Tiếng nói nhà văn: Thừa “Tiến sĩ”, thiếu “Kẻ sĩ”!
Nguyễn Hồng Lam kể: Một nhà báo giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm, buổi sáng được mời giảng dạy tại khoa báo chí của một trường đại học, buổi tối lại âm thầm ôm vở theo học tại chức ở chính cái nơi mà buổi sáng ông vừa giảng dạy! Sở dĩ như vậy là vì, ông chưa có bằng cử nhân báo chí! Thiếu nó, ông không thể thăng tiến về chức vụ, học vị, học hàm trong làng báo được, dù rất được đồng nghiệp và bạn đọc, kể cả trí thức, rất quý phục.
Thế là, về “trình độ thực”, ông là thầy nhưng về “trình độ hình thức”, ông là trò! Thật trớ trêu! Nhưng câu hỏi lớn đặt ra ở đây, không phải là, nhà báo kia có phải “kẻ sĩ” hay không mà là, ai đã đẩy ông đến chỗ phải làm như vậy? Trả lời câu hỏi này, cũng trớ trêu thay, viết cả trăm trang cũng được, mà không cần viết chữ nào, cũng được!
Rồi nhà báo trẻ này kể tiếp, anh chưa hề thấy bất kỳ một TS nào từ chối bằng cấp của mình khi thấy cả mình lẫn nó đều chưa xứng đáng và, anh đã “gặp vô số TS, cả GS và PGS nữa, nhưng đọng lại chỉ là nỗi băn khoăn: Cái gì đã cho họ tư cách riêng để có thể bàn về khoa học? Bởi điều kiện cần đầu tiên là “trình độ khoa học”, thì họ đã không có rồi!”
Cuối cùng, cái mà tôi trọng nhất ở nhà báo trẻ này là ở chỗ anh bảo: Nói thế, có lẽ nhiều TS sẽ nhún vai vì tôi đang “tự giễu nhại bằng cấp như bất kỳ một kẻ không bằng cấp nào khác”, nhưng “không sao cả”, vì “nói khác đi thì tôi e không thể!”. Chỉ có “kẻ sĩ” thật, mới dám chấp nhận đương đầu với những “phản biện của phản biện”, một cách cay đắng và hài hước như vậy!
*
Nhưng may quá! Nhà báo trẻ Nguyễn Hồng Lam không đơn độc, không thiếu bằng chứng.
- Ông Hà Văn Thịnh, giảng viên khoa Sử trường Đại học Huế, viết: Cái cách “đăng bài cho nhau” (trên các tạp chí khoa học xã hội- những khoa học mà ông “tương đối hiểu biết”), “đăng vì tình cảm và quan hệ”, “đăng mà chỉ có người có bài được đăng đọc”, “thực chất đang biến khoa học (XH) thành trò đùa dai bọt bèo”! Nhưng, ấy thế mà, tất cả các bài được đăng kiểu ấy lại “đương nhiên được tính điểm để xét phong tiếp học hàm”!
Tại sao chất lượng bài vở khoa học lại bị đánh giá thấp như thế? Ông Thịnh viết tiếp: “Rất nhiều bằng TS đều có xuất phát điểm là các đề tài ThS cũ, thày giáo cũ, kíp xét duyệt cũ”.... Rồi ông bảo: “Đó là chưa nói, đa số các chuyên đề đào tạo ThS chỉ là nâng cao “gọi là”- thực chất là thay tên, đổi họ cho những gì đã được giảng dạy thời ... đại học”!
Hóa ra, trước hết người ta đã “mở toang cánh cửa” ngôi nhà ThS cho các cử nhân ùa vào, sau đó lại “mở toang cánh cửa” vào ngôi nhà TS cho các ThS/cử nhân ấy ùa vào lần nữa!
Thế thì, từ “trớ trêu” ở đây, có còn ôm hết nội dung hài hước của thực tiễn không?
Chính vì vậy, ông Thịnh cho biết: “Nước ta có hàng vạn TS, PGS, GS mà mỗi năm, số bài nghiên cứu được đăng tải trên các chuyên san uy tín quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay”!
Cuối cùng, ông Thịnh nói giúp mọi người: “...Để cho nhiều TS thật khỏi phải ngơ ngác, đỏ mặt khi được xếp đứng bên các TS không được thật lắm, thì nhất thiết phải đổi thay!”.
- PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, Phó trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh, dù dè dặt hơn, cũng viết: “Việc đào tạo ồ ạt TS như của một viện nào đó, không phải là thiểu số”, và “... Nói chung là, xã hội cần một cuộc cải tổ thật sự, từ gốc, gấp lắm rồi!” v.v...
*
Thêm vào, chỉ cần tham khảo vài tư liệu:
- Cả nước ta hiện có hơn 24.000 TS.
- Có một viện khoa học nọ đào tạo 700 TS trong hai năm, bình quân ra, mỗi ngày, ở viện này “nở” ra một TS!
- Nhà báo Nguyễn Hồng Lam viết: “... chỉ sau một đêm, một trường cao đẳng, thậm chí là một trường trung cấp nghề ở địa phương, cũng có thể được nâng cấp, lột xác thành trường đại học!”.
Thế là, đã đâm cái lao “nâng cấp/ phổ cập đại học” thì phải theo cái lao ấy mà “đào tạo ồ ạt” ThS và TS rồi phong PGS/GS, đang là thực tiễn to tướng ở ta. Còn thực tiễn ấy có cần cho khoa học thật hay không? Có ai “đỏ mặt” vì nó hay không? Thì kệ đám “kẻ sĩ”!
Đỗ Trung Lai Nguồn Văn nghệ số 30/2016