BẤT NGỜ THƠ PHAN VĂN ẤU
Cho đến khi Ấu về nghỉ, buông tay bỏ lại tất cả, tìm được chút thanh thản để chơi với ruộng đồng, cây cối, những con vật nuôi và sau này là một đàn nho nhỏ cháu nội. Cái tí máu văn nghệ, văn gừng được dịp nổi lên. Thực ra thì nó đã manh nha từ lâu, chỉ có điều chưa hội đủ điều kiện để "phát tiết" ra ngoài. Đó là những bài thơ ứng khẩu, còn đậm mùi nôm na, tếu táo kiểu lính trận. Đó là những cảm xúc bất chợt về một đám mây, một khóm hoa lục bình, một kỷ niệm với con sông Đáy đang teo tóp, một mối tình trong tưởng tượng thời thơ bé, một hình hài phụ nữ thoáng qua...
Vài chục trong những bài thơ ấy sau này có mặt trong tập đầu tay có tên "Nhắn gió trong đêm".
Khi về nghỉ, Ấu viết đều tay hơn. Hầu nhưng tuần nào anh cũng phải hí hoáy viết một vài bài mới yên lòng, dù có thể rất nhiều trong số đó vĩnh viễn ở dạng dang dở. Một số những bài thơ ấy sẽ được in trong tập thứ hai có tên "Bình minh chiều", thấy rõ một sự ngẫm ngợi thiên về chiều sâu và sự kiệm lời của người đã hai thứ tóc.
Cũng từ đây, một sự tự ý thức mạnh mẽ bắt đầu nơi tác giả. Anh hiểu rằng, nhà thơ không chỉ nghêu ngao hát rong mua vui, mà còn là người tham dự vào đời sống. Tác giả bắt đầu đi tìm ý nghĩa của những gì vẫn bao quanh mình, chứ không chỉ còn đơn thuần mô tả lại. Bước chuyển này rất quan trọng với bất cứ người cầm bút nào, bởi nó xác định khả năng vươn tới tầm chuyên nghiệp trong sáng tác của anh ta. Được đến đâu là chuyện khác, nhưng nếu không có thay đổi "về chất" này, rất khó để hy vọng vào anh ta. Có thể thấy rõ nỗ lực ấy của Phan Văn Ấu trong tập thơ mà bạn đang cầm trên tay. Theo dõi hành trình sáng tác của tác giả, tôi chỉ có thể nói, "Hạt cát gốc trời" là một bất ngờ với tôi. Những câu thơ giản dị nhưng đầy tâm trạng như thế này, thật tình tôi không chờ đợi ở bạn mình, vì thế làm sao không bất ngờ được:
Không ai gọi mà thành tỉnh giấc
Ai rủ đâu? Ký ức miên man...
Hoặc:
Nằm nghe thời trai trẻ
Lành như con rắn vừa lột xác!
Ta lang thang thiếu hụt...
Trước con sông xóa dấu vết tuổi thơ
Thậm trí là một chút sững sờ:
Khi cùng mây gió uống rượu suông
Tắm dòng ngân chẳng ướt da mát mắt
Ngủ gật ngủ gà đụng vào đầu Bắc đẩu
Chợt giật mình nơi xứ lạ trời kia...!
Một tâm thế chỉ có ở thi sĩ?
Xin chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hà Nội, 27-7 năm 2014
DÒNG NƯỚC MÁT TRONG LÀNH
(Đọc Quả trời của Phan Văn Ấu. Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2016)
DƯƠNG THUẤN giới thiệu
Đọc thơ Phan Văn Ấu tôi cảm thấy tâm hồn thơ của ông thật là trong trẻo. Ông làm thơ về người, về trăng, gió, con đường, bão, mưa, rơm rạ... Tôi đã dừng lại thật lâu và đọc thật kỹ những câu thơ của ông viết về làng quê. Mặc dù mọi thứ vẫn thân thương như ngày nào nhưng người đọc cảm thấy Phan Văn Ấu thường hay nuối tiếc quê mình không còn được đủ đầy, tròn trịa như thuở trước. Bóng nước, ánh trăng có thể thì vẫn thế nhưng hồn quê đã có phần hao khuyết, xanh xao. Điều đó thể hiện qua những đêm anh trằn trọc không ngủ, nghĩ suy: "Đêm qua/ Đứt giấc/ Lần bước/ Ngược đường quê.../ Đường quê miên man/ Chùa ngân chuông thẳm.../ Lòng ta chùng xuống/ Nghe ông cha vọng lại hồn quê..." (Hồn quê). Càng cảm thấy nỗi nhớ da diết, tiếc thương hơn nữa khi nhà thơ hoài niệm về những ký ức thuở nào rồi cất lên tiếng gọi: "Giếng làng đâu?/ Mẹ dạy con gánh nước/ Trai làng trêu ghẹo buông gàu/ Cúc tần đâu?/ Con rịt cơn đau/ Tre làng xanh xứ khác/ Nhiều... Nhiều nữa.../ Bay hồn!/ Giờ gọi "Quê"/ Như trẻ buổi đầu học viết!" (Gọi quê). Đọc những câu thơ này, tôi như nghe thấy vang vang tiếng cuốc kêu trong văn học cổ xưa vọng lại. Với Phan Văn Ấu, cái đã mất đi mà chưa hẳn đã mất. Tất cả vẫn còn đây, hồn quê vẫn còn: "Tiếng mõ/ Con đường thiền/ Cần mẫn xanh/ Bền bỉ..." (Tiếng mõ). Ký ức cũng vẫn còn: "Ngụp dưới gốc rạ/ Con ốc, con rô thơm mùi bùn đất/ Xước ngón tay chú cua càng gan góc/ Chập chờn cơn mơ/ Lần đầu thấy cha khóc/ Nước mắt đỏ đèn dầu" (Tuổi thơ).
Ừ, thì dẫu hồn quê có bị phai nhạt, mất mát đi phần nào. Tuy vậy, tất cả mọi tình yêu trong ký ức và hiện tại vẫn hiện lên nguyên vẹn trong thơ của Phan Văn Ấu: "Em có hay/ Trăng đuổi thời gian đi/ Thời gian dồn trăng đến/ Gọi chúng mình..." (Con đường). Hoặc là có những khi ông mải mê với điều gì đó trong cuộc sống mà đầu óc nhãng đi trong chốc lát thì trái tim ông vẫn luôn hướng về một tình yêu làng quê khôn tả của riêng mình: "Sực bừng nhả sao ra/ Đất trời về trở lại/ Trăng gió vẫn cạnh ta/ Chỉ thời gian hao hút". Bài thơ "Nhốt sao trời" có những câu như thế đã chứng tỏ tâm hồn thi sĩ rất dễ rung động của Phan Văn Ấu.
Hình ảnh trăng, sao, gió, mưa, con đường cứ trở đi trở lại trong thơ ông, luôn hòa quyện vào tâm hồn thi sĩ. Không ai như Phan Văn Ấu, đã ví một trận bão tố như là cái ác mà thi sĩ sẽ tìm đến tận gốc để trừng trị: "Ngươi bạc từ ruột mật/ Hàng xóm cũng không tha/ Những thuyền ngư vội vã chạy vào bờ/ Về muộn dọc đường bắt nạt/ Nhìn kia! Tất cả về bến sát vai nhau, găm vào mặt ngươi thô thiển/ Ừ tạm thua - Ta khổ/ Nhưng ngươi còn đấy - Ta còn đây/ Một ngày mầm xanh con cháu tỏ đường rõ lối/ Đến tận cùng hang ổ ngươi!" (Khúc bão).
Phan Văn Ấu luôn hòa tâm hồn thi sĩ của mình vào trong thiên nhiên và thực tại. Quê hương đất nước không chỉ có vô vàn kỷ niệm và chung sống hòa bình với nhau để cho con người cuộc sống này một thêm mạnh mẽ. Đất nước đau thương vì giặc giã cũng làm cho con người can đảm và kiên trung bất khuất hơn rất nhiều: "Có đất nước nào như Tổ quốc tôi?/ Bình yên không giá nào tính được/ Từ sơ khai tổ tiên đã máu đổ/ Đến nay còn loang.../ Những bố mẹ 7 - 9 người con/ Qua chiến tranh/ Thảy nhận về giấy ghi công liệt sĩ" (Tổ quốc tôi).
Nhà thơ cảm nhận sâu sắc và thấm tháp những điều trong cuộc sống được như vậy là vì ông đã từng có thời gian tham gia trận mạc. Thơ của Phan Văn Ấu viết rất tự do khoáng đạt. Ông luôn tìm cách diễn đạt độc đáo cho riêng mình.
"Thằng còn tại ngũ/ Năm nữa về hưu/ Thằng nửa nằm nửa ngồi, vết thương sinh chuyện, gia đình biên chế người đặc cách trông coi.../ Thằng trên giường viện còn đau, vợ con đang vật lộn tiền nong cứu chữa/ Thằng đẻ con 21 năm chưa biết lãy, mòn tay con đỏ đến đến giờ" (Gặp mặt đồng ngũ).
Đọc thơ Phan Văn Ấu, người đọc cũng không thể bỏ qua những bài thơ viết về mẹ và những người phụ nữ. Đặc biệt về mẹ, ông luôn trân trọng, tự hào và vô cùng yêu kính người mẹ tảo tần, lam lũ nuôi con: "Tôi vẫn lớn lên từ dòng sữa mẹ cô đơn/ Bên lạch, ngách bữu môi thoáng mặt/ Ve ong nghi hoặc xóm làng/ Mẹ tôi/ Côi cút làm/ Côi cút ăn/ Nuôi tôi côi cút...!" (Tôi phải con ông hàng xóm?). Hoặc: "Lưng mẹ cõng chũng đêm và chùng sớm/ Chúng tôi lớn lên từ củ khoai kẹ dính hạt cơm hờ" (Vòng tay mẹ). Cây đòn gánh là bài thơ mà tác giả muốn nói với bạn đọc rằng: Chiếc đòn gánh làm oằn vai mẹ hay mẹ chính là chiếc đòn gánh. Một người con phải thương yêu mẹ và cảm thông với mẹ như vậy mới viết được những câu thơ như thế này: "Quá nửa đời ẩm sương sũng gió/ Mòn vai mẹ/ Mưa/ Nắng/ Mùa màng/ Gánh cho con - Cho cha trận mạc/ Trĩu vai..." (Cây đòn gánh).
Đọc thơ Phan Văn Ấu bạn sẽ cảm nhận được ông như một dòng nước mát trong lành không bợn chút bụi trần ai và bạn cũng sẽ cảm thấy cuộc sống đáng yêu hơn.