Tác phẩm chọn lọc

24/1
4:44 PM 2020

ĐÓN GIAO THỪA TRÊN CAO ĐIỂM VĂNG MU

TRẦN KHÔI-Tôi bẻ mấy nhánh bông sim rừng cắm vào ống bương, Tĩnh loay hoay treo ảnh Bác Hồ lên tấm phông nilon, Chuyên lúi húi cắt mấy bông mai giấy vàng đính lên cành cây rừng. Chúng tôi đang chuẩn bị đón giao thừa. Giao thừa đầu tiên trong đời lính của tôi, cũng là giao thừa đầu tiên giữa núi rừng Trường Sơn xanh thẳm.

 

Bỗng đại đội trưởng Miện giúi vào tay tôi bao thuốc lá Tam Đảo rồi cười bảo:

- Quà Tết cậu đó! - Tôi đang hoan hỉ mừng, thì anh nói tiếp - Bây chừ, cậu dẫn Chuyên và Tĩnh, khẩn trương ra ngay trạm barie trực chiến gấp. Theo dự định, có đoàn xe chở hàng quân sự hết sức quan trọng đi qua trọng điểm của ta. Nếu không có gì thay đổi, đúng 24 giờ đêm nay, xe sẽ qua đèo.

 

Barie ở cao điểm Văng Mu là tọa độ lửa, tọa độ chết. Nhưng tuổi trẻ nơi trận mạc không làm chúng tôi nhụt chí. Chúng tôi vừa bước ra, anh Miện lại gọi giật, dặn thêm:

- Nhớ mang thêm một máy điện thoại cầm tay. Dọc đường đi, nhớ lần tìm, nối lại bằng được đường dây. Mình gọi mãi cho tổ trực nam và cả bắc đèo mà chẳng được. Hình như bị bom cắt đứt ở đâu rồi - Anh thở dài lo lắng - Không biết tổ trực ngoài ấy có việc gì không nữa. Nếu thông được đường dây với tổ trinh sát quan sát phía bên kia sông, thì nhớ hỏi ngay: Đường có tắc không? Tắc đoạn nào? Địch thả bao nhiêu quả bom? Mấy quả không nổ? Có phải bom nổ chậm không? Nếu có bom nổ chậm thì tháo gỡ hoặc đánh mìn phá ngay - Tưởng đã xong, nhưng anh vẫn dặn với theo - Nhớ mang theo mìn, kíp nổ và dây cháy chậm. Tối nay pháo phòng không của ta sẽ hỗ trợ tối đa cho đoàn xe qua đèo.

Ba thằng lật đật băng qua mấy cánh rừng, mấy con suối cạn bị chất độc hóa học và bom đạn thù băm nát xác xơ. Cây cối gãy đổ ngổn ngang. Mùi khói bom còn khét lẹt. Cuối cùng thì ra đến được chân cao điểm Văng Mu.

Văng Mu là trọng điểm của con đường chiến lược độc đạo, chỉ đi được một chiều. Nó như cái yết hầu của con đường Trường Sơn đi huyện Tà Khống, tỉnh Xiêng Khoảng, thuộc nước bạn Lào. Địch ngày đêm săm soi, thả xuống Văng Mu cơ man các loại bom đạn, các loại phương tiện chiến tranh điện tử, nhằm thu thập thông tin tình báo. Máy thu phát Cây nhiệt đới là một ví dụ. Chúng ném xuống dọc các cánh rừng hai vệ đường. Nó lẩn vào cây rừng, rất khó phát hiện. Nó có nhiệm vụ báo về trung tâm tiếng chuyển động của các đoàn xe cơ giới, số lượng, tọa độ, hướng di chuyển. Từ đó, các loại máy bay sầm sập lao tới, điên cuồng phóng rốc két, cắt bom. Địch căng mắt từ phía bầu trời, quyết không để các đoàn xe đối phương qua lọt. Ta căng mắt thức cùng con đường, quyết giữ thông suốt huyết mạch giao thông. Con đường đi qua cao điểm Văng Mu, vì thế, thành con đường lửa, con đường máu. Ngổn ngang hai bên đường, dưới vực sâu, là xe cháy, xe hỏng. Và hai bên đường, là những nấm mồ đắp vội...

Đang loay hoay nối lại đường dây điện thoại, thì phát hiện hai chiến sĩ lái xe nằm chết ngay miệng cửa hầm barie. Phía trong hầm, trung đội trưởng, bí thư đoàn Trương Quốc Điện quê Bắc Sơn, Đô Lương, Nghệ An và Nguyễn Văn Dần, quê Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An, cũng đã hi sinh. Cả Nguyễn Văn Nuôi, quê Ngọc Sơn, Đô Lương, Nghệ An bị thương nặng, gãy cả hai chân, đang nằm rên hừ hừ. Hai cậu Bính và Lâm, không biết chạy đi đâu. Cạnh đó, chiếc Zin ba cầu chở đầy đạn đang bốc cháy dữ dội, cùng những tiếng nổ kinh hoàng.

Tôi vội vàng gọi điện sang tổ quan sát bên kia sông. Họ thông báo:

- Đường tắc ở km 13. Trong 30 quả bom máy bay địch ném xuống trận địa, có 4 quả không nổ. Nhưng hai quả rơi trên sườn đồi, còn hai quả kia rơi xuống suối.

Được tin trên, chúng tôi thả Tĩnh lại chân dốc còn tôi và Chuyên phóng như bay lên cao điểm, nhằm xác minh lại nguồn tin tổ quan sát đã báo. Chúng tôi cắm cổ chạy. Mặc cho trên đầu máy bay địch đang gào thét. Đồi núi mịt mù lửa khói. Đường lên phía nam đèo quá xa. Chạy nhanh phải mất đến 20 phút, cả đi và về non một tiếng. Khốn nỗi, đường lên đèo không có cái hầm nào. Ở đây không thể làm được hầm. Vì làm giờ này, giờ sau bom lại lấp. Người ta chôn mấy thùng phuy làm hầm tạm, nhưng đều bị bom đào xới, lấp hết.

Mỗi lần máy bay lao xuống cắt bom, hai chúng tôi nằm bẹp xuống mặt đường, tay bịt hai tai lại. Dứt bom, lại vùng lên chạy bán sống bán chết. Đảo mắt tìm kiếm, tôi thở phào. Như vậy là không có quả bom nào chưa nổ nằm trên trục đường cả. Taluy bị sụt không đáng kể. Xe có thể cẩn thận trườn qua được.

Quay về barie, tôi nhanh chóng gọi điện gấp về đơn vị, báo cáo tình hình. Đồng thời xin người ra gấp, giải quyết thương binh tử sĩ và khẩn trương thông đường. Chính trị viên đại đội Hoàng Chảy, sau mấy lời động viên, đột ngột báo tin mừng: “Sẽ có mặt tại trọng điểm trong giờ phút đón giao thừa!”.

Chôn cất Điện, Dần, Nuôi và 2 đồng chí lái xe ngay bên con suối cạn dưới chân đèo, lòng tôi bùi ngùi, xót xa. Tết đến nơi mà các anh ấy đã vội ra đi, không ráng qua để đón giao thừa. Rồi không biết đêm nay, mấy quả bom địch có moi họ lên nữa không?

Hầm trực chiến phía bắc nằm trơ trọi sát dưới chân đèo. Không tìm đâu ra cây lá để ngụy trang. Lại bị sập mất một góc. Mặt hầm còn lại, máu của các đồng đội ướt lênh láng, không thể làm chỗ trú ẩn được nữa. Trong khi giờ G đang đến gần, không thể kịp đào hầm. Tôi gọi điện sang barie phía nam đèo: “Alô! Cơm dọn xong chưa? Nếu xong, nhớ hú ba tiếng!”. Đó là tiếng lóng, ám chỉ việc thông đường, tránh bị kẻ địch theo dõi nếu biết được nội dung cuộc điện đàm.

Lúc sau, nghe ba tiếng súng báo hiệu thông đường từ phía nam đèo vọng sang, chúng tôi yên tâm. Vậy là cầu đã bắc xong. Vẫn biết rằng, mấy ngày nay anh em bên đó hết sức vất vả. Bom đánh liên miên. Chỉ trong vòng ba ngày, cầu phải bắc năm lần. Đêm qua, họ phải gồng mình ngâm dưới nước để làm trụ cầu tạm, cho các đơn vị hành quân vượt qua ngầm. Trung đội 2 tổn thất hơn một phần ba quân số. Nhưng giờ đây, họ vẫn quyết thông đường cho xe kịp ra tiền tuyến...

Chúng tôi nín thở, hồi hộp chờ đợi giây phút giao thừa đang đến gần. Hai ba giờ mười phút, bỗng trên trời máy bay địch điên cuồng gầm thét rồi nhả ra hàng loạt pháo sáng. Cao điểm Văng Mu sáng trưng như ban ngày. Con đường độc đạo qua đèo hiện rõ mồn một. Máy bay địch tập trung bổ nhào đánh phá.

Hai ba giờ ba mươi, bỗng chuông điện thoại hối hả reo lên. Đầu dây bên kia, tiếng bố tôi, Phó Chủ nhiệm chính trị Binh trạm 32: “Chú ý! Chú ý! Đàn chim đang chuẩn bị bay sang VM2. Giờ phút thiêng liêng đang đến. Chúc các đồng chí đón giao thừa vui vẻ trên cao điểm đêm nay!”.

Nghe cách xưng hô của ông qua điện thoại, tôi buồn vui lẫn lộn. Vui vì nghe được tiếng cha mình. Buồn vì không thấy ông nhắc chi đến riêng mình. Nhưng dầu sao, cũng có được hơi ấm của người cha trong giờ phút giao thừa trọng đại này. Nó làm cho mình bớt nỗi lạnh lẽo cô đơn nơi trọng điểm trần trụi bom đạn...

Nhìn ra phía Cốc Mạc, ngầm Ta Lê, cua Chữ A, đèo Phù La Nhích, tiếng bom B52 gầm dữ dội, chớp lóe sáng trưng, rung chuyển cả một góc trời. Tôi tếu táo, bảo:

- Chúng nó thả bom liên tục, tạo tiếng nổ dây chuyền, coi như thay pháo dây ngày tết, mình đón giao thừa càng đẹp.

Nói vậy, nhưng lòng ai nấy đầy lo lắng.

Hai bốn giờ kém hai mươi, hình như có tiếng rì rì rất nhỏ. Đúng tiếng xe rồì! Tiếng rì rì mỗi lúc một gần. Xe đi khá chậm. Đèn gầm đủ rạng một khoảng sáng ảo mờ. Màu xe lẫn vào màu đất hố bom. Máy bay địch càng lồng lộn, quần thảo, soi mói, sục tìm. Pháo sáng thả dày đặc.

Tôi reo lên như trẻ nhỏ:

- Chuyên ơi! Tĩnh ơi! Dậy mau! Xe vào rồi! Xe vào rồi!

Đồng chí lái xe thò đầu ra khỏi buồng lái, giơ tay vẫy chào về cửa hầm, rồi ném xuống mấy thứ lỉnh kỉnh. Chúng tôi lao đến nhặt lên. Quà tết giao thừa nơi cao điểm Văng Mu gồm mấy thỏi lương khô, mấy đòn bánh tét, và có cả cành hoa đào nữa!

Tôi gọi sang barie phía nam đèo, nói một câu với những tiếng lóng đã quy định, nhằm giữ bí mật: “Alô! Alô! Cơm đã xong chưa? Đã xong chưa? Nếu xong, cho ba tiếng kẻng để mọi người đến ăn”.

Từ phía nam đèo, ba tiếng súng vọng sang dõng dạc. Tôi sung sướng gào lên, líu cả lưỡi: “Chúc mừng năm mới. Chúc mừng năm mới! Chim bắt đầu bay. Bắt đầu bay!”.

Đoàn xe vừa tiến lên đèo được khoảng hơn mười phút, máy bay địch bâu đến. Chúng bay sát sàn sạt rồi lao xuống phóng rốc két tới tấp. Tiếng máy bay gầm thét, tiếng đạn nổ chói óc, chớp lóa điên loạn. Cao điểm như hỏa diệm sơn. Chợt nghe hai tiếng súng nhỏ bé vọng về. Đó là ám hiệu tắc đường. Nhìn lên, thấy một quầng lửa sáng kèm theo những tiếng nổ khủng khiếp. Thôi chết rồi, xe bị cháy. Cháy hết rồi! Tắc đường nữa rồi.

Tiếng chân sầm sập, hối hả từ trên đèo chạy xuống. Hai người lính lái xe hớt hải nói không ra lời:

- Báo cáo… Báo cáo đồng chí... Xe trúng đạn đang cháy! Mười lăm xe đang dồn ứ do tắc đường nằm phía bắc đèo. Địch đánh mạnh quá, em phải vứt xe chạy về đây báo các anh. Xin các anh kịp thời xử lí...

Không đợi lệnh của ban chỉ huy, để Tĩnh ở lại trực barie, tôi và Chuyên cùng hai đồng chí lái xe khẩn trương vọt lên cao điểm. Mặc cho bom gào đạn hú nhức óc, chúng tôi lao tới. Lại thêm hai chiếc cháy nữa rồi. Đội hình xe nằm trơ giữa cao điểm trần trụi hứng bom đạn. Không tiến lên được, nhưng cũng không thể lùi lại.

Để thông đường và giải vây cho đoàn xe, mấy anh em bàn bạc nhanh quyết định dùng mìn, đánh hất mấy chiếc xe cháy và hàng xuống suối. Ba tiếng nổ long trời. Ba chiếc xe bay xuống vực. Lại san lại lấp trong khói bụi và bom đạn rền vang.

Đoàn xe bắt đầu tiến.

Lũ máy bay đã phát hiện đoàn xe chuyển bánh, chúng bám riết và đánh dồn dập hơn. Bom đạn dày đặc, cày nát con đèo. Chuyên bị mảnh bom tiện đứt chân phải, nằm khuỵu xuống mặt đường. Cùng lúc, hai đồng chí lái xe bị bom vùi lấp. Những cột khói bom đùn lên như những cây nấm trong trời đêm ma quái. Con đường qua đèo như bị nhấc bổng lên. Cao điểm như bị xé rách từng mảnh. Những ánh chớp bom đạn chồng lóe. Mảnh bom như mưa, băm nát cả núi đồi.

Súng phòng không nổ râm ran. Đánh đêm, các trận địa cao xạ dễ bị lộ nhất. Nhưng không còn cách nào khác, họ phải nổ súng đánh máy bay địch và chia lửa với con đường qua trọng điểm. Súng cao xạ nổ nhiều hơn mọi hôm, đạn ken dày như sao, kết thành những chùm trên trời, như pháo hoa rực rỡ đón chào năm mới. Một chiếc máy bay bị trúng đạn, lảo đảo trên không kéo một vệt sáng dài. Giây sau, bùng lên thành ngọn lửa, cắm thẳng xuống ngọn núi phía tây bắc cao điểm, kèm theo một tiếng nổ dội rung cả mặt đất.

Tĩnh reo lên:

- Hoan hô! Hoan hô! Máy bay cháy rồi. Cháy rồi! Đã chưa!

Một chiếc cháy, những chiếc còn lại sợ hãi dạt ra.

Tôi cầm lấy ống nghe, chợt sướng rân lên khi nghe tổ trực chiến phía nam đèo báo sang: “Alô! Đàn chim đã bay qua đèo!”.

Lúc này là hai bốn giờ. Mặt đất thôi chao đảo. Đây đó, chỉ còn leo lét đôi ba tàn lửa. Đêm vẫn còn đẫm mùi thuốc súng, nhưng không gian đang lắng dần. Mùa xuân mới đang đến trên cao điểm Văng Mu...

Tôi lấy cành đào, cắm lên cửa hầm trực chiến. Những chùm hoa nín thở sau trận đánh, khe khẽ hé nở. Cành đào cho chúng tôi một cảm giác khác lạ. Có chút lung linh, rực rỡ từ hậu phương thân yêu gửi tới đang vươn mình khoe sắc, thầm thì lời thương nhớ giữa “cánh cửa thép Văng Mu” trong giờ khắc giao thừa thiêng liêng.

Bất ngờ, anh Chảy, chính trị viên đại đội, cùng cậu liên lạc xuất hiện. Từ đằng xa, tiếng anh oang oang: “Chào anh em. Chào các đồng chí. Chúc mừng năm mới. Chúc mừng năm mới! Năm mới thắng lợi mới!”.

Cậu Tĩnh hứng lên, cho nổ luôn hai khối mìn TNT đón mừng. Tiếng nổ dội vang cả núi rừng. Không biết lũ máy bay địch điên tiết vì để đoàn xe đối phương vượt qua, hay ánh chớp và tiếng nổ hai quả bộc phá của cậu Tĩnh, chúng liền quay trở lại tiếp tục dội bom.

Mặc, chúng tôi vẫn đón tết. Chẳng hiểu sao, tôi chợt vui rồi lại chợt buồn. Nơi mặt đất cao điểm cháy đen, tôi bất chợt nhớ mẹ, nhớ em, nhớ nồi bánh chưng trong đêm giao thừa quê nhà. Rồi như vô thức, tôi đọc luôn mấy câu thơ vừa nghĩ ra:

Năm xưa bên bếp lửa hồng

Chờ nồi bánh chín thức trông mong dài

Mẹ xoa đầu bảo: Sáng mai...

Nhưng con không chịu đợi hoài năm canh

Tết nay giữa chốn rừng xanh

Đợi xe tôi trực một mình thâu đêm

Mỗi lần nghe tiếng xe lên...

Vui như nồi bánh sôi rền năm xưa ...

Tôi không biết cảm xúc của đồng đội xung quanh thế nào, nhưng đó là tâm trạng của tôi lúc ấy, giữa cao điểm sặc mùi bom đạn. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, và thương các đồng đội Trương Quốc Điện, Nguyễn Văn Dần, Nguyễn Văn Nuôi cùng hai chiến sĩ lái xe tôi chưa kịp biết tên, vừa ngã xuống trên cao điểm Văng Mu, trước giao thừa Mậu Thân 1968...

 

T.K

NGUỒN: VNQD

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *