Kể chuyện rong về những ngày có giặc-Trường ca của Đỗ Trung Lai
Trận chiến Bạch Đằng chống quân Nguyên Mông (ảnh: Internet)
(Trích Trường ca)
CHƯƠNG HAI
KỂ CHUYỆN
I
Sử chép thế
nước Việt này là thế
giặc mọc như lông mọc
suốt bao đời!
Để gìn giữ
cảnh êm đềm Lạc Việt
Cổ Loa thành
người Việt phải xây thôi!
Với Thành Ốc
với nỏ thần Cao Lỗ
An Dương Vương kế nghiệp các vua Hùng
ngỡ bền vững muôn đời trời Âu Lạc
thì một ngày
lông ngỗng trắng rưng rưng!
Lông ngỗng trắng
áo tình buông dấu trắng
“giặc trong nhà” lần theo dấu tin yêu
cha ngoái lại
“mất thành, con phải chết!”
gươm oan khiên
đau đớn dội trăm chiều!
Biển nhận máu Mỵ Châu về luyện ngọc
ngọc từng viên vò hận
cổ kim ơi!
Sống cạnh “Thiên triều”
không thể ngây thơ được
thần Kim Quy
vuốt ngực trước con người!
Rồi cổ tích
đưa ngọc châu về núi
kẻ hai lòng
cổ tích cũng bao dung
lấy tên kẻ chung tình
đặt tên cho giếng Ngọc(5)
giữa tang thương
chợt nở một bông hồng!
Rồi cổ tích
gội sầu trong giếng Ngọc
tặng tình yêu một ánh hồi quang
tặng một tiếng cười trong nước mắt
yêu tình yêu
bằng cả tấm lòng vàng
xin hỏi cả phương Tây, phương Bắc
cổ tích nào
hơn cổ tích phương Nam?
II
Rồi một ngày
Binh Hán vượt Trường Giang
Giao Chỉ
Cửu Chân
lại khắp trời lửa khói!
Thương nhà cũ
con gia gia khắc khoải
cuốc đêm hè
gọi mãi núi sông xưa
Núi sông xưa
yêu biết mấy cho vừa
“Chim Việt đậu cành Nam
Ngựa Hồ gầm gió Bắc”
đau chất ngất
chí phục thù chất ngất
rừng Nam này
bao đợt gió rung cây
cung đã giương
bao tháng bao ngày
chỉ đợi lúc
nheo mày buông tên hận.
Tướng Ông bỏ mình
thì Hai Bà lâm trận
sáu mươi lăm thành
sầm sập trống đồng rung
thù nước tạm xong
vừa mới đoạn tang Ông
Hai Bà đã gieo mình sông Hát lạnh!(6)
Cột Mã Viện
cắm vào lòng dân Việt
“Đồng trụ chiết”
thì “Giao Chỉ triệt”(7)
gió cuốn lưng trời
lau lách khóc ven sông!
Đất rêu phong
lòng Việt chẳng rêu phong
nhà người Việt
quay lưng về hướng Bắc
nhà ta đón gió nồm
không ai đơm gió bấc
học chữ Hán
cũng đọc theo lối Việt
ta đọc nghìn năm:
“Nam quốc sơn hà”!
III
Hán đổ rồi
thì lại gặp Đông Ngô
Những mẹ Việt
rửa bành voi Bà Triệu
Bà đi guốc ngà
mặc giáp đồng xung trận
đạp sóng dữ biển Đông
đi chém cá kình.(8)
Tên réo đầu voi
lửa cháy mặt thành
Tùng Sơn đau
trông nữ chúa bỏ mình(9)
hăm ba tuổi
Bà về nơi nghìn tuổi!
Sông Mã
Sông Chu
xanh vời vợi
không bao giờ
làm tỳ thiếp cho ai.
IV
Người thức một đêm
sử bước vạn ngày
Tam Quốc hết
Tấn tàn trời phương Bắc
Giao Châu lọt vào tay Lương tặc(10)
dân Việt trôi
trong thống khổ ê chề!
Bao năm ròng
nhục mất nước còn kia
Lý Giám quân
từ quan
xưng đế
Khai Quốc tự
soi mình Dâm Đàm thủy
lầu Vạn Xuân
như giấc mộng đêm hè!(11)
Vua mất rồi
tướng trẻ có nề chi
Triệu Quang Phục
đưa quân về Dạ Trạch
quân với tướng
xây thành trong lau lách
từ đầm lầy
“giằng lại tấm giang sơn”(12)
hăm ba năm
dân gọi “Dạ Trạch Vương”
Lý Phật Tử thay lòng
trời thôi phù nghiệp Triệu!(13)
V
Ở phương Bắc
Tùy lên cầm đế hiệu
Nam - Bắc triều
chìm với “Hậu đình hoa”(14)
Vạn Xuân non
khô héo dưới trăng già
quốc vừa phục
lại chia về ba quận!(15)
VI
Lại phương Bắc
(lại là vì phương Bắc!)
ba quận hóa An Nam
ba quận đọc thơ Đường.(16)
Chia để trị
Việt thành bao châu huyện
An Nam như chiếc bánh của Đường triều
Mai Hắc Đế(17)
Đại Vương Bố Cái(18)
phải dựng cờ
đòi lại nước non yêu.
Người Việt thuộc thơ Đường dư vạn khổ
luật Đường thi
thành thi luật Việt rồi
những mùa thu trong thơ Đường đẹp thế
người Việt buồn
nhớ nước dưới thu rơi!
VII
Nam Hán thay Đường
sầm sầm sang đất Việt
thì “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”(19)
đến cọc gỗ
cũng hóa thành dân Việt
theo Ngô Quyền
phá giặc trên sông.(20)
VIII
Nam Hán chạy rồi
sông tưởng được xanh trong
thì phương Bắc
lại viết thêm “liệt truyện”
thay Nam Hán
Tống triều đưa sứ đến
Đinh Đế ngắm hoa lau
ngậm ngải cống “Thiên triều”
nhận cống nạp
Tống triều còn chưa thỏa
thèm nước này
hơn chim chả, nhung hươu!(21)
Được một giáp
Tiên Hoàng tạ thế
đang thọ tang
mà Tống quyết xông vào
theo Kinh Lễ
còn gì đau hơn nhỉ?
Dương Vân Nga
vì nước dâng bào.
Nước còn trẻ
sơn hà nguy biến
Lê Đại Hành
mặc giáp
ngự ngôi cao!
Nước còn trẻ
nhưng cầu hòa không được
Lê Đại Hành
làm lại Bạch Đằng giang
Hầu Nhân Bảo
vào đây mà chết trận
thêm một lần
giặc đến rồi tan.(22)
IX
Tống phục hận
sai Quách Quỳ, Triệu Tiết
mang đại binh
hòng cướp nước Nam về
Lý Thường Kiệt
đọc thơ thần dưới nguyệt
“Nam quốc sơn hà”
làm theo kiểu Đường thi!(23)
X
Rồi Tống đổ
người Trung Hoa mất nước!
ngựa Nguyên Mông
tung vó vượt biên thùy
“Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy”
“Thiên thượng lai” cuốn mọi quốc gia đi!(24)
Nước Việt nhỏ
nhưng cùng nhau trụ được
giặc Nguyên Mông
bảy đến, ba về
Trần Hưng Đạo
được đất này phong thánh
bao đền thờ dân dựng vẫn còn kia.(25)
“Ba bận chuyển nhà
bằng một lần nhà cháy”
Trần triều xưa
ba bận cháy nhà!(26)
chồn ngựa đá
chân người không mỏi
dẫu bao lần
nước mắt chảy sau hoa!
Dâng công chúa An Tư vào trại Thát(27)
như Chiêu Quân nhà Hán cống sang Hồ(28)
từ đất giặc
không ai quay về nữa
biết ai người
còn nhớ bóng ai xưa?
Khi giết giặc
“mắt người Nam không chớp”(29)
“khắp toàn thân là đảm”(30)
giữa trận tiền
lúc ngộ Phật
“như cám nằm đáy cối”(31)
gặp thu lành
nâng chén
đợi trăng lên.
Vua ra trận
rồi vua thành Phật
về Trúc Lâm
nghe chim hót bên chùa(32)
say Thiền học
dẫu làm nên chính sử
chỉ mơ sao
gươm giáo hóa cày bừa.
XI
Mơ là thế
nhưng đời đâu được thế
Minh thay Nguyên
lửa lại cháy ngang trời
lại phải nấu cày bừa làm gươm giáo
đem mâm đồng, chuông khánh
đúc thần lôi!
Lại ròng rã
mười năm trời kháng chiến
bao nhiêu là
vợ góa với con côi
Linh Sơn kia, lương cạn mấy tuần rồi
Khôi Huyện nọ, quân không còn một đội!(33)
Thái Tổ nhà Lê
húy danh là Lợi
nếm mật nằm gai
đâu chỉ có hai năm(34)
thịt ngựa chiến cầm hơi
giết voi trận nuôi quân
khi thắng giặc
trả gươm về cõi khác.
Tặng trăm thuyền
cho hàng binh hồi quốc
cấp ngựa đưa hai vạn lục quân về(35)
tình hòa hiếu
ngày đêm trau chuốt
những chuyện này
sử Bắc vẫn còn ghi.
Đêm ngẩng đầu
gặp vằng vặc sao Khuê
mùa vải chín
tìm “Ức Trai thi tập”(36)
ngẫm lẽ sống - còn, khuyết - tròn, được - mất
vân cẩu đầy trời
bể dâu ngập đất
khóc với cười
chỉ trang trước trang sau!
Người lính già
nghe vọng giữa canh thâu
quyên nhỏ máu
vẫn còn kêu “quốc! quốc!”
đã vì nước
đắng nào không nuốt được?
hồn theo mây
rằm Tháng Bảy
trông về!
XII
Dâu bể kìa
Mãn đến, Minh đi
tóc bện bím
sau đầu đàn ông Hán!
nhân chợ chiều
Chiêu Thống vời giặc đến
đặt “kẻ hèn nhất nước”(37)
trở về ngôi!
Hoàng đế Quang Trung
đành phụng mệnh trời
gác gia sự
xuất sư nhằm hướng Bắc
“đánh một trận sạch không kình ngạc”(38)
hoa đào bay
phấp phới chiến bào bay!(39)
Rồi ngờ đâu
lại có một ngày
“Ai tư vãn”
Ngọc Hân trào lệ ngọc!(40)
bút với mực
mà sao đầy nước mắt?
khúc biệt hành
thay khúc khải hoàn ca!
Đào dẫu tàn
tình lớn chẳng phôi pha
khóc một chữ
người nghe vò chín khúc
đâu phải chuyện
Tôn phu nhân quy Thục(41)
khóc anh hùng
cảm động cả trời mây!
XIII
Thanh chạy rồi
thì lại đến giặc Tây
sau thập ác
là tàu đồng súng thép
mỗi hòa ước
là một lần cắt đất
cắt đất dâng người
xương thịt cũng chia phôi!(42)
Hàm Nghi nhục
bỏ thành đi chống giặc
giặc bắt vua
đóng cũi lưu đày
những ai dám Cần Vương phục quốc
bị bêu đầu cắt cổ chẳng ghê tay!(43)
Đem một nước
chia ba kỳ như bỡn
ngai bù nhìn
hỏi nước có còn không?
Trương Công Định
Nguyễn Tri Phương
Hoàng Diệu
nhập thiên thu
Vàm Cỏ gọi sông Hồng.
Nguyễn Quang Bích
Phan Đình Phùng
Hoàng Hoa Thám
đem thân mình
báo quốc chốn binh nhung!
XIV
Áo nhuộm máu
áo hóa thành cờ đỏ
mơ tự do
tự do hóa sao vàng
thu đại nghĩa
thu sao vàng cờ đỏ
ngắm Cha già
cả dân tộc hân hoan.
Cả dân tộc
theo Cha già kháng chiến
nào dao phay
gươm Nhật
gậy tầm vông
nào hỏa mai
súng kíp
mút - cơ - tông
áo trấn thủ
bên nâu sồng cuối huyện.
Trung - Nam - Bắc
chỉ một lời quyết chiến
súng gươm nghèo
nhưng giàu có huân công
học đi đều
sau khi biết xung phong!
Chỉ biết theo Cha
không cần biết “tang bồng”
trăng phục kích
treo thầm trên ngọn súng
chấp tất cả
cơm thưa và chăn mỏng
chân không giày
úp thìa ngủ đêm đông.
Đôi kẻ hào hoa
làm thơ nhớ Thăng Long
“Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm”(44)
đêm Tây Tiến
trời hoang đầy lau xám
sông Mã độc hành
cọp vàng quanh bản
hồn Sầm Nưa
thân còn ở Mai Châu
thì “áo bào thay chiếu” có sao đâu
rót thi vị
lên những mồ viễn xứ
thời chinh chiến
hồn ai không bỏ ngỏ
cho “mùa em”
thơm ngát giữa “đêm hơi”(45)
thà vô danh
thân vùi vội chân đồi
hơn an lạc
khi sơn hà nguy biến.
Cả dân tộc
theo Cha già kháng chiến
chín năm ròng
mới đến được Điện Biên
hè năm ấy
có một rừng cờ trắng
run rẩy hàng
khi cờ đỏ bay lên.
XV
Nước hai nửa
chưa kịp về một mối
đền chửa xây xong
đã gặp kẻ đốt đền
nhà muôn nóc “đêm Nam ngày Bắc”
vốn “đồng bào”
mà “hai phía”, “hai bên”!
Hai chính thể
cờ không cùng một sắc
đài hai miền
tiếng Việt ngược chiều nhau
cha mẹ
anh em
thành người hai chiến tuyến
mấy chục năm ròng
càng nghĩ lại càng đau!
Vừa rừng sâu
giờ lại rừng sâu
vừa kháng chiến
lại lên đường kháng chiến
nối mạch giao liên
trên rừng dưới biển
“địa chỉ đỏ” còn kia
“Việt cộng” lại quay về.
Và núi rừng
thành thị
làng quê
âm thầm dệt
thiên la địa võng
“Còn một cái lai quần cũng đánh”(46)
ôi Miền Nam
đi trước về sau!
Người Nam ta
đội trời Việt trên đầu
dù sông tuyến
muôn lòng không giới tuyến
Cửu Long gọi
có Hồng Hà lên tiếng
người ra đi
phù sa cũng theo đi.
Một lần nữa xa quê
không thể hẹn ngày về
một lần nữa
ca bài ca vệ quốc
rồi hát tiếp
giữa Trường Sơn trùng điệp
về chim Chơ Rao
bay trên nóc buôn làng(47)
về chú ve kim(48)
về chú nai vàng(49)
về tiếng mìn công binh đánh đá(50)
về tiếng điếu cày rít lên thong thả(51)
về cô em Thạch Nhọn - Thạch Kim(52)
về những mùa vận tải triền miên
về những tấm màn đen
che bào thai chiến dịch(53)
về tám mươi mốt ngày đêm
trong Cổ Thành cổ tích
về “Điện Biên Phủ trên không”
tên lửa tựa rồng bay...
Đã hát chín năm
lại hát tám ngàn ngày
hát
hát mãi
đến khi trào nước mắt
khi nhìn thấy
ước mơ thành sự thật
ngày Tây Nguyên
tràn tới Sài Gòn
cờ đỏ - xanh
chập cờ đỏ sao vàng
cuồn cuộn vẫy
ngày hân hoan vĩ đại!
XVI
Bên chiến bại
hiển nhiên là ... thất bại!
Người chiến thắng hồi hương
thu xếp lại đời mình.
Đời thế tục
không thể nào hát mãi
lạc hậu
nghèo nàn
thời đánh nhau để lại
mỗi đêm về
gặm nhấm những ngày vui!
Những nghĩa trang
dài đến tận... chân trời!
Mâm quả phụ
“ngồi bên nào cũng lệch”!(54)
Tổ lúa nước
mà ngồi nhai... lúa mạch!
Nữ thanh niên xung phong
về quê cũ... lên chùa!
Lúc trẻ vào rừng
cài tóc bẻ sim mua
tóc rụng hết
trước cả ngày xuống tóc
không có được
cả niềm vui... buồn nhất
cái niềm vui
được một bận thất tình!
(Tình ca bây giờ
toàn trai đẹp gái xinh
lỡ một tách cà phê
hát như là động đất!
Ai sẽ hát
về những người hóa Phật
từ Trường Sơn
về làm vãi trên chùa?)
Thắng giặc rồi
không lẽ tự thua?
Thu xếp mãi
thế rồi thu xếp được
“dân nước” ở đâu
cũng vẫn là “dân nước”
đau thương nhiều
người Việt vực nhau lên
triệu người chết
triệu người mang thương tật
chiến công nhiều
hạnh phúc chẳng nhiều thêm!
Hạnh phúc nào
những thân tàn ma dại
đi-ô-xin
âm ỉ giữa thai người
bao dị dạng
dưới trời Nam tàn úa
một nhà đau
đau khắp cả giống nòi!
XVII
Thế mà lúc
việc còn đang dở việc
thì có người
rình cướp mất Hoàng Sa
khắp cổ tích
chỉ Lý Thông làm thế
sớm qua chiều
tình nghĩa đã phôi pha!
XVIII
Xong việc lớn
việc đang bề bộn việc
lính phục viên
chưa thuần lại việc đồng
thì nhận giấy
báo ngày tái ngũ
bỏ cha già mẹ héo ở mom sông!
Họ phải tới
miền Tây Nam tổ quốc
ở nơi đây
Khơ Me Đỏ công thành
vừa chống Mỹ
cùng nhau ngày trước
giờ quay đầu
xả súng liên thanh!
Khơ Me Đỏ
đánh úp hai dân tộc
Cam Pu Chia
máu chảy khắp ao đìa
tự diệt chủng
dân chỉ còn non nửa
cũng chết dần
trong bóng áo đen kia!
Thời thế thế
quân Việt đành phải thế
đi cứu mình
đi cứu đất Ăng Co
anh nuốt vội
liều ký ninh còn lại
rồi cùng em
sang xứ sông hồ!
Rồi một sớm
người Bắc tràn ải Bắc
nước Nam ta
thọ địch cả hai đầu
Vọng Phu thạch
thêm một lần hóa đá
lòng trời sâu
đâu sánh dạ người sâu!
Đánh nhau mãi
cuối cùng, thu xếp được
quân hai bên
về doanh trại hai nhà
tưởng đã gác binh đao
ngồi nói chuyện
chợt một ngày
thảm sát ở Gạc Ma!
Những chiến sĩ công binh
còn rất trẻ
đang kê cao Tổ quốc
giữa trùng xa
đạn bắn thẳng
và lưỡi lê đâm thẳng
sáu mươi tư người
sóng đập máu son pha!
Sáu mươi tư anh hùng
vùi thân trong lòng biển
sáu mươi tư lá bùa
phù hộ non sông
hồn họ kết
nên thành hô vách ứng
suốt đêm ngày
canh gác Biển Đông.
Người lấy đảo
lại đang đòi lấy biển
những ngư đoàn
có tàu chiến bơi theo
áo cộng sản
lại thêu rồng phong kiến
trông hành tung
nào khác những tiên triều!
Ôi Việt Nam!
núi gấm sông thêu
muốn được ngâm thơ
phải làu làu binh pháp!
Ba trang sử
thì hai trang trận mạc!
Mẹ phải hóa anh hùng
khi đầu bạc răng long!
Treo ảnh con
ảnh cháu
ảnh chồng
dưới cờ đỏ
trên “Bàn thờ tổ quốc”!
Ơi hạnh phúc!
đầy lên nào, hạnh phúc!
Đừng ở cõi Niết bàn
hãy rơi về cõi tục!
Cho lá xanh không rụng trước lá vàng
cho lá xanh được phụng dưỡng lá vàng
cho mẹ ta không phải hóa anh hùng
được giản dị
ngày ngày
làm mẹ!
Vâng, giản dị
chỉ cầu xin giản dị:
Lệ máu không còn
chảy dưới trời Nam!
Trích trường ca của Đỗ Trung Lai
(Nguồn: Tạp chí Nhà văn&Tác phẩm)