TIN VĂN NGHỆ KHẮP NƠI
Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
Ngày 21-7-2016, Đảng đoàn Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị cán bộ, hội viên học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ban lãnh đạo Đảng đoàn Hội, các Ủy viên BCH Hội, Chi hội Trưởng các Chi hội chuyên ngành, các văn nghệ sỹ tiêu biểu thuộc 9 chuyên ngành VHNT và toàn thể cán bộ, đảng viên cơ quan thường trực Hội đã tham dự Hội nghị.
Các đại biểu đã được nghe đồng chí Nông Thụy Sỹ- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo cáo viên Trung ương truyền đạt 12 vấn đề tổng quan, căn cốt nhất của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; phân tích chủ đề Đại hội; đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; nhìn lại 30 năm đổi mới và mục tiêu, động lực phát triển đất nước 5 năm tới; 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 mục tiêu cơ bản phát triển đất nước trong giai đoạn mới; phương hướng đổi mới căn bản và toàn diện về phát triển khoa học công nghệ gắn với phát triển nguồn nhân lực, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ XHCN, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; Định hướng Văn hóa- giáo dục, quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, an sinh xã hội; đẩy mạnh xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng, an ninh; vấn đề đối ngoại; vấn đề Tôn giáo và những điểm mới trong công tác Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Thi- Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái nhấn mạnh, trên cơ sở nội dung Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái sẽ xây dựng thành các Nghị quyết chuyên đề, thực hiện triển khai thông qua các định hướng, mục tiêu, giải pháp cụ thể trong hoạt động sáng tạo VHNT tới toàn thể đảng viên, cán bộ và hội viên của Hội, đồng thời tích cực tuyên truyền nội dung Nghị quyết trên các ấn phẩm VHNT của Hội, góp phần nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống.
(Theo vanhocnghethuatyenbai.gov.vn)
Lễ ra mắt sách và tưởng nhớ nhà thơ trẻ Hoa Níp
Sáng 22-7-2016, tại trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM đã diễn ra Lễ ra mắt sách và tưởng nhớ nhà thơ Hoa Níp do Ban Nhà văn trẻ tổ chức. Gia đình, người thân và đông đảo bạn văn, bạn đọc yêu quý nhà thơ trẻ tài hoa đoản mệnh đã đến tham dự. Một cuộc hội ngộ xúc động với nhiều nỗi niềm đã được chia sẻ về con người và tác phẩm của Hoa Níp.
Đến dự có các thành viên trong BCH Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh; Đại diện Hội VHNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi nhà thơ Hoa Níp là hội viên. Đặc biệt, đông đảo bạn văn, bạn đọc không chỉ ở TP.HCM mà còn từ Hà Nội, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ… đã về tham dự.
Chương trình bắt đầu bằng một phút mặc niệm tưởng nhớ nhà thơ Hoa Níp. Nhiều dòng nước mắt xót xa thương tiếc anh đã rơi trong khán phòng. Nhà văn Trần Nhã Thuỵ đã trình bày quá trình thực hiện 2 tác phẩm từ di cảo của Hoa Níp: tập thơ Bao giờ đến được cánh đồng và tập truyện ngắn Nàng là nước Mỹ. Đây là nghĩa cử đẹp của các bạn văn trẻ dành cho Hoa Níp, một người sinh thời gắn bó nhiệt tình trong mọi hoạt động của Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Hai tập sách được hình thành nhờ sự hỗ trợ đóng góp kinh phí của Hội VHNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quỹ Tình thơ và một số nhà thơ, nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ như: Phan Huyền Thư, Hoàng A Sáng, Nguyễn Một, Phùng Hiệu, Phạm Phương Lan, Minh Đan, Nguyễn Hoàng Hải, Đoàn Đại Trí… cùng sự đóng góp công sức về tranh bài, thiết kế, in ấn của Nguyễn Quang Thiều, Trần Đức Tiến, Trung Dũng, Nguyễn Sơn, Trần Trung Lĩnh, Vũ Thanh Hoa, Ngô Thuý Nga, Trần Huy Minh Phương, Quách Thị Ngọc Thiện… NXB Hội Nhà văn cấp phép hoàn toàn miễn phí. Hai tác phẩm được tổ chức in ấn gấp rút chỉ trong một thời gian ngắn cho kịp lễ chung thất 49 ngày của nhà thơ Hoa Níp.
Nhà văn Trần Văn Tuấn thay mặt lãnh đạo Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cảm ơn sự nỗ lực kịp thời xuất bản sách Hoa Níp của Ban Nhà văn trẻ, cũng như những tấm lòng bạn bè dành cho nhà thơ trẻ. Dù chưa phải hội viên nhưng Hoa Níp đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động văn học trẻ của Hội, đồng thời anh cũng là cây bút được đặt nhiều kỳ vọng. Vì vậy, sự ra đi của nhà thơ trẻ Hoa Níp là tổn thất không nhỏ của Hội. Nhà văn Trần Văn Tuấn cũng chia sẻ nỗi đau mất mát lớn với song thân và gia đình Hoa Níp.
Nhà phê bình Ngô Thảo, Nhà thơ Lê Thị Kim cùng nhiều nhà văn, nhà thơ như Triệu Từ Truyền, Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Trí, Phùng Hiệu, Trần Huy Minh Phương, Minh Đan, Bùi Đế Yên… đã phát biểu ý kiến về con người và tác phẩm của nhà thơ trẻ Hoa Níp. Mọi người đều đau lòng trước sự ra đi đột ngột quá sớm của anh, thương tiếc một tài năng văn học say mê sáng tạo và luôn hướng trang viết của mình về số phận con người, quê hương đất nước. Thế nhưng từ nhân cách sống của Hoa Níp, thể hiện qua những nghĩa cử bạn bè đồng nghiệp dành cho anh, đặc biệt là việc xuất bản 2 tập sách và tổ chức ra mắt, tưởng nhớ anh của Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã gửi đi một thông điệp: Các nhà văn cần sống tình nghĩa với nhau, nâng đỡ nhau thì may ra mới có thể để lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời.
Tại buổi lễ, hai tác phẩm của Hoa Níp đã tiếp tục được nhiều người mua ủng hộ. Nhà giáo Trần Quang Vinh-thân sinh của nhà thơ Hoa Níp-đã thay mặt gia đình tri ân tấm chân tình của mọi người dành cho con trai mình. Nhà giáo Trần Quang Vinh đề nghị chuyển toàn bộ số tiền gần 10 triệu đồng bán sách của Hoa Níp cho Quỹ Văn trẻ của Ban Nhà văn trẻ. Đồng thời, ông cũng ủng hộ thêm 5 triệu đồng cho quỹ để hỗ trợ những cây bút trẻ khó khăn trong việc in ấn tác phẩm. Nhà văn Trần Nhã Thuỵ đã thay mặt Ban Nhà văn trẻ nhận tiền và cảm ơn nghĩa cử của nhà giáo Trần Quang Vinh cùng gia đình.
(Theo nhavantphcm.com.vn)
Hà Tĩnh hát hiện cuốn sách cổ 163 năm
Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân-Hà Tĩnh) vừa phát hiện cuốn sách cổ có niên đại 163 năm trước, liên quan đến đến dòng họ Nguyễn - Tiên Điền.
Cuốn sách cổ "Tiên Điền xã tân khoa văn, bản huyện lịch khoa hoàng bảng tiên đạt liệt vị tiên sinh và văn cúng, văn thức" của xã Tiên Điền (Nghi Xuân) được viết bằng chữ Hán cổ trên chất liệu giấy dó, khổ 22.5 x 26.5 cm, dày 140 trang còn khá nguyên vẹn. Sách được chép từ năm Nhâm Tý (1852), triều vua Tự Đức thứ 5. Nội dung chia làm 3 phần: Phần thứ nhất nói về thuyết ngũ hành; phần thứ hai mô tả và vẽ sơ đồ một số ngôi mộ tổ ở Bắc Ninh (Võ Gia huyện - Nguyễn Nhân Duy tổ mộ trung Trạng nguyên Bắc Ninh, Bắc Ninh - Nguyễn Đăng Đạo tổ mộ Trạng nguyên, Bắc Ninh - Nguyễn Cộng tổ mộ trung Thám hóa), Hải Dương (Hải Dương - Chí Lính huyện, Ngô Đình tổ mộ trung Trạng nguyên, Hải Dương - Thanh Lâm huyện, Võ (Vũ) Dương tổ mộ trung Trạng nguyên); Hà Nội (Hà Nội - Thanh Trì huyện, Nguyễn tộc tổ mộ đăng lang dưỡng thập nhị nhân); Hưng Yên ( Hưng Yên - Bình dân xã Nguyễn Dưỡng Đạo tổ, địa trung Thám hoa)... Phần thứ ba ghi nhiều địa danh và có vẽ một số bản đồ (chi đồ) cùng những luận bàn về nội dung thuyết ngũ hành được ghi ở phần thứ nhất.
Cuốn sách trên đây được phát hiện trên địa bàn xã Tiên Điền (Nghi Xuân-Hà Tĩnh). Đây là di sản Hán - Nôm độc đáo và quý hiếm, sẽ cung cấp nhiều tư liệu quý nhằm phục vụ công tác phục dựng về di tích, về các lễ nghi tại Văn thánh xã Tiên Điền. Hiện nay cuốn sách được Ban Quản lý Khu di tích Nguyễn Du phối hợp với Câu lạc bộ Hán - Nôm Nghệ An khảo cứu, sưu tầm và chuyển về bảo quản tại kho tư liệu của Khu di tích Nguyễn Du để phục vụ công tác nghiên cứu.
(Theo tapchisonghuong.com.vn)
TUYÊN HÓA tổng hợp