TRANG THƠ KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ 27/7
Các chiến sĩ tại mặt trận Vị Xuyên (ảnh Internet)
Anh em nhà văn chúng tôi đã nghẹn ngào khi nghe nhà văn Ngọc Bái kể lại chuyện: Trong trận đánh phản kích nhằm chiếm lại những điểm cao bị quân xâm lược Trung Quốc chiếm giữ ở Vị Xuyên, ngày hôm ấy thương binh, liệt sĩ ở 2 sư đoàn 356 và 316 của chúng ta được chuyển về nằm dọc đường quốc lộ và khắp thị xã Hà Giang, chúng ta đã phải hạ một cánh rừng Mộc Miên dọc sông Lô để làm áo quan khâm liệm các liệt sĩ trong nỗi đau thương và uất hận ngút trời. Ngày giỗ trận Vị Xuyên năm nay, đoàn nhà văn chúng tôi đã lên thắp hương ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên và nhà tưởng niệm liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 486 và không ai cầm được nước mắt khi các dòng thơ cứ tuôn trào.
Nguyễn Việt Chiến
NĂM ẤY, VỊ XUYÊN
Năm ấy dọc sông Lô
Cả một rừng gỗ Mộc Miên được hạ xuống
Xẻ làm áo quan
Sau trận đánh cuối cùng, các anh nằm lại với Hà Giang
Mưa biên thùy đưa các anh từ Vị Xuyên xuống núi
Gió biên thùy tiễn các anh vào đất
Bên kia biên giới hoa Mộc Miên nở
Còn bên này biên giới gỗ Mộc Miên xẻ làm áo quan
Sông Lô bình thản trôi qua hai miền đất như không có chuyện gì…
12-7-2016
NGỰA ĐÁ
Ngựa đá lên biên ải
Từ ngàn năm trước rồi
Giờ thành cao nguyên đá
Dựng bờm trong mây trôi
Dáng núi như dáng người
Tạc mình vào đá thẳm
Hiến thân giữ đất trời
Rồi lẫn vào mây trắng
Không ngậm ngùi, cay đắng
Chẳng buồn rầu, nghĩ suy
Ngựa đá lên biên ải
Hồn nhiên như người đi
Ngàn năm sau còn nghe
Tiếng quân reo trong đá
Tiếng rợp trời ngựa phi
Rồi lặng yên…tất cả
Lật từng trang sử đá
Thấm máu biết bao người
Tiếng nhạc buồn trong đá
Khí thiêng lên ngút trời
Ngựa đá rồi mộ đá
Trập trùng dưới ngàn mây
Bao lớp người biên ải
Còn với non sông này
VỀ KHỔ ĐAU VÀ ĐẠI BÁC
Đại bác nổ và chiến tranh ụp xuống
Những cánh rừng hôm trước nở đầy hoa
Bên ô cửa là cánh đồng lặng ướt
Tiếng trẻ con và khói những căn nhà
Đại bác nổ và mây đen cũng nổ
Trên ngói trường tan tác gió và chim
Có người lính vừa đi qua thành phố
Thuốc trên môi và trẻ nhỏ bên mình
Đại bác nổ và tiểu liên đốn gục
Những chàng trai vui tính nhất sư đoàn
Trên môi họ nụ cười còn thoáng gặp
Cô gái nào chiều ấy đợi bên sông
Đại bác nổ cuộc chiến tranh thứ nhất
Đất chiến hào cỏ chưa kịp nhú xanh
Thì lựu đạn và lưỡi lê cường tập
Lần thứ hai cỏ lại thấm máu mình
Đại bác nổ giữa đại ngàn trận mạc
Người lính đi biền biệt một phương trời
Người vợ ấy đã bao năm thầm lặng
Sống vì anh nuôi đứa trẻ nên người
Đại bác nổ và pháo hoa thắng trận
Không làm cho tóc bạc những mẹ già
Xanh trở lại một thời xưa yên ấm
Tóc bạc người, Tổ quốc, đứa con xa
Họ sinh ra không phải để làm lính
Đứa con nào của mẹ cũng vậy thôi
Bởi sữa mẹ ngàn năm không giọt đắng
Và hoà bình là sữa mẹ bên nôi
Sau đại bác lửa hoa cương trầm lặng
Cháy trên mồ những chiến sĩ vô danh
Rất có thể các anh là mây trắng
Nước của sông, ngọn gió sớm mai lành
Và đại bác xin cúi đầu tưởng nhớ
Những người con bất diệt đã quên mình
Vì xứ sở ngàn đời mây trắng
Vẫn ngàn đời bất diệt giữa cỏ xanh
Mai Nam Thắng
VỴ XUYÊN, CÓ THỂ …
Đường nhựa thênh thênh...
Xe lao vun vút!
Từ cầu Yên Biên chỉ vài mươi phút
Phố xá dập dìu theo sát đường biên
Có thể thông hành Bằng Tường, Côn Minh...
Có thể bác tài chuyên đánh hàng trốn thuế
Một thời đèn gầm sấp ngửa làng Ping?
Có thể đám cửu vạn trần lưng
Một thủa lặc lè ba-lô ngược chốt?
Có thể cô hướng dẫn viên du lịch
Không biết những địa danh Cót ép, Đồi Đài?
Những Bốn Hầm, Tổ Chim, Lò Vôi Thế Kỷ...
Có thể là chẳng thể trách ai!
Vỵ Xuyên chiều
Thanh thản sương bay...
Núi vẫn đứng trầm ngâm chứng tích
Sông vẫn ngầu quặn khúc quanh co
Lau vẫn trắng bời bời suy vấn
Gió cay cay khói bếp làng Lò...
VÔ DANH?
Dọc vách đá lên điểm cao, bình độ
Bươm bướm bay chấp chới vẫy dòng người
Những người vợ, người con, đồng đội…
Hành hương về giỗ trận chiều nay!
Cao điểm còn đây, bình độ còn đây
Đã xanh lại những vạt đồi lở lói
Xóm Thanh Thủy đã tưng bừng phố mới
Xương cốt các anh còn lẫn khuất nơi nao?
Các anh ơi mỗi giọt máu đào
Góp tô thắm giang sơn gấm vóc
Nhưng “vô danh” lẽ nào không thể khác
Khi tuổi tên danh bạ đủ đầy?
Như hư vô hương khói lẫn trời mây
Bao năm vẫn dứt day ngày giỗ trận
Và bướm trắng chiều nay hiển hiện
Nối những vòng khăn trắng giữa đồi cao…
Vỵ Xuyên, chiều 12-7-2016
Trương Trung Phát
CHẲNG AI LỠ
(Ghi theo lời kể của các Cựu chiến binh F365 và thượng úy Nguyễn Tích, người trực tiếp chiến đấu giữ vững biên cương Vị Xuyên từ năm 1984 đến năm 1989)
Thoát cửa tử sống được trở về cũng nghèo cả thôi
Của it lòng nhiều góp gom mưa tình nắng nghĩa
Xây cây hương tưởng nhớ những vong hồn
Thân xác còn chưa quy tập
Chúng tôi vái trời xanh, cây cỏ lá hoa
Vái cửa Hang dơi bạn tôi gọi mẹ
Vái chín ngàn một trăm héc ta
Chưa gỡ mìn gài đồng đội còn phơi sương gió
Lính nhớ lính có gì sai
Chẳng ai lỡ bắt chúng tôi không xây đền thờ đồng đội
Gió có hỏi triệu triệu cỏ cây sẽ nói
Xin đồng đội yên lòng về chốn này nghỉ ngơi.
Vị Xuyên, ngày giỗ trận 12/7/2016
NHẮC TA NHỚ MỘT NĂM KHÔNG CHÍN
(Ghi theo lời đại tá Nguyễn Kim Chung, Đại tá Phan Lạc Hợi và Đại tá Ngô Văn Đô, những người trực tiếp chỉ huy chiến đấu giữ vững vùng biên cương Hà Giang từ năm 1984 đến năm 1989)
Một dải biên cương máu các anh thẫm đỏ
Cho cỏ cây muôn thủa ngút ngàn xanh
Các anh đã hết mình giành giữ từng tấc đá
Mưa pháo giặc giót ô 28 đêm ngày.
Các anh vật nhau với giặc trên những cao điểm mờ mây
Trắng đá pháo cày lính gọi “ Lò vôi thế kỷ”
Các anh góp gom lạc quan nâng sự sống của mình
Râu tóc mọc nhanh hơn cỏ.
Nhớ mẹ, yêu làng, ghét cay giặc dữ
Pháo giặc phá hoại ngày đêm làm khổ lúa nương
Trâu chết giữa đường cày xác người bay tứ phía
Lòng các anh buốt đau, mắt rực lửa sát thù.
Một dải biên cương máu các anh còn thẫm đỏ
Nhắc nhở ta lệ ứa sắc trời xa
Còn đó đêm đêm thác gọi hồn nhức đau bao thế hệ
Xót dạ các anh một năm không chín gió òa.