TIẾNG NÓI NHÀ VĂN-BỆNH ĐỔ THỪA
Nhà văn Văn Công Hùng (ảnh: nguồn Internet)
Là tôi đang nói đến cái vụ ở Bệnh viện Nhi Trung ương đang “sôi nổi” mấy ngày nay, và thực ra, lại không chỉ là chuyện ở viện Nhi, bởi nó đang có tính phổ quát trong xã hội ta, sự phổ quát của cán bộ thì vô cảm, đổ thừa, chối phắt, nhân viên bảo vệ thì côn đồ và người nghèo khổ thì bất lực, tự mình loay hoay giữa vòng vây của biết bao điều bất công, tủi nhục.
Vẫn biết là không nên bức xúc, bởi bức xúc thì có mà bức xúc cả ngày, nhưng quả là, tôi đã dại dột ngồi xem cái clip thứ 2 về việc bảo vệ Bệnh viện Nhi Hà Nội không cho xe chở bệnh nhi đang hấp hối về để cháu mất ở nhà. Cái clip thứ nhất, cả 2 Phó Giám đốc bệnh viện, là các bác sĩ, các PGS TS đáng kính, có một nữ, đều bảo là sự việc không đúng như thế, và đang mời công an vào cuộc xem xe cứu thương có phải xe dù không (việc này hơi giống ông Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Thừa Thiên Huế gửi công văn đề nghị công an điều tra vụ mấy cháu học sinh làm clip vui về kỳ thi), nhưng đến cái clip thứ 2 này thì tôi đã không thể chịu được nữa. Có y tá trong xe bóp bóng, có mẹ cháu chạy vòng quanh kêu khóc, có cháu bé thoi thóp hấp hối, và có sự... lặng như tờ, vô cảm của bệnh viện chỉ vì gia đình cháu bé không chịu thuê xe của cò chở cháu về với giá đắt gấp ba lần xe thuê từ nhà.
Cũng bởi cái thái độ lấp liếm, chưa biết đầu cua tai nheo gì đã chối phắt của vị phó giám đốc bệnh viện mà những người dân thấp cổ bé họng, chỉ có một thứ duy nhất trong tay là sự thật, đã tung lên clip thứ 2, rồi đến thứ 3, thứ 4... thì lúc này 2 vị phó giám đốc bệnh viện bèn... im lặng và để cho giám đốc bệnh viện lên tiếng “xin lỗi toàn thể nhân dân”, rồi vào tận quê cháu ở Nghệ An để thắp hương xin lỗi cháu, và đưa tiền còn thừa cho gia đình cháu (Sao lúc làm thủ tục cho cháu về không đưa luôn nhỉ, chả lẽ định để gia đình nhà cháu lại phải quay ra lần nữa để lấy ư, bởi rõ ràng, nếu không có sự lên tiếng dữ dội của công luận, thì không thể có việc đoàn của giám đốc bệnh viện vào tận nhà để xin lỗi linh hồn cháu, và “tiện thể” trao lại cho gia đình cháu ba lăm triệu tiền thừa). Tuy thế, rõ ràng là, không gì có thể biện minh được hành động nhẫn tâm thất đức đáng xấu hổ này ở một nơi có khẩu hiệu là lương y như từ mẫu, và đúng là cháu bé rất cần từ mẫu, và không chỉ cháu bé, bố mẹ cháu nữa, những người nông dân chân lấm tay bùn ở tỉnh xa về, nghèo và khổ, quý từng đồng bạc lẻ, bán tài sản, vay mượn, nhịn ăn nhịn uống chữa bệnh cho con, nhưng đã bị đối xử như một món hàng bán mua. Lý do thì ai cũng biết: Bệnh viện không chấp nhận xe nơi khác đến đón bệnh nhân, kể cả xác chết, mà họ phải tự làm lấy với giá đắt nhiều lần. Những người bệnh, đã nghèo đến tận đáy, còn bị bóc lột đến như thế nữa, mà họ dửng dưng được, họ thản nhiên được. Hỏi những ai có lương tri trông thấy mà không nổi giận được.
Tôi nghĩ bà phó giám đốc bệnh viện nhi nên lên tiếng xin lỗi linh hồn cháu bé, gia đình cháu, và cả anh tài xế, khi bà đã rất mau mắn lên tivi nói là lái xe chạy 20m rồi tự ý dừng lại gây sự với bảo vệ, gọi công an để quay clip. Chỉ có con vật mới làm thế khi trên xe đang có cháu bé hấp hối và người nhà cháu nữa. Bà nói theo phản xạ, và phản xạ đầu tiên của những quan chức nước ta thường là bênh nhau hoặc chối phắt đã... Hiện tại mới thấy có ông giám đốc bệnh viện làm việc này, còn người châm ngòi cho cơn giận dữ của xã hội là bà phó giám đốc vẫn im lặng.
Và té ra, không chỉ có Bệnh viện Nhi có chuyện ấy.
Bởi khi báo chí lên tiếng phản đối gay gắt, các trang mạng xã hội cũng vào cuộc thì rất nhiều người mới lên tiếng là, việc độc quyền xe chở bệnh nhân, và cả xác chết ấy, không chỉ là độc quyền của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đến thế là cùng.
Không hiểu có cơ chế nào, hay là có luật ngầm nào, mà hiện nay, hầu như khi xảy ra việc gì, thì các vị lãnh đạo phần lớn là đẩy cái sai về phía người dân thấp cổ bé họng đã, rồi tìm mọi cách chứng minh là việc mình “đổ” ấy là đúng. Báo chí, các nhà văn, vốn dĩ luôn tôn trọng và tôn thờ sự thật, lại sùng sục đi tìm sự thực, và kể cả khi sự thực phơi bày, thì câu chuyện vẫn không hề có sự rốt ráo.
Trở lại chuyện Bệnh viện Nhi, hãy hình dung đi, một mình gia đình bệnh nhân đã hoàn toàn bất lực, ngoài chuyện được quyền... kêu khóc, trong vòng vây của mấy gã bảo vệ côn đồ, và bất lực, cho đến khi cháu bé thoi thóp trong xe ngừng thở thì họ mới cho xe đi, trong khi, như bác sĩ Lương Ngọc Khuê, cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh, nói: “Lẽ ra khi người bệnh ra viện thì cán bộ bệnh viện phải đưa bệnh nhân xuống và chào hỏi người ta, nếu người bệnh không may thì phải chia buồn và tiễn họ về, thì ở đây có hiện tượng làm khó bệnh nhân. Phải sớm chấm dứt tình trạng này”.
Gia đình cháu bé rồi sẽ nguôi ngoai đi, và chuyện ở Bệnh viện Nhi xung quanh việc này có thể rồi cũng sẽ qua khi mà còn rất nhiều việc lớn hơn đang tiếp diễn trước mắt, nhưng, những thân phận nhỏ nhoi của những con người bất hạnh thì lúc nào cũng đau đớn như nhau, cũng cứa vào lòng người những vết thương như nhau. Làm sao cho hết những cảnh ấy, những số phận khốn khổ ấy mới là cốt lõi của những gì chúng ta phấn đấu cho ngày mai. Một trong những việc đầu tiên, là không vô cảm, là biết chia sẻ nỗi đau, và không hèn nhát đổ thừa cho người khác...
Văn Công Hùng (Nguồn Văn nghệ)