn bộ gia đình gồm bản thân, cha mẹ đẻ, vợ và con; được hưởng chế độ khám chữa bệnh cao cấp, miễn phí ở trong và ngoài nước.
Tin tưởng
Trọng dụng nhân tài rồi nhưng nếu không tin tưởng vào người tài mà lại nghe bọn xu nịnh dốt nát dèm pha sau đó không dùng người tài nữa, hay chỉ trao cho họ những công việc tầm thường thì người tài cũng dễ nản lòng bỏ cuộc. Vì vậy đã trọng dụng người tài thì phải tuyệt đối tin tưởng vào tài năng của họ; vào công việc hay trọng trách họ đang gánh vác nhất định sẽ đi đến thành công.
Tôn vinh
Nhà nước cần có những ghi nhận kịp thời về công lao của những nhân tài thông qua các giải thưởng cao quí như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương lao động vv...Tạc tượng các nhân tài đặt ở những vị trí trang trọng trên đường phố, công viên, các trung tâm văn hoá, khoa học, các trường đại học.
Nhà nước cần nghiên cứu khôi phục lại việc ghi danh các nhân tài trên bia đá ở một nơi có thể coi là Văn miếu- Quốc tử giám thứ 2. Chỉ ghi danh những nhân tài thật sự, kể cả họ không có bằng đại học nhưng có phát minh, sáng kiến to lớn đem lợi cho dân, cho nước; không ghi danh tiến sĩ, giáo sư theo kiểu phổ cập hiện nay. Nhà nước cần đầu tư trí tuệ, tiền bạc để in cuốn từ điển về nhân tài Việt Nam, có thể lấy tên là ” Từ điển nhân tài Việt Nam” để in tiểu sử, công trạng của nhân tài Việt Nam từ thời kỳ các Vua Hùng dựng nước cho đến nay và mai sau. Cứ 5 hoặc 10 năm thì cho bổ sung, tái bản và phát hành đến tất cả các cơ quan, đoàn thể, trường học, thư viện từ cấp xã cho đến Trung ương để làm sao cho mỗi người dân Việt Nam đều được biết, được đọc và phấn đấu để có tên trong từ điển cao quí này.
Nhân tài, khi chết được tổ chức lễ tang theo nghi thức quốc gia, được chôn cất và xây bia mộ ở nghĩa trang quốc gia giành cho những người có những cống hiến xuất sắc cho Tổ quốc như nghĩa trang Mai Dịch, nghĩa trang TP.HCM; hoặc lập thêm nghĩa trang danh nhân. Nhân tài cũng được lấy tên để đặt cho các đường phố, các trường đại học, cao đẳng, phổ thông vv... ngay khi họ còn sống.
V.Đ