GIỮA ĐÔI DÒNG- TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ THỊ HỒNG VÂN
Chủ nhật này, nhà thờ làm phép cưới cho hai đôi vợ chồng, một già, một trẻ. Cặp vợ chồng trẻ, cô dâu mặc váy trắng muốt, phồng to, lướt thướt phủ kín cái bụng đã mang bầu khoảng dăm tháng, đôi găng tay kéo đến khủyu. Huyền đứng gần nên thấy rất rõ ngón trỏ trái của cô dâu vẫn còn dính nhựa rau xanh xanh qua lớp đăng ten mỏng. Chú rể là dân phụ vữa, cổ đen cháy, bàn tay xạm xì nâng dải đuôi bó hoa hồng, bước đi luýnh quýnh vì sợ dẫm phải váy cô dâu. Đến cửa nhà thờ, Huyền cởi áo khoác đưa cho bà thím cầm hộ. Hàn vuốt nhẹ cổ áo comple, calavat, liếc nhanh vợ. Tối qua, khi thím Tấm nhắc lại việc cô dâu phải mặc áo dài trắng trong buổi lễ, Huyền ca thán:
- Trời rét lắm! Cháu lại không được khỏe, mặc áo ngắn thôi. Lấy nhau bao nhiêu năm, con cái lớn kệu, trắng với trong nỗi gì...
Nghe vậy, bà cô đang xỉa răng ngoài hiên liền vứt cây tăm, vội làm dấu thánh giá:
- Lạy Đức Mẹ lòng lành vô cùng... – Bà quay sang Huyền dăn dạy – Con này ăn nói hay nhỉ, trước bàn thờ Chúa, mọi cô dâu, chú rể đều thanh sạch. Nếu mày không chịu mặc áo dài trắng thì đừng có làm lễ!
Không thể đừng, bởi Huyền đã khó chịu với những cái lườm nguýt, những lời xầm xì của người bên nhà chồng. Mỗi khi có giỗ chạp, ma chay, cưới xin, mọi người lầm rầm đọc kinh, Huyền chỉ biết vo tay, cúi đầu, miệng không thốt được một câu kinh nào ra hồn. Từ hôm Huyền ốm, rồi con Thủy bị tai nạn giao thông, họ nội lời ra tiếng vào. “Chúng mày bị phạt, người đang thử thách đấy! – Bà cô nghiến răng – Cả thằng chồng nữa, đúng là quân ru rêu“. Bà kéo Hàn ra góc hành lang bệnh viện thì thào:
- Bàn thờ nhà mày không ra cái kiểu gì. Đời không ra đời, Đạo chẳng ra Đạo, phải sửa ngay, để tao bảo con Phương sang giúp. Khổ thân con Thủy, không biết đầu óc có bị ảnh hưởng gì không? Mày không biết thương ông bà, bố mẹ trên cao hay sao? Ai đời lấy nhau mấy chục năm mà vẫn chưa làm phép cưới, bận bận cái gì... Thế thì làm sao dạy được vợ? Lại còn chống chế à...Anh có nghe không thì bảo?
Hàn gật đầu.
Ông bà, bố, mẹ Hàn là dân đạo Công giáo gốc đã mất cả. Mấy anh, chị, em Hàn lấy vợ, lấy chồng đều làm lễ cưới trong nhà thờ và thuộc kinh làu làu. Chỉ có vợ chồng Hàn là nửa nạc nửa mỡ. Nhà Huyền theo bên lương. Hai người đăng kí kết hôn, tổ chức đám cưới trong khách sạn, lờ tít nhà thờ. Họ là cán bộ công chức ngoài thành phố, công việc bận rộn, con cái đang tuổi ăn học. Thi thoảng, vợ chồng mới đèo nhau về quê thăm cô bác hoặc tham dự đám xá, nghe chừng chểnh mảng việc chăm sóc phần hồn.
Giờ đây, con gái họ đang nằm cấp cứu, chân, tay bó bột trắng toát.
Họ hàng hai bên đều hiếm hoi nên rối tinh cả lên khi đứa cháu quý hóa của họ bị tai nạn.
Bên ngoại theo đạo Phật. Bố, mẹ Huyền vội vã sắm vàng, hương, hoa quả, xôi gà đi Yên Tử cầu khấn sức khỏe cho cả gia đình và nhất là cho cháu gái. Ngày xuân, người đi chùa đông nghìn nghịt, chờ được cáp treo phải mất mấy tiếng, hai người theo mọi người leo bộ lên chùa Hoa Yên. Dốc cao dựng đứng, người nọ như đội người kia mà lên. Bố Huyền thở phì phò, tay lễ mễ xách làn đựng đồ. Đột nhiên, ông nhăn rúm mũi, tức tối nhìn cái mông to bè đang loáy nhoáy trước trán. Con mẹ béo ụt này trung tiện kinh thế không biết! Ông hằm hè nhìn bà vợ đi bên cạnh, dáng vẻ hăng hái lắm. Hừ! Cầu cho thằng cha phía trước cũng tặng một quả bom “nguyên tử“ cho mụ nổ mũi ra, ai bảo cứ bắt ông phải đi chùa cùng! Đến lưng chừng dốc, mẹ Huyền sơ ý trượt ngã, trẹo chân. Bố Huyền phải vừa dìu vừa cõng mẹ quay trở xuống chân núi, lật bật xoa dầu gió. Sờ đến ví tiền trong túi áo khoác thì, ôi thôi!, không cánh mà bay. Ông đỏ mặt, tía tai:
- Tổ cha quân ăn cắp! Mất bố nó cả chứng minh thư, giấy phép lái xe và thẻ tài khoản của tôi rồi! Giời ơi là giời!
Ông cáu tiết vứt tọt mấy cái “lá ngọc cành vàng „ vào bụi cây. Vớ vẩn! Vướng cả tay! Ngọc với chả vàng! Dối trá! Con người suốt ngày chỉ nói dối, dối nhau chưa đủ còn tự mình dối mình, tự mình huyễn hoặc mình. Ông vằn mắt nhìn bà, thề từ nay đố ai dụ được ông đi chùa được nữa đấy! Mẹ Huyền nhăn nhó xoa chân, lẩm bẩm rằng: Đã đi chùa thì phải có đức tin, chỉ vì ông vừa đi vừa cau có khạc nhổ, kêu ca lãng phí này, lãng phí nọ, linh thiêng thế quái nào được. Bà rút khăn mùi xoa chấm chấm nước mắt, than thở:
- Khổ thân con Huyền, tại nó nửa đời, nửa đạo nên con cái phải chịu nạn. Lạy Đức Phật từ bi, đó không phải lỗi của cháu...
Ông ngoại chưa hết bực mình, mặt vẫn đỏ phừng phừng:
- Không phải lỗi của nó thì lỗi của ai? Con gái con lứa không dạy bảo đến nơi đến chốn, đi học thì nghênh nga nghênh ngang, vừa đạp xe vừa tít mắt liếc giai... Không thế à, chính thằng đó bế con Thủy đi bệnh viện đó thôi, xe đạp cao lềnh khềnh như con ngựa sắt diễu giữa đường, cậy ta đây mầm non tương lai, không ai dám đụng vào hả? Trước khi kêu giời kêu đất, hãy xem lại bản thân mình có cấu đít ăn vạ không đã!
Bà ngoại cũng chả dễ bắt bẻ:
- Thế tôi hỏi ông: Chú Phúc có tội gì? Người hiền như cục đất, không cờ bạc, rượu chè hút xách bao giờ, ấy thế mà tự dưng lăn đùng ra ung thư dạ dày, khổ cho thím Phúc, lo lắng quá phát ốm theo...- Bà chắp tay, vái vọng lên chùa:
...Con lạy tứ vị chầu Bà,
Tam tòa Thánh Mẫu,
...Nam mô a di đà Phật...
Ông ngoại lắc đầu, thở dài. Phải, chú Phúc mắc phải cái tội là trót sinh ra trên cõi đời, vào cái thời kì ô nhiễm này, cả mình nữa, biết được còn tồn tại bao lâu. Ông phóng tầm mắt ra xa. Trời xanh lơ, nắng xuân ấm áp trải tấm áo lụa vàng chanh lên các thảm núi non trùng điệp. Non nước hùng vĩ vô cùng! Nếu mỗi con người đều xúc động và nâng niu điều ấy thì trái đất này tươi đẹp biết bao! Ông chợt giật mình bởi tiếng be be của một con dê trắng buộc bên bờ suối, cạnh một nhà hàng. Nó khiếp đảm nhìn đồng loại đang bị treo ngược trên cành cây, sắp sửa phục vụ cho bữa tiệc “ Dê - tùng xẻo“ của các thượng đế đi tham quan đang ngồi vây quanh mấy cái bàn gần đó. Buổi chiều, nể bà, vả lại, cũng để ra về khỏi lăn tăn, ông đứng chắp tay trước các ban thờ, lầm nhẩm cầu xin sự bình an cho đại gia đình.
Họ hàng bên nội cũng chộn rộn không kém. Hàn rất sợ con gái bị chấn thương sọ não. Hàn hình dung cảnh anh bạn cùng cơ quan, có cô vợ sau một tai nạn vào đầu sinh ra điên mà sợ. Mặc dù gia đình trông nom cẩn thận nhưng thỉnh thoảng, cô vẫn trốn viện, nồng nỗng ngoài đường, bắt trước người mẫu, vẹo đít, đi vắt mông bên này sang bên kia khiến thiên hạ được bữa cười bể bụng. Có bệnh vái tứ phương, ai có cách gì để mang lại điều lành cho con, Hàn gật tuốt. Hai vợ chồng đồng ý cho họ hàng làm phép cưới theo luật nhà thờ sau hai nhăm năm chung sống.
Bắt đầu buổi thánh lễ. Ca đoàn hát nhập lễ khi linh mục tiến ra cửa đón dự tòng (Người sắp vào Đạo). Linh mục dẫn Huyền đến trước bàn thờ Chúa. Huyền khẽ cúi đầu, lọn tóc mai loăn xoăn buông lơi trên gò má xanh xao, trắng trẻo. Hàng mi dày, cong, khe khẽ xao động. Ca đoàn ngừng hát, hướng về phía cha và Huyền. Giọng cha trầm, ấm, rành rọt:
- Chị đến đây xin gì cùng Hội Thánh?
Đã được chuẩn bị kĩ càng, Huyền đáp ngay:
- Thưa cha, xin Đức tin.
Chuỗi âm thanh vẫn rất ngân nga trầm bổng:
- Đức tin sinh ơn ích gì cho chị?
Cả giáo đường im phắc. Các con chiên ngồi trên những chiếc ghế băng dài có ngai quỳ, mắt lơ mơ nhìn tượng Đức Chúa Giê Su bằng đồng chịu nạn trên cây thánh giá gỗ nâu sẫm rất lớn. Các bài kinh, các bài thánh ca trôi từ từ trên màn hình video, con chiên nào không thuộc bài, cứ nhìn vào đó mà xướng lên, chả cần học. Mắt Huyền lòa nhòa. Phải, đức tin sinh ơn ích gì cho Huyền? Quá nửa cuộc đời, đức tin của mình trốn đâu mất? Huyền ngước nhìn cha. Ánh mắt linh mục đẹp một cách kì lạ, huyễn hoặc mà nghiêm nghị, nửa như răn dạy, nửa như mời gọi. Đầu óc Huyền chợt âm âm như có tiếng ong vò vẽ trong tai, hình ảnh con Thủy đang nằm treo chân trong bệnh viện làm Huyền nhủn lòng. “ Chúa đang thử thách „. Huyền gạt những ý nghĩ nghi ngờ tội lỗi, trả lời nhanh nhẹn:
- Thưa, Đức tin đem lại cho con sự sống đời đời.
- Vậy chị đã thực thi giáo huấn của Chúa, tuân giữ giới răn của người, sống tình huynh đệ và chăm chỉ cầu nguyện để xứng đáng trở thành Ki tô hữu chưa?
- Thưa, con đã thực thi.
Có lời minh chứng của người đỡ đầu, thím Tấm thở phào nhẹ nhõm, cô Lụa nhìn Huyền mỉm cười mãn nguyện. Từ nay, Huyền mới chính thức là con chiên của xứ Đạo, là dâu con của dòng họ nhà Nguyễn. Bà đỡ đầu cầm tay cô cùng đoàn người trong họ hàng tiến vào trong nhà thờ. Ca đoàn lại tiếp tục hát. Tiếng đàn pi-a-nô du dương bay bổng theo giọng hát ngân nga, trong vắt, đưa người ta vào thế giới của sự bình an, yên ổn. Khi mọi người đã vào vị trí của mình, tất cả đứng dậy tham dự vào lời nguyện xin ơn sám hối và thánh tẩy.
Sau lời nguyện, làm phép rửa tội, linh mục mời mọi người và Huyền tuyên xưng Đức tin. Mỗi câu hỏi của cha như một tia sáng soi thẳng vào góc tối nhất của từng con chiên:
- Để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, anh chị em có từ bỏ tội lỗi không?
Huyền mấp máy môi theo mọi người:
- Thưa, từ bỏ.
Đôi mắt Huyền lướt nhanh xuống giáo đường. Kia là vợ chồng nhà Xứng, sáng nay vừa đánh nhau một trận ra trò. Cô vợ can tội không chịu xì tiền cho chồng đi đánh bạc nên ăn mấy quả bịch, thâm tím cả mắt. Anh chồng ngoài tật đánh bạc, uống rượu như tát ải còn thêm một thói quen nữa là đánh vợ như cơm bữa. Được cái sau mỗi lần làm cho vợ mặt mày thâm tím, anh ta đều chạy đến cha xin rửa tội. Bởi vì anh ta thấy cái việc ăn mặc chỉnh tề, đến nhà thờ thổ lộ nỗi niềm cùng cha cố với điều kiện cả hai ở trong một chỗ kín, không nhìn thấy mặt nhau, không bị người thứ ba giám sát, chẳng khó tẹo nào. Mắt cùm cụp, cái đầu bù xù chúc xuống, ra chiều ân hận lắm. Được hôm trước, hôm sau, lại thấy ầm ĩ cửa nhà rồi. Hàng xóm can mãi cũng chán. Thời đại mọi thứ rất nhanh bạc bẽo, cái ác hôm qua người ta chưa hết bàng hoàng, hôm sau nó phải khủng khiếp hơn thì người ta mới buồn để mắt tới. Đứng cạnh nhà Xứng là ông bà Lĩnh, móm mém phều phào, đang phải ở nhờ nhà cháu dâu ngoại vì nghe lời con trai út bán hết ruộng vườn ra thành phố với vợ chồng nó. Ba tháng sau, ông bà lếch thếch tay nải trở về, mếu máo rằng, con trai bán hết nhà cửa vì làm ăn thua lỗ. Chủ nhật tuần trước, một lũ đâm thuê chém mướn kéo đến nhà, chém phập cây mã tấu vỡ toạc chiếc bàn gỗ.“Này vợ chồng lão già, thằng Sẹo trốn đâu? Nội trong ba tiếng nữa nó không trả nợ hết cho ông Bưởng Đại thì bọn này sẽ nấu cao cả vợ chồng lão nghe chửa!“
Thằng con sợ vãi ra quần, phải viết giấy gán nợ nhà. Ông bà đành quay về, tá túc họ hàng. Ở nhờ, bà chẳng khác gì một Osin không công. Đứa cháu dâu ngoại mới sinh con nhỏ, dữ như chó cái, ăn uống không hợp khẩu vị là mắng bà xơi xơi. Nhiều bữa, ông bà bưng bát cơm mà nước mắt lưng tròng. Bà nhìn trân trân tượng Đức Chúa:
“ Con từ vực sâu kêu lên Chúa... Xin Chúa mở cửa Thiên Đàng cho linh hồn này được trở về quê mình, là nơi không còn chết chóc và là nơi hạnh phúc tồn tại muôn đời „
– Bà lão lầm rầm, lấy khăn chấm chấm lên đôi mắt toét nhòe những nước.
Chao ôi! Những khuôn mặt, hoặc ngây ngây đờ đẫn, hoặc nhễu nhão chảy xệ, hoặc khô quắt, trơ lì... Họ còn biết đi đâu sau những giờ bươn bải kiếm sống, sau những ngày lòng dạ rệu rã bởi những cái quái gở của cuộc đời. Không gian trang nghiêm, bài thánh ca du dương, những lời rao giảng của cha linh mục nhiều ít đem lại niềm tin cho họ vào một ngày mai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Bởi họ tin vào Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa là ánh sáng. Thiên Chúa nhìn thấu tất cả, hiểu tất cả và yên ủi cho mỗi con chiên một số phận. Cho nên, họ luôn tự nhủ:
Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi...
Ở trần gian này dẫu có khổ đau thì hãy ráng chịu, lên Thiên Đàng mới hạnh phúc vĩnh hằng.
Lời cha lại thánh thót như chuông:
- Để khỏi làm nô lệ tội lỗi, anh chị em có từ bỏ những quyến rũ bất chính không?
Huyền cúi mặt. Dòng tin nhắn vẫn nhấp nháy trong ví xách tay: “ Rất hi vọng khi bước xuống sân bay, người đầu tiên anh nhìn thấy sẽ là em“. Huyền nhìn đồng hồ, máy bay đã hạ cánh. Không thể kịp làm gì cho Khôi được nữa. Huyền nghẹn ngào bấm máy: “ Em đang làm phép cưới, vĩnh biệt anh!“. Lén lau vội giọt nước mắt, Huyền ngó đăm đăm lên màn hình video nhưng nào nhìn thấy gì. Phút chốc, những chuỗi ngày đã qua hiện ra trong đầu Huyền như một cuốn phim quay chậm.
...Khôi rút tập tiền dày cộp đặt vào tay Huyền:
- Đây là mười ngàn bảng, anh định dùng vào một số việc nhưng vấn đề sức khỏe của em và chạy việc cho con cần hơn.
Mắt Huyền sáng lên. Thằng Minh, con trai Huyền ra trường đã mấy tháng nhưng vẫn chưa xin được một chỗ làm nào cho ra hồn. Đồng lương công chức của vợ chồng chỉ đủ vặt mũi đút miệng. Sau cuộc phẫu thuật, sức khỏe của Huyền giảm sút nghiêm trọng, đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc, thuốc men đặc biệt. Chồng Huyền lúc nào cũng khát tiền như người đi trong sa mạc khát nước mà không có cách nào tìm kiếm được. Anh chỉ biết cuộn tròn trong đồng lương công chức nhà nước. Nhìn bộ mặt hớn hở, vô tư của Hàn khi sử dụng những đồng tiền của Khôi mà Huyền nói dối là trúng xổ số, Huyền chán ngắt. Chán chồng, chán con, chán luôn cả bản thân mình. Nhưng trong thời buổi gạo châu, củi quế này, mười ngàn bảng Anh của Khôi chẳng khác gì thần hộ mệnh đúng lúc gia đình Huyền chới với trên cái hố đen ngòm của sự nghèo hèn.
Lần bay về tiếp theo.
Khôi rúc mặt vào ngực Huyền, hít một hơi dài:
- Người em thơm đặc biệt. Không nước hoa, không mỹ phẩm, nhưng vẫn cứ thơm. Thật lạ lùng, cách xa em cả ngàn vạn cây số nhưng mùi thân thể và đôi mắt đen của em lúc nào cũng ám ảnh anh đến phát ốm.
Huyền mỉm cười, lùa ngón tay vào mái tóc dày, lốm đốm bạc của Khôi:
- Thật không? Như anh, đâu chả có gái đeo bám, nhớ gì mẹ nhếch!
Khôi ôm mặt Huyền, hai cái trán gí chặt vào nhau:
- Không đùa! Đã làm thủ tục li hôn chưa?
Huyền buông tay:
- Anh chị bỏ nhau rồi à?
- Bỏ lâu rồi, không nên sống giả tạo, đày đọa nhau trong một ngôi nhà khi nghĩa tình đã cạn kiệt.
- Phía em khó quá, ông Hàn không chịu kí đơn.
Khôi nhìn lên trần nhà:
- Thực ra, muốn đảm bảo cho em về mặt pháp lí sau này chứ anh đâu có sợ hắn, người ta gắn bó hay rời xa nhau đâu chỉ bằng một tờ giấy. Hắn không muốn kí vì tiếc, không ăn thì đạp đổ, đó là tâm lí của những thằng đàn ông hèn.
Còn khốn nạn hơn cả sự hèn hạ - Huyền cay đắng- Một cuộc hôn nhân thiếu đạo đức, tình yêu chết ngóm ngay từ những ngày đầu sống chung. Năm tháng lê thê, lổn nhổn mối lo cơm áo gạo tiền và gối chăn trập truội. “Tôi chả cần hiểu cái thứ tình yêu tình đương gì hết, vợ tôi, tôi cứ sướng... Cái gì? Cô bảo ra ngoài mà kiếm trác á? Tôi đâu có điên. Ở nhà cơm no, rượu ngon, vợ đẹp thế này để dành làm của à? Nằm im, tôi bóp cổ cho cô hết thở luôn bây giờ…”. Cảm xúc căm ghét trào lên ngực mỗi khi nhìn Hàn ật cổ ngáy khò khò sau cơn thỏa mãn. Tại sao mình lại có thể sống như thế bao nhiêu năm nay nhỉ?
Đã đến giờ cử hành hôn phối. Mọi người đứng dậy. Đức cha gọi vợ chồng Huyền bước lên phía trước, hai người làm chứng đứng hai bên. Ánh sáng của những ngọn nến lung linh soi tỏ hai khuôn mặt cứng đơ, hai cái miệng trả lời những câu hỏi của cha như máy:
- Các con Giu-se Hàn và Ma-ri-a Huyền rất thân mến! Các con cùng nhau đến nhà thờ đế ý muốn kết hôn của các con được Chúa củng cố bằng một dấu ấn linh thánh, trước mặt thừa tác viên của Hội Thánh và cộng đoàn. Đức Kitô dang rộng tay ban phúc lành cho tình yêu phu phụ của các con Giu-se Hàn, Ma-ri-a Huyền và dùng bí tích đặc biệt mà làm cho các con thêm phong phú và vững mạnh...Bởi vậy, trước mặt Hội Thánh, cha hỏi:
- Các con đến đây kết hôn với nhau có bị ép buộc không?
- Thưa không.
- Các con Giu-se Hàn, Ma-ri-a Huyền có hoàn toàn tự ý và tự do không?
- Thưa có.
- Khi chọn đời sống hôn nhân, các con có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?
Tôn trọng ư? Huyền cắn môi đến bật máu. Đã bao lần, chúng con phỉ báng nhau, bỏ nhà lang thang nhưng cuối cùng vẫn phải về cái nơi có chỗ mà ngả lưng, có bếp để mà kiếm miếng, có ti vi mà giải sầu. Mệt mỏi, chán nản, Huyền nhắm mắt buông xuôi. “ Thế nào, công cuộc kiếm tìm hạnh phúc mới của cô đã mỹ mãn chưa?”. Chồng Huyền nhếch mép, giương đôi mắt đùng đục nhìn cô. “Tưởng tôi mù đấy hẳn, may cho cô gặp được thằng chồng tử tế, suy cho cùng, đàn bà các cô chỉ là một giống cái, như con mèo gào đực trên nóc nhà kia kìa!”. “ Anh mới đích xác là loại mặt người dạ thú! – Huyền vặc lại - Nếu tử tế, sao anh không ký vào đơn đi!” “Không bao giờ, để cho cô ba lăng nhăng hả, đồ đàn bà quạ mổ”.
Huyền lặng ngắt sang phòng con gái ngủ.
Những ngày chăn đơn gối chiếc kéo dài.
Và một ngày giông bão, Huyền gặp lại Khôi.
Và một ngày đẹp trời, Huyền đổ bệnh.
Căn bệnh không rõ nguyên nhân. Khi thì bác sĩ bảo do rối loạn thần kinh, rối loạn vận mạch, khi thì bảo trầm cảm, hạ can-xi huyết v..v, Có những lúc, Huyền hôn mê, nói năng lảm nhảm, bác sĩ cũng xanh mặt.
Những lần cấp cứu liên tiếp làm cho Huyền khiếp đảm, tuyệt vọng. Huyền hình dung đến cái chết, đến sự trừng phạt của những đấng vô hình. “Không ham muốn vợ chồng người…” - lời Kinh thánh văng vẳng bên tai - … bị rút phép thông công… bị đày xuống địa ngục…
Huyền run rẩy, âm thầm viết đi viết lại di chúc, nước mắt ướt đẫm trang giấy. Có lẽ Đức mẹ Ma-ri-a đã cảm động trước sự ăn năn của Huyền. Bệnh tật tự nhiên lui dần ngay sau khi viết di chúc. Huyền ăn ngon miệng và khỏe lại. Sau mấy ngày suy nghĩ, Huyền chăm chỉ xem sách Kinh thánh. Rồi Huyền xăng xái đi chợ, cơm nước chu đáo cho chồng, cho con, tắt hẳn liên lạc với Khôi. Huyền biết, Chúa rất giàu lòng nhân từ, Huyền sẽ sống bình lặng từ nay cho đến lúc chết. Con Thủy gặp tai nạn, Huyền quỳ gối thâu đêm trước Chúa…
Chồng Huyền như sực tỉnh, vội vã làm theo mọi sự chỉ dẫn của các bà cô, ông chú. Hàn muốn sống bằng an trong vùng nước Chúa khi cuộc đời đã gần xế bóng mãn chiều. Đời còn được bao lâu đâu.”... Có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?”, ánh mắt cha nhìn hai người chờ đợi.
Hai cái miệng lại cùng cất lên một nhịp:
- Thưa có.
- Các con có sẵn sàng yêu thương và đón nhận con cái Chúa ban và giáo dục chúng theo luật Đức Kitô và Hội Thánh không?
Trời ơi! ...Con cái!... “Giáo dục chúng theo luật Đức Kitô và Hội Thánh”. Thằng Minh hai mươi tư tuổi, ở thủ đô, một vài tháng mới về nhà một lần, chúi cái đầu xanh xanh đỏ đỏ vào internet, hét váng khi trả lời điện thoại, ăn vội ăn vàng bữa chiều chủ nhật rồi nhảy ô tô đi Hà Nội để sáng hôm sau đi làm. Có lần, vào chủ nhật, Huyền rủ nó đi nhà thờ, nó quỳ một gối xuống nền nhà, giơ hai tay lên trời, nhắm mắt, gân cổ nổi lên như dây thừng, nó dẹo mỏ “đổ” cải lương:
Ôi! Giá như mỗi miếng bánh thánh cha ban cho con biến thành tờ 100 Đô-la thì ngày nào con cũng đến với Chúa ...ứ...ư...ư...ư...liền...tẳng tắng tăng tăng tăng tăng... tằng...
Tháng 12, nhân dịp lễ Giáng sinh, thấy hai anh em nó háo hức chuẩn bị đi phố chơi Noel, Huyền hỏi con Thủy có biết Chúa Giê - Su ra đời như thế nào không? Con Thủy nhăn nhăn nhở nhở: “ Chúa ra đời ở khoa sản chứ còn đâu nữa! Bà đỡ chắc không nhận được tiền bồi dưỡng nên ngài phải chịu quá nhiều khổ hình”, rồi hai đứa chúm môi huýt sáo, ngoáy mông, nhún nhảy điệu Tuýp bài “Jingle bell”.
Bất giác, cả Hàn và Huyền nhìn nhau, cùng thở dài, âm sắc trùng hẳn xuống:
- Thưa có.
- Vậy, bởi vì các con đã quyết định thiết lập một giao ước hôn nhân thánh thiện, các con hãy nắm tay nhau và nói lên sự ưng thuận của các con trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.
Họ nắm tay phải của nhau.
Giọng Hàn nhàn nhạt, bệch bạc như mái tóc lưa thưa trên cái trán nhẵn bóng mạ kền:
- Anh là Giu-se Hàn nhận em Ma-ri-a Huyền làm vợ của anh và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày và suốt đời anh.
Và Huyền:
- Em là Ma-ri-a Huyền nhận anh Giu-se Hàn làm chồng của em và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày và suốt đời em.
Họ chuẩn bị trao nhẫn cho nhau.
Linh mục yêu cầu cả hai đứng lên bậc tam cấp cao hơn và quay mặt xuống giáo đường:
- Ai có ý kiến gì về cuộc hôn nhân này không?
- Có!
Tất cả quay phắt ra cửa, nơi phát ra tiếng nói. Khôi xồng xộc chạy vào, tay cầm chìa khóa xe ô tô, vừa thở hổn hển vừa nhìn xuống giáo đường:
- Tôi phản đối cuộc hôn nhân không có tình yêu này, chứng cứ: Cháu Minh chính là con trai của tôi và cô Huyền, điều này anh Hàn không biết...
Huyền thất sắc, chới với. Mọi người chết lặng khi Khôi bế Huyền ra xe đi cấp cứu. “Tôi sẽ giải phóng cho cô ấy” - Trước khi ập cửa xe, Hàn sẽ gắt vào tai Khôi như vậy.
Đột nhiên, có tiếng ì ùng rền rền trên bầu trời. “Sao sấm động vào tháng hai nhỉ?”. Thím Tấm hỏi bâng quơ. Đoàn người nhanh chóng tản ra các ngõ xóm, tránh cơn mưa rào bất thường giữa mùa xuân.
Nguồn Văn nghệ số 27/2019