Bế mạc Hội nghị “Văn học-30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển”
TRIỂN KHAI NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY
Sau 2 ngày làm việc tích cực và sôi nổi, với 4 hội nghị chuyên ngành và 2 phiên hội nghị toàn thể, chiều 25-6-2016, Hội nghị Lý luận, phê bình văn học lần thứ IX chủ đề “Văn học-30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã thành công tốt đẹp.
Trong phiên thảo luận chiều 25-6, đã có 15 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận-phê bình văn học (LL-PBVH) đăng ký phát biểu trực tiếp với tinh thần đối thoại dân chủ, trách nhiệm và tâm huyết về những vấn đề thời sự trong đời sống văn học hiện nay và kiến nghị những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu ra trong các phiên thảo luận trước đó.
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu bế mạc Hội thảo
Phát biểu bế mạc hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt đoàn chủ tọa đã kết luận nêu bật những thành tựu của văn học nước nhà trong 30 năm đổi mới. Đáng chú ý là: Công cuộc đổi mới đã giải phóng tiềm năng sáng tạo của các nhà văn trong một không gian văn hóa mở; chấp nhận mọi đề tài, mọi sự tìm tòi thể nghiệm; thừa nhận và tôn trọng cá tính sáng tạo cũng như “cái tôi” cá nhân của người nghệ sĩ. Theo đó, dưới góc độ LL-PBVH, nhiều giá trị đã bị vượt qua; nền văn học đã được hiện đại thêm một bước; xuất hiện nhiều giọng điệu mới; văn học thật hơn và gần với đời sống hơn. Đó là những kết quả nổi bật của văn học đổi mới, một quá trình tự thân của văn học 30 năm qua, không vì một áp lực nào.
Tuy nhiên, văn học đổi mới vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần được nhìn nhận cầu thị và khách quan. Trong đó nổi cộm nhất của LL-PBVH là tầm bao quát chưa hết, chưa sâu, chưa quan tâm hết sáng tác của các nhà văn đương thời. Ngay sau hội nghị này, Hội Nhà văn cùng đội ngũ nhà văn, nhà LL-PBVH trong cả nước sớm bắt tay thực hiện 16 “đầu việc” cấp thiết. Trong đó có những việc cần làm ngay, như: “Đặt hàng” một số đề tài nghiên cứu về bản chất đổi mới văn học; Tổ chức tọa đàm về “phê bình báo chí”; xúc tiến hội nghị văn học về hòa hợp dân tộc; Cải cách qui chế xét và trao giải thưởng văn học cũng như hoạt động đầu tư sáng tác; Đẩy mạnh hoạt động quảng bá văn học Việt Nam; Kiến nghị sửa đổi qui chế xét tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT; Tổ chức Hội nghị văn học trẻ tháng 8-2016 và chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017).
Tin: TUYÊN HÓA
Ảnh: HỮU ĐỐ