Thời sự văn học nghệ thuật

5/7
4:44 PM 2016

Bút ký - Dấu thiêng Luang Prabang

Người lãnh đạo bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên nói với chúng tôi: “Từ Tây Trang đến thủ phủ tỉnh U Đon Xay đường khá ngon, còn tám mươi kilomet để đến gần Luang Prabang thì đường gần như trong bài thơ về “Tiểu đội xe không kính” của bác Phạm Tiến Duật.

                                                                                             Nhà văn Đào Thắng (ảnh: Internet)

Tôi đến Luang Prabang đây là lần đầu. Với nước bạn Lào cũng coi như lần đầu. Hồi chiến tranh tôi cũng chỉ ven ven ở một mảnh đất Lào. Đại đội 8 pháo phòng không thân yêu của chúng tôi sang Lào năm 1972 vào chiến dịch giải phóng Bô Ly Khăm Xay, qua Ma Hay Xay, Thà Khẹt, đến sát bờ sông Mê Kông để lại trên bờ cát dấu tích vết xe tăng và trận địa pháo dã chiến 130.mm.

Qua U Đom Xay, thành phố trẻ đang xây dựng trên bản sắc Lào, chúng tôi thẳng tiến vào tám mươi kilomet đường giống hệt như con đường Tây Trường Sơn năm xưa. Các bạn công nhân giao thông Lào đang sửa chữa nhỏ con đường du lịch tương lai nối Điện Biên với Luang Prabang. Chú Khôi, “cán bộ đường lối” của văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam cố tránh ổ gà, tránh những tảng đá lớn mới vừa ở trên sườn núi dốc tăng tốc lao thẳng xuống mặt đường. Kính phục nàng Ling Nga nhận phần ngồi phía sau xe, tay nắm tựa ghế trước phòng xe nảy xóc, miệng vẫn lẩm nhẩm xướng âm bài hát đang sáng tác ngợi ca tình hữu nghị Việt - Lào. Tôi ngồi cạnh chú Khôi, dồn hết thị lực nhìn phía trước và các vách đá hai bên đường, giống như ngồi xe quân sự thời chiến. Ngồi sau lưng tôi, nhà thơ đất Quảng Ninh Phạm Doanh chợt nói:

- Tối nay đến Luang Prabang, phải tìm dấu tích cụ Nguyễn Đình Thi để tìm cách học tập tận gốc, học người, học văn và để học về tình yêu. Học cái sự yêu nhau nó như thế nào. Thì ít nhất nó cũng đạt tới: “Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn”.

Tối mịt, qua một lần rẽ lạc, hỏi thăm đường, cuối cùng, phải đi thêm hai mươi cây số nữa chúng tôi mới đặt chân tới vùng đất thiêng Luang Prabang, cố đô của đất nước Lào. Vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm tôi hỏi ông chủ:

- Bác có nói được tiếng Việt không?

Ông nghĩ một lát:

- Việt Nam hả? - Ờ - Ông chỉ tay - Việt Nam … ở đấy …nhiều đấy.

Chúng tôi bước vào một tiệm may nhỏ, chủ tiệm, một cô gái trẻ, một cô gái mới lớn thì đúng hơn, nói giọng Huế. Tôi không dấu được nỗi mừng vui. Trong đoàn không ai thạo tiếng Lào. Nhà văn Ling Nga Niek Dam người Ê Đê cũng chỉ bập bẹ mấy tiếng ăn cơm, uống nước … Em gái hỏi nhỏ tôi:

- Đoàn mới ở bên nhà sang hả chú?

Tôi chỉ Thu Loan mặc đồ tây trả lời:

- Các cô, các chú là đoàn nhà văn mới từ Điện Biên Phủ vừa tới đây. Chú và cô xuống trước hỏi thăm nhà nghỉ.

- Dạ! Nhìn các chú cháu biết. Dạ bên đây không có nhà nghỉ như bên Việt Nam. Chỉ có Hotel thôi chú ạ

- Thế cháu sang đây ở với ai?

- Cháu sang một mình. Thấy người Lào sống tử tế, yên bình, không thấy người nghiện ngập, dữ dằn, đầu gấu, cháu về cho đứa em trai sang ở với chị cho yên tâm.

Em gái bước gần sang phía Thu Loan.

- Các cô chú có định nhờ hỏi khách sạn hạng sang không?

- Chỉ cần ở, hạng ba,hạng tư thôi. Nhà văn không nên ở sang.

Cô gái cười hoạt hẳn lên:

- Chú ơi, người mình sang đây nhiều người kinh doanh khách sạn. Cháu sẽ chỉ cho chú khách sạn Mê Kông.

Chủ khách sạn, một người Hà Nội còn rất trẻ nói ngay:

- Điểm này cạnh sông Me Kông nên lấy tên là Me Kông Hotel. Các cô chú đoàn nhà văn, chắc là đi du lịch.

Ling Nga nói nhanh:

- Vừa đi du lịch, vừa đi thực tế, thăm các bạn Lào và cũng tìm dấu tích nhà văn sinh ra nơi cố đô Luang Prabang.

- Ai hả chú?

Nguyễn Hoàng Thu đứng cạnh cầm tay tôi giơ lên:

- Nhạc phụ của chú này, ông ấy là nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, kịch tác gia Nguyễn Đình Thi.

- Có phải bác Nguyễn Đình Thi viết bài hát “Người Hà Nội” và có bài thơ “Đất nước” em học ở lớp 12 không hả chị?

 - Đúng rồi.

Ông chủ trẻ ồ lên:

- Ôi hay quá. Toàn người Hà Nội ta cả. Em nghe các bác Hội người Việt Nam ở Luang Prabang nói cố đô nước Lào rất trân trọng bác Thi. Ông Chủ tịch Hội người Lào gốc Việt, Hiệu trưởng một trường trung học khoe rằng ở ngoại ô Luang Prabang, bên bờ sông Mê Kong còn một ngôi nhà nhỏ thân phụ, thân mẫu bác Thi ở ngày trước. Bên Hội vẫn có người qua lại thăm nom. Đêm nay chúng cháu đang còn phòng. Cháu còn có một “chú em” mới ở bên nhà sang, gây dựng được mươi buồng khách, mời các chú, các cô chịu khó qua đêm ở đằng ấy.

Một chàng trai Hà Nội sinh năm 1989, người thấp đậm đạp, mặt to, tóc cắt ngắn, đôi mắt xếch lên hơi lạ dẫn chúng tôi về cơ ngơi non trẻ đối diện với ngôi chùa lớn. Dừng xe máy, chỉ ngôi chùa có tên là chùa Ma nô là nơi đoàn chúng tôi gửi xe qua đêm. Cậu chàng quặt xe xuống dốc sâu, một tay đưa lại sau vẫy đoàn đi theo.

Người phụ nữ trung niên đón đoàn chúng tôi ở chân dốc, hai tay chắp lại trước ngực, búi tóc tằng cẩu theo cách người phụ nữ Thái mau mắn:

- Gia đình tôi sống ở phố Hàng Bạc. Bố cháu Trung đây (tên cậu chủ trẻ măng) là bộ đội công tác trên Điện Biên. Gặp tôi là người Thái ở đấy rồi chúng tôi xây dựng gia đình, tôi theo anh ấy về Hàng Bạc. Tôi sinh được mỗi cháu Trung đây. Tôi đã rất vất vả xin cho cháu Trung vào ngành công an giao thông. Trong một lần qua Luang Prabang công tác, thấy ở bên này hợp với cháu, và hợp với mẹ, một người đàn bà Thái như tôi, cháu xin làm thủ tục ra khỏi ngành, ở lại Luang Prabang làm du lịch, tôi ở Luang Prabang với vợ chồng cháu.

Đêm. Tôi nằm thao thức không ngủ được. Tôi nhớ căn hộ số 42 nhà C1 khu tập thể Trung Tự rộng hai mươi tám mét vuông ngăn làm hai buồng. Buồng ngoài mười tám mét, buồng trong mươi mét. Mùa thu năm ấy, năm 1984, nhà văn Nguyễn Đình Thi tròn sáu mươi tuổi. Ông bỏ ngôi nhà 182 phố Lò Đúc xuống ở với gia đình chúng tôi. Buổi đầu tiên ông đến nhà bằng chiếc xe đạp tôi tôi mua ở Sài Gòn. Chiếc xe máy Peogeot màu xanh ông để lại Lò Đúc. Ông để lại cây đàn piano. Ông để lại cả những bộ đĩa nhạc cổ điển quý giá: nhạc của L. V. Beethoven, nhạc của W. A. Mozart, nhạc của F. F. Chopin, nhạc của E. H. Grieg, của J. S. Bach, của F. Schubert… Ông rất điềm tĩnh nhưng thần thái khuôn mặt lại ẩn chứa một điều hệ trọng. Đôi mắt sáng, đẹp nổi tiếng nhìn rất sâu. Ông ngồi xuống bộ bàn ghế đơn sơ kê sát cửa sổ buồng ngoài bảo tôi:

- Con ngồi xuống đây bố nói chuyện - Và ông nói ngay - Từ hôm nay bố sẽ về đây ở với các con. Nhiều năm qua đời bố có nhiều biến cố, bận bịu đến công việc lớn là sáng tác. Bố quyết định và đã có nói trước với bà Tr: Năm tròn sáu mươi tuổi sẽ ra ở riêng, ở một mình. Một mình trong cái nghĩa hôn nhân. Bố ở thì các con vất vả hơn, gắng lên một chút, cũng là giúp bố. - Ông ngừng nhìn tôi rồi nói tiếp - Cho bố ở buồng trong, tiếp khách ở chỗ này.

Tôi vâng! Dứt khoát theo cách một người lính, khi đó tôi mang quân hàm thiếu tá, làm việc ở Điện ảnh Quân đội.

Ông vào buồng trong đã có sẵn chiếc giường cá nhân đơn sơ, có sẵn chiếc bàn viết tôi vẫn dùng. Tôi đi theo ông xách giúp ông chiếc vali nhỏ đã dùng nhiều năm. Ông nằm thẳng, hai chân duỗi, hai tay đặt nhẹ trên ngực, đôi mắt buồn thẳm nhìn lên trần nhà lắp ghép. Lúc sau ông gọi tôi hỏi:

- Nhà có bàn chải đánh răng riêng không con?

- Dạ, để sáng mai chúng con tìm mua.

Ông xua tay: Không cần. Con lấy cho bố cốc nước trà, trà cũ cũng được, bố súc miệng. Nước trà sát trùng tốt. Thay được thuốc đánh răng. Tôi không nói gì được, nước mắt ứa ra ngạc nhiên về sự chất phác trong con người nổi tiếng hào hoa, một trí thức lớn, một nhà văn hóa lớn của thế kỷ XX.

Sau buổi tối đặc biệt đó ít ngày, thân mẫu nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng đến ở với gia đình chúng tôi. Bà chỉ đem theo một cái túi vải to, bên trong đựng mấy bộ quần áo và ít đồ lặt vặt của người già, giống như cái tay nải người buôn hay dùng. Tôi lặng lẽ quan sát bà theo thói quen một người lính trinh sát và người viết văn xuôi. Bà, một người phụ nữ quý tướng, khuôn mặt to, đôi mày đậm, phong thái đĩnh đạc, quyền quý. Chiếc áo trong ngắn, phần tay trên, dưới vai áo mọc nhiều nốt ruồi son. Bà nói không nỡ để người con trai yêu quý nhất, nổi tiếng nhất trong đàn con mười một người đều nổi tiếng do bà đẻ ra ở một mình không có mẹ đỡ đần. Bà tạo không khí gần gũi rất nhanh, rất giỏi, thật tài ba, bản lĩnh. Chỉ ít ngày sau bà đã kể cho tôi nghe đoạn đời đặc biệt: Gia đình cụ ông Nguyễn Đình Ngôn, cụ bà Nguyễn Thị Thịnh là gia đình công chức ngụ ở Luang Prabang. Ba người con trai đầu của hai cụ đều sinh ra trên đất thánh, đất thiêng Luang Prabang. Anh cả là Nguyễn Đình Ngữ từng làm Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Anh hai Nguyễn Đình Thi. Ông này lúc đẻ ra có dây tràng hoa quấn cổ, các cụ dạy người như thế về sau nổi tiếng lắm. Đẻ ra làn da đã ngăm đen bánh mật, lông mày rậm, mũi to và cao, tóc dầy và cứng. Có người trong nhà nói hay là tôi đi buôn bán, hay đi đường trường, có động chạm gì với mấy ông Tây Vực, Ấn Độ. Chuyện ấy là nói sai. Anh ba Nguyễn Đình Thanh dạy nhạc ở đất cảng Hải Phòng. Cháu xem phim giải phóng thủ đô lần nào cũng thấy hiện ra cái ông kéo đàn Accordeon "chính là anh ba nhà này đấy”!.

 Bà kể thông thoát: “Ông Ngôn (cụ Nguyễn Đình Ngôn) là chủ sự dây thép bưu điện ở Luang Prabang. Ông ấy mê đàn hát, múa Lăm Vông khéo, thuộc nhiều bài hát dân ca của người Lào. Trên vách gỗ căn nhà nhỏ treo la liệt đàn tây, đàn ta, đàn lào: guitar, mandolin, ác coóc đê ông, harmonica, đàn tam, tứ, nguyệt, đàn bầu, khaen (khèn), ra nat, phin, kong (trống) … Tối tối gảy đàn inh ỏi. Chú cả (ông Nguyễn Đình Ngữ) hay theo ra Sở Dây thép mày mò bên bố. Khi có chú hai, ông ấy chiều nào cũng bồng ra bờ sông Mê Kông, nhập hội đàn địch, có hôm muộn mới về. Bà ngừng nói nhìn thằng cháu trai đầu của chúng tôi, nhìn nó tướng mạo sau này còn để lại danh thơm. Rồi bà lần mở tay nải lấy ra bản sách Truyện Kiều, góc sách đã hơi sờn. Bà cầm tay đứa chắt nói chậm: “Cụ có quyển Kiều tặng chắt. Mong chắt sau này theo đuổi nghiệp văn chương.

Bà cụ vui chuyện đi buôn chuyến xuyên quốc gia: Nhà đông con không thể trông vào đồng lương của ông ấy mà sống được, thương gia như tôi có người đóng hàng sẵn, có khi là hàng kín mình không được rõ, không có được tò mò. Hàng mắc vào lưng ngựa, bà ngồi trên yên qua đèo Ô Quy Hồ, qua Sapa về Lào Cai. Hàng có cửu vạn dỡ xuống thuyền lớn, xuôi dòng sông Hồng về Hà Nội. Có chuyến mình theo người Khách (người Tầu) chuyển hàng lên ô tô về tận Hải Phòng. Sau này từ Luang Prabang, sang Phongsaly, về nước ở đất Hải Phòng cả nhà, vì quen từ thời kỳ buôn chuyến xuyên Đông Dương như thế.

Tiếng là bà nhưng cụ quý tôi như con, có lần cụ nói:

- Cái nhà này con cháu thông minh là do nhiều dòng tụ lại. Cụ nội dòng họ Nguyễn Đình có gốc từ Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Ông ngoại ông Thi, người làng Đông Thái, Đức Thọ, Hà Tĩnh, là người luôn bên cạnh hộ giá vua Thành Thái, về sau bí mật tham gia vụ Hà thành đầu độc, việc không thành nên phải phiêu bạt sang Lào, còn bà đây (cụ Thịnh thân mẫu nhà văn) cũng có dòng máu nước ngoài đấy. Cụ lại cười:

- Cái người nước mình chinh chiến liên miên, bôn ba khắp chốn, hưởng cái hương trời, hương đất, hương người tụ hội lại nên sản sinh ra người kiệt xuất.

Năm ấy ông ăn tết Nguyên đán với gia đình chúng tôi. Đầu xuân, xuất hành khai bút ông đạp xe lên nhà sang tác Quảng Bá. Chiều ông về sớm mang hơi xuân về nhà. Dựng chiếc xe đạp cũ vào bờ tường ông nói to giọng xúc động: “Các con ơi! Trưa nay, lúc bố lội sâu xuống hồ Tây lấy rễ si trắng cho bà Tr chữa khớp. Bố thấy đôi chim nước lượn vòng quanh bóng tán cây si. Thì ra là đôi sâm cầm! Tự dưng bố gọi: “Sâm cầm, sâm cầm về rồi”. Cái điềm nước yên rồi các con ạ.

Mấy năm ở với gia đình chúng tôi nhà văn viết được nhiều. Ông soạn kịch “Tiếng sóng”, kịch “Hòn cuội”. Ông cho in tập thơ “Tia nắng” (Có lần ông phàn nàn: “Mấy ông bà dịch tiếng Pháp không sành. Tia nắng dịch sang pháp ngữ lại dịch là Tia ấm. Thế thì còn ra gì”. Ông làm nhiều thơ trong đó có bài thơ “Gió bay”. Ở gần ông tôi học được nhiều điều. Có lẽ bài học lớn là gắn bó máu thịt với đất nước và cách mạng. Và vẫn kiên trì, kiên tâm theo đuổi đổi mới văn học nghệ thuật.

Sáng ra, Nguyễn Hoàng Thu rủ tôi đi tìm phố có Bưu điện Trung tâm của Luang Prabang. Một ngôi nhà người Pháp xây xinh xắn, thời Mỹ họ đã đập đi xây thành khu viễn thông trung tâm hiện đại, trang bị những công nghệ tiên tiến. Một việc khiến tôi xúc động họ vẫn gọi tên, đắp lên tường phía trước Bưu điện Trung tâm Luang Prabang bằng tiếng Pháp La Central Post Office de Luang Prabang. Chúng tôi gặp chị Hòa, một người phụ nữ Lào đứng buôn bán hàng lưu niệm nói sõi tiếng Việt. Tôi hỏi:

- Xin lỗi, chị là người Việt phải không ?

Trả lời đối lại:

- Tôi là người Lào!

- Là người Lào sao chị nói tiếng Việt chuẩn như người Hà Nội ấy thế?

Chị cười to thỏa mái

- Không. Chúng tôi học ở Lào. Tôi là người Lào gốc Việt đấy.

Không có giấy tờ cho phép nên chúng tôi không thể vào gặp ông Giám đốc Bưu điện Trung tâm Luang Prabang. Tôi nghĩ đến bàn chân nhỏ ra chạy theo bố nơi công sở về với căn phòng đơn sơ treo đầy nhạc cụ. Tôi tự nghĩ đến đây mới hiểu không phải ngẫu nhiên ông có thể sáng tác bài Người Hà Nội, bài Diệt Phát xít bất hủ như vậy. Tôi thấy dấu thiêng bài hát múa Hoa Chăm pa nhập vào mấy câu nhạc đầu bài Nười Hà Nội có thể vừa hát, vừa múa Lăm Vông đoạn nhạc này.

Chúng tôi ăn bữa xôi gà tạm biệt Luang Prabang trong một nhà hàng ngay bờ sông Mê Kông. Một dòng sông vĩ đại bắt nguồn từ dãy Himalaya hùng vĩ có ngọn Everet cao nhất thế giới về tới Luang Prabang đã mở lòng ra mênh mông. Dòng nước lừng lững hướng về Vientian, qua thác Khôn, xuôi Hạ Lào, hòa vào sông Bốn mặt Campuchia xuôi về đất Việt thành Cửu Long giang cuộn sóng. Ngồi bên dòng sông hùng vĩ nhường kia không ai có thể dửng dưng hay trơ lỳ được. Tôi lại nghĩ đến những buổi chiều thân phụ nhà văn dẫn các con ngồi trên yên ngựa hay đi bộ ra cái quán ven bờ sông để con người được trời đất Luang Prabang phụ cho một tài năng lớn, đa dạng và phong phú.

Nguyễn Hoàng Thu nói nhỏ:

- Tôi đã đi tới đây một lần cùng với Thanh Thảo, Thái Bá Lợi. Chúng tôi đã ngồi đây thật lâu, nhìn ngắm dòng sông và cũng mê đắm như ông, mải nghĩ như ông. Này ông ơi, người Lào họ lịch sự hơn mình, trước đây ở những nhà hàng như vầy không được phép có nhà vệ sinh thải ra sông Mê Kông. Muốn đi vệ sinh phải đi vào sâu bên kia đường.

Tôi vẫn ngồi im để cho những dấu ấn của Luang Prabang nhập vào tôi. Và để cho những dấu thiêng kia hiện về trong bài viết nhỏ, khiêm nhường, một nén hương thơm thảo vào một đêm, một buổi sớm nước Lào kỷ niệm chín mươi năm ngày sinh của ông - một nhà cách mạng, một triết nhân, nhà văn, một nhà văn hóa lớn của thế kỷ XX. Nguyễn Đình Thi - Người đứng đầu một thế hệ văn nghệ sỹ ưu tú nhất của dân tộc.

Đào Thắng (nguồn: Tạp chí NV&TP)

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *