THƠ VIỆT NAM SAU 30 NĂM ĐỔI MỚI
Nhà thơ Y Phương
Trước hết, thay mặt Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin nồng nhiệt chào mừng và cảm ơn các quý vị đại biểu, các nhà văn, nhà thơ đã đến dự Hội thảo Lý luận phê bình lần thứ IV “Thơ Việt Nam sau 30 năm đổi mới” hôm nay.
Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội nước ta đã có những đổi thay to lớn. Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước ra đời trên cơ sở kế thừa và phát triển sáng tạo Nghị quyết Trung ương 5 đã tạo ra bước phát triển mới của nền văn hoá dân tộc. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển; nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Điều kiện tinh thần và vật chất đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng tốt hơn. Chính sách hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá ngày càng rộng mở, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và góp phần quảng bá văn hoá dân tộc với bạn bè quốc tế… Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Tất cả những thành tựu đó đã được những người lao động sáng tạo đưa vào tác phẩm của mình...
Thành tựu lớn của văn học nói chung và thơ nói riêng là “đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật văn học… thể hiện những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước”.
Giao lưu và hội nhập với thế giới, trong đó có văn hóa với nhiều loại hình giải trí thâm nhập vào đời sống thường nhật đã làm thay đổi vị trí của văn học và vị trí xã hội của nhà thơ. Nền kinh tế thị trường, với sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Mọi giá trị đều trở thành hàng hóa và vận động theo quy luật của đồng tiền. Văn chương cũng là hàng hóa bị thị trường quy định, nên “Đã hình thành một thị trường hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật; đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật ra nước ngoài, góp phần khẳng định nước ta là địa chỉ giao lưu văn hóa quốc tế trong thời kỳ mới”[1].
So với văn xuôi, thơ thời kì đổi mới “bình lặng” hơn, mặc dù thơ có cường độ và tần suất mạnh mẽ về số lượng tác phẩm và tác giả. Thời kỳ đỉnh cao của thơ kháng chiến chống Mỹ nổi lên như một hiệụ ứng xã hội với âm hưởng chủ đạo anh hùng ca của các thế hệ nhà thơ – chiến sĩ ra trận đã nhường vị trí cho sự “lên ngôi” của văn xuôi từ sau năm 1975. Nói như GS.TS La Khắc Hòa “Đóng góp cho công cuộc đổi mới văn học ở Việt Nam chủ yếu là ở lĩnh vực văn xuôi”. Đời sống đất nước hòa bình đã giải phóng cho làm thơ những nghĩa vụ công dân của đất nước chiến trận. Thơ luôn gánh trách nhiệm với đất nước, với nhân dân, nhưng đã tránh được sứ mệnh lịch sử thời kỳ đó phải gồng mình, viết nhiều hơn “giọng cao” về những điều to tát, lớn lao như trước kia Chế Lan Viên đã viết “Một câu thơ ba phần làm nhiệm vụ”.
Suốt 30 năm công cuộc đổi mới, thơ nói riêng và cả nền văn học nói chung đã đồng hành cùng đất nước. Thơ tràn ngập tinh thần dân chủ, nhân văn...
Các thế hệ nhà thơ xuất hiện trong 30 năm đổi mới chính là lực lượng chủ đạo của nền thơ đương đại Việt Nam. Đội ngũ tham gia sáng tác thơ đông đảo, sung sức với nhiều thành phần, sắc tộc, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, vùng miền... Đội ngũ đông vui với nhiều tên tuổi: Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đức Mậu, Y Phương, Nguyễn Duy, Trúc Thông, Việt Phương, Ý Nhi, Hoàng Trần Cương, Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Kiều Minh, Trần Quang Quý, Nguyễn Linh Khiếu, Trần Hùng, Inrasara, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Đỗ Trọng Khơi, Phạm Công Trứ, Đặng Huy Giang, Mai Quỳnh Nam, Giáng Vân, Vi Thùy Linh, Tuyết Nga, Lê Thị Kim,… Một khối lượng lớn tác phẩm đã được in ấn, phát hành khiến các nhà quản lý văn hóa, hay các nhà phê bình rất khó có thể bao quát hết tác phẩm. Chưa kể một số nhà thơ đã dùng mạng xã hội Facebook, Instagram… để xuất bản thơ. Bên cạnh các nhà thơ mới xuất hiện, đội ngũ những nhà thơ đã thành danh vẫn luôn tự đổi mới mình từng ngày. Một điều rất đáng ghi nhận ở trong giai đoạn văn học đổi mới này là sự đóng góp quan trọng của lớp nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến, vẫn giàu nội lực sáng tạo cùng những tìm tòi đổi mới cho thơ thời hậu chiến và đổi mới.
Cùng với thành tựu chung trên lĩnh vực văn chương, Hội Nhà văn Việt Nam đã phục hồi hội tịch, tôn vinh và trao Giải thưởng Nhà nước cho các nhà thơ đã có thành tích sáng tác xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đóng góp vào văn học và sự nghiệp kháng chiến của các thế hệ đã được Nhà nước công nhận xứng đáng bằng các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Có bốn nhà văn vinh dự được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang là 2 nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ và Lê Anh Xuân cùng hai nhà văn Nguyễn Thi và Chu Cẩm Phong.
Sự đổi mới thơ đã diễn ra trên nhiều phương diện cả nội dung và hình thức. Sự đổi mới phải kể đến đó là sự đa dạng về đề tài, phong phú về chủ đề. Thơ phản ánh đến muôn mặt đời sống xã hội theo ngôn ngữ đặc thù của thơ. Thơ gần gũi đi vào muôn mặt cuộc sống đời thường. Kế tiếp truyền thống thi ca giai đoạn trước, thơ vẫn luôn thể hiện một tầm tư tưởng lớn của thời đại.
Thơ viết về chiến tranh, đặc biệt là trường vẫn được các nhà thơ tiếp tục đào xới như một sự trả món nợ của quá khứ, các tác giả vẫn là thế hệ chống Mỹ. Trong khoảng thời gian này, trường ca nổi lên như một đợt sóng thứ hai với những “Trầm Tích” của Hoàng Trần Cương; “Gọi nhau qua vách núi” của Thi Hoàng; “Đổ bóng xuống mặt trời” của Trần Anh Thái; “Chín tháng” và “Đò trăng” của Y Phương… Chiến tranh sau 41 năm đã hiện lên không phải chỉ là nhìn thấy nữa mà là một hiện thực được phản ảnh sau những nghiền ngẫm, cân nhắc vì vậy có thể thấy trang viết lắng đọng hơn, nhiều suy tư hơn, vấn đề đặt ra trong tác phẩm nỗi niềm hơn. Thơ gắn bó sâu sắc với hành trình đổi mới đất nước; thơ phản ánh số phận dân tộc; thơ là tiếng nói của nhân dân; thơ là tiếng nói của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi chống xâm lăng. Bởi thế, thơ đã lên tiếng trước những biến động của lịch sử dân tộc. Thơ đã ứng chiến một cách mau lẹ về chủ đề biên giới, biển đảo chả khác nào thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhất là sau sự kiện Hải Dương 981, thơ lên tiếng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; thơ nhanh chóng lan tỏa tinh thần yêu nước trong đời sống nhân dân, khích lệ tinh thần yêu nước. Một loạt tác phẩm thơ, trường ca ra đời làm dấy lên không khí sôi sục, khí thế, nhiệt huyết của lòng yêu nước, chống xâm lăng, đó là: Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Mộ gió của Trịnh Công Lộc, Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng, Bâng khuâng Trường Sa của Nguyễn Thế Kỷ, Hát quan họ ở Trường Sa của Khánh Hương…; trường ca Người sau chân sóng của Lê Thị Mây, Tổ quốc-Đường chân trời của Nguyễn Trọng Văn, Hạ thủy những giấc mơ của Nguyễn Hữu Quý…
Thơ cũng như văn học nói chung đã chuyển trọng tâm từ hiện thực khách quan bên ngoài sang hiện thực nội tâm bên trong. Cái tôi cá nhân được quan tâm thể hiện và trở thành một đối tượng khai thác mới. Chiều sâu tâm linh và những ẩn khuất tâm hồn được chú ý khai thác hơn. Con người sử thi đã nhường chỗ cho thân phận con người cá nhân. Số phận con người ở những góc khuất luôn là mối quan tâm hàng đầu và xuyên suốt các tác phẩm. Thơ đi sâu vào những góc khuất của số phận con người, về những nỗi đau mất mát. Cái mới đáng chú ý của thơ giai đoạn này là tính chất hướng nội, đi vào hành trình khám phá nội tâm khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận của con người. Nhân vật là con người - con người của dĩ vãng và hiện tại với những niềm vui và nỗi buồn, đớn đau và khát vọng lớn lao; con người đặt giông gió thời cuộc với những mối quan hệ phức hợp trong xã hội.
Thơ chuyển từ hướng ngoại đến hướng nội. Thơ nói nhiều hơn chuyện riêng tư, đến cái tôi, nỗi buồn, thân phận, đến tình yêu, nhân tình thế thái…Thơ mang yếu tố siêu thực với những tên tuổi nổi bật như: Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương, Mai Văn Phấn…
Ngày Thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam kể từ lần đầu tiên năm Quý Mùi (2003) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội đã bước sang năm thứ XIV thực sự trở thành một lễ hội thơ - một sân chơi bổ ích cho những người làm thơ và yêu thơ.
Những năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thơ có tính quốc tế, như: Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, Hội thảo “Văn học Việt Nam – Hoa Kỳ sau chiến tranh” do Đại học Văn hóa Hà Nội và Trung tâm William Joiner (Trung tâm nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh – Đại học Massachusetts, Mỹ) tổ chức; Hội nghị Văn học sông Mê Kông... Một số nhà thơ có vốn ngoại ngữ, tự dịch thơ mình và bạn bè ra tiếng nước ngoài để thơ “vượt biên” đến với thế giới như: Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Hữu Việt…
Cùng với nội dung, thơ cách tân, mới mẻ hơn về thủ pháp nghệ thuật, cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà thơ với nhiều tìm tòi và thể nghiệm mới. Thơ chuyển biết rất cơ bản và sâu sắc không những về nội dung, hướng tới những tìm tòi cách tân nghệ thuật. Thơ bước vào chặng đường mới với tư duy mới phóng khoáng, tự do, cảm xúc mới… nên đã nhanh chóng vượt thoát khỏi những khuôn sáo, ước lệ, cũ mèm. Thơ thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ vần điệu. Thơ kết hợp một cách nhuần nhuyễn linh hoạt giữa tưởng tượng, liện tưởng, thơ văn xuôi, từ chối vần nhịp, trùng điệp thi ảnh, những giấc mơ, những cơn mê sảng… đạt đến đỉnh cao nhất trong sáng tạo của đời thơ mình ở giai đoạn tiếp theo này. Thơ đặc trưng của một nghệ thuật thẩm mỹ cao đẹp, hào hoa, tinh tế và giàu biểu tượng…
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường thơ 30 năm qua hạn chế lớn nhất là rào cản ngôn ngữ khiến thơ vẫn loanh quanh trong phạm vi hẹp. Thơ vì thế vẫn loay hoay “trong nhà” chứ chưa ra “ngoài ngõ”. Thơ cũng như văn học có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước. Không ít nhà thơ tự khoanh vùng đề tài, phạm vi thơ rất hẹp cho chính mình. Lại một số nhà thơ trẻ tự khẳng định cái tôi viết theo lối cực đoan, xa lạ với tuần phong mỹ tục của dân tộc.
Là quốc gia đa dân tộc có 54 dân tộc anh em cùng trong “ngôi nhà chung”, nhưng thơ viết bằng tiếng mẹ đẻ vẫn chưa được quan tâm, động viên, khích lệ. Ngoài một số nhà thơ dân tộc thiểu số có một vài tập sáng tác song ngữ, như: Y Phương, Hữu Tiến, Dương Khâu Luông… còn lại đa phần sáng tác bằng tiếng Việt. Thơ nước ngoài vào Việt Nam khá ồ ạt, song vẫn chưa đủ sức thu hút độc giả Việt Nam chúng ta vì nhiều lẽ. Thơ dịch khó vì nếu chỉ dịch câu chữ mà không cảm hiểu, thiếu rung động tâm hồn thì thơ không thể đến bạn đọc…
30 năm qua, thơ Việt Nam đã có nhiều bước chuyển, đạt nhiều thành tựu đáng kể, tuy còn nhiều hạn chế, nhiều vấn đề mới phức tạp nảy sinh, đòi hỏi phải có sự lý giải thấu đáo, khoa học. Nhằm đánh giá đúng thực trạng và triển vọng, tiếp tục đi sâu đánh giá, luận giải tổng kết một cách toàn diện những thành tựu, hạn chế của thực tiễn sáng tác thơ Việt Nam 30 năm đổi mới; tiếp nối thành công của 3 hội thảo lý luận phê bình trước, Ban Tổ chức hội thảo lý luận phê bình lần thứ IV chuyên ngành thơ mong muốn các quý vị đại biểu phát biểu theo một số nội dung sau:
- Làm rõ những khái niệm thơ đổi mới và đổi mới thơ; thơ hiện đại, hậu hiện đại;
- Chuyển động và thành tựu của thơ Việt Nam sau 30 năm đổi mới;
- Thơ hiện đại, hậu hiện đại có là sự lựa chọn tất yếu cho sự đổi mới của thơ Việt Nam hôm nay;
- Các xu hướng sáng tác hiện nay? Các nhà thơ đã sáng tác theo xu hướng truyền thống và hiện đại thế nào? Cách tân thơ và đổi mới có trên nền truyền thống hay không? Dòng chảy chính của thơ Việt Nam hiện nay vẫn là thơ truyền thống hay đổi mới trên nền truyền thống
- Các nhà thơ và tác phẩm sáng tác theo xu hướng cách tân;
- Làm gì để thơ dân tộc thiểu số vẫn giữ được bản sắc?
- Dự báo văn chương trong những năm tới sẽ ra sao? Văn chương thị trường liệu có trở thành dòng chính và là xu thế tất yếu của văn học Việt Nam?
Vv và vv…
Ban tổ chức Hội thảo kỳ vọng, trên cơ sở những bài viết, tham luận, phát biểu tại Hội thảo và được tiếp tục sau Hội thảo, Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI hướng tới xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Y PHƯƠNG
[1] Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X