Tác phẩm và dư luận

12/9
1:53 PM 2019

“ĐẢO CHÌM” VÀ HÀNH TRANG ĐI BIỂN

NGUYỄN VŨ TIỀM-“Đảo chim” xuất bản lần đầu năm 2000, đến nay đã in đến lần thứ 31. Tác phẩm gồm 15 chương, mỗi chương là một câu chuyện có thật xảy ra tại Đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Nhà văn Trần Đăng Khoa đã nhập cuộc một cách tự nhiên bởi anh chính là một chiến sĩ hải quân.

 “ĐẢO CHÌM” VÀ HÀNH TRANG ĐI BIỂN

(Đọc “Đảo chìm” - tiểu thuyết của Trần Đăng Khoa, NXB Văn học 2016)

                                                                         NGUYỄN VŨ TIỀM

Một lần đi công tác ở Côn Đảo, lúc trở về tôi đi nhờ tàu của các chiến sĩ Hải quân cập bến Tân Cảng, TP. Hồ Chí Minh. Từ đó tôi quen thân với các cán bộ, chiến sĩ trên tàu và nhiều người khác trong đơn vị. Mới đây, trước khi ra nhận công tác dài ngày ở đảo xa, các anh đến thăm tôi, tôi gợi ý là tặng các anh một số sách, các anh vui lắm. Tôi mở tủ để các anh tự chọn. Ngồi chuyện trò lai rai, một anh lật những cuốn sách tôi vừa tặng, trong đó có cuốn “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa. Mấy anh chụm đầu đọc những mẩu chuyện về “Đảo chìm” tỏ ra rất thích thú. Có anh đã đọc rồi, giờ vẫn thích đọc lại. Rồi chúng tôi cùng đọc và bình. Rất tiếc hôm ấy thời gian quá eo hẹp không trao đổi được nhiều. Giờ đây tĩnh tâm lại, tôi xin trở lại đề tài này, hy vọng chuyển đến các anh, đặc biệt là nhóm bạn đang thử cầm bút viết văn, làm thơ: Kiến, Tiến, Hoàn, Kiên có mặt hôm ấy tình cảm mong nhớ, niềm tin yêu nơi quê nhà…

“Đảo chim” xuất bản lần đầu năm 2000, đến nay đã in đến lần thứ 31.

Tác phẩm gồm 15 chương, mỗi chương là một câu chuyện có thật xảy ra tại Đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Nhà văn Trần Đăng Khoa đã nhập cuộc một cách tự nhiên bởi anh chính là một chiến sĩ hải quân. Anh nhập ngũ năm 1975 theo lời kêu gọi tổng động viên trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lúc ấy Trần Đăng Khoa vừa học hết phổ thông trung học. Sau khóa huấn luyện tân binh, anh được phân công vào binh chủng Hải quân và được điều động ra công tác ở các đảo trong đó có Trường Sa. Lúc này quần đảo Trường Sa vừa mới tiếp quản từ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, cơ sở vật chất hầu như không có gì, đảo chỉ toàn là cát, san hô, đá. Nước ngọt không có, rất hoang sơ. Nơi đồn trú của các chiến sĩ Đảo chìm là cái lều bạt khung sắt dựng trên một bãi cát nhỏ, mỗi người một chiếc giường sắt nhiều tầng. Mới đầu Trần Đăng Khoa rất ngạc nhiên, sao một người mà chiếm lĩnh đến nhiều tầng như thế?

Hóa ra là:“Bình thường, sóng bạc đầu lao vèo vèo dưới chân sàn. Thế rồi thủy triều lên. Thoạt tiên là tiếng sóng vỗ chóp chép vào các tấm thanh sắt gầm sàn như bầy lợn bú. Rồi ào một cái, nước ngập mặt sàn. Rồi tầng giường thứ nhất chìm nghỉm trong nước. Lính ôm chăn lên tầng hai, rồi tầng ba. Nước rút lại tụt xuống”.

Từng đàn chim ó biển coi thường con người, chúng đậu vào lều bạt xả phân, đẻ trứng, xả rệp. Những con rệp bé tí như chấy rận chui vào chăn chiếu gối giường quần áo của chiến sĩ. Chúng đốt, hút máu trên da thịt các anh. Nên chiến sĩ luôn phải giặt chăn chiếu gối, mền, vệ sinh lều bạt và tiêu diệt rệp nhưng rất khó khăn bởi chúng sinh nở bày đàn rất nhanh chóng. Vì thế nhiều anh thực hiện làm người “tự do” tức là ở truồng.

Trong hoàn cảnh sinh hoạt thiếu thốn như thế, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, Tư lệnh Giáp Văn Cương ra đảo cùng ăn ngủ với chiến sĩ. Một lần ông đến ngủ ở lều bạt Đảo chìm. Một chiến sĩ xong phiên gác, đêm tối không biết là Tư lênh nằm đó, vỗ vai đánh thức gọi đổi gác. Thế là Tư lệnh vùng dậy ra gác. Sáng dậy cậu chiến sĩ thấy Tư lệnh cầm súng ngồi gác, sợ quá:

- Bố tha tội cho con! Chết thật con cứ tưởng thằng Tư. Có lẽ đêm qua nó ngủ lại ngoài tàu mà con thì lại không để ý. Con thành thật xin bố xá tội…

- Tội lỗi khỉ gì! – Tư lệnh cười hiền hậu - Cậu là lính. Tớ cũng là lính. Cậu gác mấy năm trời còn được. Tớ gác mỗi một đêm thì nào có bõ bèn gì!”

Ông nói với chiến sĩ:

- Chúng mày khổ quá, tao biết! Chẳng ai nỡ đày đọa chúng mày. Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ Quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, thì dù có đá sỏi gió cát thế này, bố con mình cũng phải giữ, một tấc không đi một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu.

Thông thường có bão thì tàu tìm chỗ vững chãi an toàn để neo đậu, nhưng ở Trường Sa hồi đó thì ngược lại, chiếc tàu đang thả neo gần Đảo chìm, bất ngờ chính trị viên Thuận từ tàu bơi xuồng vào đảo: “Thuận chỉ mống ra biển. Mặt biển lặng ngắt như cái ao làng. Phía chân trời ộc lên một tầng mây đỏ sọc như màu máu chó. Biển tanh ngắt. Chết cha. Bão rồi! Thảo nào mà lũ chim biển chui hết vào lều, rúc cả vào chăn lính để ẩn nấp”. Thuận đốc thúc mọi người xuống tàu để nhổ neo… ra biển tránh bão! Vì bão đến sẽ xô đập con tàu làm đứt dây neo rồi quật tàu vào vách đá san hô “như ném một viên sỏi”. Vậy là các anh phải đưa tàu ra giữa đại dương, nơi sóng gió mạnh nhất để quần thảo với bão tố bằng mưu trí và tài nghệ của người thuyền trưởng và lái tàu. Trong cuộc đọ sức này, chính Trần Đăng Khoa đã bị đập đầu vào thành tàu ngất xỉu, được đồng đội ứng cứu, hôm sau anh mới tỉnh. 

Gian khổ hiểm nguy luôn rình rập cận kề ngày đêm. Rệp lặn vào chiếu chăn nhiều quá, chiến sĩ Thiêm mang chăn ra biển giặt, “bất ngờ đợt sóng mạnh ào đến cướp chiếc chăn ra xa. Thiêm nhào theo vớt…”. Chỉ đơn giản vậy thôi mà mất một con người mặc dầu đồng đội đã ra sức cứu vớt Thiêm, nhưng không thể chống chọi với sóng biển đang cơn cuồng nộ dữ dội.

Thương tâm nhất là cảnh trước cơn bão, Hai Ùm bơi về Đảo chìm mong cứu chiếc ba lô kỷ niệm của Thiêm “để gửi về cho mẹ Thiêm chút kỷ vật của con”, cơn bão đến nhanh quá, Hai Ùm cũng mất hút trong cơn sóng lớn… Những tình huống như thế đọc muốn rơi nước mắt! Đau thương mất mát nhưng không một ai nao núng. Sóng gió bão bùng càng tôi luyện thêm lòng dũng cảm. Tình đồng đội càng gắn bó keo sơn.

Trên chiếc tàu bão tố này, để cuộc sống bớt đi phần căng thẳng các chiến sĩ cũng tạo ra những niềm vui. Một con lợn cái khỏe mạnh, đã mang bầu sẵn được đưa xuống tàu ra đảo, nhưng lợn say sóng, đẻ non. Mấy hôm sau lợn mẹ rồi lợn con lần lượt lìa đời trừ một con sống sót. Các anh giành sữa cho lợn con bú, hết sữa thì nấu cháo nghiền nhuyễn. Cô lợn lớn nhanh, khỏe mạnh được đặt tên là nàng An Ta Ra Mê Na. Các anh chăm sóc và dạy lợn biết làm một số trò vui. “Nàng lợn” được mặc bộ đồ giống trang phục hải quân thật oách. Lợn thích được dắt đi bằng hai chân, biết nhảy va-xi-lô. Nhưng khi hoàn cảnh quá khó, buộc lòng phải đi đến “quyết định vận mệnh” thì không ai nỡ cầm dao chọc tiết, vậy là “cô nàng” may mắn vẫn được sống vui vẻ trên tàu.

Với sự thật khốc liệt trần trụi, nếu non tay bút, truyện dễ: một là khô cứng, căng thẳng quá; hai là tác giả mỹ lệ hóa cho mềm mại nên thơ. Cả hai đều có nguy cơ thất bại. Nhưng ở tiểu thuyết “Đảo chìm”, với thi pháp tiểu thuyết phi hư cấu, Trần Đăng Khoa bám sát sự thật vốn đã rất điển hình và đặc sắc cộng với sự sáng tạo và sử dụng rất hiệu quả nhiều thủ pháp nghệ thuật như nghịch lý, uymua, trào lộng, hài hước… Tác giả dẫn dắt người đọc luôn trong trạng thái hào hứng, lý thú. Có thể vỗ đùi đen đét hoặc nước mắt chảy ròng hay ít cũng cay cay nơi sống mũi! Anh khéo chọn chi tiết và làm nổi bật một cách bất ngờ, nhiều khi như gây “xốc”. Chẳng hạn cuối chương XI, lời Tư Xồm: “… Rõ là một lũ rồ dại. Lợn thì lòe xòe quần áo mớ bảy mớ ba. Người lại cởi truồng nồng nỗng. Thật chẳng còn ra cái thể thống gì!”. Cảnh này có lẽ tự cổ chí kim trên đời có một không hai, chỉ có ở Đảo chìm.

Hoặc đoạn văn kể một chiến sĩ đang “tự do” ở truồng thấy Trần Đăng Khoa mặc đầy đủ quần áo:“Trông ông anh đai nịt lỉnh kỉnh, nom rất lạ mắt và buồn cười. Cứ y như người ở thời trung cổ. Hình như đại ca có khuyết tật gì đó, nên cứ phải che che đậy đậy, giấu giấu giếm giếm. Nom chẳng đàng hoàng chút nào. Chứ văn minh hoàn thiện như chúng em đây, có ai phải khổ sở, rúm ró như thế bao giờ…

Đây là sự vận dụng thủ pháp nghệ thuật nghịch lý và trào lộng đạt đến độ tuyệt vời khiến đọc sung sướng đến cười rơi nước mắt.

Nhưng cũng có trang làm người đọc phải hồi hộp đứng tim như cảnh y tá đảo mổ ruột thừa cho Thiêm bằng lưỡi dao cạo râu (panhsalam), không có thuốc tê, phải cột chặt tay chân người bệnh vào giường sắt. Hy vọng chỉ 0,01%, vậy mà ca mổ vẫn thành công như có phép thần mầu nhiệm.

Về ngôn ngữ, Trần Đăng Khoa sử dụng khá nhiều từ dân dã, đời thường rất táo bạo và đắc địa. Anh lính trẻ nói với Tư lệnh, muốn xin ông điều cho mấy cô thiếu nữ ra đảo: “Các cô ấy chẳng phải hát hò gì, cũng không phải nấu nướng. Chúng con đảm đương tất. Chỉ xin các cô mặc tấm áo phin trắng, cái quần lụa đen, đi phơ phất trên đảo, để chúng con ngắm, chúng con “chỉnh” mắt. Chứ mắt mũi chúng con, bố thấy đấy, sang vành hết cả rồi! (tôi gạch dưới. NVT).

Hoặc: “…thơ phú thì bài nào cũng tuyệt tác, nghe hay đến chảy nước tai”. Chiến sĩ đảo Trần Vân Hai nói với Trần Đăng Khoa buổi đầu đến đảo: “Bây giờ ông anh là đại ca. Em chỉ là con tép. Có nhu cầu gì xin đại ca cứ “quát” nhé”.

Mỗi chương là một thiên truyện, chuyện nào cũng sinh động lôi cuốn, hấp dẫn và đặc biệt là rất xúc động gây ấn tượng và ám ảnh mạnh mẽ sâu sắc.

***

Cuốn “Đảo chìm”, tác giả ghi là “Tiểu thuyết mini”, tôi thấy với thi pháp phi hư cấu, sách có giá trị đặc biệt bởi tính thuyết phục cao. Lại nhớ câu của nhà văn Tshernyshevski: Cái đẹp là cái thật ở độ rực rỡ nhất.

Trước kia tôi quan niệm một tác phẩm văn học hay, là làm rung động tâm hồn, lay động tâm can người đọc; nhưng giờ đây đọc cuốn “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa, tôi có quan niệm khác: một tác phẩm văn học đích thực là hay khiến người đọc có suy nghĩ khácsống khác theo chiều hướng thiện.

Một thực tế cuộc sống mà tự nó đã là điển hình đặc sắc, nhà văn gặp được như vớ được mỏ vàng, nhưng anh phải biết cách khai thác, thể hiện sao cho đạt hiệu quả cao nhất tức là phải hay. Điều này dứt khoát đòi hỏi tài năng. Tất nhiên chả ai mong có một thực tế “vàng” và “máu” như thế ở Đảo chìm. Quần đảo Trường Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam nay đã được kiến thiết khá khang trang, chỗ sinh hoạt ăn ở của các chiến sĩ đã được cải thiện rất nhiều. Đảo Trường Sa lớn rợp bóng mát cây xanh như một khu du lịch sinh thái, có chùa mái cong, có trường học, bệnh viện… Những chứng tích thời thiếu thốn gian khổ, biển đã xóa đi không còn dấu vết. Rất may là Trần Đăng Khoa đã viết nên tác phẩm “Đảo chìm” một cách chân thực, có thể nói đây chính là một bảo tàng về Trường Sa bằng văn học rất quý hiếm. Tôi nhớ mãi câu của anh trung úy Hải quân hôm ấy cầm cầm trên tay cuốn sách “Đảo chìm”: “Đây chính là hành trang đi biển rất đặc biệt của chúng em”!

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *