Thời sự văn học nghệ thuật

6/7
10:51 PM 2019

HỘI THẢO VHNT BÌNH TRỊ THIÊN - TRUYỀN THỐNG VÀ TIẾP NỐI

Ngày 6-7-2019, tại TP Huế, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế phối hơp với Hội VHNT Quảng Bình, Hội VHNT Quảng Trị tổ chức cuộc hội thảo “Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên – truyền thống và tiếp nối”, gặp mặt thân mật đại diện văn nghệ sỹ Bình Trị Thiên thế hệ trước đây và thế hệ tiếp nối sau 30 năm chia tách tỉnh Bình Trị Thiên (1989-2019). Đây là sự kiện có ý nghĩa biểu hiện tình đoàn kết, gắn bó keo sơn của anh em văn nghệ sỹ Bình Trị Thiên; cũng là dịp để văn nghệ sĩ Bình trị Thiên nhìn lại hành trang quá khứ, hiện tại đang có những gì, để có thể tiếp những bước chân vững chải trên con đường phía trước.

Bình Trị Thiên là vùng đất chứng kiến sự chia cắt đất nước trong chiến tranh, ngoài giá trị biểu tượng cho sự thống nhất đất nước; còn là một vùng đất mà toàn thể nhân dân, trong đó có văn nghệ sỹ đã chung vai sát cánh xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương sau chiến tranh. Văn nghệ sỹ Bình Trị Thiên trước đây đã có những đóng góp lớn cho nền VHNT Việt Nam. Đến ngày 30/6/1989, Bình Trị Thiên tách thành 3 tỉnh; văn nghệ sỹ từ đó tuy sinh hoạt ở các hội VHNT địa phương khác nhau, song cũng đã tiếp tục cống hiến cho nền VHNT nước nhà, tiếp tục quan tâm nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động sáng tạo với tình gắn bó keo sơn, anh em một nhà.

Phát biểu đề dẫn cuộc hội thảo gặp mặt, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc – Chủ tịch Hội VHNT Thừa Thiên Huế, TBT tạp chí Sông Hương, Trưởng Ban tổ chức cuộ hội thảo và gặp mặt, đã nhắc lại một số sự kiện chính của dòng chảy VHNT Bình Trị Thiên. Theo đó, Năm 1976 hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên. Từ đó, lực lượng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên cũng được hợp nhất. Đại Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên  lần thứ I, tổ chức vào các ngày 3-5/7 /1978, tại TP Huế. Hội có 285 hội viên (trong đó có 68 hội viên trung ương). Đại hội lần thứ I đã bầu Ban Thường trực gồm: Chủ tịch Hội - Nhạc sĩ Trần Hoàn; các phó chủ tịch: Nhà thơ Thanh Hải,  Nhà thơ Xuân Hoàng, Nhà thơ Lương An.  Năm 1978: Thành lập Phân hội Mỹ thuật, Phân hội Nhiếp ảnh Bình Trị Thiên; 71 hội viên được trao tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên lần thứ I; Nhà thơ Thanh Hải được truy tặng giải đặc biệt. Nhiệm kỳ này Hội đã xuất bản 20 tác phẩm văn học. Khoảng 359 bài thơ và trên 100 tác phẩm văn xuôi được công bố trên tạp chí Bình Trị Thiên. Tháng 6/1983 Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập. 

Đại Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên lần thứ II, tổ chức vào các ngày 1-3/8/1983, tại TP Huế. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp Hành 23 người, Ban Thường vụ 11 người. Chủ tịch: nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm kiêm Tổng thư ký, kiêm TBT Tạp chí Sông Hương. Các Phó chủ tịch: nhà thơ Xuân Hoàng, đạo diễn Xuân Đàm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, họa sĩ Vũ Trung Lương. Các Phó tổng thư ký: Ông Phan Văn Khuyến, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Các Ủy viên thư ký : đạo diễn Minh Hằng, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, họa sĩ Bửu Chỉ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô. Năm 1987, có hơn 40 văn nghệ sĩ BTT được nhận giải thưởng Bông Sen Trắng. (Quyết định tổ chức giải thưởng Bông Sen Trắng số 1280-QĐ/UB ngày 2/11/1987).  

Đại Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên lần thứ III, tổ chức năm 1988, tại số 3 Lê Lợi - Huế. Đại hội đã bầu nhà văn Tô Nhuận Vỹ làm Tổng thư ký. Các nhà văn Nguyễn Quang Lập, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô làm Phó Tổng thư ký. Nhiệm kỳ này chỉ hoạt động một năm thì chia tách tỉnh Bình Trị Thiên (1989) thành 3 tỉnh như hiện nay.

Có thể nói, mảnh đất Bình Trị Thiên đã quy tụ một đội ngũ văn nghệ sỹ vừa đông đảo vừa chất lượng từ 3 tỉnh sáp nhập. Cái đáng nói là chất lượng để làm nên thương hiệu Văn nghệ Bình Trị Thiên danh tiếng một thời. Chỉ nói riêng chuyên ngành văn học, Thành phố Huế là điểm hội tụ của một loạt nhà văn, nhà thơ tên tuổi được cả nước biết đến và rất kính nể. Cũng chính những nhà văn nhà thơ danh tiếng này đã kích thích, nâng đỡ, tạo điều kiện cho một số cây bút tiềm năng thế hệ sinh sau 1950 trở thành những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi thời Bình Trị Thiên được cả nước biết đến. Một số cây bút thế hệ sau 1970  mới xuất hiện thời Bình Trị Thiên đều ít nhiều thừa hưởng cái bầu không khí văn chương thời này.

Từ sau khi chia tách tỉnh, cả 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đều đã nhanh chóng ổn định không khí sinh hoạt, sáng tạo cho anh chị em văn nghệ sỹ. Tháng 7-1994, Tạp chí Nhật Lệ được thành lập và ra số đầu tiên với tên gọi Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Quảng Bình. Đây là diễn đàn của lực lượng văn nghệ sĩ, là cơ quan ngôn luận của Hội VHNT tỉnh. Tạp chí ngày càng trở thành một kênh quan trọng quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người và vùng đất Quảng Bình. Bên cạnh đó, Tạp chí xây dựng đội ngũ cộng tác viên khá mạnh và trải rộng trong cả nước với gần 1000 cộng tác viên, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, giới thiệu cộng tác viên trẻ. Gần đây, Tạp chí Nhật Lệ tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức, đồng thời không ngừng tìm tòi, sáng tạo, tránh sự sáo mòn, cũ kỹ, lạc hậu so với đời sống văn học nghệ thuật cả nước.

Tạp chí VHNT Quảng Trị lấy tên Cửa Việt, xuất hiện trong thời kỳ hậu đổi mới những năm 1990-1991, tuy là Tạp chí văn nghệ của một tỉnh lẻ nơi miền Trung heo hút, song đã nhanh chóng quy tụ được nhiều cây bút tên tuổi có tư tưởng đổi mới; từ đó được độc giả mến mộ, tìm đọc nhất trong nước lúc đó. Tạp chí đã thể hiện được một quan điểm sáng tác mới mẻ theo ý tưởng tự do sáng tạo, nói thẳng nói thật vì sự tiến bộ xã hội, vì văn minh đất nước. Về sau này, Tạp chí đã tiếp tục duy trì không khí sáng tạo VHNT của văn nghệ sỹ Quảng Trị.

Tạp chí Sông Hương tiếp tục duy trì chất lượng của tờ tạp chí vốn đã có thương hiệu kể từ những năm còn Bình Trị Thiên. Trong những năm gần đây, Tạp chí Sông Hương nhấn mạnh phương châm: “Tôn vinh những giá trị VHNT (văn học nghệ thuật) cũ và cổ súy những trào lưu, khuynh hướng sáng tác mới”. Theo đó, Sông Hương tiếp tục tôn vinh những giá trị đích thực của VHNT Việt Nam; Tiếp cận và giới thiệu những trào lưu nghệ thuật đương đại thế giới; Tổ chức những chuyên đề lớn có chiều sâu và có tính phát hiện. Tạo ra một diễn đàn tranh luận minh định cho những tiếng nói chân chính; Phát hiện những cây bút mới, những người viết có nội lực đi xa, những người can đảm thử nghiệm, những người dám chịu cô đơn để sáng tạo, những chủ nhân thực sự trong hệ hình mới của nghệ thuật Việt Nam. Tất cả nhằm hướng tới sự phát triển VHNT nói chung, tạo điều kiện cho sáng tạo làm đúng sứ mệnh của nó - sứ mệnh truy tìm, tiếp cận và kiến tạo cái mới.

Văn nghệ sỹ 3 tỉnh Bình Trị Thiên sau chia tỉnh đã có những sáng tác mới có giá trị, đóng góp cho nền VHNT nước nhà. Trong sinh hoạt, thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ở các cuộc hội họp do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức, các cuộc hội thảo, triển lãm, giao lưu 6 tỉnh Bắc Trung bộ; các cuộc giao lưu thăm viếng lẫn nhau…

Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề về các giá trị VHNT Bình Trị Thiên, không khi sáng tạo VHNT thời Bình Trị Thiên và sự truyền lửa sang thế hệ sau, sự kế tục tiếp nối sáng tạo của thế hệ trẻ hiện nay ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *