NHÀ VĂN THIÊN SƠN: TÔI ĐẶT CHÂN VÀO KHOẢNG TRỐNG MÀ CÁC NHÀ VĂN ĐƯƠNG ĐẠI KHÔNG LÀM
Lần này, với tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời”, Thiên Sơn lại gây ấn tượng vì đã đặt ra những vấn đề mới và tái hiện một bức tranh lịch sử rộng lớn, phức tạp giai đoạn trước và sau cách mạng Tháng 8, đồng thời khắc họa thành công diện mạo các nhân vật lớn của thời đại mới. Nhân dịp tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời” được ấn bản, VNQĐ Online đã có cuộc trao đổi với anh về tác phẩm mới này. |
- Chúc mừng anh vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử “Gió bụi đầy trời” viết về một giai đoạn rất quan trọng của đất nước ta, giai đoạn trong và sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chính sử thì nhiều thế hệ đã đọc, đã thuộc, đã hiểu, nhưng giờ đây anh là người đầu tiên tái hiện lại các sự kiện đó bằng ngôn ngữ văn học. Vậy những người đọc lịch sử rồi, khi đến với tác phẩm của anh, họ sẽ tìm thêm được những gì trong đó?
+ Chính sử chỉ ghi lại các sự kiện và các quyết định quan trọng của nhân vật lịch sử. Tiểu thuyết này của tôi chủ trương mở ra một không gian khác, không gian trong tâm tưởng các nhân vật, khám phá những mạch ngầm phía sau các sự kiện lớn. Đọc một tiểu thuyết lịch sử như “Gió bụi đầy trời” không phải chỉ để biết diễn tiến lịch sử mà quan trọng hơn người đọc sẽ như được thâm nhập vào cái thế giới sục sôi của những ngày Tổng khởi nghĩa và sau đó là cảnh nội loạn ngoại xâm đặt chính quyền mới vào thế ngàn cân treo sợi tóc, cảm nhận được những trăn trở, toan tính và giằng xé trong nội tâm của các nhân vật lịch sử. Và vì thế, có lẽ lịch sử sẽ hiện lên một cách sống động, cụ thể hơn, phong phú hơn với tất cả những chuyện động dữ dội, khó lường và nghịch lí của nó. Ngoài ra, đọc tiểu thuyết lịch sử thực ra là thưởng thức một công trình nghệ thuật với những mĩ cảm tinh tế và cảm xúc đa chiều, là sẽ chạm vào cái thần lực bí hiểm mà văn học tạo ra, nó khác rất nhiều với việc tiếp cận một tác phẩm nghiên cứu lịch sử đơn thuần.
- Anh đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này và điều khó nhất đối với anh trong việc hoàn thành tác phẩm này là gì?
+ Tôi có một thói quen, khi đã đặt bút viết thì sẽ dành tất cả sức lực và làm ngày làm đêm cho đến khi cuốn sách kết thúc mới thôi. Vì vậy, thời gian viết khá ngắn, chưa đến một năm. Nhưng thực ra, công tác tìm kiếm tư liệu và dự định viết của tôi khá dài, từ hơn chục năm trước. Đối với một cuốn tiểu thuyết lịch sử như thế này, điều khó nhất có lẽ là đánh giá đúng nhân vật lịch sử, hiểu đúng thực tế lịch sử, vượt qua những định kiến, những cách nhìn lịch sử một cách sáo mòn, không né tránh những “vùng cấm” mà đã lâu ít có người khám phá. Đó không phải là một điều đơn giản. Nếu bạn đặt chân vào bạn sẽ như chạm phải những bức tường sắt của những khuôn thức mà quá khứ tạo ra. Nếu bạn không làm được điều gì mới, nghĩa là bạn thất bại. Đó cũng chính là lí do nhiều bậc tài danh đã không làm, đến bây giờ nhìn lại đề tài này vẫn là một khoảng trống lớn.
Tiểu thuyết lịch sử "Gió bụi đầy trời" của nhà văn Thiên Sơn. Anh đã không chọn viết về lịch sử thời xa xưa bởi cho rằng điều đó nhiều người đã và đang làm. "Tôi đặt chân vào một khoảng trống mà các nhà văn đương đại không làm. Chính là vì lịch sử hiện đại vẫn còn có ảnh hưởng trực tiếp vào những chuyển động của đời sống đương đại", nhà văn Thiên Sơn nói.
- “Gió bụi đầy trời” có sức bao chứa rất lớn. Nó đề cập một giai đoạn lịch sử nhiều biến động, phức tạp với một chuỗi các nhân vật lịch sử mà mỗi người, mỗi số phận với những lựa chọn của họ đều không dễ dàng, trong đó nhân vật trung tâm là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vẫn biết rằng người viết tiểu thuyết thì có quyền sáng tạo, hư cấu, nhưng với các nhân vật lịch sử, là những người thật, việc thật, anh chọn điểm nhìn như thế nào để giữ được sự khách quan trong “ứng xử” với từng nhân vật của mình?
+ Khách quan là một khái niệm mà cả nhà viết sử lẫn nhà văn không bao giờ có thể đạt đến một cách tuyệt đối. Và nữa, nó chưa bao giờ là vấn đề lớn nhất của một nhà viết tiểu thuyết lịch sử. Cái nhà văn cần làm là tái hiện một bức tranh lịch sử và những nhân vật có màu sắc riêng, có cá tính mang những quan niệm thẩm mĩ riêng, phù hợp với đặc trưng văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, chúng ta đã sống qua một thời kì mà những định kiến lịch sử đã diễn ra khá nặng nề. Và một trong những điểm chú trọng của tôi khi viết cuốn sách này là cố gắng thoát ra khỏi các định kiến để nhìn các sự kiện và nhân vật lịch sử một cách khách quan hơn. Tôi chủ trương mô tả một bức tranh lịch sử lớn, toàn cảnh, ở đó các nhân vật có không gian để hoạt động và thể hiện tầm vóc của mình. Vị thế của nhân vật thể hiện qua cách nhân vật hoạt động, tác động của họ vào các chuyển biến chính của lịch sử, qua các suy tư và toan tính của họ. Phép soi gương - như một thủ pháp nghệ thuật, miêu tả nhân vật này qua sự nhìn nhận, phân tích của nhân vật khác làm cho nhân vật lịch sử được soi chiếu ở nhiều góc độ cũng là một cách làm cho nhân vật hiện lên sống động, đa dạng và khách quan hơn. Tôi đã chủ trương tiết chế việc biểu lộ thái độ của người viết, hạn chế những bình luận hay trữ tình ngoại đề để nhân vật xuất hiện và tồn tại trong không gian hành động của họ.
- Viết tiểu thuyết lịch sử, ngoài vốn liếng kiến thức hệ thống, sâu rộng, nhà văn luôn cần phải có một sự “liều” nữa. Vì tác phẩm anh viết ra rất có thể đứng trước những rủi ro, dễ gây tranh cãi. Ở “Gió bụi đầy trời” nhân vật chính là Hồ Chủ Tịch- một danh nhân văn hóa của thế giới, anh có chút e ngại nào trong quá trình viết không?
+ Có lẽ phải nói thêm điều này trước khi vào câu hỏi chính. Chị nghĩ rằng tại sao tôi phải “liều” để làm một việc quá khó trong điều kiện lịch sử hiện tại? Nếu bây giờ tôi không viết thì sau này có thể 50 năm, hoặc 100 năm nữa sẽ có người viết về Hồ Chí Minh và các nhân vật lịch sử mà hiện nay tôi đã và đang viết. Lúc đó, có thể thế hệ sau sẽ viết hay hơn tôi bây giờ. Vậy tại sao tôi cứ phải dấn vào chỗ chông gai để viết một cuốn sách mà thậm chí nhiều người ở thời điểm này nghĩ đến đã cho là không thể làm nổi hoặc có làm cũng không thể thành công? Phải có một điều gì thôi thúc chứ? Đúng thế! Tôi đã không chọn viết về lịch sử thời xa xưa. Điều đó nhiều người đang làm. Họ viết về quá khứ để tôn vinh các nhân vật lịch sử hoặc gửi gắm một ý niệm, nhưng mối liên hệ với thực tiễn hiện nay sẽ hạn chế. Tôi đặt chân vào một khoảng trống mà các nhà văn đương đại không làm. Chính là vì lịch sử hiện đại vẫn còn có ảnh hưởng trực tiếp vào những chuyển động của đời sống đương đại. Viết về giai đoạn 1945 là đi tìm những ý tưởng khôi nguyên nhất, đẹp đẽ nhất khởi phát từ các nhà khai sáng một thời đại để có thể giúp con người của ngày hôm nay nhìn lại xem chúng ta đã làm được gì kế tục những tư tưởng của cha ông chúng ta. Tôi biết vì nhiều lí do khác nhau mà sự tự do dành cho nhà văn khi viết về thời điểm lịch sử này có giới hạn. Nhưng chúng ta sẽ không thể làm nên một điều gì có giá trị nếu chỉ biết e dè và né tránh. Điều đó đã cản trở rất nhiều đến khả năng sáng tạo của chúng ta. Văn chương, như nhà văn Nam Cao có lần nói, nó đòi hỏi những người dám mạnh dạn khơi ra những nguồn chưa ai khơi… Sáng tác văn học với tôi không phải là một cuộc dạo chơi như có ai đó nói, nó là một công việc gian khổ, nguy hiểm và khó khăn. Nhưng nếu không tìm thấy ý nghĩa của tác phẩm của mình đối với thực tại thì tôi sẽ không viết. Tôi chấp nhận thách thức, nguy hiểm, khó khăn để làm và cũng luôn có niềm tin vào bạn đọc, vào những người có lương tri, họ sẽ nhận ra rằng, tôi đã làm việc như một chức phận mà người cầm bút có trách nhiệm phải làm.
- Đã 75 năm trôi qua kể từ sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945- bối cảnh của tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời”. Là một nhà văn thế hệ 7X, thế hệ mà chiến tranh phần lớn chỉ còn lại trong những câu chuyện kể, với anh thì đây là thuận lợi hay bất lợi trong tìm kiếm tư liệu để viết tiểu thuyết lịch sử?
+ 75 năm tưởng đã dài nhưng vẫn chưa là thời gian đủ dài để minh định mọi giá trị. Do lịch sử chiến tranh kéo dài, những luồng ý thức xung đột gay gắt đã tạo nên những thành kiến ghê gớm ở những lực lượng chính trị khác nhau. Những thành kiến ấy còn in hằn trong khối tư liệu để lại cho đời sau. Tôi là người thuộc thế hệ 7X, lớn lên khi chiến tranh đã đi qua, được sống và học tập trong thời kì đổi mới, hội nhập và nguồn tự liệu được ấn bản ngày càng phóng phú. Đó là một thuận lợi lớn để tôi có thể ráp nối những khoảng mờ, những phần đứt gãy, hình dung ra bức tranh lịch sử rộng lớn với tất cả sự phức tạp của nó. Đã đến lúc chúng ta nên vứt bỏ các thành kiến để nhìn lịch sử khách quan và công bình hơn, để xóa nhòa những rạn vỡ, để khơi dậy nhân tâm, để đoàn kết và phục hưng dân tộc. Tư tưởng đó đã được đề xướng ở một số nhà chính trị và nhà nghiên cứu văn hóa. Cuốn sách của tôi cũng góp phần xóa đi những rạn rỡ, chia cắt về tinh thần của dân tộc trên cơ sở một cái nhìn tôn trọng và khách quan với nhân vật và sự kiện lịch sử.
"Tôi là người thuộc thế hệ 7X, lớn lên khi chiến tranh đã đi qua, được sống và học tập trong thời kì đổi mới, hội nhập và nguồn tự liệu được ấn bản ngày càng phóng phú. Đó là một thuận lợi lớn để tôi có thể ráp nối những khoảng mờ, những phần đứt gãy, hình dung ra bức tranh lịch sử rộng lớn với tất cả sự phức tạp của nó". |
- Viết nhiều, ở nhiều thể loại khác nhau, nhưng dường “sứ mệnh” mà Thiên Sơn nhận lấy một cách chủ động vẫn là viết tiểu thuyết, khai thác những vấn đề lớn liên quan đến lịch sử, vận mệnh của đất nước, số phận của nhân dân. Có thể nhìn thấy điều này trong các cuốn tiểu thuyết anh đã viết như “Đại gia”, “Dòng sông chết”, và bây giờ là “Gió bụi đầy trời”. Từ kinh nghiệm của mình, anh có thể chia sẻ thêm về việc người viết muốn đi qua, vượt lên những câu chuyện cá nhân, để theo đuổi những cảm hứng lớn hơn thì họ cần phải chuẩn bị hành trang như thế nào?
+ Thực ra người viết nào ban đầu cũng bắt đầu từ những câu chuyện, những kỉ niệm của chính bản thân mình. Nhưng muốn đi xa hơn nữa, người viết phải gắn bó với đời sống, phải cùng vui buồn trước vận mệnh của dân tộc, của nhân dân mình và chính điều đó sẽ trở thành nguồn cảm hứng, thành năng lượng dồi dào không vơi cạn cho ngòi bút của mình. Tôi đam mê tiểu thuyết từ khi còn nhỏ. Sau này vào học khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội thì tôi dành nhiều thời gian để đọc những tác phẩm lớn của những nhà văn kinh điển thế giới. Có thể nói thời gian học ở trường Tổng hợp là môi trường lí tưởng để tôi đào luyện mình. Tôi đã nghiên cứu kĩ các hình thức cấu trúc của tiểu thuyết trường thiên và kĩ thuật viết thể loại khó khăn này từ hồi ấy. Nhưng nắm được các kĩ thuật viết chưa là gì cả, điều quan trọng là vận dụng những hiểu biết ấy vào thực tiễn sáng tác. Ra khỏi trường đại học tôi bắt đầu lăn lộn làm báo và mở mang thêm kiến thức về thực tiễn. Trong nhiều năm, không ngày nào tôi không tìm hiểu những thông tin về đời sống và cùng vui buồn trăn trở trước những khổ đau của con người trên đất nước mình. Hơn thế, tôi bắt đầu đặt ra và tự trả lời những câu hỏi về thực tại và về lịch sử. Khi sự hiểu biết của mình đạt đến một độ chín nào đó, nó sẽ tràn ra trang viết. Có lẽ khó cắt nghĩa thật cặn kẽ, nhưng sự chuẩn bị đến một cách tự nhiên, thầm lặng gắn liền với cái thiên hướng của mình luôn hướng về đời sống.
Ở một mức độ cao hơn thì xuất hiện ý thức nghề nghiệp, tôi cho rằng cần phải viết một cái gì khác lạ, mới mẻ hơn, thiết thân với cuộc sống này. Tôi bắt đầu phân tích sâu hơn về những bí ẩn của thực tại, tìm ra những căn nguyên ẩn phía sau các chuyển động phức tạp của đời sống và phản ánh vào tác phẩm qua những hình tượng nghệ thuật. “Dòng sông chết” hướng ngòi bút đến mặt trái của cuộc cách mạng hóa học; “Đại gia” phản ánh cái hiện thực hiểm nghèo biểu hiện qua sự lũng đoạn quyền lực nhà nước, sự tha hóa khủng khiếp của đạo đức xã hội và sự mù lòa về lí tưởng của không ít người có quyền lực trong xã hội. “Gió bụi đầy trời” góp một tiếng nói để bù lấp sự trống rỗng của những thế hệ đánh mất kí ức lịch sử. Tất cả những điều đó không phải tự nhiên mà có được, nó là kết quả của sự nỗ lực hàng ngày và không ngừng.
- Nhìn vào đời sống đang thay đổi không ngừng hiện nay, đôi lúc chúng ta có cảm giác như văn học trở thành miếng bánh bé dần đi trong lựa chọn của con người. Nhiều hình thức nghệ thuật giải trí khác sẵn sàng thay thế, thống lĩnh quỹ thời gian rảnh rỗi vốn ngày càng ít ỏi của con người bận rộn hôm nay. Liệu có chút tuyệt vọng nào trong anh khi thấy mỗi cuốn sách của nhà văn in ra chỉ vọn vẹn chừng vài ba ngàn bản in là nhiều?
+ Không! Tôi không có chút tuyệt vọng nào cả. Không phải tôi không biết đời sống đã thay đổi, những phương thức tiếp cận thông tin và cảm thụ nghệ thuật của con người đã khác trước rất nhiều và văn học mất đi một phần địa vị của mình. Nhưng tôi cho rằng, những xu hướng văn học hiện đại đang thịnh hành vấp phải những sai lầm. Nhiều người đi vào hình thức cầu kì, biến văn học thành thứ trò chơi của chữ nghĩa chỉ dành cho một số người; số khác tầm thường hóa văn học, biến văn học hoàn toàn là những câu chuyện giải trí. Tôi trở lại với quan niệm văn học xưa cũ hơn, coi văn học như là một hình thái ý thức xã hội và nhà văn thông qua tác phẩm của mình để thực thi thiên chức xã hội của mình. Văn học phải hướng đến những vấn đề phức tạp nhất, căn cốt nhất, nóng bỏng nhất của đời sống. Phải góp phần trả lời những câu hỏi đang đặt ra với vận mệnh của dân tộc và thời đại mình, giúp con người vượt qua những bế tắc lịch sử. Nếu tìm ra một hình thức sinh động, nếu nói lên được tâm sự đau đáu và trả lời được những câu hỏi róng riết đang đặt ra một cách sâu sắc thì văn học sẽ vẫn có vị trí danh dự trong lòng người đọc.
"Nhiều người đi vào hình thức cầu kì, biến văn học thành thứ trò chơi của chữ nghĩa chỉ dành cho một số người; số khác tầm thường hóa văn học, biến văn học hoàn toàn là những câu chuyện giải trí. Tôi trở lại với quan niệm văn học xưa cũ hơn, coi văn học như là một hình thái ý thức xã hội và nhà văn thông qua tác phẩm của mình để thực thi thiên chức xã hội của mình. Văn học phải hướng đến những vấn đề phức tạp nhất, căn cốt nhất, nóng bỏng nhất của đời sống. Phải góp phần trả lời những câu hỏi đang đặt ra với vận mệnh của dân tộc và thời đại mình, giúp con người vượt qua những bế tắc lịch sử. Nếu tìm ra một hình thức sinh động, nếu nói lên được tâm sự đau đáu và trả lời được những câu hỏi róng riết đang đặt ra một cách sâu sắc thì văn học sẽ vẫn có vị trí danh dự trong lòng người đọc". |
- Rất nhiều người viết trẻ hiện nay không thể đầu tư gần như tuyệt đối thời gian của mình vào việc sáng tác. Họ bị chi phối quá mạnh bởi đời sống tốc độ ngoài kia. Họ cũng sốt sắng hơn trong việc mang tác phẩm của mình ra công chúng, vì việc công bố, phổ biến tác phẩm hiện nay có nhiều kênh, rất dễ dàng. Nhưng cũng chính bởi vậy mà ít người dám bình tĩnh sống với im lặng, thậm chí là vô danh để đợi ngày “quả chín” mới hái, trong khi cái sống sượng, cái non nớt vẫn có thể tìm được đám đông tung hô nào đó nhờ mạng xã hội hay công nghệ PR. Anh có thể nói gì về điều này?
+ Ai cũng muốn góp tiếng nói của mình vào đời sống, đó là điều chính đáng. Quyền công bố tác phẩm là một quyền căn bản mà chúng ta cần trân trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng văn học không bao giờ là một lãnh địa dễ dàng. Ngày nay khi sách in ra nhiều, cạnh tranh không chỉ trong nước mà với sách dịch từ nước ngoài rất nhiều, tạo được một ấn tượng đích thực với công chúng thực là khó khăn. Chỉ có những cuốn sách có hàm lượng tri thức và nhân văn, chỉ có những cuốn sách mang đến cho người đọc những sáng tạo về ngôn ngữ và hình tượng, chỉ những cuốn sách mang phong cách và tài năng độc đáo mới có chỗ trong lòng bạn đọc. Các bạn trẻ hãy sáng tạo, hãy công bố tác phẩm nhưng đừng chỉ để thỏa mãn chính mình. Anh có nổi lên như cồn nhờ công nghệ PR, nếu tác phẩm không có giá trị đích thực thì ngay sau đó anh sẽ lại chìm xuống. Vậy nên hãy đừng quá chú trọng vào tính thời thượng. Hãy cố gắng bình tĩnh và làm thật tốt công việc của mình. Hãy tin tưởng vào bạn đọc và cố gắng làm ra những cuốn sách có giá trị.
- Cảm ơn nhà văn Thiên Sơn đã trả lời phỏng vấn VNQĐ!
BÌNH NGUYÊN TRANG thực hiện