THƠ NGUYỄN HỮU THẮNG
(Hội VHNT tỉnh Quảng Trị)
RƯNG RƯNG BẢN MẠY…
Đơn sơ một mái nhà tranh
Hai gian hai chái mà thành quê hương
Trúc, tre kết lại thành giường
Cối xay, rổ rá, giần sàng... cũng tre
Mở trường dạy các em thơ
Dạy nghề trồng lúa, dệt tơ, nuôi tằm
Bản nghèo Việt-Thái kết thân
Có công Thầu Chín(*), ân nhân mọi nhà...
Đói nghèo xưa đã lùi xa
Bây giờ bản Mạy(*) đã là phố quê
Thủy chung với đất, với nghề
Sắt son tình nghĩa sẻ chia vui buồn...
Mái tranh nay hóa linh hồn
Dân làng tìm đến quây quần đông vui
Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ Người
Rưng rưng Thầu Chín một thời ở đây...
……………….
(*) Bản Mạy ở Thái Lan, thời kỳ hoạt động ở đây, Bác Hồ mang tên Thầu Chín.
HAI TIẾNG VIỆT NAM
Trong hai tiếng Việt Nam em gọi mỗi ngày
Có tổ tiên, ông bà, cha mẹ
Có Âu Cơ lên rừng, Lạc Long Quân xuống bể
Có hạt gạo sông Hồng, con cá Cửu Long giang...
Trong hai từ em viết Việt Nam
Vọng tiếng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Tiếng suối reo trong rừng Việt Bắc
Tiếng sóng cồn cào Hoàng Sa, Trường Sa...
Trong âm hưởng hào hùng khúc tráng ca
Hai tiếng Việt Nam tự hào biết mấy
Chiến dịch Hồ Chí Minh triều dâng, thác chảy
Thế núi hình sông một dải nối liền!
Trong hai tiếng Việt Nam ta bảo vệ, giữ gìn
Trời biển, núi sông, ruộng đồng, phố thị
Xương máu, mồ hôi, câu hò, điệu lý
Ánh mắt mẹ già, tiếng hát trẻ thơ...
Bao lớp người tạo dựng tự ngàn xưa
Triệu triệu linh hồn đã hòa vào sông núi
Việt Nam! Việt Nam!
Thiêng liêng tiếng gọi
Mãi mãi trường tồn...
Mãi mãi Việt Nam!
SẮC XUÂN SA MÙ
Chênh vênh đường đến Sa Mù
Mây bay lũng thấp, sương mờ non cao
Một vùng nắng gió hanh hao
Tưởng như Đà Lạt lạc vào nơi đây
Sa Mù đá núi chen cây
Phong lan khoe sắc bên mây la đà
Trường sơn nghiêng một mái nhà
Cây nghiêng bóng nắng, bản xa nghiêng chiều
Chim rừng tiếng hót trong veo
Trong như tiếng suối lưng đèo hoà ca
Sa Mù mà chẳng mù xa
Sắc xuân biên giới thắm hoa núi rừng
Bước chân đưa nhịp điệu phòn
Rượu cần lại rót hương nồng đêm xuân
MẸ CỒN CỎ
Mẹ chưa ra thăm Cồn Cỏ lần nào
Nhưng với mẹ, đảo đã thành tri kỷ
Cha hy sinh những ngày đánh Mỹ
Trong một đêm tiếp đảo bị đắm thuyền
Khoai sắn quanh vườn nuôi chúng con lớn lên
Mẹ lại tiễn chúng con vào bộ đội
Đứa ra đảo, nơi ngày xưa cha đã tới
Đứa lên tàu rẽ sóng vượt trùng khơi
Cồn Cỏ bây giờ gần lắm mẹ ơi
Thân thuộc từng gốc cây, bờ đá
Nơi bến thuyền ngày xưa cha đã ngã
Một âu tàu- bến cảng mới đông vui
Đón mẹ ra thăm một ngày đẹp trời
Biển hiền hoà như ngực cha ấm áp
Đàn cá heo nô đùa trên sóng bạc
Bơi theo tàu như mừng đón người thân
Mẹ đi giữa hàng quân
Lên đài cao dâng hương tưởng niệm
Rưng rưng chùm hoa biển
Bên những dòng tên đã hoá tượng đài
Hãy yên lòng mẹ ơi
Cồn Cỏ bây giờ đẹp lắm
Cây phong ba vững vàng trong gió mặn
Hoa vẫn ngời giữa mưa nắng trùng khơi
Hãy yên lòng mẹ ơi
Có chúng con ngày đêm canh giữ đảo
Dẫu vẫn còn giông bão
Cồn Cỏ neo vào lòng mẹ- Quê hương
VIẾNG MỘ VÕ ĐẠI TƯỚNG
Không lăng tẩm, chẳng đền đài
Một vuông đất nhỏ trấn ngoài biên cương
Gối đầu lên dãy Hoành Sơn
Tai còn dõi tiếng sóng cồn biển Đông
Gia tài một tấm lòng son
Một màu áo lính thủa còn Điện Biên
Gia tài hai chữ anh minh
Mà thiêng hơn cả hiển linh Thánh, Thần
Cốt xương một nấm mộ phần
Công ơn Đại tướng lòng dân tôn thờ
TẤT NIÊN VỚI LÍNH BIÊN PHÒNG
Biên cương chiều nay gió lạnh
Khách thăm gặp tiệc tất niên
Lợn,gà của đồn nuôi sẵn
Rau xanh đầy vườn Thanh niên
Lính trẻ kê bàn dọn cỗ
Chỉ huy niềm nở mời chào
Rượu quê lính vừa trả phép
Chạm ly, ta chúc mừng nhau
Tiệc xuân từ tay của lính
Mỗi quê một món trổ tài
Tất niên trên miền biên giới
Phong lan thay sắc đào, mai
Lính đồn luân phiên đổi gác
Trời chiều Biên giới mờ sương
Khách thăm hoà chung tiếng hát
Ấm tình nơi ấy- Biên cương
KHÔNG THỂ VÔ DANH
Những cái tên cha mẹ khai sinh
Những cái tên bạn bè thường gọi
Em gọi tên anh lần đầu bối rối
Tên anh đâu rồi giữa những hàng bia?
Anh nằm nơi đâu Thành Cổ chiều mưa
Thạch Hãn duềnh lên đỏ dòng sông máu
Anh nằm nơi đâu Khe Sanh tháng sáu
Dưới những chiến hào vây lấn Tà Cơn?
Anh nằm nơi đâu Xiêng Khoảng, Sầm Nưa
Cơn sốt rừng Lào mưa giăng võng ướt
Trường Sơn Tây băng đèo vượt thác
Lán thương binh che tạm bên đường...
Đồng đội tìm anh khe suối, mé rừng
Lẫn giữa cỏ tranh, lẫn vào sỏi đá
Đồng đội tìm anh thắt lưng, bật lửa
Bút máy Trường Sơn, cúc áo, đế giày...
Đồng đội tìm anh vết khắc trên cây
Phiến đá, mảnh nhôm chữ mờ nét cạn
Đồng đội tìm anh lần theo hoài niệm
Năm tháng chiến trường ai nhớ, ai quên?
Những nấm mồ chưa có họ tên
Những linh hồn đang ẩn chìm đâu đó
Tổ quốc gọi tên từng Liệt sỹ
Những anh hùng không thể vô danh!
TƯỢNG HÌNH CHIẾN SĨ
Em giảng bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”
Hình tượng người chiến sĩ
Một dáng đứng trở thành vũ khí
Hi sinh rồi vẫn tư thế xung phong!
Lời giảng của em lúc bổng, lúc trầm
Học sinh ngước nhìn, lắng nghe từng chữ
Hiển hiện người anh hùng bất tử
Trong lời em xúc động yêu thương
Em chưa từng năm tháng tiền phương
Sao tường tận ảnh hình sinh động thế
Em tái hiện tượng đài người chiến sĩ
Bằng những âm thanh rung cảm lòng người...
Từ “dáng đứng của anh...”- dáng đứng tuyệt vời
Tổ quốc bay lên mùa Xuân bát ngát
Em đã truyền tình yêu Tổ quốc
Bằng cuộc đời chiến sĩ âm vang!
MỘT CÕI TÂM LINH
Sáng nay lên với Hồ Khê
Gập ghềnh đèo dốc, bốn bề cây xanh...
Đâu rồi hồn cốt các anh
Đâu rồi trận đánh lừng danh năm nào ?
Chỉ còn cây lá xôn xao
Chỉ còn ký ức quyện vào khói hương
Về đây từ mọi nẻo đường
Sắt son đồng chí, nghĩa tình đồng hương
Về đây thăm lại chiến trường
Các anh đưa cả quê hương cùng về
Cù Đin, Trảng Rộng, Hồ Khê
Ba Thung, Đá Bạc, Ba De, Tân Tường(*)...
Đất nghèo tụ nghĩa bốn phương
Trăm quê chung một quê hương chốn này
Bên nhau dù chỉ một ngày
Nhớ nhau lại hẹn ngày này, năm sau...
.........................
(*) Những địa danh lịch sử ở miền Tây Quảng Trị