MỘT KIỂU THƠ TRỮ TÌNH LUẬN ĐỀ
Nhà thơ suy tưởng về những gì?
Trên cái nền của ngày hôm nay, thời hiện tại, được gọi là thời 4.0, tác giả đã cật vấn, xét đoán, phản ứng lại trước rất nhiều điều thuộc hiện tại hay quá khứ, ở ta hoặc trên thế giới, những điều tưởng như đã trở thành xác tín hoặc đã định hình.
Ở đó, nhà thơ đã nghĩ lại, truy vấn một số tín điều trong các tôn giáo, trong các triết thuyết, trào lưu tư tưởng như Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo…Ở điểm này, nhà thơ thường không đi theo tinh thần quyết định luận, nghĩa là thủ đắc chân lý, mà thường đưa ra các câu hỏi, nêu lên những hoài nghi, kêu gọi người đọc nhập cuộc, trao cho người đọc đi tìm câu trả lời theo cách riêng của mỗi người.
Khi suy tưởng về Thiền, nhà thơ nghi ngờ về sự tồn tại vĩnh hằng của cây Bồ đề, cây có ý nghĩa biểu trưng Phật giáo: “Mỗi đời người vẫn như con thuyền giữa dòng dâu bể/Treo phận mình trên đầu sóng nhân gian” (Thiền và sóng sinh tồn). Hoặc nhân đọc lại Lão Tử trong tâm thế hôm nay, nhà thơ như ngộ ra được một điều sâu sắc: “Vì thế, nếu là hoa, hãy nhớ thơm/Nếu là cỏ, hãy nhủ lòng đừng quên biếc…” (Đoc Lão Tử thời 4.0)…
Mỗi khi suy tưởng về bất cứ điều gì trong đời sống thực tại và nhân sinh hàng ngày, nhà thơ nhân đấy mà lên án chiến tranh; chống bạo lực, chống cái ác, cái giả dối; chống văn minh kỹ trị, hướng tới những khao khát nhân văn, cao quý. Thí dụ, nhà thơ đã để tâm đến vấn đề sinh thái một cách khá sâu sắc và đầy lo lắng. Sau khi lên án con người chính là thủ phạm đang từng ngày từng giờ giết chết bà mẹ trái đất, nhà thơ tiến tới một cảm niệm thật giản dị nhưng cũng rất thiêng liêng: “Mới hiểu các loài hoa cùng nụ cười đều mọc lên từ đất/Gửi hạt mầm nhỏ nhoi đất hẹn trả mùa vàng” (Và ngộ được trái đất này như mẹ”. Thêm một ví dụ nữa, khi đi thăm Hàn Quốc, nhà thơ đã kết thúc bài thơ bằng những câu thơ chất chứa một nỗi thất vọng lớn: “Chiều Bắc Á bây giờ chớm thu/Nhưng không gian toàn lửa/Thảng thốt tiếng bầy chim trĩu cánh thiên di…” (Chiều Bắc Á).
Tôi gọi những bài thơ nặng chất suy tư như vậy của nhà thơ Nguyễn Đình Minh là kiểu thơ luận đề. Luận đề chính là những ý tưởng, tư tưởng trở thành những mệnh đề đã định hình. Cũng tương tự như truyện ngắn luận đề, một ý tưởng/ tư tưởng có trước, phục sẵn trong trí não của tác giả đã chi phối việc kiến tạo bài thơ, từ đầu đến cuối, khi đó thơ luận đề ra đời. Ở đây, cần một lưu ý: Trong rất nhiều trường hợp, thơ đến trong tâm trí người sáng tạo, không phải chỉ như cách thông thường là do cảm xúc, vô thức, mà có khi còn do một ý tưởng/nhận thức/quan niệm xuất hiện, chi phối. Khi đó xảy ra hai khả năng: 1, Ý tưởng ấy chỉ là cái cớ có ý nghĩa gợi cảm hứng cho nhà thơ sáng tạo bằng một mạch trữ tình nhất quán toàn bài; và 2, Nó được khai triển cơ bản bằng luận lý, lập luận xuyên suốt. Trong trường hợp đầu, tính luận đề được làm mờ đi bằng sự tươi mát của cảm xúc và hình ảnh, dẫn đến khả năng sẽ có được bài thơ hay. Còn trong trường hợp thứ hai, khả năng thành công khó hơn, vì sự thông minh có khi cũng thú vị, nhưng thông minh không phải là yếu tính đầu tiên của thơ (dù rằng cần thiết). Thơ hay bao giờ cũng nhuần nhuyễn giữa cái sâu của cảm xúc và cái cao của sự thông minh.
Có thể nhặt ra trong tập thơ của Nguyễn Đình Minh không ít những câu thơ mang vẻ đẹp lấp lánh của ý tưởng mà vẫn mặn mà cảm xúc:
-Hoang hoải cồn mây đen như vết mực vảy vào trời
Suối đã lọc trong, sao vẫn còn bến Đục? (Ghi trên đất Phật)
-Sao không như ngọn nến
Đốt cháy hết mình và chết dưới trời xanh (Chiếc bóng)
-Cô độc một cánh buồm trước bão giông biển cả
Để lại cõi người những mộ gió đầy vơi… (Kiếp vĩ nhân)
-Vầng dương thanh thản chìm
Nhường chỗ cho cánh đồng đêm
Nở mùa sao lung linh vời vợi (Buông mây cho trời rạng)
Xét ở đơn vị bài, có một số bài khá nhuần nhuyễn giữa cảm xúc và lý tính, do vậy tạo nên vẻ đẹp giàu thi tính, gây ấn tượng. Có thể kể đó là những bài: Buông mây cho trời rạng, Chiều Bắc Á, Mây tháng Tư bảng lảng, Mưa Tây Bắc, Khói mây Đầm Vạc. Ở đây, lý tính vẫn cất tiếng nhưng không đoạt quyền phát ngôn trực tiếp mà vẫn hòa hợp với cảm xúc, lý tính đã được trữ tình hóa.
Cách mà Nguyễn Đình Minh thiết lập cấu trúc trong mỗi bài thơ thường là bằng những tương quan sự sống được phát hiện và diễn giải. Một tín điều tôn giáo tưởng như đã mặc định, nhưng sự sống thực tại lại hiện lên rất khác. Một buổi chiều Bắc Á thanh bình nhưng chất chứa bên trong thùng thuốc nổ chiến tranh. Một tinh thần ăn chay nơi cửa Phật lại “vấn vương tượng hình phàm tục”. Một chiếc cổng làng rồi sẽ ra sao khi có sự lên ngôi của cổng 4.0, v..v…Sự đối lập bao giờ cũng kích hoạt tư duy đối thoại hơn là sự đồng thuận xuôi chiều.
Thêm nữa, xét trên tổng thể, hầu hết Nguyễn Đình Minh vẫn triển khai hình thái câu/bài thơ theo thể thơ tự do 7 chữ, khi có khi không vần, với 4 câu cách khổ. Chính vì thế, cái hơi thơ trở nên quen thuộc, mực thước. Ở điểm này, người đọc vẫn chờ sự biến hóa linh hoạt, đa dạng hơn của nhà thơ.
Đọc thơ Nguyễn Đình Minh khiến người đọc dễ liên tưởng tới một “đại bút” Chế Lan Viên. Ông có một vỉa thơ thuộc loại thơ luận đề, mà nhà NCPB Chu Văn Sơn gọi là “thơ triết luận”. Tôi chủ ý muốn dùng chữ “luận đề” để thể hiện rõ cái ý lao động thơ của nhà thơ mà thôi. Nhà thơ này có biệt tài trữ tình hóa những triết luận vốn chỉ tồn tại như những mệnh đề triết học để trở thành một chỉnh thể thi ca đẹp đẽ. Một trong rất nhiều ví dụ:
Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh (Lau biên giới)
Những câu thơ sáng giá như thế khiến bất cứ người làm thơ nào cũng ao ước.
Bây giờ dòng thơ luận đề này ít người theo đuổi. Bởi thơ luận đề đòi hỏi người làm thơ phải vật lộn với ý tưởng sao cho mới lạ, sắc sảo; và cao hơn, phải trữ tình hóa nó, nội cảm hóa nó, lạ hóa nó theo cách riêng mới có thể thành thơ hay được.
Tập thơ “Bên thêm 4.0” là tập thứ năm của nhà thơ Nguyễn Đình Minh nhất quán một lối thơ luận đề. Người đọc nhận ra một nỗ lực làm mới thơ rất đáng trân trọng của nhà thơ so với hiện tình thơ hôm nay và so với chính nhà thơ.
Hà Nội ngày 5/10/ 2019
VG