Thời sự văn học nghệ thuật

14/8
7:55 AM 2016

HAI BẢN TRƯỜNG CA MỚI RA LÒ CỦA THANH THẢO

CHU VĂN SƠN - Cầm trên tay hai cuốn trường ca ra đời liên tiếp của Thanh Thảo Đám mây hình người thợ săn và con chó và Dạ, tôi là Sáu Dân, khó mà tránh khỏi ngỡ ngàng về sức sáng tạo quá dồi dào của ông vua trường ca đã vào tuổi 70 này.

 Ý Nhi có lẽ đã đúng : lứa thơ trẻ chống Mỹ hồi nào, nay vẫn duy trì được phong độ cao, ghi bàn đều đều, đâu còn mấy người như Thanh Thảo. Nghiệp thơ Thanh Thảo thật đa dạng. Nhưng phần xương sống của sự nghiệp ấy vẫn là trường ca. Hai bản trường ca này là hai quãng mới trên con sông trường ca của đời thơ ấy. Vẫn là nước chảy từ một nguồn, nhưng sắc nước và vị nước xem chừng có khác.

Đành rằng, nói đến trường ca là nói đến “cái lịch sử”. Nhưng mỗi nhà trường ca thực sự lớn bao giờ cũng có “cái lịch sử” riêng của mình. Ở Thanh Thảo là gì ? Đó là cái lịch sử thuộc tâm thức Dân. Mà chất Dân Thanh Thảo chính là Lưu Dân. Không phải là hạng dân lưu tán. Lưu Dân đây là những người mở đất và giữ đất. Họ vừa thiên di vừa trụ bám. Họ yêu tự do và trượng nghĩa. Nghĩa khí là hồn cốt của họ. Dù là đám đông hay cá nhân, họ đều là những hào kiệt chân đất. Phải, hào kiệt chân đất mới là mẫu người của lí tưởng thẩm mỹ Thanh Thảo. Mẫu này bàng bạc khắp thế giới nghệ thuật của anh. Dù anh viết về chiến sĩ nay hay nghĩa sĩ xưa, về kẻ sĩ hay nghệ sĩ, lãnh tụ hay thường dân... thì mỗi hình bóng kia chỉ là những hóa thân khác nhau của cùng một mẫu này. Xem thế mới thấy rằng : nay viết về dân tộc Mông, chủ nhân một nền văn hóa kì lạ (nhân sự kiện Vừ Già Pó), hay viết về Võ Văn Kiệt, một lãnh tụ hiếm hoi (người có bí danh Sáu Dân), thì họ đều là những đối tượng thuộc “vỉa ngầm” của mỹ cảm và thi cảm Thanh Thảo cả thôi. Đám mây hình người thợ săn và con chó - cái tên trường ca có thể gây “shock” với nhiều người. Nhưng ai rành văn hóa Mông, sẽ thấy đây là một hình dung độc sáng. Nó ra ngay cái chất của một dân tộc hình thành từ tận đỉnh nhà của thế giới, rồi cưỡi mây lưu tán khắp cả hành tinh cùng con chó cộc đuôi và khẩu súng săn của mình. “Ta đám mây ngũ sắc thiên di”, “lãng đãng bay hình người và chó”. Nó thực là cái tựa của bản trường ca viết về một dân tộc mang bản sắc của mây và đá ruột rà với gió và sương : “sống với nhau đá mọc / thở cùng nhau sương mai / hát đồng ca hẻm núi / hun hút đèo mây bay… chân bấm đá nhịp đầy mê hoặc / người dân ta toàn thân âm nhạc / ngay con dao đeo bên hông / cũng hát”, “Ta không chém gió / mà trần ra cho gió chém mình”. Nó là bản hùng ca về cái chất thiên di và trụ bám của một dân tộc như “Đám mây màu phiêu bạt / thả neo vào chơi vơi” … Có bản trường ca nào của một người Kinh chạm được vào những nét tinh sâu của dân tộc Mông đến vậy chăng ?

Trường ca “Dạ, tôi là Sáu Dân” cũng thế. Té ra, lãnh tụ này cũng thuộc dòng dõi lưu dân. Sáu Dân theo cách cảm nhận của Thanh Thảo là ông “Sáu vì Dân”. Vì dân là chân đế cũng là tầm vóc của một trang hào kiệt chân chính mọi thời đại. Vì dân cũng chính là cốt cách của những hào kiệt chân đất trong thơ Thanh Thảo. Không như ai kia viết về những người đương chức. Thanh Thảo viết về một lãnh tụ đã khuất. Người để lại cả một khoảng trống cho thời đại của mình. Người luôn nặng lòng vì vô cùng thấm thía rằng cuộc thống nhất đất nước “có một triệu người vui thì cũng có cả triệu người buồn”. Người luôn coi dân là Ân Nhân của mình. Người “chỉ muốn làm người tử tế / Không đổ lỗi cho lịch sử”. Người biết “Có khi nụ cười chỉ là tấm rèm cửa / Giấu những khoắt khuya cô cút một mình”. Và hơn thế, người thấy được ý nghĩa thật sự và sâu xa của cái gọi là cách mạng : “Mỗi giọt nước mắt buồn đều làm bật một chồi cây / Và đó là Cách mạng”. Sáu Dân thực là bậc hào kiệt đời nay. Anh muốn đưa ra một mẫu lãnh tụ vốn đang thiếu vắng thời này chăng ? Không hẳn. Cái Tâm ấy, trước hết, là cái cái tâm thuộc về mẫu người lý tưởng mà người nghệ sĩ Thanh Thảo hằng tìm kiếm và tôn thờ. Ông Sáu Dân đây, đơn giản, chỉ là một hiện thân của nó. Thảo nào, người ấy, trong đời thực, anh chỉ gặp có mười lăm giây, mà có thể lưu lại trong đời anh cả một bản trường ca.

Người rành thơ hiện đại đều thấy : trường ca đã làm nên Thanh Thảo; đáp lại, Thanh Thảo cũng làm nên trường ca. Dấn thân vào thể loại này, anh đã được trường ca ghi danh như một tên tuổi lớn. Và anh cũng đã sáng tạo không ngừng để hiện đại hóa thể loại đầy duyên phận với mình. Tôi biết không ít người nệ vào cái vòng khuôn kim cô của thể loại, đã có cái nhìn “dìm hàng” với những cách tân của anh. Song, không thể không nhận rằng : chỉ đến Thanh Thảo, trường ca mới trở nên nhiều dạng vẻ, nhiều kích cỡ và linh hoạt hơn hẳn. Đâu dễ kiếm một nhà trường ca “chơi” được lắm chiêu như thế !

Hai bản này đều thuộc dạng trường ca ngắn của anh. Không nhiều chương khúc theo lối trường thiên. Không triển khai khắc họa quá nhiều nhân vật. Từ chối tuyến sự kiện rườm rà. Từ chối cả tái hiện kĩ những bức tranh lịch sử … Lựa chọn của Thanh Thảo ở đây là tâm trạng. Nó là sử thi trong tâm trạng và là tâm trạng sử thi. Cho nên, nhân vật theo nghĩa thông thường, ở bản trường ca trước, có thể xem là Dân tộc Mông, ở trường ca sau, là Võ Văn Kiệt. Nhưng thực ra, “nhân vật chính” của anh là tâm trạng. Nhân vật ở Đám mây hình người thợ săn và con chó là sự vần vụ của Tâm thức Mông. Tâm thức của một dân tộc cưỡi Mây mà chinh phục Đá. Nên, cả bản trường ca có cấu trúc hình tuyến dong duổi của mây bay. Còn nhân vật trong trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân chính là cái Tâm ông Sáu. Cái Tâm làm sống một con người đã khuất. Một cái tâm vần vụ không yên. Mọi đau đáu, trằn trọc, về những nỗi riêng chung cùng bao điều quốc kế dân sinh cứ như khoan như xoáy. Cấu trúc trường ca, vì thế, khác nào như xoáy nước mà mọi xoay vần đều tụ vào một tâm điểm : vì dân. Chỉ một cái tâm mà đầy tràn cả một bản trường ca. Hồi viết Đêm trên cát, anh cũng từng “chơi” lối này. Nhưng cái tâm bạo động của Cao Bát Quát thì tấu lên trong các chương khúc của một bản xô nát thơ. Còn cái tâm vì dân của ông Sáu Dân đây thì vang lên trong âm hưởng của một bản di nguyện. 

Bởi thế, chẳng phải hai bản trường ca này có thể và đã đem đến một dung mạo khác cho khuôn hình thể loại quen thuộc của trường ca lâu nay sao ?

                                      Vân Sơn Garden, 13.8.2016

ĐỔI MỚI THƠ, KHÓ THAY

                       THANH THẢO

Năm nay chúng ta kỷ niệm 30 năm công cuộc Đổi Mới đất nước, khởi lên từ đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986.

Nhưng nếu chúng ta muốn kỷ niệm mấy chục năm đổi mới văn học hay đổi mới thơ, thì cái này lại rất khó. Vì, đổi mới văn học không thể cùng lúc với đổi mới chính trị-xã hội. Nó có thể đến trước hoặc đến sau công cuộc Đổi Mới viết hoa này. Tôi còn nhớ, năm 1982 tôi viết trường ca Đêm trên cát về “một đêm của nhà thơ Cao Bá Quát”. Sau này nhiều người nói tôi viết trường ca ấy “báo trước đổi mới”. Thực ra, tôi có biết gì sự nghiệp Đổi Mới được khởi lên mãi 4 năm sau, năm 1986, để viết “báo trước” cơ chứ? Tôi chỉ viết, thế thôi. Và tôi nghĩ, có lẽ các nhà thơ nhà văn khác cũng vậy. Nếu ai cao giọng nói mình viết tác phẩm đổi mới “cùng Đổi Mới của đất nước” thì hãy nghe một tai thôi, vì có thể “nói zậy mà không phải zậy” đâu à! Văn học đúng là có khả năng tiên báo, nhưng vì lĩnh vực văn học tiên báo nó rộng quá, nên thật khó để nói văn học có thể tiên báo những gì cụ thể. Khi tôi viết Đêm trên cát không khí trong tác phẩm đúng là bức bối, ngột ngạt, nhưng nó thuộc về thế kỷ thứ 19, nên cũng không rõ thế nào. Có thể nó liên hệ với cái bức bối ngột ngạt của “đêm trước Đổi Mới” chăng? Tôi đâu có biết. Nhưng tôi biết, chính công cuộc Đổi Mới của đất nước đã khiến nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam bắt đầu nghĩ khác và viết khác. Nghĩ khác, thì có thể họ đã nghĩ ra từ trước Đổi Mới khá lâu. Nhưng viết khác, thì đúng là từ 1986 về sau, chúng ta mới được đọc nhiều tác phẩm văn học sau này được xếp vào “văn học thời kỳ Đổi Mới”.

Riêng về thơ, thì do tính nhạy cảm đặc biệt của thể loại văn học này, nên thơ Việt Nam đã hưởng ứng công cuộc Đổi Mới một cách vừa nhanh nhẹn vừa tháo vát, đúng phong cách một anh lính trang bị vũ khí nhẹ nhưng luôn được xung phong lên trước. Nhưng đổi mới một số bài thơ, một số bút ký, một số truyện ngắn thì chưa phải là đổi mới văn học. Đó là cuộc đổi mới không viết hoa nhưng lại cần rất nhiều thời gian, cần trải nghiệm, cần tích chứa, cần va chạm, cần cả đổ vỡ, để có thể ra đời những tác phẩm văn học. Và cũng rất cần không khí chính trị-xã hội, cần sự chấp nhận ở mức độ nào đó, cần cả những điều kiện vật chất cũng ở mức độ nào đó, để có thể ra đời tác phẩm. Với thơ, có lẽ không cần nhiều thứ đến như vậy, nhưng vẫn cần, kể cả cần những rào cản. Chẳng phải, nhờ có những rào cản thời Liên Xô mà Boris Pasternak phải liên tục “vượt qua các rào cản” để tác phẩm của ông bây giờ trở thành kinh điển. Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn - nhà văn Nga được cho là báo trước thời đại “hậu Staline” - nhận giải Nobel Văn học năm 1970, còn trước đó một con giáp, năm 1958 Boris Pasternak được trao giải Nobel nhưng ông không nhận vì không muốn rời xa tổ quốc mình. Pasternak đã “chấp nhận thương đau” nhưng không vì thế mà văn học thế giới thiếu vắng một nhà thơ thiên tài và một nhà văn kiệt xuất. Mãi tới thời “glasnoc” và “perestroika” thì Liên Xô mới thực sự Đổi Mới, nhưng trước đó rất lâu văn học Nga đã có hai cây đại thụ là Pasternak và Solzhenitsyn, và phải kể ngay tới Iosif Brodsky - nhà thơ Nga thiên tài cũng được giải Nobel năm 1987, người đã coi mình như may mắn được sống sót của thế hệ mình, khi đọc diễn từ Nobel tại Stockholm: “Nhưng không phải toàn bộ thế hệ ấy đã bị thiêu hủy, chí ít ra là ở nước Nga - thì ở đây lại là công lao của thế hệ tôi, để hôm nay tôi còn được xuất hiện ở nơi đây. Chỉ riêng việc tôi được đứng đây bây giờ trước quý vị chính là sự thừa nhận công lao ấy đối với văn hóa nói chung, văn hóa thế giới nói riêng…”.

Thì ra, đổi mới thơ không chỉ là đổi mới thơ, mà còn góp phần đổi mới văn hóa nói chung. Vì thế, không thể ngày một ngày hai, không thể vội vã. Với văn xuôi cũng vậy.

Với thơ, cái khó nhất để thay đổi, hay để đổi mới, chính là thi pháp. Không đổi mới được thi pháp thì coi như chưa đổi mới được thơ. Từ sau năm 1986, nhất là từ thập niên 90 của thế kỷ 20, qua 15 năm của thế kỷ 21, thơ Việt Nam đã tự đổi mới được nhiều. Sáng tác văn học là sự nghiệp của cá nhân, mỗi nhà văn nhà thơ hoàn toàn chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình. Vì vậy, sự đổi mới cũng phải bắt đầu từ cá nhân nhà văn hay nhà thơ, chứ không có chuyện “đổi mới theo phong trào”. Nếu nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đưa ra được những mới lạ về thi pháp từ Sự mất ngủ của lửa được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993, thì sau đó, không ít nhà thơ trẻ đã làm thơ “theo kiểu Nguyễn Quang Thiều”. Nhưng bây giờ cũng chỉ Nguyễn Quang Thiều còn lại. Vì thơ không bao giờ chấp nhận phong trào, không chấp nhận phiên bản, không chấp nhận cả sự ồn ào thiếu tinh chất. Nếu tính về số lượng, thì những nhà thơ “sau Đổi Mới” đông gấp trăm lần những nhà thơ “trước Đổi Mới”. Nhưng thơ tính chất lượng chứ không tính số lượng. Và một số nhà thơ trẻ “sau Đổi Mới” đã thể hiện được “chất lượng mới” của thơ mình. Đó mới là điều căn bản.

Người ta nói bây giờ các nhà thơ trẻ viết nhiều về tâm trạng cá nhân mà ít quan tâm tới thời cuộc, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Một số nhà thơ nổi trội trong những năm gần đây viết về rất nhiều mảng đề tài khác nhau. Họ quan tâm tới thời cuộc nhiều hơn chúng ta tưởng. Nhưng họ bắt đầu đề tài thời cuộc từ tâm trạng cá nhân. Đó là điều khác biệt với nhiều nhà thơ lớp trước họ. Thơ họ không còn là thơ tuyên truyền, kể cả tuyên truyền bảo vệ môi trường, mà nó là thơ tâm trạng. Có thể tâm trạng trước thời cuộc, có thể tâm trạng trước tình yêu hay sự thất vọng. Có thể tâm trạng trước một cái cây vừa bị đốn chặt tại Hà Nội, hay tâm trạng về những con cá chết tại Vũng Áng Hà Tĩnh. Nó gay gắt hơn, nhọn sắc hơn, thậm chí trắng trợn hơn thơ của lớp nhà thơ “trước Đổi Mới”. Điều đó có thể không mới với thơ thế giới, nhưng mới với thơ Việt Nam. Tôi nghĩ, như thế cũng là đổi mới. Sự “cởi trói” nào đó trong văn học được nói tới nhiều nhưng tôi chưa kịp nhận ra. Từ ngày có cao trào Đổi Mới. Nhưng tôi nhận ra ngay những tác phẩm nào thuộc “dòng đổi mới”. Ở đây là đổi mới văn học, chứ không đơn thuần đổi mới đề tài hay quan điểm chính trị. Có một nhà thơ trẻ (bây giờ đã sồn sồn) là Đinh Thị Như Thúy, thơ chị đã lặng lẽ đổi mới về thi pháp, nhưng vẫn lặng lẽ giữ vững hồn cốt tâm hồn Việt. Có một nhà thơ nữ khác là Nguyễn Thúy Quỳnh, tôi cứ tưởng chị còn trẻ, nhưng năm nay đã ngót 50 rồi. Thơ Thúy Quỳnh cũng lặng lẽ đổi mới về thi pháp, và lặng lẽ hướng về nhân dân, hướng về những người nghèo, những người “đi bên lề” trong xã hội hôm nay. Còn những nhà thơ trẻ hơn mà tôi không thể kể hết tên, nhưng đọc thơ họ thấy khác hẳn thơ của những nhà thơ lớp trước. Đó là điều tự nhiên, không có gì đáng buồn hay đáng vui. Vì cuộc sống luôn luôn phát triển, và đổi mới văn học là nhu cầu tự thân.

Có điều, văn học chỉ chấp nhận và dung hợp những tài năng, còn thì mọi sự coi như Nguyễn Du từng nói “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Có thể Nguyễn Du khiêm nhường, có thể Nguyễn Du kiêu ngạo, nhưng câu thơ ông nói về những mất mát hiển nhiên trong văn học, trong thơ. Đổi mới là đương nhiên, nhưng để còn lại, đó mới là điều quan trọng. Và cực khó. Có những nhà thơ chả đổi mới gì cả, nhưng thơ họ còn lại. Tôi nghĩ trong số đó, có thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Nói vậy chứ “không phải zậy”, vì thơ Nguyễn Khoa Điềm những năm sau này cũng đã tự đổi mới rất nhiều, so với Mặt đường khát vọng.

Với thơ, không ai nói trước được điều gì. Nhưng có lẽ, văn học, trong đó có thơ, phải cảm ơn công cuộc Đổi Mới. Vì từ đó, văn học Việt Nam đã khởi sắc. Cũng từ đó, thơ ca Việt Nam xuất hiện hàng loạt nhà thơ trẻ với cách viết mới, cảm nhận mới, tư duy khác, và cách đưa thơ mình tiếp cận công chúng cũng khác. Họ còn rất nhiều thời gian trước mặt, để thay đổi cũng như để khẳng định thơ mình. Cái họ còn mà lớp nhà thơ như chúng tôi không còn, đó là tuổi trẻ. Bây giờ có muốn trở lại thời tuổi trẻ để… chơi cho sướng, cũng không được nữa. Nhiều người trong thế hệ chúng tôi đã mất, nhiều người lâm trọng bệnh. Nhưng thơ chỉ là thơ, nó khắc nghiệt tới mức có vẻ như không quan tâm gì tới số phận nhà thơ, mà chỉ lạnh lùng xét thơ của họ: còn hay mất. Thế thôi. Vì thế, với thơ, phải hết sức bình tĩnh. Mọi sự sốt ruột đều vô ích. Đổi mới không phải là sốt ruột. Nhất là đổi mới thơ.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *