Kỷ niệm 106 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân: 10/7//1910- 10/7/2016:Ông vua tùy bút thích xê dịch và ghét phê bình
Nhà văn Nguyễn Tuân (ảnh: Internet)
Ông có cá tính chẳng giống ai, nghiêm khắc mà nhân hậu trong công việc và sinh hoạt đời thường và một phong cách nghệ thuật hết sức tài hoa, nhưng rất uyên bác với đặc trưng là thể loại tùy bút mang văn hiệu Nguyễn Tuân. Nhưng nói đến ông, người ta còn nhớ đến một người thích xê dịch, nhưng cũng ghét phê bình vào loại bậc nhất.
*Nguyễn Tuân sinh ngày 10/7//1910, mất 28/7/1987 tại thôn Thượng Đình, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội trong một gia đình nhà Nho, khi Hán học đã bước vào thời kỳ thoái trào. Ông học hết lớp cuối bậc Thành chung (tương đương THCS hiện nay). Ông có bảy người con. Con trai cả là Trung tướng Trần Xuân Trường (tức Nguyễn Thạch Toàn) đã đổi họ khi tham gia Cách mạng, từng là chiến sĩ trong Trung đoàn Cảm từ Hà Nội, từng là lãnh đạo Học viện Chính trị và Quân sự, đã qua đời. Sinh thời, ngoài tên thật là Nguyễn Tuân, ông còn có nhiều bút danh khác như: Nhất Lang, Thanh Thuỷ, Thanh Hà, Ngột Lôi Nhật, Ngột Lôi Quật, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc.
Sách giáo khoa văn học hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại. Hà Nội đã có một con đường mang tên Nguyễn Tuân cùng với các nhà văn cùng thời như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng,... Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 1996.
Thế nhưng, khi Nguyễn Tuân mới ở tuổi teen đã bị nhà chức tách Pháp bắt bỏ tù vì tội thích xê dịch, đã vượt biên sang Thái Lan mà không có giấy thông hành của nhà chức trách Pháp lúc bấy giờ. Ông tự nhận mình là môn đệ của trường phái chủ nghĩa xê dịch. Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng phải sau 3 năm ông mới nổi tiếng với bút pháp độc đáo, tài hoa trong Vang bóng một thời, Một chuyến đi, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua, Chùa Đàn,...
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới với nhiều tập tùy bút, bút ký như Sông Đà (1960), một số tập ký chống Mỹ từ 1965-1975 và nhiều bài tùy bút về cảnh
sắc và hương vị đất nước.
Bình sinh, ông là người đi tung hoành khắp mọi miền của đất nước và nhiều nước trên thế giới. Vì thế, giai thoại về ông rất phong phú. Chẳng hạn như có người kể rằng để mô tả ống khói tàu hỏa, ông đã ăn nằm tại ga Thanh Hóa mất gần cả tháng để quan sát cho bằng được các thời điểm khác nhau của ống khói hoạt động: lúc bắt nổ máy, lúc khởi hành từ từ bò ra khỏi ga, lúc tàu đạt đến tốc độ tối đa cho phép, khi tàu giảm tốc độ để vào ga,…
Ông kể lại rằng phải mất 6 tháng trời quan sát số đồn bốt ở khu vực vĩ tuyến 17 ở cả hai bờ Bắc- Nam và đếm số thanh ván bắc phía bên kia cầu Hiền Lương, khi hai miền Nam- Bắc còn bị chia cắt. Không thể vượt biên sang bên kia, bác Nguyễn đành nghĩ ra cách nhờ những người công an sang bờ bên kia làm nhiệm vụ, đếm hộ. Lần đầu có kết quả, ông không tin ngay mà tìm cách kiểm tra lại. Cuối cùng ông chấp nhận kết quả là phía bên kia cầu Hiền Lương có 444 thanh ván so với 447 thanh ván phía bờ Bắc. Đấy là một việc làm đầy kỳ công và một sự sáng tạo ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, thể hiện được một phần bản chất lao động của nhà văn. Theo bác Nguyễn, nhà văn cần phải bắt tận ray, day tận trán từng chi tiết, sự kiện, vấn đề, chứ không thể chàng màng theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa được.
Chính vì thế mà bác Nguyễn đã đóng góp cho nền văn học mới nhiều trang viết sắc sảo và đầy tính nghệ thuật ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân lao động trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và sản xuất dựng xây quê hương, đất nước. Từ một con người chẳng giống ai ông đã đem đến cho đời một phong cách nghệ thuật đậm chất Nguyễn.
Nguyễn Tuân là một nhà văn khá đặc biệt, mà nếu chỉ đọc tác phẩm của ông mọi người rất khó có thể hình dung ra được. Một người vừa nổi tiếng, lại vừa bất cần đời như bác Nguyễn, những tưởng viết chỉ để cho vui, thỏa chí tang bồng theo kiểu anh hùng hảo hán. Nhưng sự thực không phải thế, khi có nhà văn hỏi tại sao ông không tiếp tục dự định viết tập truyện ngắn Vang bóng một thời Tây nói về các nhà nho ta lần đầu tiên tiếp xúc với văn minh phương Tây như thế nào, bác Nguyễn mở hết cỡ lòng mình ra với bạn văn: Tôi viết chị có dám in báo của chị không? Biết rằng viết ra để rồi không in được thì viết ra làm gì! Thà cứ để ngày tháng mà uống rượu suông thế này còn đỡ buồn hơn (1).
Chuyện lạ! Một người như bác Nguyễn mà vẫn quan tâm đến việc công bố tác phẩm
của mình trên mặt báo như vậy, chắc chắn không phải vì do nổi tiếng, vì tiếng của ông đã nổi như cồn, có nổi thêm một tí nữa cũng là để cho vui và càng không phải lý do nhuận bút, vì ông đã có bà vợ dân phố cổ Hà thành rất đảm đang trong buôn bán kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các bậc hậu sinh cho đến hôm nay còn quan tâm hơn đến hai thứ mà bác Nguyễn không cần. Nhưng nếu có ai hỏi họ viết để làm gì, tôi cam đoan phần lớn số người được hỏi sẽ trả lời rằng viết cho vui, thỏa chí sáng tạo của người cầm bút (!?) hay đại loại là như vậy.
Ở đây, có thể hiểu là tùy theo quan hệ thân sơ đến mức nào thì người ta sẽ nói ra sự thật đến mức đó. Trong trường hợp này, rõ ràng người có tính khí cương trực và tầm cỡ như bác Nguyễn đã quá quen thân với bạn văn nên bác ấy không nỡ dối lòng, không cần phải che chắn, giữ kẽ gì, mà dù nói thật đến mấy cũng không sợ làm bạn mình mếch lòng, cũng không sợ liên lụy.
Tôi còn nhớ, vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, cả nước và nhất là người dân Hà Nội đang sục sôi khí thế đánh Mỹ. Nhiều lúc nhiều nơi, người ta phải gồng mình chống chọi với bom đạn của kẻ thù. Nhiều gia đình phải đi sơ tán. Người ở lại bám trụ sản xuất và công tác, hễ nghe còi báo động là phải khẩn trương xuống hầm. Nhiều người, nhất là những người lính đang trực tiếp chiến đấu trên mặt trận chống giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ tổ quốc còn phải chịu vất vả hy sinh xương máu, thậm chí cả tính mạng. Thiếu thốn vật chất là chuyện thường tình của chiến tranh, nhiều hôm còn mất bữa. Vậy mà bác Nguyễn cho in tùy bút Phở, mà chủ yếu là phở Hà Nội. Bác kể về lai lịch của phở, cách chế biến và thưởng thức phở của người Hà Nội ra sao. Thế là bác bị một trận quạt vả mồi hôi. Người ta đã quy cho bác hướng tâm vào sự thưởng thức của ngon vật lạ, trong khi nhiệm vụ chính của tất thảy mọi người lúc bấy giờ là hướng tâm vào đánh giặc cứu nước. Nhưng vì bác thích như vậy, cứ làm. Còn mọi người muốn suy nghĩ, đánh giá thế nào bác không quan tâm.
Tôi tâm đắc những chia sẻ của bác Nguyễn về nghề cầm bút viết văn, nhất thiết cần phải có phong cách và cá tính sáng tạo. Bác Nguyễn bảo rằng: Anh cố tình làm cho độc đáo là không an thua. Anh cứ viết đúng như anh nghĩ, không uốn éo, không màu mè thì nó sẽ ra phong cách. Có cá tính trong ngôn từ thì nó sẽ nảy ra mỹ học thôi. Nhà văn cũng như nhà phê bình phải biết hài hước, châm biếm- đó là trí tuệ, người thông minh mới biết hài hước. Con người ta có kẻ tốt người xấu, ngay trong một con người cũng có lẫn lộn cả hai thứ vừa tốt vừa xấu, vừa là thiên thần, vừa là quỷ sứ. Người làm văn chương phải thấy và phản ánh cả hai mặt như vậy. Nếu chỉ khẳng định hoặc phủ định thẳng đơ như vậy sao gọi là văn học... Mỗi nhà văn phải có thế giới riêng, phong cách riêng, ngôn từ riêng. Muốn tìm hiểu, giảng giải, phân tích về nhà văn phải tìm cho ra cái riêng đó. Người thủy thủ đi biển không sợ phong ba bão táp mà sợ un calme plat- Sợ mặt biển quá lặng bẹt. Một nhà văn không có cá tính un ecrivain plat- cũng đáng sợ và đáng buồn như vậy... (2).
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh kể về lần gặp nhà văn Nguyễn Tuân vào năm 1967 ở Nhà xuất bản Văn học. Lần này bác Nguyễn chia sẻ: Người ta viết văn, giảng văn, nói đã nhiều về tư tưởng, về đạo đức. Điều ấy không phải không cần. Nhưng tôi muốn giúp độc giả nâng cao trình độ thẩm mỹ, đem đến cho họ cảm xúc về cái đẹp. Đó là điều băn khoăn của tôi. Tôi cung cấp cho họ những gợi ý bằng những suy nghĩ của tôi. Còn họ phản ứng thế nào, tuỳ.
Về độc giả, tôi không quan niệm là công nông hay trí thức mà chỉ chú ý phục vụ con người mới, có tư tưởng mới, có văn hoá, có trí thức. Bao giờ độc giả được tất cả như thế, tôi không biết, nhưng nhất định sẽ như vậy, tôi rất tin điều đó.
Về kinh nghiệm viết văn, bác Nguyễn cho rằng: tác phẩm văn học mà không tạo ra được cái atmosphère (không khí) thì không có giá trị gì. Cái atmosphère nó làm cho cùng một hiện tượng, cùng một sự việc mà thành màu sắc xanh đỏ tím vàng khác nhau. Cái chi tiết nước sông Hồng dâng cao trong bài Hà Nội giải tù Mỹ qua phố Hà Nội là cái chi tiết tạo không khí như thế.
Kinh nghiệm tạo không khí là phải có quan điểm lịch sử, quan điểm địa lý, quan điểm thiên nhiên, có óc tưởng tượng mới tạo ra được (3).
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cho hay khi ông và nhà văn Nguyễn Tuân trò chuyện với nhau thì cuộc tranh luận về thể ký còn đang tiếp tục sôi nổi trên các báo chí vào những năm 1966, 1967. Theo bác Nguyễn Đúng, người ta đang tranh luận về thể ký… Nhiều người tham gia tranh luận nhưng có viết ký đâu. Tôi thì cứ viết. Có người hỏi làm thế nào để viết ký cho hay, không nhạt. Tôi cho rằng phải có vốn văn hoá, vốn kiến thức. Người viết có nhiều dụng cụ thì đồ chế tạo nhất định phải tinh xảo hơn. Kiến thức lịch sử, địa lý, thiên nhiên..., rồi vận dụng các ngành nghệ thuật. Mà nói chung thì nghệ thuật nào chẳng phải mượn các cách của nghệ thuật khác để thể hiện. Khi anh không chỉ tả mặt mà còn tả cái gáy, cái vai, tả người cúi xuống, cái mông bóng lên, là vô tình đã phải vay mượn điêu khắc rồi (4).
Trong việc tiếp nhận tác phẩm văn chương, ông đưa ra một quan niệm rất độc đáo, nhưng lại có thể đúng với mọi người và mọi thời. Đó là quan niệm đọc chậm. Ông chủ trương đọc chậm tất thảy những gì mà ông thích và ông cần. Cái sự đọc của ông không chỉ như là một thú chơi, mà còn là một nghề chơi, thậm chí là một nghệ thuật chơi. Đã là nghề chơi, nghệ thuật chơi bao giờ cũng lắm công phu. Nhưng quan trọng là ông truyền sự hứng thú của nghệ thuật chơi ấy cho những người đồng thời cũng như hậu thế cảm được nhận sự lao tâm khổ tứ của lao động nhà văn, về tâm hồn, tình cảm, về tri thức toàn diện của một nhà văn đích thực. Người đọc có thể tìm thấy ở Chuyện nghề (của ông) một mẫu mực về cách đọc, cách tìm hiểu, cách thưởng thức, phẩm bình một tác phẩm, tác giả văn học phải nghiêm túc tinh tế, sâu sắc thấu đáo như thế nào... (5).
Với một nhà văn lớn như Nguyễn Tuân có thể chúng ta còn tốn nhiều bút giấy và thời gian dài dài nữa cũng chưa hẳn đã khám phá hết được nhân cách văn hóa của ông. Nhà phê bình Nguyễn Thị Ngọc Trai rất có lý khi cho rằng: ...Có một Nguyễn Tuân cương trực, ngang bướng, gai góc, khinh bạc, kênh kiệu bên cạnh một Nguyễn Tuân nhân hậu đầy ưu ái với con người, cuộc đời,...Có một Nguyễn Tuân ồn ào, phá phách bên cạnh một Nguyễn Tuân cô đơn luôn nặng trĩu lòng ưu thời mẫn thế... (6). Còn Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước, một người bạn thân, lại ca ngợi bác Nguyễn bằng một lối nói khá văn hoa: Nhà văn lớn như một băng đảo, phần chìm trong nước biển chiếm 99 phần trăm, nhô lên trắng tỏa với dông tố bình minh nam bắc cực chỉ là phần nhỏ (7).
*
Sinh thời, nhiều người truyền tai rằng Nguyễn Tuân là nhà văn chúa ghét các nhà phê bình. Điều ấy khó ai có thể kiểm chứng được thực hư ra sao. Có lẽ chỉ có ông là người hiểu hơn ai hết những lời đồn đoán ấy. Trong lúc trò chuyện với nhà phê bình Ngọc Trai về Hồ Xuân hương, bác Nguyễn đã nói rõ quan điểm của mình về chuyện này. Cái nguyên tắc biết mười nói một không chỉ cần đối với nhà văn, mà cũng cần đối với nhà phê bình. Tôi không chịu được mấy ông phê bình thiển cận (Tôi nhấn mạnh- Đ.N.Y). Họ không chỉ hạn hẹp về kiến thức mà còn thiếu vốn sống, thiếu lịch lãm, thiếu cả cảm quan thẩm mỹ. Viết về tác phẩm mà không cần biết gì về nhà văn, chỉ nhìn cái bề ngoài của trang sách rồi cứ thế tán ra. Viết kiểu như thế, có khen người ta cũng làm cho người ta bực bội...(8).
Nhất là khi được hỏi vì sao trước cửa nhà ông có treo một cái biển đề Không tiếp các nhà phê bình, bác Nguyễn không ngần ngại nói luôn: Tôi không tiếp các nhà phê bình cơ hội, chứ không phải là tất cả các nhà phê bình, nhưng không có cái biển nào như thế. Có những lúc bận hay mệt mỏi tôi có treo cái biển Nguyễn Tuân đi vắng rồi đóng cửa, còn bình thường lúc nào nhà tôi cũng mở rộng cửa đón bạn bè... (9).
Rồi người ta lại còn đồn rằng bác Nguyễn bảo khi ông mất, không để cho các nhà phê bình đi đưa tang. Ông cho hay: Điều này thì mình đã nói với nhiều người. Mình đã làm sẵn một danh sách những bạn bè mà mình mời đi đưa đám ma mình, không chỉ những anh phê bình tồi mà những thằng cơ hội, nịnh bợ, giả dối, xin đừng để họ đi đưa đám ma mình (tôi nhấn mạnh- Đ.N.Y). Mình cũng dặn vợ con khi hóa vàng cho mình ngoài quần áo, bút mực, vàng mã, nhớ đốt theo cho mình vài hình nộm anh phê bình. Biết đâu về cõi vĩnh hằng anh ta không sợ bóng sợ vía ai nữa thì có thể nói thật. Như vậy mình cũng có người mà trò chuyện, mà tranh luận cũng đỡ buồn... (10).
Vậy là quá rõ, theo bác Nguyễn có hai loại nhà phê bình mà bác không thể nào tiêu hóa được, một là các phê bình thiển cận và hai là các nhà phê bình cơ hội, nịnh bợ, gian dối chứ không phải là tất cả giới phê bình văn học nói chung. Bởi chưng, chính bác Nguyễn cũng đã từng viết phê bình trong Chuyện nghề đấy thôi. Nếu không có những tài liệu ghi chép của nhà phê bình Ngọc Trai thì không biết đến bao giờ bác Nguyễn mới được cải chính đây, nhất là khi bác đã để lại sau lưng cả thế giới dương gian lắm nhiễu loạn, thị phi, để rong ruổi vào cõi vĩnh hằng từ lâu.
Nhưng, có lẽ Nguyễn Tuân là nhà văn duy nhất, ở cương vị Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học- Nghệ thuật Việt Nam (HLHVHNTVN) dám nói và có thể sẵn sàng làm những điều mà không một ai có thể làm được trong hoàn cảnh ấy. Ấy là vào thời kỳ đấu tranh chống nhóm Nhân văn giai phẩm. Ông nhớ lại: Với tư cách Tổng thư ký HLH VHNT, ông được triệu tập đến nhà số 2, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội để họp cùng một số cán bộ chủ chốt trong văn nghệ. Tại đây ông thẳng thắn: Xin các anh cứ cung cấp cho chúng tôi một số giấy để in báo, chúng tôi mở cuộc bút chiến, tranh luận công khai với nhóm Nhân văn. Đồng chí Trường Chinh nghe tôi nói thế trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi.... Nói đoạn, bác Nguyễn tự thú luôn với bạn văn: Thế tôi có idiot (ngu dốt) không? (11) rất hồn nhiên, mang đậm cốt cách Nguyễn.
Có lúc ông suy nghĩ một cách ngây thơ và ấu trĩ rằng, những vấn đề văn nghệ chưa đồng thuận hoàn toàn có thể trao đổi, tranh luận công khai cho ra nhẽ, mà không biết rằng, thời kỳ ấy, tuy phong trào Nhân văn giai phẩm do các văn nghệ sĩ khởi xướng, nhưng có một số hoạt động của họ (theo quan điểm lúc bấy giờ) không còn bó hẹp trong phạm vi văn nghệ, mà đã lấn sân sang vấn đề chính trị, nên không có chuyện trao đổi, tranh luận gì sất, mà chỉ có trảm. Vậy là chính bác Nguyễn lại tự làm khó cho mình và hậu quả là đến Đại hội III, ông không còn giữ chức Tổng thư ký HLHVHNTVN. Nguyễn Tuân là như vậy!
Dù nhìn ở góc độ nào, Nguyễn Tuân vẫn là một cây đại thụ trong làng văn chương Việt hiện đại. Chỉ có điều cây đại thụ ấy ngoài cành rễ xum xuê, chồi non, lộc biếc, lá vàng, hoa thắm, còn có cả những cái gai vô cùng sắc nhọn, khiến nhiều người cảm thấy e ngại mỗi khi mon men đến gần, nếu chưa đủ thành tâm và một cảm quan thẩm mỹ lành mạnh, một bản lĩnh văn hóa cần phải có đối với một văn nhân đích thực. Nhân đây xin bày tỏ sự biết ơn nhà phê bình văn học Ngọc Trai đã đem đến cho bạn đọc, trong đó có tôi, những tư liệu vô cùng quý giá về chân dung thực của nhà văn Nguyễn Tuân, người đã, đang và sẽ còn tỏa bóng xuống nền văn chương nước nhà.
..........................................
Tham khảo:
(1), (2). (5), (6, (7), (8), (9), (10), (11). Nguyễn Thị Ngọc Trai: Trò truyện với Nguyễn Tuân. Nxb Hội Nhà văn, 2010, tái bản 2012.
(3), (4). Xem: Nguyễn Đăng Mạnh, Hồi ký, chương XIII.
ĐỖ NGỌC YÊN