Tác phẩm chọn lọc

24/5
8:24 AM 2016

Chùm ba truyện ngắn của Tống Ngọc Hân

Tác giả được phát hiện bởi cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013 –2014

 

                                                                                         ảnh minh họa (nguồn: Internet)

 NGƯỜI SĂN CÔN TRÙNG

             Thằng con trai mười tám mặc bộ quần áo cộc tỡn. Nó ngượng vì áo quần cộc hay ngượng vì ông bố suốt ngày khổ luyện với men mà lại đứng xa, dùng ngọn cái roi trúc gãi vào bàn chân ông. “Dậy thôi”. Ông dụi mắt, ngồi dậy. “Tổ cha mày, gọi cơm bố mày thế à”. Hề hề. Ông chắp tay vào mông, đĩnh đạc bước dấn lên phía trước. Cái dáng thấp, lùn chùn chụt, nom càng vững chãi.

     Mâm cơm dọn ra. Cái bếp than tổ ong để sát nồi cơm. Trên bếp là nồi canh cá đang lục bục sôi, mùi thì là hấp dẫn quá. Mâm cơm toàn rau. Vùng này, chỉ có rau là sẵn. “Đầu cá gì thế bà?”. Bà nguýt ông. “Đầu cá mè, sướng chưa?”. Ông sướng quá, tót lên cái ghế gỗ, kiễng chân với tay lên ban thờ thỉnh xuống chai rượu. Chai rượu duy nhất còn lại đấy. Như thế gọi là hưởng lộc ông bà ông vải. “Mẹ mày có làm một chén không?”. Ông gạ gẫm. Người đàn bà trạc sáu mươi, gò má nhô cao như hai cái nút chai, chợt ửng lên như sắc hoa đào gặp nắng.

     Cụ già tám mươi ngồi im, nhìn trận đũa tí tớp lao ra lao vào từ ba người còn lại. Thi thoảng cụ mới len đũa vào, gắp được một nhánh ngồng tỏi muối bỏ lên miệng. Cả mồm có ba cái răng nhưng mỗi cái đậu một nơi nên cũng chẳng ai biết là cụ  đã giải quyết cái miếng dưa ấy thế nào trước khi nuốt đi. Thằng con trai cầm lấy bát của cụ, tiếp tục cái điệu trống không. “Đưa đây chan cho”. Nó múc nước canh cá vào đầy bát cơm của cụ già và dặn dò. “Cẩn thận kẻo bỏng”. Người nức nở “ngon quá”. Người tấm tắc “quá ngon”. Bà hãnh diện lắm. Cái tài nấu canh chua của bà lúc nào cũng khiến ông giống như đứa trẻ háu ăn. Khi cái nồi nghiêng đi chỉ còn bám vài cái vảy cá. Ông đứng dậy, vươn vai, kéo cạp quần xuống thấp. Bà lườm ông. “Ở đâu ra cái người tục ăn tục uống thế”. Ông lại hề hề…

      Hai người có vẻ ngấm men. Ông ngất ngưởng đi khoe thiên hạ cái sự say. Lại công viên, lại nằm ngửa trên ghế đá. Ngắm một trời hoa mận trắng. Chả phải mất tiền thuê mướn, cũng chẳng ai quở trách thằng say. Thì kia, dưới gốc đào, gốc mận, bọn say sưa đang dang tay, dạng chân đánh giấc đầy ra.

     Cụ già tám mươi, hóa trang thần tốc, chỉ phút rưỡi đã có mặt trên dòng đường đông đúc. Một cái nón mê, một đôi dép rách, bộ quần áo cũ, rộng thùng thình và một bị cói. Cây gậy lộp khộp dẫn đường. Tới tấp những tờ tiền lẻ buông vào nón cụ cùng với tia mắt xót thương.

      Bà bánh trôi nhòm chỗ có người mà cao giọng. “Ai bánh trôi đê..”. Tiếng rao vừa dẻo, vừa ngọt, vừa thanh mát. Người một đĩa, người hai đĩa. Ăn thòm ăn thèm thôi, mai lại ăn được. Khách mua bánh trôi là dân chợ búa đang ngồi gà gật bên ven đường hóng khách du lịch. Họ bảo ăn quà cũng là một cách “giải đen”. Bánh trôi làm trôi đi những cái đen đủi của buổi sáng chẳng may gặp phải mụ già nặng vía, sờ nẫu cả cam người ta rồi bỏ bom “chục nghìn một cân”. Mùa cam đơm hoa, làm quái gì có loại cam nào chục nghìn. Làm đĩa bánh trôi cho hả. Người thì xấu xí, nhếch nhác mà bánh ngon thế không biết. Chưa từng thấy cái hàng bánh trôi nào đặc biệt đến vậy.

      Thằng con trai, tay trái xách con hươu, tay phải xách con dê, hai nách kẹp hai con ngựa. Những con vật ngộ nghĩnh kết bằng rêu xanh lấy từ trên núi đá của xứ sở mù sương, hút khách như nam châm hút sắt. Cái cách ăn mặc ngộ nghĩnh của cu cậu cũng hút khách không kém.

       Ông liếc thấy hàng thú rêu có khách xúm đen xúm đỏ thì khật khưỡng đi đến. “Hươu nai bán thế nào đây”. Thằng bán hất hàm “Mua đi chú, tám mươi ngàn một con”. Ông khùng lên. “Thằng này láo, hôm qua bán cho tao cả trăm ngàn không bớt, nay lại bán có tám mươi là sao? Mày có thích tao đuổi ra khỏi công viên không?”. Thằng kia vội vàng nhặt mấy con thú lên. Khách rối rít xin hộ. “Bác làm gì quá đáng thế, để cậu ấy bán đã, mỗi chợ mỗi giá, biết sao mà bì tỵ. Để bọn tôi mua hết cho, khổ thân cậu”. Thấy thằng con đút tiền vào túi rồi, ông hề hề… “Thôi, biến được rồi. Từ sau mua bán xuống chợ”.

      Thấy bà tung tẩy cái làn không về qua ghế đá, ông cười ruồi. “Thấy chưa, đây mà sờ vào á, cứ gọi là bán không kịp”. Bà già đỏ hai cái nút chai trên má. Sáng nay, bánh ông chả sờ, sờ vào chỗ khác, phải gió, thế mà may đáo để.

     Cụ tám mươi mới gọi là may. Sáng sáng, ông mở hàng một nghìn vào mê nón cụ lấy lộc. Tiền của khách hành hương đầu năm, mới tinh và hậu hĩ vô cùng. Chả cần đếm vội, chấp qua loa rồi ấn ngay vào hòm khóa lại.

                   

 

                                                                *

 

      Năm ấy, trận rét đậm mót mùa vào cuối tháng ba. Không khí buốt như chó đớp vào tay. Ông nhạt miệng, cắm cúi bước. Mẹ nó, hàng họ gì mà buổi đực buổi cái. Chỗ nó ngồi bán rượu chân gà nướng, chỉ có bà lão ăn mày ngồi thu lu canh đống tro lạnh. “Cụ có thấy con nướng chân gà không?”. Cụ già lắc đầu. Ông quay bước. Đi hết con đường khuya, nhìn quay lại, vẫn cái bóng đen dưới gốc sa mu. Ông quay lại ân cần. “ Cụ định ngủ ngoài trời lạnh thế này hả?”. Cụ già ngồi im.

      Việc ông “tìm” được mẹ già ăn xin làm cái dân “bắt bướm” vùng núi này đàm tiếu suốt. Dạo này bướm và côn trùng ế lắm, ông cũng ít đi, sống dè sẻn bằng nghề bóc rêu, đi trong ngày, về trong ngày, chẳng phải ở trọ trên hang núi cả tháng nữa. Thi thoảng, nỗi ám ảnh về những con bướm ma bảy màu có sải cánh bằng cả chiếc mũ nồi và mười cái đuôi, loạng quạng bay về phía ánh sáng của chiếc đèn pin làm ông bàng hoàng tỉnh giấc. Đã dấn thân vào nghề săn côn trùng, chẳng có anh nào lại không ôm giấc mơ trúng quả với con bướm quý trị giá cả hai cây vàng như thế. Chưa kể những con cánh cam màu đỏ nhung sống thành từng đàn trên tán chè tuyết cổ thụ ở độ cao hai nghìn tám trăm mét vào những bình minh có ánh mặt trời sau trận mưa đêm. Hay những con bọ dừa xứ lạnh có đôi cánh dầy màu lá cây biêng biếc…Bao nhiêu là hấp dẫn mời gọi. Nhưng dường như gần đây, những người thu mua bướm và côn trùng đã giảm đi rất nhiều. Vì sao thì ông không rõ lắm. Thôi ở nhà vậy. Nhà có hai người cũng vui. Rêu ăn bám đá, ông lại ăn bám rêu. Chả sao cả. Đương nhiên là ông không thèm xơ múi một cắc lẻ của cụ già ăn xin. Cụ đang tích tiền về cho thằng cháu nội dựng lại cái nhà lá mới bị bão biển cuốn đi năm trước. Có than sưởi ấm, có giường đệm, có bếp thổi cơm, dù nhà cửa chật hẹp cũng còn hơn đứt cái cảnh màn trời chiếu đất. Cụ lại nảy lòng tham. “Anh nên kiếm lấy một đứa về bầu bạn cho đỡ buồn, ở thế này lạnh lắm”. Gớm, cái thân còn không nuôi xong, sao dám nghĩ tới chuyện ấm lạnh. Với lại…

      Chuyện nếu bảo là cũ thì nó cũ, nếu bảo là mới thì nó mới. Mới hôm nào từng đoàn người lũ lượt lên rừng đông như trẩy hội. Để bắt được bướm quý, người ta sẵn sàng hạ gục những gốc đại thụ. Cây to đè lên cây bé. Tan hoang cả vì bướm. Một hôm trúng quả con bướm chúa to bằng cái quạt điện cơ, vàng suộm. Ông luồn rừng đêm và men theo sấm sét mà về. Dự định sẽ mua cho vợ cái váy bằng lụa tơ tằm mà bà chủ khách sạn lớn vẫn diện những đêm hè hóng gió bờ hồ. Chết tiệt, đểnh đoảng quá, ngủ chẳng khóa khoáy gì cả. Ông đẩy cửa, lùng nhùng cái túi lưới nhốt bướm quý vào trước, người vào sau. Điện bật lên…Những gì ông chứng kiến là sự phản bội của cô vợ trẻ. Ấy đấy, giờ bảo kiếm…Ngộ nó thành cái dớp, liệu còn đủ sức mà đương đầu với đớn đau, nhục nhã?

     Nói vậy thôi. Kể từ hôm ấy, sau mỗi cuộc rượu về qua công viên, ông đều để ý cả. Một hôm, như là trời xui đất khiến, ông về muộn hơn. Cái thú rượu đêm xứ lạnh này không dễ gì khước từ được. Phố xá vắng tanh, ngang qua cái thùng rác dưới chân cột đèn cao áp, vẫn thấy một con mẹ lui cui vần hai cái thùng rác vào sát nhau rồi trải cái li lông xuống giữa. Trời đất, ngủ rác, ngủ rưởi thế này sao được. Sao không tìm mái hiên nhà nào. Chẳng biết già hay trẻ. Quay lại xem sao. Á, trạc năm mươi, tuổi mình là cùng. Tay chắp cu đít, giọng thật thà. “Về chỗ tôi mà trọ”. Người đàn bà đứng dậy. “Bao nhiêu hả bác?”. “Hai nghìn một tối”. “Bác làm ơn cho hỏi, ngủ hai nghìn thì có chăn đắp không ạ?”. “Có chứ”.

      Được ba đêm ngủ chung, cụ già giở chứng, kêu chật chội, đuổi bà gom phế liệu sang giường khác mà ngủ. Giường khác là giường nào ngoài cái giường của ông chủ lúc nào cũng phảng phất hơi rượu? Chủ và khách cứ đùn đẩy, nhường nhau chỗ nằm, đến khi cả hai nóng người lên thì mới phát hiện ra là cái giường rất rộng, hai người nằm cũng chả hết, có lúc còn không dùng đến chăn ấy chứ. Thế là ông được vợ. Bà bảo biết nghề làm bánh vì quê ở đất Lang Liêu. Cháy nhà, trắng tay nên mạnh ai nấy tìm đường mưu sinh. Bọn đi núi kháo nhau. “Cha lùn bắt được bướm nhà, bỏ nghề bướm rừng rồi”. Ông chả có ý kiến gì. Yên tâm nghề rêu và tranh thủ giúp bà làm bánh trôi bán. Đúng là cái phận đàn bà chìm nổi, may còn bám được vào miếng bánh trôi mà sống. Cụ già lại hí hửng gạ ông bà đẻ con mà nuôi cho vui cửa vui nhà. Ông bà bẽn lẽn nhìn nhau như vợ chồng mới cưới.

      Ngày việc ai nấy làm, đêm tiền ai nấy đếm. Chỉ khác, giờ ba nồi dồn một. Tự nhiên thấy thân thiết như là máu mủ, trời đọa đày xa nhau, giờ tái ngộ. Ông sống bằng tiền đi lấy rong rêu về bán cho những hộ dân làm thú lưu niệm. Bà ki cóp tiền làm bánh, đều đặn gửi về quê. Cụ già cũng thế. Tiền tiền tiền. Đàn bà lúc nào cũng nghĩ đến việc kiếm tiền cho người khác tiêu chứ chả chịu nghĩ cho bản thân mình. Chẳng như ông. Một ngày chưa có rượu, ông chỉ nghĩ đến rượu.

      Thế rồi, có một ngày không được giọt rượu nào rơi vào mồm thật. Cái ngày vô vị ấy dài đằng đẵng. Đó là khi cụ già bị cảm lạnh nằm rên hừ hừ không đi xin được, bà vợ thì hếch mắt lên mà bánh trôi bánh nổi, dẫm phải vỏ chuối trên phố, ngã gẫy tay phải bó bột. Ông đi về giữa bệnh viện và nhà như con thoi, gió thốc cho bạc cả mặt. Tiền thì hết vì không đi lấy được rêu. Ai đời lại hỏi thằng bệnh, bà cho tôi vài hào rượu à? Không đời nào lại thế cả.

      Nhớ rượu, ra ngẩn vào ngơ. Cái chân như con trâu quen ngõ, mò mẫm ra quán rượu chân gà. Một thằng oắt con trúng quả bi a trong bar ngồi nhai chân gà nướng rau ráu mà không uống rượu. Nó thấy ông già lùn tẹt gạ cô chủ quán bán chịu cho cút rượu thì động lòng. “Bác uống được bao nhiêu cháu trả hết cho”. Tưởng nó nói chơi, nào ngờ nó giục cô chủ quạt chân gà và rót rượu thật. Đúng là trận rượu nhớ đời. Thằng ấy kể, nó là người làng SOS. Ông không biết cái làng ấy ở đâu, xứ ta hay xứ tầu. Chỉ biết cái bọn trẻ con đánh giày, bán báo và tranh ảnh dạo ở đây phần lớn ra đời từ cái làng ấy, mà thằng nào cũng có tài lẻ. Thằng này, chọc bi a mà ăn được bọn trai thị trấn là khá đấy. Chắc nó phải khéo tay. Ông gạ. “Về nhà tôi chơi đi”. Trưa hôm sau nó đến thật.

      Ông giới thiệu ngon lành. “Mẹ tôi đấy. Còn đây là bà nhà tôi. Bọn trẻ đi làm ăn xa hết, cậu không ngại thì về đây mà ở, giường tôi rộng lắm. Nhà này, trông thế thôi, cũng hơn hai chục mét vuông đấy…chả hẹp đâu”. Chẳng biết do thằng bé thấy mặt ba con người hiền lành chân chất, hay nó thấy nồi cơm sôi ì ục mà thèm cái không khí gia đình. Nó gật gật.

      Thế là ông có con. Thấm thoắt đã năm năm. Ngày, nó lặn lội rừng non rừng già tìm rêu cùng ông. Tối, hai bố con tự làm thú rêu bán. Nó khéo tay lắm. Ông bảo. “Ở chợ thì phải như người không quen mới kiếm được tiền. Chứ về nhà rồi, là gia đình, phải có trên có dưới, không được nói trống không với bà, với mẹ nghe chưa, còn bố thì thế nào cũng được”. Ông còn đặt chỉ tiêu. Gia đình ta phải phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Cụ già rồi, ở nhà không đi xin nữa. Bố cũng sẽ cai rượu, khi nào có tiệc thì uống.

 

     Ông là con út trong một gia đình đông con. Sau mối tình say đắm mà không thành với một cô sơn nữ thì ông ở vậy nuôi thân và được các anh chị cắt cho một chỗ đất đủ để chui ra, rúc vào. Hồi ấy, cũng bốn mươi chứ chẳng còn trẻ trung gì cho cam. Mồm hay rượu nên nhà lỉnh kỉnh chai lọ. Con bé buôn phế liệu chỉ chừng hai nhăm, hai bảy là cùng, nom còn mỡ màng phết, chỉ tội xấu. Câu chú lại câu anh, cuống cả lên vì nhiều chai quá, trên giường, dưới gậm, toàn chai là chai. Hỏi có chồng chưa, em bảo, ở quê là “đắp chiếu rồi”. Phí phạm thế sao được. Thế rồi cứ độ tuần em đến, lắm lúc còn rút hộ đôi dép đang kè kè ở chân mà say quá mang cả lên giường. Thế là cảm động, là thành tình yêu. Cưới cheo tử tế đấy, chứ không phải qua loa đâu. Dẹp cái chai lọ rác rưởi đi. Nghề côn trùng đang phất. Một mình chồng cũng nuôi sướng hai cái miệng rồi. Ấy, đàn bà là thế. Nó biến lều tranh thành tổ ấm, nó cũng biến thiên đường thành địa ngục. Đời ông trải qua hai cơn thăng trầm mang tên đàn bà rồi, không có rượu, biết còn gì để vui, để buồn? Nói cai thì dễ mà cai thật, khó.

       Thấm thoắt, cái thằng con nuôi chăm chỉ, ngoan ngoãn đã thăng chức cho ông bà. Ông lùn lên bố chồng. Bà bánh trôi lên mẹ chồng. Sướng thật. Khách khứa tíu tít. Bà súng sính bộ áo tân thời tím như quả sim, cấp kểnh trên đôi giày cao gót. Ông com lê, cà là vạt, chỉnh tề, tươi hơn hớn, mặt chín như gấc.

       Đám cưới xong. Nhà gái, vốn là ông bà chủ một trang trại nuôi nấm lớn ở tỉnh bên, nhà đang thiếu nhân lực, gợi ý xin thằng bé về ở rể. Ông bà thông gia một ơn, hai ơn nhà trai đã dạy dỗ thằng bé nên người. Cái mặt ông tái đi một thoáng rồi lại đỏ tấy lên. 

      Tháng sau, đến lượt anh con trai út của bà tìm lên, rụt rè xin phép ông cho đón mẹ nó về quê. Những năm rồi, tiền bà gửi về đã thêm thắt vào xây được ba gian nhà tử tế, lấy chỗ hương khói cho bố chúng. Giờ là lúc gia đình muốn được đoàn tụ. Với lại bọn trẻ, các con của anh, không có người trông, nhếch nhác lắm. Ông ngồi vắt chân chữ ngũ. Tóc hoa râm rung rung. Mười năm tình nghĩa vui buồn, sao giống như một giấc trưa ghế đá.

       Ngày tiễn bà về quê làm bổn phận với cháu con, ông hào phóng “xổ lồng tháo cũi”. “Bà về mạnh khỏe nhé”. Bà bước lên xe. Ông trộm xiết tay bà. “Tôi đợi bà”. Bà run run gỡ tay ông ra. “Ông đừng đợi tôi”. Ông cười nhạt. Được rồi…được rồi, bà yên tâm.

       Cũng năm ấy, cụ già trở nên yếu ốm. Cụ ao ước được về lại nơi chôn rau cắt rốn để gặp lại cháu con và họ hàng. Ông đực mặt ra. Cố rặn một nụ cười chẳng rõ mặn nhạt.

  

                                                              *

 

     Giờ đây, ông tự do tuyệt đỉnh. Căn nhà hai bốn mét vuông, rộng thênh thang. Ông vẫn thích ghế đá công viên. Nó vừa vặn lắm. Một hôm, nằm trên ghế đá, thấy đôi bướm vàng vờn nhau bên vòm tầm xuân đang chíu chít hoa nụ, ông ngồi bật dậy. Chạy như bay về nhà, chuẩn bị chăn, vợt, đèn, pin, lương khô và nước. Ông lên núi. Trở về cái nghề bắt bướm thôi. Phong lưu và mạo hiểm. Rừng lạnh, độ cao hai nghìn năm trăm mét. Sau một tuần rình rập, hóa trang bằng lá cây, cuối cùng ông cũng chụp được một con bướm đêm bảy màu sặc sỡ, to bằng cái nón. Sáng ra, ông hí hửng xuống núi.

       Ngang qua rừng trúc Giàng Tả Chải, ông hoa mắt vì cả một vùng rộng lớn óng ánh vàng những cánh bướm đang dập dờn mê hoặc. Lần đầu tiên trong đời ông thấy cảnh này. Hàng ngàn vạn con bướm vàng sậm kiêu sa lượn vòng quanh ông. Một ngày hội chăng? Hay một cuộc biểu tình lớn đòi lại bình yên cho những cánh rừng?

      Về phố, một tay săn bướm đã giải nghệ nhìn ông thương hại. “Chẳng có cuộc biểu tình nào cả. Tranh côn trùng hết thời từ lâu rồi, ế lắm, ông không biết sao? Còn ai mua bướm nữa đâu? Nên cũng chẳng lo ai phá rừng nữa”. Ông già băn khoăn nhìn cái túi lưới. Trong túi có con bướm quý, canh bạc cuối của ông. Ông dự định có tiền sẽ đi thăm thằng cháu nội năm tuổi mà ông chưa biết mặt. “Thôi, trả tự do cho mày”. Con bướm đêm choáng ngợp ánh sáng ban ngày chập choạng bay về phía thung lũng. Ông dửng dưng nhìn theo.

      Rượu say mèm, ghế đá ướt lạnh. Khuya khoắt. Sương mỗi lúc một dầy. Bầy thú rêu chui ra từ những hốc đá trong công viên, nhảy múa tưng bừng như có hội. Dưới gốc sa mu cổ thụ, quán rượu chân gà im lìm. Hình như có một cụ già chực lửa và một thằng choai choai đang nhai chân già rau ráu. Ông dửng dưng bước qua.

      Đây rồi, cái cột đèn cao áp làm việc khuya nhất. Dưới chân cột, hai thùng rác đầy inh ích, nồng nặc mùi, một cái lưng đàn bà cong cong đang cúi xuống loay hoay dọn chỗ ngủ. Cơn say đưa ông qua. Được một đoạn khá xa, bước chân như chậm lại. Ở đâu đó trong kí ức bật ra. “Ông đừng đợi tôi”. Rét mướt thế này. Tội nghiệp người ta. Tội nghiệp cả mình. Ông hăm hở quay lại. Ngắm một lúc rồi mới cất tiếng hỏi người đàn bà trạc năm mươi có đôi mắt lá răm ướt át bằng cái giọng phong tình dày dạn. “Tạm bợ thế này sao? Về nhà tôi mà trọ”. Người đàn bà liếc mắt, ướm hỏi. “Bao nhiêu tiền một tối?”. “Tiền nong gì đâu”.

      Hai người thũng thẵng đưa nhau về. Đêm mỗi người một giường. Ngày mỗi người một việc. Quanh nhà chất đầy phế liệu. Một hôm gió mưa, cả hai người ở nhà. Thấy ông chủ dửng dưng như mèo chê mỡ, người đàn bà đành ngượng ngùng nói chuyện tiền nhà. Chủ nhà khoát tay. “Khỏi, bà nấu cho tôi nồi canh riêu cá mè là hết nợ”.

      Cũng là miếng canh cá, mà sao, nuốt cố không trôi. “Thế này mà cũng gọi là canh cá à? Tưởng phải ngon hơn người ta nấu chứ”. Ông gắt.

      Năm năm, cái tấm biển chưng trước cửa nhà “ngủ trọ không phải trả tiền” cho ông cơ hội để chòng ghẹo không  biết bao nhiêu thân đàn bà cơ nhỡ. Ông lấy đó làm vui thì phải. Người trong xóm bảo ông là thằng già bị phụ bạc sinh ra đổ đốn, hư hỏng và rất oái oăm.

      Đã tuần nay, phố chợ xuất hiện một phụ nữ cứng tuổi đi tìm con trai tâm thần mất tích. Tiền hết. Thấy dân chợ kháo nhau về một ông già chuyên cho phụ nữ sa cơ lỡ vận ngủ trọ không lấy tiền, bà ta đánh bạo gõ cửa. Ông ở trong nhà, hỏi bằng cái giọng chất chưởng. “Có biết uống rượu không?”. “Dạ, một chút ạ”. “Có biết nấu riêu cá mè không?”. “Dạ có, quê em đồng nước”. “Có biết làm bánh trôi không?”. “Dạ biết ạ”. “Được, vào đi”.

       Người đàn bà dáng vẻ lam lũ, hố mắt trũng sâu, tay khư khư ôm cái túi quần áo bé tẹo bước vào. Ông trùm chăn trên giường, thò cổ ra quan sát. Khách nhìn cái giường còn lại tơ hơ, không đệm mà cũng không chăn, bẽn lẽn ngồi xuống. Ngồi mãi. Trời mỗi lúc một lạnh. Khách khẽ khàng hỏi. “Dạ ông có chăn không, làm ơn cho em mượn ạ”. Câu hỏi từ tốn, nhẹ nhàng, run rẩy, như vừa chạm vào chỗ nào đó tưởng như sâu lắm, kín lắm trong lòng người.

      Ông chợt đưa tay ôm ngực, thảng thốt. “Không…không có chăn đâu”.

 

     Ông tung chăn, tụt xuống đất, bỏ chạy khỏi nhà như con bướm ma vùng vẫy thoát khỏi cám dỗ từ quầng sáng đèn pin của người thợ săn côn trùng. Ngoài đường, sương mù như tấm lưới giăng sẵn.

 

               

                   ĐÊM KHÔNG BÓNG TỐI

 

   Người ta bảo giầu con út, khó con út, nàng thấy cái giầu không đến lượt nàng, nhất là từ khi chồng nàng gặp bạo bệnh rồi qua đời. Thị trấn phố huyện nhỏ nhỏ, xinh xinh, nơi nàng và con gái tám tuổi sống, người ta vẫn cảm thương cho nàng vì nàng còn quá trẻ. Nghề giáo với mức lương eo hẹp, nàng tự xoay xở bằng việc nuôi thêm đàn lợn. Từ khi mẹ chồng nàng phải nhập viện chữa bệnh thì nàng cũng bán đàn lợn đi.

   Ngày mẹ ra viện cũng là ngày anh cả của chồng tuyên bố đã bán ngôi nhà ở quê của mẹ. Trước mắt, mẹ về ở với vợ chồng anh, mọi chuyện còn lại sẽ bàn sau. Nàng cũng yên tâm vì điều kiện hai bác khá giả, nhà cửa khang trang, thu nhập tốt. Chị dâu làm ở phòng công chứng, anh trai có công ti vận tải riêng. Mẹ có bốn người con trai, ngoại trừ chồng nàng đã đi sớm thì cả ba anh đều trưởng thành đỗ đạt cả. Làm dâu nhà mẹ, nàng vốn được bạn bè khen là có phúc lớn, mà nàng cũng cảm thấy như thế vì cửa nhà yên ấm. Nàng chỉ thắc mắc một điều vì ngôi nhà ở quê vùng trung du, mẹ bảo để thờ cúng, hương khói tổ tiên không bao giờ bán cơ mà? Rồi nàng lại nghĩ, cái luật tam tòng tứ đức vững chãi lắm, phu tử tòng tử, mẹ cũng chỉ là đàn bà thôi, anh cả có quyền quyết định mọi việc thay mẹ trong lúc mẹ ốm yếu.

   Mẹ ở với anh chị được một tuần, anh cả điện nàng về họp việc gia đình gấp. Nàng lo lắng thu xếp về tỉnh ngay.

      - Đấy, thím nhìn đi.

  Chị dâu cả chỉ cho nàng xem một khung cảnh đổ vỡ, tan nát. Tất cả là do mẹ đập phá. Cứ đêm đến là mẹ đập phá. Nàng ứa nước mắt nhìn mẹ, nhìn những vết xây xước bầm tím trên gương mặt người đàn bà ngoài bảy mươi mà ngu ngơ như trẻ nhỏ bị người lớn mắng oan. Chị dâu cả còn chìa cho nàng xem cái đơn li hôn đang chờ anh kí vào. Quả là sức chịu đựng của con người cũng có hạn.

   Anh thứ hai xót ruột, động viên vợ đón mẹ về chăm sóc. Mẹ là mẹ chung cơ mà. Với lại thay đổi môi trường, có khi bệnh cũng thay đổi. Anh là công an phường, đi tối ngày, nhưng được cái chị có cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và thuê người làm, nhà lại có ô sin nên cũng đỡ. Nàng một lần nữa thở phào tạm yên tâm.

   Được bốn hôm, chị dâu gọi điện cho nàng xa xả kể tội mẹ. Chị còn dọa sẽ li thân, để ông công an phường khỏe đi muốn làm thế nào thì làm. Lại đổ vỡ, lại kêu gào, lại phá phách. Lại thêm những bầm tím trên thân thể mẹ vì ngã, vì va đập. Lại họp, lại bàn giao. May mà nhà anh thứ ba cũng không xa quá. Cả hai người đều kinh doanh tự do, quỹ thời gian cho mẹ chắc sẽ nhiều hơn. Lần này, sau cuộc họp về, nàng bắt đầu thấp thỏm.

  Vỏn vẹn có một ngày, tức là hai mươi bốn giờ tính từ lúc mẹ đặt chân vào nhà anh chị. Chị dâu đã ôm chăn gối, quần áo ra cửa hàng ngủ, đồ đạc đắt tiền, dễ vỡ cũng sơ tán hết. Chỉ còn ông anh thứ ba đang vò đầu bứt trán trong bãi chiến trường và than thở, cứ thế này thêm một ngày nữa, anh còn điên nặng hơn mẹ mất thôi. Mẹ có điên đâu, mẹ chỉ bị hoang tưởng, xung quanh mẹ, chỗ nào mẹ cũng thấy cả lũ ma đang tấn công mẹ.  Chị dâu cả cười khẩy. Chị chịu được mẹ bảy ngày cũng là vô địch rồi. Mọi người bàn nhau đưa mẹ vào bệnh viện rồi cắt cử người trông nom. Nhưng bác sĩ bảo bệnh của mẹ ở nhà với con cháu tốt hơn, sức mẹ lại yếu, cùng lắm mẹ chỉ hại được đồ vật chứ không hại được ai cả.

   Cuối cùng nàng nhận đón mẹ về thị trấn cùng mẹ con nàng. Cả một chuyến xe chất đầy quần áo, đồ dùng của mẹ. Hoa quả, thuốc men, đồ chơi, bánh kẹo. Các anh chị bù đắp, thu vén cho nàng hết cả, để nàng yên tâm mà chăm mẹ. Họ còn bảo nàng nghỉ dạy mà ở nhà luôn, nàng sẽ nhận những tháng lương gấp năm lần nhà nước trả cho nàng. Mẹ đập vỡ những gì nàng cứ thống kê đầy đủ, các anh chị sẽ đền hết. Nàng biết, mẹ sẽ không bao giờ còn cơ hội trở về những nơi mẹ đã phải ra đi. Trọng trách đã đặt lên vai nàng, nàng sẽ phải gánh, nàng đâu còn chồng để dọa li hôn, nàng đâu có cửa hàng để ôm gối ra ngủ. Sẽ chỉ mình nàng đối diện với căn bệnh hoang tưởng trầm trọng của mẹ thôi. Người đàn bà sinh ra nàng nghẹn ngào trong nước mắt vì xót thương con gái. Bà nhắc nàng về quãng đời dằng dặc còn lại, về một bờ vai, một chỗ dựa. Nàng ngậm ngùi nói với mẹ rằng, bây giờ mẹ chồng nàng đang rất cần nàng, nàng phải gồng người lên để làm một chỗ dựa vững chãi.

  Đêm đầu tiên ở với nàng, mẹ ngồi im trên ghế ngắm căn phòng sáng choang choang như ở bệnh viện, mẹ yên tâm bảo nhà này chẳng có ma. Được một chốc mẹ đi về phòng ngủ của hai mẹ con nàng. Nàng nhanh chân chạy trước bật bóng điện. Mẹ cúi xuống gầm giường rồi hú lên thất thanh;

- Ối ma, có con ma dưới này.

 Nàng nhao tới, dùng sức dựng cái giường lên. Đấy mẹ xem, con ma bỏ đi rồi. Đang đêm nàng hì hục tháo cái giường ra từng mảnh dựng ra ngoài hiên, trải chiếu xuống nền nhà. Mẹ đến bên cửa sổ, lật cánh cửa nhìn ra sân, ngoài sân nàng cũng cho giăng mấy bóng điện sáng trưng. Nhưng nàng vừa lật trang giáo án, đã nghe mẹ ú ớ chỉ ra ngoài trời kêu có con ma to lắm, phải giết nó đi. Nhìn tay mẹ chỉ vào khóm dạ hương đang nức nở thơm lần cuối mà lòng nàng tê tái. Bên gốc dạ hương chính tay nàng đã trồng này vợ chồng nàng đã trao nhau bao cử chỉ yêu thương vào mỗi đêm trắng sáng. Con dao trong tay nàng đã vung lên, những tiếng hương sắc rụng xuống chân nàng chìm trong tiếng reo hò cổ vũ của mẹ. Hạ gục xong con ma dạ hương, thì đến con ma giàn hoa giấy. Tay chân nàng mỏi giã rời cũng là lúc mẹ thiu thiu ngủ trên chiếc chiếu con ngay nhà ngoài. Nàng khép giáo án lại, nhìn những đồ vật trong nhà ngổn ngang mà buồn vô hạn. Rồi đây, những ngày hè, cái nắng sẽ thiêu đốt căn nhà trơ trọi không bóng râm. Và bắt đầu những đêm dài căn phòng nhỏ sẽ mãi sáng..

  Tiếng đấm cửa thùm thùm làm cả hai mẹ con nàng choàng tỉnh, nàng vội vàng bật điện và mở cửa phòng. Mẹ lao vào phòng của hai mẹ con nàng, mẹ bảo ngoài kia sợ lắm, mẹ muốn ngủ với nàng. Nàng lấy thêm gối để mẹ nằm xuống cạnh hai mẹ con trên chiếu trải sát đất nhưng mẹ không nghe, dứt khoát đuổi con bé ra ngoài ngủ. Suốt tám năm chưa một đêm xa mẹ, nay phải nhường mẹ cho bà nội, con gái nàng khóc dấm dứt đến sáng làm tim nàng như muốn vỡ ra. Mẹ nằm nghiêng ôm chặt nàng và ngủ ngon lạ lùng, giấc ngủ sau bao đêm nhọc nhằn đập phá, gào thét. Nàng không dám cựa mình, cũng không dám gỡ tay mẹ ra. Ánh sáng trừng trừng nhìn vào mắt nàng và soi rọi lòng dạ nàng, khiến nàng chỉ biết nằm im.

  Sau đêm bổn phận đầu tiên, nàng phờ phạc đến lớp, được đồng nghiệp chia sẻ khích lệ, nàng thấy lòng nhẹ vơi đôi phần.

  Trở về nhà lúc hoàng hôn ngã bóng, thấy mẹ hiền lành cười nhìn nàng như thể cả ngày mẹ đã ngồi đợi nàng về. Ba mẹ con bà cháu tíu tít dọn nhà, tưới rau, chuẩn bị bữa tối, sau đó nàng tẩn mẩn xoa dầu lên những vết bầm tím trên người mẹ. Vừa ăn cơm mẹ vừa kể về những ngày bố đi chiến trường mình mẹ một mình cáng đáng tất cả mọi việc và nuôi đàn con khôn lớn trưởng thành. Mẹ kể mẹ đi làm dâu khổ lắm, trăm cay ngàn đắng. Nàng lắng nghe, nàng không thấy bóng mình trong cuộc đời lam lũ cực nhọc của mẹ, nhưng ở cung bậc nào đó nàng thấy mình có phần giống mẹ. Đang ăn cơm, anh trai cả điện về hỏi xem đêm qua mẹ thế nào? Nàng nhẹ nhàng nói mẹ đã thôi đập phá và nàng lại nhận được sự cổ vũ động viên nhiệt tình của các anh chị.

  Sau mỗi đêm bình yên là chiến công của nàng được ghi nhận. Chiến công được duy trì, còn sức khỏe của nàng thì sa sút trông thấy. Làn da sạm đi, hố mắt thâm quầng, trũng sâu, nếp nhăn bò ra khóe mắt. Nàng rùng mình nghĩ đến tuổi ba mươi đang hối hả qua. Sau gần một tháng thì nàng đã thích nghi với ánh sáng. Thứ ánh sáng ban đêm nhợt nhạt giả dối, phụ họa nhau xói mòn những nữ tính, chực cướp đi nét dịu dàng trời ban cho nàng. Có đứa bạn thân của nàng bảo. Tao sợ nhà mày lắm, sáng choang như cái phòng mổ, có thể nhìn rõ mọi tiểu tiết, mày cất dấu những riêng tư vào đâu? Có thằng đàn ông nào dám bén mảng đến nhà mày chưa? Mày có phải tù binh đâu mà bị tra tấn dã man thế, mày chịu đựng được bao lâu? Nàng không trả lời những câu hỏi chính của nó, của cuộc đời, mà chỉ tự nhủ rằng nàng đã quen.

  Dù nghĩ là đã quen, nhưng thẳm sâu trong lòng, nàng vẫn khao khát vẫn nhớ nhung thứ bóng tối dịu êm của đêm. Nơi thuộc về những nụ hôn, những vòng tay, những ái ân chồng vợ, những hẹn hò, bối rối. Đêm là đêm, ngày là ngày, ai đó cố tình biến ngày thành đêm đen, biến đêm đen thành ngày hẳn lòng cũng cay đắng lắm.

   Nàng thay ngay bất cứ cái bóng điện nào nếu chúng có biểu hiện lão hóa. Vì phải phục vụ cả đêm nên bóng điện cháy liên tục, nàng đã dự trữ bóng điện như thể tích cốc phòng cơ ấy. Cả cái máy phát điện to đùng lúc nào cũng trong tư thế đủ nhiên liệu hoạt động khi thị trấn bị cúp điện. Nàng là giáo viên văn nhưng bị các đồng nghiệp trêu là sẽ bầu làm tổ trưởng tổ vật lí, họ gọi nàng là chuyên gia ánh sáng hoặc trưởng ban ánh sáng khiến nàng càng tủi. Mà nàng giỏi leo trèo, thay thế lắp đặt thật, như thể nàng có năng khiếu để làm những việc ấy thay cho sự vắng mặt của một người đàn ông định mệnh trong cuộc đời nàng.

   Thi thoảng những người chị dâu vẫn quan tâm gửi về tặng nàng những thứ mĩ phẩm, nước hoa đắt tiền để nàng củng cố nhan sắc. Họ bảo nàng đẹp sẵn rồi, chỉ phớt qua tí son, tí phấn, tí thơm tho là lại ổn ngay thôi. Các anh thì đều đặn gửi tiền thuốc men và cả một khoản nho nhỏ gọi là lệ phí ánh sáng để nàng trang trải và phủ sáng tuổi trẻ của mình bằng những đêm không bóng tối. Nhiều lúc nàng từ chối không nhận vì nàng mới được tăng lương nhưng các anh chị không nghe, họ bảo nếu nàng không nhận thì họ áy náy, day dứt lắm. Nàng mà cương quyết từ chối thì các chị lại đặt nàng vào nghi án có chàng nào để ý rồi. Các chị bảo, có ai cũng được, nhưng mẹ đã yên ổn bên nàng thì đó là số phận của nàng rồi, không thể khước từ. Thế là nàng phải nhận, nhận mà chẳng mấy khi dùng. Son phấn cho ai ngắm, đẹp để ai nhìn, khi bao gã đàn ông chống chếnh hoang mang không dám bước vào căn nhà sáng choang của nàng để đối diện với cuộc vi phẫu tinh thần. Họ bỏ cuộc từ khi chưa nhập cuộc. Nàng lặng lẽ nhìn mình qua gương như nhìn một bông hoa làm bằng thủy tinh. Số phận của nàng là thế.

  Những đêm không ngủ, nàng lang thang trên những con đường yên tĩnh nhỏ trong thị trấn. Nàng xòe tay ôm bóng đêm vào lòng trong nỗi thổn thức nuối tiếc. Bóng đêm ngọt ngào và ấm áp làm sao. Có đêm nàng gặp một bà cụ mù khua gậy bước đi, nàng chợt chạnh lòng, cả một đời người không biết đến ánh sáng, cả đời làm bạn với bóng đêm, họ vẫn bình thản thế, nàng đang rất hạnh phúc, nàng hạnh phúc hơn họ gấp ngàn lần, còn buồn làm gì nữa. Ở đời, người nghèo khó xem cuộc sống dư dả là hạnh phúc. Người không có con thì cho rằng đứa con là tất cả hạnh phúc. Kẻ thất nghiệp thì coi một công việc ổn định là hạnh phúc. Người lang thang không nhà không cửa thì xem hạnh phúc là một mái ấm gia đình. Những gì con người ta khao khát nhất, trông đợi nhất thì đích thị là hạnh phúc. Vậy nàng trông đợi gì nhất? Một người đàn ông chăng? Hay những giấc ngủ ngon bên đứa con gái ngoan ngoãn. Nàng không thể trả lời những câu hỏi của chính mình, nàng chỉ có một ước muốn đơn giản thôi. Nàng muốn mẹ khỏi bệnh, muốn mẹ vĩnh viễn thoát khỏi sự ám ảnh của những bóng ma vì đời mẹ cực khổ và thiệt thòi nhiều rồi.

    Thấm thoắt đã mười năm, mười năm vòng tay mẹ níu chặt cuộc đời nàng. Đứa con gái nàng đã vào đại học. Những lời cổ vũ từ người thân đã thưa vắng. Và tượng đài về lòng hiếu thảo của nàng đã lấm tấm phong rêu. Mỗi lần ra bưu điện nhận lệ phí ánh sáng các anh gửi, cô nhân viên đều rót vào tai nàng những lời thương hại, thậm chí hồ nghi, hay là chính nàng cũng sợ bóng đêm. Con gái nàng bảo sao nàng không thử quay về cuộc sống cũ? Có khi bà nó đã khỏi thật rồi. Bao nhiêu năm rồi mẹ không la hét đập phá gì cả, chỉ những khi trái gió trở trời nhức mỏi thôi. Mẹ tám mươi ba tuổi nhưng luôn tôn sùng nàng như một người chị gái. Việc gì mẹ cũng hỏi nàng như một đứa trẻ cần người lớn chỉ bảo cặn kẽ. Ai cho mẹ thứ gì mẹ cũng đợi nàng về để hỏi ý kiến xem có ăn được không, ăn bao nhiêu, vào lúc nào? Với mẹ, mọi thứ thức ăn đều là thuốc hết, thuốc thì phải có bác sĩ kê toa và sử dụng khoa học, nàng là bác sĩ của riêng mẹ. Mẹ chỉ ngồi yên để nàng tiêm và khám bệnh. Nàng tiêm thuốc, cặp nhiệt độ, đo huyết áp, chạy khí dung thành thạo như bác sĩ. Nàng thuộc từng vết sẹo trên cơ thể mẹ, hiểu từng cử chỉ nhỏ nhất của mẹ như thể nàng chui ra từ bụng mẹ vậy.

   Dần dần nàng nghĩ, nếu phải dời xa những công việc này nàng sẽ buồn lắm. Và nàng đã trả lời con gái, sức khỏe của bà nội con là quan trọng, mẹ sẽ không bao giờ đem ra làm phép thử. Nàng sợ khi bóng đêm ùa vào căn phòng này, mẹ sẽ trở về nỗi hoảng sợ của mười năm trước. Mười năm qua đi chỉ như một giấc mơ thôi. Song sinh của nàng đã lần lượt về nơi chín suối, trước lúc đi bậc nào cũng nhức nhối những câu hỏi về nàng. Ngày thương binh liệt sỹ, các đoàn thể đến nhà nàng để thăm mẹ vì mẹ là vợ liệt sỹ. Mẹ ngây ngô chỉ vào nàng bảo với mọi người, chồng nó không phải là liệt sĩ đâu, chồng nó bị con ma bắt đi thôi, chính nó chết trên tay tôi mà, nên từ sau không cần thăm hỏi nó. Nàng ứa nước mắt chỉ vào mẹ, người ta thăm mẹ thôi. Mẹ cười hiền lành, sao các anh chị không bảo mấy đứa con tôi về cả thể cho đông vui, tôi đẻ mấy thằng con giai đấy…

   Không ai cười sự ngây thơ của mẹ cả, họ tặng nàng những lời khích lệ ngậm ngùi rồi về. Ở trường, nàng được đồng nghiệp yếu quý, học sinh kính trọng. Ở thôn xóm, nàng được bà con tin cậy chia sẻ mọi tâm sự riêng tư. Trong gia đình họ tộc, nàng là tấm gương sáng. Vô tình, ngoài vòng tay của mẹ lại có thêm bao cánh tay nữa trói chặt lấy nàng, nàng không thể gỡ ra, muộn rồi để có thể gỡ ra.

  Sự chờ đợi mong manh cuối cùng cũng đã vỡ. Trước khi đến với một người đàn bà khác, anh đã có một thỉnh cầu. Nàng chỉ cần đặt tay vào cái công tắc điện, nhấn, và chỉ một phút thôi, xem thái độ của mẹ thế nào, rất có thể mẹ đã khỏi. Anh đã thỉnh cầu nàng như thế. Đứng trong ánh sáng chói lòa của mấy ngàn đêm có lẻ, nàng không nghĩ được đến điều gì ngoài mẹ, chứ không phải nàng sợ bức tượng đài về nàng sẽ đổ sập xuống. Anh ra đi vì cuối cùng nàng đã chọn mẹ, chọn sự bình yên cho mẹ.

   Đám cưới cạp lại của anh, nàng cũng tham dự, men rượu làm nàng về muộn. Trời đã vào đêm mà nàng lại không biết hay sao? Từ xa, tòa lâu đài chói sáng mọi khi của mẹ con nàng đang chìm nghỉm trong bóng tối. Nàng hoảng hốt chạy bổ về và thoáng mường tượng đến những đổ vỡ. Nàng tự trách mình sao đã quá bất cẩn, mẹ mà có bề gì nàng sẽ ân hận đến hết đời. Đành rằng nàng đau, đành rằng nàng thèm khát bóng tối trong quán nhỏ với những li rượu để nhấm nháp nỗi buồn tủi khi người ta đã nên đôi. Nhưng sao lúc ấy nàng không nghĩ đến mẹ?

   Trái với những dằn vặt của nàng, mẹ đứng sừng sững ngay cửa đợi nàng về. Nàng cuống quýt bật điện và hỏi mẹ :

- Sao mẹ không bật điện lên?

 Mẹ buồn buồn:

- Từ trước tới giờ mẹ có biết bật điện bao giờ, mẹ chỉ sợ làm cháy hết con lại vất vả.

   Đúng là suốt mười năm, chỉ có nàng làm việc ấy. Nàng hỏi mẹ trong nỗi nghi hoặc:

- Tối thế mà mẹ không sợ sao? Mẹ không thấy con ma nào à?

      Mẹ run run, gật đầu;

 -  Có chứ, con chưa về mẹ sợ lắm, có cả một đàn ma, và mẹ đã chiến đấu với chúng, mẹ đuổi chúng đi hết rồi, mẹ sẽ không sợ chúng nữa. Con nhìn xem.

    Mắt nàng nhòe nước khi thấy quần áo mẹ xộc xệch và nhớp nháp mồ hôi. Mẹ đã chiến đấu với nỗi sợ hãi và mẹ đã chiến thắng những bóng ma đã bao vây mẹ suốt bao nhiêu năm trời. Nàng gọi cho bác sỹ. Bác sĩ chúc mừng nàng vì mẹ đã có dấu hiệu phục hồi tốt tuy nhiên, ngay bây giờ mẹ vẫn chưa thể đối mặt với bóng đêm. Nếu là lúc khác nàng đã có thể gọi điện khoe niềm vui này với một người, nhưng giờ thì không thể. Không phải là nàng mà chính số phận nàng đã từ chối anh. Một thoáng ân hận qua đi, vừa thay quần áo cho mẹ, nàng vừa cảm nhận, dường như đến tận lúc này mẹ vẫn còn sợ, tay chân mẹ vẫn còn run. Nàng cười phá lên để động viên mẹ. Rồi nàng hỏi:

- Nếu con không về kịp mà lũ ma quay lại thì mẹ làm thế nào?

     Mẹ nghiêm trang trả lời, giơ cánh tay xanh xao lên quyết liệt:

- Mẹ sẽ đánh tiếp, mẹ biết con sẽ về mà, con chưa bao giờ thua chúng cả.

    Nàng ôm chặt lấy mẹ từ phía sau. Hình như ngoài cơn run sợ vì những bóng ma, cơ thể mẹ còn một cơn run rẩy khác. Rất lạ, rất đỗi nhẹ nhàng, ấm áp mà nàng thấy vô cùng hạnh phúc khi được đón nhận

                   

                                   CÁI CỐI TRẦU BẰNG ĐỒNG

 

       Nhà kia đón ông bố ở quê lên thành phố chơi. Đón lần lượt, năm ngoái bà, năm nay ông. Cũng bởi cái nhà đi thuê của họ quá nhỏ. Những kẻ nghèo túng thường vẫn tự an ủi mình rằng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “nhà chật nhưng lòng rộng” là được. Chứ cứ đợi lúc nhà cao cửa rộng đàng hoàng mới báo hiếu được thì lúc ấy không biết chừng các cụ xanh cỏ hết cả rồi.

      Cả vợ lẫn chồng, nói chung là vui vẻ, vì mỗi năm, ông hoặc bà cũng chỉ lên chơi có một bận vào kì nghỉ hè của hai đứa  cháu thôi mà. Nhưng cứ mỗi lần nhà kia dáo qua “ông cụ sắp lên chơi” là hàng xóm lại xây xẩm mặt mày. Chả là ông cụ nhà có tật nghiện thuốc lào. Nhà chật, tơ mơ con gà chưa gáy ông đã vác điếu cày ra hè, làm một mạch mấy điếu như thể cả thế kỉ chưa được khói nào. Cho dù mới hai canh giờ trước, ông còn lẻn ra hè làm điếu cuối cùng mị giấc. Điếu cày của ông là cái loại đặc biệt. Nó kêu giòn giã, hống hách và vang xa khủng khiếp. Cứ mỗi lần ông rít lên, những hộ lân cận, già trẻ đồng loạt tỉnh giấc. Sau đó thì ông ho. Ho khoan ho khoái. Để cho cái cấn khói thuốc lào còn vương vấn đâu đó trong họng bật ra hết. Nếu chỉ riêng cái điếu cày thì đã chả nên chuyện. Ông còn có thêm cái tật nữa. Cái tật này xuất phát từ nết chăm chỉ. Ông hay quét. Chả ai mượn ông cũng quét. Cái chổi cọ ông mang từ đất cọ Cẩm Khê gì đó lên cứ xoèn xoẹt khua khoắng khắp ngõ ngách như kéo chà rong vào tai người ta từ lúc phố xá còn ngủ ngon. Vừa quét ông vừa cằn nhằn rằng thanh niên thời nay ăn ở luộm thuộm, lôi thôi, bẩn thỉu, rác ngập ngụa mà cứ sống được như thường. Nếu con cái không lôi ông về, cơ hồ ông quét ra tận đường phố lớn. Cái tật thứ ba là ngáy ngủ. Trời cao đất dày ôi. Cái tiếng ngáy ngủ của ông, đêm càng tĩnh càng vang vọng, rền rĩ. Âm thanh ấy không trộn lẫn, không dung hòa hay không thể bị khuất lấp bởi bất cứ âm thanh nào của phố phường cả. Nó cứ chói lọi, sừng sững mà ngự trị trong nỗi ấm ức đến khổ sở của những người bên cạnh. Lúc ông thức thì chổi và điếu cày hành hạ người ta. Khi ông ngủ thì là tiếng ngáy.

      Thế nên, ông vừa lên có nửa ngày, cái xóm nhỏ đã om sòm cả lên. Nhà kia chưa nghĩ ra cách gì cả, cứ ra vào trông chừng thái độ hàng xóm. Gian liền kề bên phải nhà kia là hai vợ chồng son vừa cưới nhưng chỗ này là nơi họ đã ở, đã sống thử với nhau cả bốn năm rồi. Dễ gì chuyển đi đâu. Mà thuê nhà giờ cũng rất khó. Nhà to, nhà mới cả căn thì còn dễ thuê, chứ phòng bình dân nho nhỏ độ hai chục mét vuông vừa cũ, vừa rẻ độ vài trăm nghìn một tháng thì khó thuê ra phết. Cô hàng xóm nhân lúc đi đổ rác, thấy ông cụ ôm khư khư điếu cày, rung đùi phả khói, bèn thẽ thọt, ngọt nhạt. “Bác vào trong nhà mà hút, ngoài này gió lắm ạ”. Ông cụ nhà quê cười tươi tắn rạng rỡ vì mấy ngày lên đây với con cái rồi, giờ mới có người bắt chuyện. Mà lại là chị chàng hàng xóm hay hón, mau miệng. Ông phấn khởi giãi bày. “Ối dào, gió càng mát. Cữ này, ở quê tôi đã cắt được cả gánh cỏ cá rồi ấy chứ. Ở trên này, chết thật, con với cả cái, chúng nó ngủ ươn hết cả người, mặt trời chói lọi ra rồi còn chưa dậy”. Cô kia thở hắt ra. “Nhưng mà bọn cháu làm ca đêm mệt lắm bác ạ”. Ông già gật gật, có vẻ hiểu vấn đề. Cô kia tranh thủ trình bày cái suy nghĩ đã ấp ủ từ lâu. “Từ giờ bác không phải quét cái ngõ này đâu ạ. Sáng ra, nhân viên môi trường đô thị họ khắc quét dọn sạch sẽ”. Ông già giẫy nảy. “Ấy chết, rác mình thải ra, lại bắt người ta dọn dẹp là thế nào? Không được đâu. Tôi là tôi phải quét, phải sạch sẽ. Ở nhà, sáng nào tôi cũng quét ra đến tận nhà văn hóa mới thôi”.

     Cô ta tịt ngòi, te te chạy về mách chồng. Chẳng biết được chồng tư vấn thế nào mà cô ta cứ đứng ở hè buông những lời mát mẻ, bóng gió, xa xôi. Rằng, con cái, đã chót rước cái của nợ nhà quê lên thành phố, thì cũng phải biết đường mà góp ý, chỉ bảo bố mình chứ. Đằng này…Nhà kia, thấy thái độ hàng xóm đầy vẻ ấm ức, miệt thị, thì cũng bàn nhau lựa lời khuyên bố. Chồng đùn vợ, vợ đùn chồng. Kết cục là chị vợ phải đảm đương cái việc được cho là “mạo hiểm” này. Chết nỗi, chị kia là nhân viên của công ty quặng, quen chém to kho mặn đến cả lời nói, nên tuồn tuột phun ra một tràng. “Bố mà cứ như thế này thì hàng xóm chẳng ai nhìn mặt vợ chồng con nữa đâu. Không khéo ông chủ cũng tống cổ cả nhà ra đường, không cho thuê nữa. Năm ngoái bầm lên đây có hai tháng, chúng con đã khốn khổ vì bầm rồi. Giờ đến bố…”. Ông bố nghe con dâu nhắc đến từ “bầm” thì chạm nọc. Ông rướn cổ lên. “Bầm chúng mày làm sao hả? Chúng mày không điện đóm, lạy lục, dễ mà chúng tao vứt việc nhà quê một đống đấy để lên đây nghe chúng mày nha nhiếc, róc ráy à? Đã thế, mai tao về”. Anh con giai thấy bố làm già thì xuống nước. “Bố ơi, nhà con không có ý đó đâu. Chẳng qua là ở đây chín người mười làng, bố giữ gìn cho chúng con được bao nhiêu thì bọn con được nhờ bấy nhiêu thôi ạ. Với lại, con nghe nói, cô ta mới có bầu thì phải. Nên mới làm quan trọng thế. Chứ mấy năm trước, bố hút thoải mái, có ai ý kiến gì đâu?”. Ông có vẻ hạ nhiệt. Thằng út học hết chín đi làm công nhân, xa nhà biền biệt, nhưng được cái biết thương xót bố bầm, thế là cũng có phúc rồi. Phải cái con vợ nó, ăn nói nhốn nháo, chướng tai. Nhưng mà chấp chúng nó, thì chấp cả đời. Ông cũng tính rồi, ở chơi độ vài hôm, đỡ nhớ con, nhớ cháu rồi ông lại về thôi. Vườn tược, ao bèo, mảnh sân, con ngõ và đàn vịt. Nghèo nhưng mà yên ả.

      Ông chui vào nhà, ôm cái điếu cày lên gác. Căn gác bé tí, lỉnh kỉnh quần áo mùa đông và chăn chiếu cũ. Nếu chỉ để ngủ thì cũng còn tạm được. Vì lúc con người ta nằm xuống, duỗi chân duỗi tay ra, là lúc chuyện rộng hẹp chẳng còn nghĩa lý gì. Nhưng mà, thêm cái điếu cày. Thêm cái xô nhựa để xỉ bã thuốc và hứng nước điếu cho khỏi tóe tung thì cũng là một vấn đề lớn. Ông loay hoay lục đục trên đó chừng hai chục phút thì cũng ổn cả. Tiếng điếu cày sôi lên, con bé lên mười ôm miệng ho sặc sụa. Thằng bé lên sáu thì reo lên. “Sương mù vào đầy nhà mình rồi mẹ ơi”. Chị kia nuốt cục ấm ức trong họng, quày quả đi ra sân, tiện tay, véo chồng một cái đau điếng. Anh chồng hiểu ý, dùng ánh mắt trấn an vợ, ý là mẹ mày phải cho ông cụ thời gian chứ. Rồi đâu sẽ vào đấy. Chị kia nín lặng. Chịu đựng mãi cũng thành quen. Cái thói nhà quê, ông nào chả thế, vừa tinh vi, vừa bướng bỉnh, rất khó lay chuyển. Rồi chị lỉnh đi đâu đó để hai bố con nói chuyện được tự nhiên.

     Cái hộ liền kề bên trái nhà kia là hai mẹ con chị chàng có chồng bị tai nạn giao thông mất hồi năm ngoái. Mẹ lưng lửng bốn mươi, chưa già cũng chẳng trẻ. Con gái thì đã kập kê và loáng thoáng bóng bọn con giai đến câu kéo tán tỉnh rồi. Hình như mẹ con nhà ấy nghe được chuyện anh hàng xóm đang đàm phán với ông bố thì phải, nên lặng lẽ tắt cái nhạc chịch chịch chát chịch từ cái điện thoại Tầu đi, để nghe cho rõ. Chị này khôn, chả bao giờ ra mặt cho mất lòng mất bề cả. Hôm rồi, gặp cái cô mới cưới ở buổi chia tiền điện, tranh thủ lúc chị kia chưa có mặt thì nói ý tứ. “Dạo này chị mất ngủ quá. Cứ khoảng bốn giờ sáng là đột ngột thức giấc. Mà em bảo, ca kíp đến hai giờ mới về. Cứ thế này thì rối loạn tiền đình, rồi ra đường, ô tô đâm mất mạng”. Cô mới cưới lừ mắt. “Chị cứ để em”. Có thế chứ. Không phát tín hiệu thì biết bao giờ họ mới hiểu ra vấn đề? Đành rằng, nhà nào chả có cha già mẹ yếu, nhưng mà cứ thánh tướng hùng bá như thế, thiên hạ ai chịu được.

       Thế rồi, một buổi, gặp nhau ở hàng rau muống, chị góa ướm hỏi nhà kia. “Độ rày ông cụ đi đâu mà tôi thấy vắng tiếng điếu cày? Cũng nhơ nhớ”. Nhà kia thở dài. “Cụ vác điếu ra tận ngoài bờ sông hút rồi. Nói thật, tôi cũng ù cả tai, chứ có sướng gì? Thôi thì các bác thông cảm cho vậy. Chứ biết làm sao bây giờ”. Chị góa áy náy. “Thế còn cái chổi cọ? Tôi vẫn thấy ngõ sạch mà lại không thấy tiếng chổi quét của cụ là sao?”. Nhà kia buồn buồn. “Cụ nhặt rác bằng tay rồi cho vào thúng, mang ra xe của môi trường mà đổ ạ. Đúng giờ giấc lắm”. Chị góa hơi bần thần. “Hình như ông cụ đã chữa được cái chứng ngáy ngủ rồi thì phải. Ơn giời, tôi ngủ đẫy giấc, lại lên cân rồi, chứ độ trước, thiếu ngủ, gày rộc đi”. Nhà kia cười nhạt, thì thào. “Là tôi bảo cụ khi ngủ thì đeo cái ba lô vào. Cụ có cái ba lô cũ từ hồi quân ngũ ấy. Đeo vào để không thể nằm ngửa ra. Nên cũng bớt ngáy”.

       Tình hình đang trật tự, yên ổn, mọi việc đang thuận buồm xuôi gió như thế thì một hôm, cái cô mới cưới chồng ấy, bất chợt khiến cả xóm xôn xao cả lên chỉ vì cái tiếng nôn ọe. Cô ta ọe vào bất cứ lúc nào cô ta trở về xóm trọ. Cô ta ọe to đến nỗi, đang bữa ăn, nhiều người phải dừng và cơm, dừng nhai, dừng nuốt. Nhà kia, vợ liếc chồng. “Gớm, làm như mình nó mới chửa, mới nghén”. Thằng cu út nhà này nhìn ông và hỏi. “Ông ơi, con gì chui vào mồm cô ấy hả ông? Mà cô ấy ọe to thế?”.

     Ông cụ bỏ bữa, đi sang nhà cô ta, thò đầu vào. “Này, bác hỏi khí không phải cháu đừng giận. Có phải cháu ghê cái mùi mắm tép bác chưng mỗi chiều không?”. Cô kia ôm ngực, thều thào sau một hồi nôn ra cả mật xanh, mật vàng. “Dạ, ọe, đúng rồi ọe…”.

      Ông cụ lật đật trở về. “Thôi cứ bịt cái vại mắm vào chúng bay ạ. Chờ người ta qua kì khó ở rồi ăn. Càng chua càng ngon mờ”. Chị con dâu thở dài. Cái món mắm tép chưng là món khoái khẩu của chị. Chỉ cần một bát nhỏ chưng lên là chị vạng liền ba bát cơm mà chả cần đến canh rau gì. Giờ phải nhịn đi, làm sao ấy. Ngày xưa, chính món mắm tép này bỏ bùa chị, khiến chị muốn làm dâu nhà anh, để mãi mãi được ăn món mắm từ tay mẹ anh làm. Hồi chửa thằng cò, chị cũng ghê đủ thứ. Cà muối, rau dưa, đậu phụ, mì tôm, kem đánh răng, cái mũi bắt được mùi là cái miệng nôn ngay lập tức. Chị xanh rớt như đài rau héo vì ăn gì cũng nôn ra hết, bỗng mẹ chồng lên chơi, đem cho vại mắm tép. Như kẻ chết đuối vớ được cọc. Chị băm thịt, rang với mắm để ăn cơm, ăn no đến độ phải dội nước mới ngủ được. Thế quái nào mà con bé kia lại sợ mùi mắm chứ?

     Mấy ngày cô chửa dừng nôn ọe, xóm ba nhà được nhờ, ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc hẳn. Được vài hôm, cô ấy lại lên cơn nôn ọe. Lần này, những tưởng ruột gan, lòng mề cô cũng chui ra theo, chứ nói gì đến hài nhi bé bỏng trong bụng. Ông cụ lại lọ mọ đi sang, thò đầu vào cửa hỏi khẽ. “Này cháu, có nhẽ cái mùi tương kho cá không hợp với cháu phải không?”. Cô kia thều thào. “Vâng, bác làm ơn làm phúc đừng để cháu thấy mùi tương ạ. Cháu chết mất”…

     Suốt cả tháng, nhà này kiêng mắm tép, kiêng tương, kiêng phi tỏi hành, kiêng măng chua, kiêng rang lạc…Vại mắm tép bị động đũa giờ có biểu hiện mốc, phải đổ đi. Xót hết cả ruột. Chai tương quê hôm nào đỏ chót, ngon thế, giờ quá tuổi chua loét…Suốt cả tháng đeo ba lô lúc ngủ và chỉ nằm nghiêng, người ông đau dừ, nhức nhối. Ông cụ gầy hẳn, vì những món đưa cơm của người nhà quê bị loại khỏi bữa ăn thường ngày. Ông nhếu nháo qua bữa với miếng đậu phụ trắng chấm muối. Ai đời, tường gỗ ván ép thì mỏng, lại dính liền vào nhau, bên này hắt hơi, bên kia còn nghe thấy. Biết phải làm sao. Rồi một ngày, ông cụ lăn ra ốm, nhà kia lo cuống cả vó. Từ quê, biết tin ông ốm, bà cụ khăn gói quả mướp tức tốc bắt xe ngược thành phố. Hai vợ chồng nhà kia run nhong nhóc, lấm lét nhìn nhau. Không phải họ sợ những câu tra vấn của bà kiểu như: “Chúng bay chăm nom ông ấy thế nào để ông ấy ốm yếu và gày đi mấy cân thế này?”. Hay “Chúng mày lại nặng lời với bố chứ gì? Con ơi, nước mắt chảy xuôi, sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy, liệu đường mà ăn ở cho phải đạo”…Mà họ lo, một nỗi lo chẳng dễ gì nói ra.

      Chị góa đứng cửa, chào rất lễ phép. Bà cụ xởi lởi đáp trả rồi hỏi con dâu. “Thế đã thuốc men gì cho bố mày chưa? Khổ quá, cứ rời cái tay tao ra là lại ốm o ngay thôi. Đã bảo rằng ở nhà, để người ta đi thay cho thì cứ tranh đi bằng được”. Tiếng ông cụ ho yếu ớt trên gác. Bà để đồ đạc, quà cáp nhà quê lỉnh kỉnh xuống nền nhà rồi thoăn thoắt leo lên căn gác nhỏ tối um rồi sờ đầu, sờ chân ông cụ như mẹ khám trẻ lên sởi. Lát sau bà tụt xuống, miệng lẩm rẩm. “Sốt rồi, bốn mươi độ là ít. Đi kiếm ngay cho bầm ít lá nhọ nồi”. Chị kia tất tả chạy ra bờ sông. Trong lúc chờ đợi, bà vừa vãn chuyện, động viên ông, vừa xổ ra lòng nhà chật hẹp vô khối là quà quê. Mấy quả bí ngô nho nhỏ giống mới, quả một bữa, thật vừa nồi. Hơn chục cái bát sen mới ngậm ngọt. Cân đỗ đen để nấu chè. Vài cân gạo nếp. Ba nải chuối chín, quả móp, quả gẫy thìa lìa. Chục bánh dợm. Chục na chín tới. Cả lọ mắm tép nữa. Bà nhìn nải chuối gẫy mà xuýt xoa tiếc rẻ. Chỉ tại cái thằng nhà xe thôi, đã dặn rồi mà nó không nhẹ tay cho. Còn tất cả thì đều mười phần vẹn mười.

      Ông lẩy bẩy tụt xuống, nhìn đống quà quê mà mắt sáng lên. Chị góa đứng cửa nhìn vào, tấm tắc. “Chả có ai thương con, thương cháu như ông bà đây cả”. Bà mãn nguyện lắm. Chị kia chạy về, tay cầm một nắm cây nhọ nồi, cả lá cành gốc rễ. Bà đem ra hè, nơi quây miếng tôn làm bếp để rửa ráy và giã nhỏ ra. Nước thì hòa thêm chút đường cho ông uống, bã thì gói vào khăn bịt ngang trán ông. Tịnh không có một câu trách mắng nào cả. Anh con giai vừa đi làm về, thấy nhà cửa vui vẻ thì cũng yên lòng. Bà giục con dâu. “Rang mắm mới mà ăn con ạ, thơm ngon lắm”. Chị kia vâng vâng dạ dạ nhưng không dám vì sợ cái cô chửa lại nôn ọe ầm ĩ.

 

      Buổi tối, khi chị kia làm ca, ở nhà, mẹ con, bà cháu tâm sự thế nào mà bà nắm bắt hết cả tình hình thời sự của cả xóm. Trưa hôm sau, đợi lúc cô chửa con so đã ngủ dậy, nhóm bếp làm cơm ăn, chuẩn bị đi làm thì bà rón bước sang. Bà mang theo mấy cái bát sen, hai quả na và quả bi ngô, gọi là có tí quà quê. Họ trò chuyện vui vẻ lắm. Bà dặn cô ta kiêng thứ này, kị thứ kia, để mẹ khỏe, con khỏe. Đang vui vẻ thế, bất thình lình, cô chửa chạy vào trong nhà vệ sinh, nôn mửa. Bà cụ chột dạ lò dò đi về. Rõ ràng là nó chưa ăn na, cũng chưa đưa cái gì vào mồm trước mặt bà, tại sao lại nôn chứ?

     Bà cụ ở chơi một tuần, cô chửa nôn một tuần, mặt mũi tái xanh tái tử. Lạ lùng đâu cái giống người có chửa lại ghê cả mùi hàng xóm. Chị con dâu lấy làm ái ngại, sang tận nơi dò la. Cô kia thừa nhận, không chỉ sợ mùi trầu thuốc mà còn sợ cả cái mồm nhai trầu đỏ ngoe ngoét của bà, sợ cả mùi người già. Chị con dâu tái mặt. Suốt mấy đêm rồi không ngủ được, mà cứ hễ chợp mắt là lại nhìn thấy cái miệng bỏm bẻm nhai trầu của mẹ chồng, thấy quết trầu vương vãi khắp hè và đỏ lòm trong cái ống nhổ. Phải làm thế nào bây giờ? Trầu thuốc là món mẹ chồng chị nghiện đã mấy chục năm nay rồi, giờ bảo cụ bỏ vì một đứa hàng xóm thì nghe lọt tai sao được? Mà nói ra chuyện này, chắc gì bà thông cảm cho? Nghĩ nát nước rồi, chỉ còn có một cách, để hạn chế cái sự nhai, sự nhổ nước trầu thôi. Chị kia tóm lấy cái suy nghĩ ấy như bùa hộ mệnh và mới sáng sớm đã vọt ra khỏi nhà. Và chị đã mua được thứ mình cần. Chị hớn hở đặt vào tay mẹ chồng cái cối giã trầu bằng đồng mới toanh, khéo léo trình bày. “Bầm chịu khó giã trầu cho nhuyễn rồi hãy ăn bầm ạ. Đỡ hại răng. Mà bầm ít ra ngoài thôi, đừng sang phòng người ta nữa, cô ấy kiêng gió máy”. Bà cụ ngước nhìn con dâu, buông rơi miếng trầu trên tay xuống đất. Đến nước này thì bà cụ nổi cơn tam bành, nước mắt nước mũi giàn giụa. “Cối là để dùng cho người không có răng, tao đây, răng đầy mồm mà lại giã trầu để thiên hạ cười cho à? Mày vừa phải thôi. Năm ngoái thì mày bảo bầm thế này thế nọ, cứ kà kê chuyện nhà cửa, khoe con, khoe cháu, hứng tè việc hàng xóm như chạy củi, kéo quần áo, đun nước... Rồi thì chuyện nhặt rau già, ăn cá cả ruột, rán mỡ cháy khét cả nhà hàng xóm. Tao lên đây thăm con, thăm cháu và xem ông ấy đau ốm thế nào, chứ không phải lên đây để đi làm dâu cho hàng xóm nhà chúng mày. Chúng mày đừng có khinh, có thịa người nhà quê như thế chứ. Tao sẽ về, cho chúng mày trọn vẹn ý ăn ý ở với người ta”.

      Bà nói dứt tràng thì ném ngay cái bộ cối giã trầu vàng chóe ra ngoài sân lăn lóc cóc. Anh con giai vứt cái búa bổ củi chạy vào, nghe rõ sự tình thì xót mẹ, giơ nắm đấm lên, nạt vợ. “Mẹ tôi chưa rụng hết răng đâu mà cô phải báo hiếu bà theo cách ấy. Đừng thấy nó thí cho cô vài cái quần áo mặc chật, lỗi mốt mà cô tưởng nó là chị em tốt mà khi dễ mẹ tôi. Đừng thấy nó nhường cho một chỗ đất để cái bếp than mà tưởng nó là thánh tướng ban phát. Mẹ tôi con đàn cháu đống, tóc bạc cả rồi, không cần cô phải dạy bà cái ý ăn ý ở. Nó nôn ọe thì mặc xác nó nôn ọe, ảnh hưởng gì đến ai? Hả? Đừng có hỗn”. Chị kia đứng đực mặt nhìn người chồng đầu gối tay ấp bỗng dưng như muốn ăn sống nuốt tươi mình chỉ vì dám khuyên mẹ chồng dùng cối giã trầu. Thế gian nói đâu có sai “khác máu tanh lòng”. Rõ ràng là việc bà ăn trầu làm cho người ta sợ, người ta ghét. Bà đã chẳng nhận ra để mà ý tứ hơn thì thôi, con dâu nói cho biết thì lu loa lên, giận dỗi. Ông cụ vừa hoàn hồn sau trận ốm, đứng trước tình huống này thì cũng chỉ biết can ngăn bà cụ. “Ấy, là nó cũng có ý tốt, bà bình tĩnh lại đã, mình có thiếu gì cách cư xử với nhau đâu. Tôi xin bà, dĩ hòa vi quý vẫn hơn”. Nhưng tính bà cụ thế. Bà không nói thêm nửa lời, chỉ mau mắn thu dọn đồ đạc. Ông can bà không được thì cũng thu dọn quần áo theo bà. Được cái, đường xá bây giờ tiện lợi, đi được ngay và về cũng được ngay. Làm phiền chúng nó bấy nhiêu là quá lắm rồi. Ở quê, thừa mứa ra là việc. Lên đây, ngày hai bữa cơm, đưa đón hai đứa từ nhà đến chỗ học thêm, từ chỗ học thêm về nhà và giặt mỗi chậu quần áo. Nhàn quá, chẳng hư cả người ấy à. Có cái điếu cày làm bạn thì phải đem ra tận bờ sông, để không ảnh hưởng đến ai, đi lại nhiều cũng ngại, thành ra nhạt mồm nhạt miệng. Có cái chổi cọ thì phải gác thật cao lên. Hoặc lựa lúc cả xóm đi làm hết mới được mang ra quét. Một người đã thấy nhàn, thêm bà ấy nữa, ngày qua ngày chia nhau mấy cái việc cỏn con, ngứa ngáy chân tay, người ngợm, rồi lại sinh ốm, mất tiền thuốc, thật chả ra làm sao. Muốn trò chuyện cho khuây khỏa, nhưng các cháu, mang tiếng là nghỉ hè mà vẫn bận học ngày học đêm. Bố mẹ chúng cũng tít mù ca kíp đêm ngày. Có lúc nào mà chuyện? Chuyện linh tinh với hàng xóm thì chúng nó không thích. Mà người ta cũng chả có thời gian mà tiếp chuyện mình. Đã thế, mẹ chúng nó, lại mắc cái tật cố chấp. Con dâu vừa nói thế mà đã khùng lên. Cái phận đi thuê nhà thuê cửa, chúng nó khổ thế đấy. Thật là lòng dạ đàn bà khó lường. Lúc thì bồ tát, khi lại lạt buộc. Còn thêm đứa con dâu, cứ gọi là vụng hết phần thiên hạ. Cũng không biết đường mà nói cho mẹ chồng nguôi giận rồi giữ bà ở chơi thêm vài bữa. Vừa lên mấy hôm, lại lộn về ngay, hàng xóm dưới quê họ đánh giá lắm. Chả lẽ, lớn tướng thế rồi, ông cũng phải xui bảo mới biết chắc? Giá nó mở lời nói vài câu, rồi ông cũng vun vào theo, kiểu gì bà chả nghe ra điều phải trái? Đằng này, thằng chồng quát con vợ lấy lệ có mỗi câu, rồi bảo nhau im như thóc. Hay là chúng nó cũng nhân cái sự này mà tống cổ cả ông lẫn bà về cho êm chuyện? Thế đấy, làm dâu con cháu mình thì đã mệt, lại còn làm dâu cả hàng xóm nữa thì cực cho mấy cái thân già này quá.

 

      Nhà kia tiễn bố mẹ về xuôi mà lòng dạ rưng rưng, ngổn ngang. Cũng chẳng biết thanh minh thế nào cho vừa lòng bố mẹ cả. Đêm hôm trước, ông chủ nhà đã cảnh báo. “Có mấy nhà ở với nhau thôi, không bảo ban nhau được, tao đuổi ráo. Ngày nào chả có người hỏi thuê nhà?”. Hai bên hàng xóm khi thấy ông bà dắt tay nhau về và còn ghé chào hẳn hoi thì cũng có vẻ ái ngại. Bà cụ sau khi vuốt ve hai đứa cháu một lúc rồi không nói gì thêm. Ông cụ tranh thủ dặn dò vợ chồng nhà kia đủ việc, nào là cố gắng tết nay cho các con về thăm quê, không có họ hàng, làng xóm bàn tán nhiều quá rồi. Nào là không phải sắm sanh gì hết, tết quê bây giờ đủ bánh, đủ thịt, rau dưa đủ hết chứ không khổ như ngày xưa đâu…Xe sắp chạy, chị con dâu bất ngờ nhảy lên xe, dúi vào tay ông cụ một cái túi vải be bé, thì thầm. “Bố cầm lấy giúp con. Cái cối giã trầu thôi mà. Để sau này bầm dùng cũng được”. Ông cụ cầm cái túi vải bằng cả hai bàn tay đang run bắn lên. “Ừ thôi, bố bầm về. Nhớ lời bố dặn mọi việc nhá”.

     

      Chả biết ai đưa chuyện cái cối trầu xuống tận công ty mà chị kia cứ đến chỗ nào, chỗ ấy cũng dậy lên lời ồn ĩ. “Trông cái mặt, cứ tưởng hiền lành, mà hóa ghê gớm. Mẹ chồng răng còn đầy mồm nó đã mua cối trầu cho giã. Ý nó là bà mà cứ sang hàng xóm kể xấu con dâu, có ngày nó vả cho rụng hết răng”. Hai vợ chồng lại làm cùng một chỗ, chỉ có khác ca thôi. Anh chồng cũng hứng đủ những lời chẳng hay ho ấy mà không biết thanh minh cho vợ thế nào. Mấy lần gọi điện thoại về quê, nói thế nào mẹ anh cũng không chịu nghe máy, nên bao nỗi bực tức, anh trút đủ lên vợ. Thế là họ lại cãi nhau. Không khí gia đình lúc nào cũng ngột ngạt, căng thẳng, dù chẳng còn tiếng ngáy, tiếng chổi cọ hay tiếng điếu cày. 

 

     Một hôm, chị kia dọn lại căn gác để lấy tấm chăn dùng cho mùa đông, thấy bên trong cái vỏ gối có gì đó cồm cộm. Chị giật bắn mình. Trấn tĩnh lại, chị mở khóa, thò tay vào, lôi ra một cái cối giã trầu bằng đồng mới tinh, giống hệt cái chị đã mua cho mẹ chồng. Thế này là thế nào? Đúng lúc ấy thì thằng bé đi học về. Thấy mẹ đứng sững giữa nhà, tay cầm cái cối giã trầu thì sốt sắng. “Mẹ cất đi cho bà. Của bà nội đấy. Cái hôm bà đưa anh em con đi chợ ăn kem, con thấy bà mua mà. Mẹ không biết à?”. Chị kia lúng túng. “Ừ, mẹ không biết gì cả”. 

 

  Tống Ngọc Hân (nguồn: Tạp chí NV&TP- Hội Nhà văn VN)

      

                                                                                         

                                                                       

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *