TIẾN TỚI HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ 2016: RA VƯỜN NHẶT NẮNG VÀ GIỌT SƯƠNG THƠ THIẾU NHI
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Tôi chắc, những cô bác Thạch Lam, Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Duyên Anh, Xuân Quỳnh… sống lại, hay các cô chú Định Hải, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Nhật Ánh, Dương Thuấn… nếu mở sách, hẳn cũng khó phanh được niềm hân hoan này.
Tôi có nhác nghĩ, Ra vườn nhặt nắng chào đời sẽ tống khứ những thứ như “Quà cho con” (đang gây ầm ĩ) vào kho phế liệu của thơ. Nhưng, thấy không đành. Đâu cần làm cái việc rỗi hơi ấy. Ra vườn nhặt nắng còn bận những việc xứng đáng hơn : làm tươi trong lại hồn người và tươi trong lại thế giới này.
Chả biết do tay phù thủy nào hù, mà thơ thiếu nhi của ta suốt cả thời (còn chưa qua) này cứ già ngay từ lúc… hoài thai. Nhan nhản là hai dạng : bé viết thì rặt những là “cụ non”, lớn viết thì tinh “cưa sừng làm nghé”. Chả mấy bài không chềnh ềnh cái bục giáo huấn. Chưa đặt bút đã nhăm nhăm xem chỗ nào đây có thể nhét được những giáo điều. Đất sống từng bài thì huấn thị cứ chiếm sạch, thơ cứ bị chèn ép, bần cùng hóa, rồi tha hóa thành vè. Ấy là thứ thơ răn dạy trẻ (cực đoan, là thơ lên lớp trẻ). Đọc, thấy hắc vị dạy nhạt vị thơ. Thơ thế làm sao bảo trẻ không ngán được chứ !
Thơ thứ thiệt cho trẻ vốn là dạng đồng dao. Đồng dao là bài hát gắn với trò chơi. Hát để chơi. Và hát mà chơi. Chẳng thế sao ? Vừa hát vừa bày trò, là chơi. Hát nhung nhăng cốt để dẫn trò, là chơi. Hát làm nền nhạc cho trò, là chơi. Và, lang thang trong vần điệu, là chơi. Lang bang trong tiết tấu, là chơi. Lông bông trong liên tưởng, là chơi. Phiêu lưu trong tưởng tượng, là chơi. Tinh nghịch, đùa giỡn trong chữ nghĩa, là chơi. Trêu tròng, quậy quấy trong giọng điệu, là chơi… Thơ phải là cuộc chơi hồn nhiên của mỹ cảm. Lời thì thỏ thẻ. Hình thì tung tăng. Giọng thì ru rín. Ý thì ẩn nấp trốn tìm. Mỗi bài một sân chơi. Mỗi tứ một trò vui. Hay, trước hết, phải vui, phải thú, phải chơi đã. Có dạy, thì cũng dạy ít chơi nhiều, vừa dạy vừa chơi, dạy ẩn trong chơi. Ấy là thơ chơi cùng trẻ. Thơ mà chơi, chơi mà thơ. Mất chất trò chơi, nó hết còn là nó. Chơi cho vui, cho đẹp, tự nó đã làm giàu chất nhân văn. Đâu phải cứ nhồi chặt các giáo lí vào mới là giáo dục. Chả chịu chơi, chỉ những nhăm nhe dạy, dạy, dạy, có đến giời cũng chả thích được, nữa là trẻ.
Nhưng, dịch chuyển từ thơ răn dạy trẻ sang thơ chơi cùng trẻ tưởng dễ đấy a ? Còn lâu. Không có được mỹ học của ngộ nghĩnh, mỹ học ấu nhi, thì đừng có mơ. Ngộ nghĩnh chính là giọt sương thơ, giọt mắt thơ. “Giọt sương đầu chiếc lá / Ai cũng thấy lung linh / Nhưng chỉ trong mắt bé / Mới có cả hành tinh”. Chỉ trong giọt sương ấy, thế giới mới mang vẻ đẹp ấu nhi, ấy là vẻ ngây ngô mà ý vị. Không phải thứ ngây ngô ấu trĩ dạng ngô nghê. Cũng không phải thứ giả ngây giả ngô kiểu chồn giả thỏ. Ngây ngô mà ý vị là chất thơ tinh ròng của sự sống này. Nó vô ý mà hữu ý. Nó vô tư mà hữu tình. Cứ hồn nhiên nhi nhiên mà dạt dào ý vị. “Ông ra vườn nhặt nắng / Tha thẩn suốt buổi chiều / Ông không còn trí nhớ / Ông chỉ còn tình yêu // Bé khẽ mang chiếc lá / Đặt vào vệt nắng vàng / Ông nhặt lên chiếc nắng / Quẫy nhẹ, mùa thu sang”. Không nhìn bằng giọt sương, làm sao thấy ra “chiếc nắng”, làm sao thấy ra trong nó mùa thu ẩn mình, rồi khi chiếc nắng vừa quẫy nhẹ, mùa thu liền quẫy mình bơi sang ? Chỉ ai còn nguyên một đứa bé trong mình mới còn giọt sương đó. Ai thực lòng chơi cùng trẻ, thì may ra, giọt sương ấy nán lại. Còn hễ toan dạy dỗ, giọt sương ấy bốc hơi ngay. Bốc hơi rồi, mà vẫn cố tình làm thơ, thì chỉ được thứ quà quá đát cho con thôi. Ấy là khi những toan tính của đầu óc duy lí, vị lợi hòng chế ra sự ngây ngô. Thì cái nó làm được chỉ có thể là thứ ngây ngô dỏm, thứ thơ ngọng, thơ nhái trẻ. Cái lí cằn làm sao đóng thế được giọt sương !
*
Một giọt sương như thế, dường như, vẫn yên nguyên trong Nguyễn Thế Hoàng Linh. Nó giúp cậu ra vườn nhặt nắng. Giúp cậu xây được hành tinh của riêng mình : hành tinh trong một giọt sương. Bước vào đây là bước vào một thế giới quen thuộc nhưng tất cả đã được làm trong lại. Tất cả hoa lá, cây cỏ, con đường, ô cửa, cánh bướm, cánh cam, châu chấu, bọ dừa, cá voi, khủng long, cái nóng, cơn mưa, lời ru, lời hát… đều ngước mắt nhìn bé bằng cái nhìn của giọt sương.
Ấy là giọt sương lên sáu. Đọng giọt từ thủơ u ơ, nhưng chỉ thật long lanh khi vừa lên sáu. Cái tuổi lo do đến lớp với mẹ đưa, bố đón, ông dắt, bà kèm, đi xe bus, gặp tắc đường, học chữ cái, học tính đếm, tập thể dục, ra bể bơi, vầy chậu tắm, đóng siêu nhân, hù quái vật, thỉnh thoảng đôi co, và cả … bị bắt nạt nữa. Lên sáu của thời @, nên bé thơ đây cũng sớm tung tăng với các trò : nhảy hip hop, hát rock, khiển robot, chơi facebook, tra google,... sớm tung tẩy với các từ tiếng Anh : good, love, like, afternoon, is, in, hot … Theo chân bé ra vườn nhặt nắng, từng thứ hiện đại mà thân gần này chỉ cần quẫy nhẹ, thế là thành trò, thế là thành thơ.
Thế giới trong giọt sương lên sáu ấy còn lung linh nhờ lối liên tưởng, tưởng tượng ngây ngô nở ra bao thi ảnh ngộ ơi là ngộ : que kem khóc nhè, ông mặt trời bị ốm, khủng long lót đệm vào chân, gõ kiến đeo cao su vào mỏ, chú gián bị sâu răng, chú dế mèn hát rock, nước cũng là nôi, mùa hè là chó nhỏ, vườn cây hát bè, cây bàng đứng tè, cây bàng bị giột, cái chậu đẹp trai… hay “Bát sứ là buồm trắng / Đũa là những mái chèo / Bát to ôm bát nhỏ / Là thuyền mang thuyền theo / Thìa nhỏ là thủy thủ / Thuyền trưởng là thìa to / Muôi là con bạch tuộc … Đĩa là tàu cướp biển / Sắp bắn nhau pằng pằng” , “Yêu thương là đốm nắng vàng / Trên lưng chú chó lang thang chiều hè”…
Và, Ra vườn nhặt nắng chắc chả trong veo đến thế, nếu thiếu một ngôn ngữ ấu nhi. Đó là thứ ngôn ngữ dỗ dành của một bé thơ tốt bụng và hoạt ngôn. Dù ở vai nào, đã ra vườn nhặt nắng, người thơ đều chỉ dùng ngôn ngữ ấy thôi. Mà dỗ dành thì có bao nhiêu là cách. Cả nói tếu, nói buông, cả nói tròng, nói quấy, nói nhung nhăng nữa. Thì cốt cho nhau vui, cho nhau nín, để cùng khoái chí mà. Lắm lúc đến là bất ngờ, đố ai không tủm tỉm : “Mỗi một ngày dậy sớm / Là một ngày dài hơn / Mỗi một tuần dậy sớm / Là tuần lễ xanh rờn // Mỗi một tháng dậy sớm / Là vài ngày dài ra / Mỗi một năm dạy sớm / Bạn là quái vật à ?”, “Người ở xa bé tí / Như là người ở xa / Người ở gần thật là / To như người ở cạnh”, “Buổi chiều dài hơn buổi sáng / Người ta mới nói “chiều dài”/ Rồi lại nói thêm “chiều rộng” / Của hình chữ nhật đẹp trai”, “Mùa hè là của ai nào ? / Của ai sắp sửa bước vào mùa thu”, “Ai thích học bài cho xong / Ai thích bài học vì mong học bài”…
Ấy là hành tinh ngộ nghĩnh mang thương hiệu Nguyễn Thế Hoàng Linh.
*
Nhưng, giọt long lanh kia chỉ đơn thuần là giọt mắt thôi sao ? Không. Cũng là giọt lòng mà. Nó chính là giọt trong vắt của yêu thương. Chính phép màu của yêu thương đã thu hành tinh vào trong giọt sương đó. Chẳng thế ư ? Này nhé, yêu thuộc tâm hồn, thương thuộc lòng trắc ẩn. Tâm hồn thì nâng niu cái đẹp, trắc ẩn thì sẻ chia nỗi khổ. Chẳng phải mọi chất thơ trên đời đều được khơi nguồn từ những tương tác ấy ư ? Chẳng phải mọi sinh linh trong thế giới này, dù nhỏ nhoi đến đâu hay lớn lao đến mấy, đều có những lấp lánh đáng nâng niu, những âm u cần chia sẻ ư ? Nghĩa là ai ai cũng cần tới yêu thương. Và, gốc yêu thương có bền mới nên người tử tế. Yêu thương tạo ra mọi kì diệu cả trong cuộc đời và trong nghệ thuật. Thơ văn sẽ chẳng là gì, nếu không phải là sự cất tiếng của yêu thương để bồi đắp cái gốc yêu thương cho con người.
Tất nhiên, yêu thương con trẻ bao giờ cũng là những giọt trong nhất. Trong con mắt phiền phức của người lớn, thế giới có thể bị phân lập thành các phạm trù gay gắt : Thiện - Ác, Chính - Tà, Tốt - Xấu, Đẹp - Xấu, Yêu - Ghét, Thương - Căm... Còn trong giọt sương thơ ấu, thế giới bao giờ cũng hiền hòa hơn. Một thế giới mới chia thành Ngoan - Hư thôi. Một hành tinh chỉ xây cất bằng loại vật liệu nhẹ này thôi : cái đáng yêu thương và cái cần chê trách. Thế nên, trong hành tinh ấu nhi, tất tật đều dịu dàng, êm ái hơn. Cưng nựng cần hơn chỉ chích. Ru vỗ cần hơn đả kích. Nâng niu cần hơn phá phách. Nếu phải chê, cũng không nỡ nặng lời. Dường như đó là những bí mật bậc nhất của mỹ học ấu nhi. Cũng là quyền năng thuộc phần trong vắt của yêu thương. Mỗi giọt sương mới hiện trên thi đàn là một vẻ mới của yêu thương được khám phá, là cõi bờ yêu thương được mở mang. Ngoan nhân lên thì Hư giảm bớt. Đáng yêu lan tỏa đến đâu, đáng chê hẹp dần đến đấy. Thế giới này, nhờ đó, mỗi ngày được làm sáng, làm trong, làm mới.
Độ trong nào của giọt sương đã giúp Ra vườn nhặt nắng mở rộng thêm biên giới cho yêu thương ? Đó là một tinh thần khoan dung mới, một niềm thân ái mới. To tát ư ? Không đâu. Đơn giản vì, khoan dung trước tiên chưa phải tha thứ hay tha bổng cho ai. Mà là mở rộng lòng cho yêu thương vỗ sóng. Này nhé, yêu cái đáng yêu, chỉ cần lòng yêu cũ. Còn yêu được cái khó yêu thì cần phải có khoan dung. Nhờ khoan dung mà một miền mới, một cách mới của yêu thương được mở ra. Và, đó là lòng yêu mới.
Nếu cái nóng bức mùa hè vẫn làm bé khó chịu, vẫn bị xem là đáng ghét, thì trong giọt sương của Linh, nóng lại đáng thích, đáng yêu : “Bạn có biết mùa hè / Thích nhất là cái nóng / Nó làm đổ mồ hôi / Và làn da căng bóng // Mùa hè làm cho sóng / Dát vàng giữa biển xanh / Mùa hè làm cho canh / Ăn mát ơi là mát // Mùa hè làm tiếng hát / Hào hứng khỏe mạnh hơn / Mùa hè sẽ cô đơn / Nếu như ta sợ nó // Mùa hè như chó nhỏ / Tung tăng ở quanh ta / Bạn là mùa hè à ? / Quệt mồ hôi, chào bạn”. Mê facebook bị xem là điều dở, thì trong giọt sương này, nó lại là điều hay : “Bà hay vào Facebook / Bố mẹ cũng hay vào / Cô chú và các bác / Cũng chả thiếu người nào // Em giận mọi người lắm / Ít thời gian cho em / Mà lại yêu Facebook / Hơn trẻ nhỏ yêu kem // Nhưng bé ơi đâu biết / Mình được mọi người yêu / Hàng ngày ảnh của bé / Thu về like rất nhiều”. Hiệu lệnh phát lung tung vốn bị xem là đáng chán. Thì ở đây, không sao cả, vẫn đáng yêu như thường. Tất nhiên, đáng yêu theo một cách khác : “Ai đã từng 9 tuổi / Thì xin mời giơ tay / Ai đã từng 6 tuổi / Giơ tay cũng được này / Ai chưa từng 6 tuổi / Cũng xin mời giơ tay / Giơ tay là thể dục / Như với cánh chim bay”. Tinh thần khoan dung ấy rải nắng khắp cả tập thơ, khiến đâu đâu cũng gặp ánh sáng của độ lượng, khoan hòa, thân ái : “Ngón cái thi thoảng cộng sai / Nhưng các ngón khác không ai trách gì”. “Không dừng cũng không sao cả”, “Và đâu trách câu nào”…
Đó không phải lối nói ngược với thói thường để độc đáo, lập dị. Cũng không phải thỏa hiệp với khuyết nhược để xuê xoa. Mà là tìm ra ở đó nét đáng yêu khác. Nghĩa là tiếp cận cuộc đời này trên một quan niệm về giá trị khác. Không lấy việc giáo huấn trẻ tuân theo những giáo điều cứng nhắc làm trọng. Mà nâng niu niềm khoan dung hồn hậu mới là trọng. Chi chút những giọt yêu thương trong vắt của lòng trẻ mới là cần. Nhờ thế, giá trị mới hóa thân thành cái nhìn mới, tạo ra một chất thơ mới. Và, tạo ra giọt sương Linh.
Vậy là, trên đôi cánh ngộ nghĩnh vốn có của thơ thiếu nhi, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã mang đến một vẻ ngây ngô mà ý vị riêng. Một độ trong mới. Một độ chơi mới. Một độ thơ mới. Ấy là nhịp rung của hồn trẻ hôm nay. Ta hiểu vì sao, Ra vườn nhặt nắng đang là sự lựa chọn tin yêu của thế hệ mới.
Nói nhiều, khéo thành lắm lời.
Thì, nào Ra vườn nhặt nắng cùng Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Đơn cử đây là 5 “chiếc nắng”.
Thế giới ru
Đôi khi thế giới này
Cần để yên bé ngủ
Tiếng úp mì của ta
Cũng bớt phần thô lỗ
Con khủng long qua phố
Cũng lót đệm vào chân
Chim gõ kiến ăn đêm
Đeo cao su vào mỏ
Cây vặn nhỏ tiếng gió
Dế ngừng rock nhố nhăng
Con gián bị sâu răng
Chạy ra xa rên rỉ
Máy tính cũng tế nhị
Nhắc quạt vỗ cánh êm
Miếng trăng trầu vừa têm
Bầu trời nhai rón rén
Cái tên con nhái bén
Vốn đã dường vang xa
Gọi là “nhài bèn” nha
Cho âm vang nhỏ lại
Đang rơi bông hoa đại
Gọi là hoa tiểu ngay
Để tiếng rơi bớt dày…
Thôi chết rồi, mỳ nát !
Suỵt, hãy kêu như hát
Để bé tưởng tiếng ru
Thui chít rồi mỳ nát
Ù u ù u u…
*
Gọi mặt trời
Hơ hơ hơ
Ông trời ngáp
Rạp rạp rạp
thả nắng mây
Gió hây hây
Sương thỏ thẻ
Tan khe khẽ
Cùng bóng đêm
Kéo trời lên
Bầy chim sẻ
Tung cánh bé
Kéo trời lên
Lại có thêm
Anh gà trống
Líu lô ngọng :
Éo ời ên !
*
Tắc đường
Ngồi trước xe của bố
Đi vào đoạn tắc đường
Các xe đằng sau bé
Đi chậm lại trong gương
Hàng cây không bị tắc
Và trên kia mây trời
Biển hiệu đầy màu sắc
Lá vẫn thoải mái rơi
Ở nhà mẹ đang đợi
Chắc sốt ruột lắm đây
Bé nghĩ những lúc ấy
Mẹ nên ngắm hàng cây
*
Ông mặt trời bị ốm
Sáng trên đường mẹ bảo:
“Ông mặt trời ốm rồi !”
Nhìn lên trời em thấy
Toàn màu đen và mây
Chiều, cơn mưa dần ngớt
“Mặt trời khỏi ốm rồi !”
Em nói với các bạn
Các bạn bảo : “Dở hơi !”
“Cậu dở hơi thì có !”
“Cậu mới là dở hơi !”
Đó là câu hot nhất
Ở trong giờ ra chơi
Ông mặt trời thấy vậy
Cười vang với đánh rơi
Bao nhiêu là tia nắng
Làm nên ông mặt giời
*
Bắt nạt
Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt
Tại sao không học hát
Nhảy hip hop cho hay ?
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt
Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi ?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt ?
Những bạn nào nhút nhát
Thì là giống thỏ non
Trông đáng yêu đấy chứ
Sao không yêu, lại còn… ?
Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn
Đừng bắt nạt mèo chó
Đừng bắt nạt cái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây
Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay
Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi !
Còn 28 bài như thế nữa. 28 “chiếc nắng” đang chờ bạn trong vườn.
Ghi chú : 1. Tôi chỉ là người ghé vườn cậu ấy, còn chưa gặp cậu ấy bao giờ. Nên, bài viết ngăn ngắn này không phải PR. Mà những “chiếc nắng” kia đâu cần phải PR ? 2. Tôi sẽ thật thiếu sót nếu không gạch chân điều sắp nói này : hiếm có ấn phẩm thơ thiếu nhi nào thú vị toàn diện thế ! Ừ, nếu không có nhóm Toa tàu và nhóm họa sĩ Lá, mà mỗi nghệ sĩ cũng là một giọt sương ấu nhi, mỗi bài thơ đây nếu không được họ khẽ đặt vào một vệt nắng vàng của nét chữ hồn nhiên, nét vẽ ngộ nghĩnh, thì sao nhỉ ? Thì chưa chắc Ra vườn nhặt nắng đã khiến ta sững sờ đến thế đâu !
Vân Sơn Garden, tháng 6-2016