Hội thảo “Các nhà văn khu vực sông Chảy với công cuộc bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa truyền thống”
Các nhà văn khu vực sông Chảy với công cuộc bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa truyền thống là chủ đề cuộc Hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Chi hội Nhà văn Sông Chảy và Hội VHNT tỉnh Hà Giang tổ chức ngày 12-7-2016 tại TP Hà Giang. Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Giang và một số Ban, Ngành của tỉnh Hà Giang, cùng Ban Chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam và đông đảo các nhà văn, nhà thơ 4 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai và Yên Bái là Hội viên Chi Hội Nhà văn Sông Chảy đã tham dự. Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo gồm: Nhà thơ Trần Đăng Khoa-Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà văn Đoàn Hữu Nam-Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Sông Chảy và nhà thơ Hoàng Trung Luyến-Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hà Giang.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trân trọng chuyển lời chúc mừng của nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng Ban Chấp hành Hội-đến các nhà văn Chi hội Sông Chảy và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. Đánh giá cao lực lượng sáng tác khu vực sông Chảy, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, cả bốn tỉnh nằm dọc lưu vực sông Chảy, đều là những tỉnh miền núi, trong đó có những tỉnh thuộc diện nghèo nhất nước, nhưng lại có một nền văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc là một vấn đề lớn, rất lớn. Đó không chỉ là công việc cấp thiết của các tỉnh thuộc lưu vực Sông Chảy, mà còn là những vấn đề mang tính quốc gia, nhất là khi chúng ta đang hội nhập để phát triển. Nhưng giữ gìn như thế nào, bảo tồn và phát huy như thế nào là cả một vấn đề. Hy vọng trong cuộc hội thảo này, chúng ta sẽ tìm được cách trả lời cho các câu hỏi không dễ có lời đáp.
Sau phát biểu chào mừng của đồng chí Dương Minh Hòa-Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Giang-và báo cáo đề dẫn của nhà văn Đoàn Hữu Nam, các đại biểu đã trình bày tham luận và phát biểu trực tiếp, xoay quanh chủ đề của cuộc hội thảo. Con sông Chảy bắt nguồn từ sườn Tây Nam của đỉnh Tây Côn Lĩnh, đi qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái rồi hợp lưu với sông Lô tại Đoan Hùg, tỉnh Phú Thọ. Dọc theo dòng sông Chảy là một vùng văn hóa truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc anh em. Giữ gìn, khai thác và phát huy thế mạnh của vùng văn hóa ấy như thế nào là một vấn đề lớn của đất nước, trong đó có các nhà văn khu vực sông Chảy… Những nội dung trên đây đã được thể hiện tập trung trong các tham luận và phát biểu của các đại biểu: Nhà văn-nhà nghiên cứu Hà Lâm Kỳ đến từ Yên Bái (Sông Chảy-Vùng đất, nhà văn và tác phẩm); Nhà thơ Hùng Đình Quý đến từ Hà Giang (Vấn đề bảo tồn và phát triển thơ ca dân gian dân tộc thiểu số ở Hà Giang); Nhà thơ Ngọc Bái đến từ Yên Bái (Kỷ niệm Hà Giang và những trang viết một thời); Nhà văn Đoàn Hữu Nam (Văn học dân tộc thiểu số cần được khai thác một cách nghiêm túc); Nhà văn Nguyễn Trần Bé đến từ Hà Giang (Hội VHNT địa phương-“Điểm tựa” của các văn nghệ sĩ); Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đến từ Hà Nội (Tứ tử trình làng); Nhà văn Mã Anh Lâm đến từ Lào Cai (Nhận diện những thuận lợi, khó khăn của người viết trẻ ở miền núi trong thời kỳ hội nhập) v.v…
Một số đại biểu khác, như: Nhà thơ Pờ Sào Mìn, Họa sĩ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Quang, nhà văn Nguyễn Văn Cự, nhà phê bình Bùi Việt Thắng, nhà phê bình Vũ Nho đã phát biểu trực tiếp với những ý kiến đầy tâm huyết về những vấn đề trọng tâm của chủ đề cuộc hội thảo. Đặc biệt, nhà thơ Mã A Lềnh (Lào Cai) nhấn mạnh: Trong khu vực vùng dân tộc thiểu số vùng sông Chảy, những yếu tố “độc biệt” vẫn còn tồn tại phong phú mà nhà văn cần phải đi sâu tìm tòi, học hỏi để làm giàu cho trang viết của mình”. Nhà văn Vũ Xuân Tửu (Tuyên Quang) cho rằng: Đội ngũ tác giả tiểu thuyết ở Tuyên Quang đã phát triển mạnh, hiện có có 10 người; trong đó có 5 tác giả mới xuất hiện trong vòng 1 thập niên vừa qua. Mặc dù nội dung và chất lượng còn những hạn chế, nhưng nhìn chung tiểu thuyết của các tác giả Tuyên Quang hiện nay cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong đó có 2 cuốn của nhà văn Trịnh Thanh Phong đã được dựng thành 2 phim. Tiểu thuyết Ma làng khi phỏng dựng thành phim truyền hình cùng tên, đã gây được sự chú ý rộng rãi trong dân chúng. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (Website Hội Nhà văn Việt Nam) sau khi điểm danh những gương mặt tiêu biểu của Chi hội Nhà văn Sông Chảy, đã bày tỏ ước mong sớm “có một Ra-xun Gam-za-tốp của Việt Nam”…
Phát biểu kết thúc Hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định đây là một cuộc hội thảo hết sức nghiêm túc và sâu sắc. Nhiều vấn đề cấp thiết được đặt ra và lý giải giầu sức thuyết phục. Không ít nhà văn còn đưa ra cả những giải pháp để thực thi. Nói như một nhà văn từng đề cập, mảng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc miền núi phía Băc, chúng ta mới chỉ biết có “Dân ca Hmông” (bản in năm 1972 ở NXB Văn hóa là “Dân ca Mèo”), “Tiễn dặm người yêu”, “Tiếng hát làm dâu”... Nhưng di sản văn học dân gian vùng này đâu phải chỉ có thế. Còn rất nhiều những tác phẩm khác, cả một kho tàng văn hóa vô giá đang nằm trong trí nhớ người già, đó là các ông thày mo, các cụ già bản, mà người già thì như ngọn đèn trước gió, chẳng biết tắt lúc nào, nếu chúng ta không kịp sưu tầm, không kịp ghi lại, thì nhiều di sản tinh thần của cha ông sẽ biến mất và biến mất vĩnh viễn. Truyền thống là một vẻ đẹp luôn có mặt trong đời sống đương đại nhưng cũng phải can dự được vào tương lại. Thiếu một trong những yếu tố đó cũng không thành được truyền thống. Giữ gìn bản sắc dân tộc, là giữ gìn một vẻ đẹp trong xu thế phát triển chứ không phải giữ những hiện vật khô cứng trong các viện bảo tàng. Đó là điều chúng ta đã gặp nhau trong một hội thảo tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng khá thú vị.