TÔI VIẾT GÌ TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
Nhất là lương thực, thực phẩm đang thiếu thốn một cách trầm trọng. Mỗi năm phải nhập tới gần 300.000 tấn gạo cấp thấp như gạo tấm, gạo có tỉ lệ tấm cao, gạo kém phẩm chất. Ấy vậy mà vừa đổi mới cách làm ăn và phương thức quản lý, mới chỉ một năm thôi, ta đã tự túc được lương thực, và còn xuất khẩu một triệu tấn gạo.
Giới văn học nghệ thuật thì có chuyện “cởi trói". Tức là thông thoáng hơn trong việc kiểm soát nội dung. Vì vậy hàng loạt các tác phẩm văn học ra đời, đáp ứng mong mỏi của công chúng.
Về phía mình, tôi hoàn thành hai tiểu thuyết “Sau mùa lá rụng” và “Chờ đến ngày mai” cùng vài tập bút ký, tạp văn rồi tạm ngưng viết về những vấn đề đương đại, và bắt đầu đi vào mảng tiểu thuyết lịch sử. Kiểm kê sách vở, tư liệu xem những gì mình đã có, cái gì thiếu có thể mua bổ sung. Cái gì không mua được thì tìm trong các Thư viện trung ương, Thư viện Khoa học xã hội. Và điền dã.
Tôi có cảm hứng viết tiểu thuyết lịch sử từ rất lâu. Nhưng vẫn e ngại mình không đủ sức. Trước hết là cái phông văn hóa. Tức là phải khám phá các nhân vật đã đi vào lịch sử lừng lững như những trái núi. Các nhân vật như Trần Thái tông, Trần Thánh tông, Trần Nhân tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão… cùng các danh sĩ như Tuệ trung Thượng sĩ, Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi… Họ không chỉ giỏi về đánh giặc, mà còn giỏi về văn chương, nghệ thuật, và tài trị nước của họ cũng thật là siêu việt. Nếu không có vốn văn hóa, nhân cách thấp lùn, sao thể hiện nổi tài năng và nhân cách của các bậc kinh bang tế thế. Đặc biệt có một nhân vật mà các sử gia có nhiều nhận định trái chiều, và có khuynh hướng phủ nhận như Trần Thủ Độ. Tóm lại về thời đại nhà Trần với 175 năm chấp chính, có hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn các nhân vật đã đi vào lịch sử theo cả hai chiều trái ngược: chính và tà. Nhận thức về họ đã khó. Khó hơn là thể hiện họ trên con chữ. Nghĩa là phải giải mã nó, kể cả những điều khuất lấp trong từng nhân vật và những khúc quanh của lịch sử. Việc giải mã lịch sử đòi hỏi người viết phải trình bày như thế nào đó, để người đọc sau khi gấp sách lại ngẫm nghĩ, và bỗng nhiên thốt lên: Đây mới chính là lịch sử. Nếu không đạt được điều đó, thì như Karl Marx nói: “Nhà văn chỉ triệu về các bóng ma lịch sử”.
May thay, tôi được dự một Hội thảo khoa học do Bộ Văn hóa và Viện khoa học lịch sử về đề tài: "Trần Nhân tông với phái Thiền Trúc Lâm” tại Quảng Ninh. Từ đó, như chất men nhen cảm hứng trong tôi. Và ý định viết về Huyền Trân công chúa với mối tình ngang trái cùng vua nước Chiêm Thành là Chế Mân hiển lộ.
Chế Mân là một vị vua anh hùng của vương quốc Champa trong cuộc kình chống với Toa-đô, khi y đưa quân vào xâm lược Champa năm 1282. Cuộc kháng chiến ấy của người Chăm, Đại Việt có cử 2 vạn quân giúp sức cùng Champa kháng chiến. Nhiều tình tiết trong lịch sử khiến tôi chú ý. Ví như tháng giêng năm 1301, sứ đoàn Champa vừa vào Thăng Long, lập tức trở về Chiêm ngay. Lịch sử không hé lộ một điều gì. Cũng tháng 2 năm đó, thượng hoàng Trần Nhân tông đang tu khổ hạnh trên Yên Tử lại tức tốc sang thăm Champa. Ông ở lại đó tới 10 tháng mới quay về Đại Việt. Trong cuộc thăm viếng khác thường ấy, Nhân tông hứa gả con gái út của ngài cho Chế Mân. Lúc đó, Chế Mân cũng vào trạc tuổi Trần Nhân tông. Và tới 5 năm sau cuộc hôn nhân mới được tiến hành. Sính lễ ngoài các hiện vật còn kèm theo miền đất hai châu Ô, Lý tức Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay. Nhưng chỉ 1 năm sau Chế Mân chết. Lẽ ra Huyền Trân phải lên giàn thiêu, nhưng ta lập kế đưa mẹ con nàng về Đại Việt. Những chi tiết trên chỉ gói gọn trong bảy chục chữ, nhưng ẩn chứa biết bao sự thật lịch sử, mà lịch sử thì câm nín, còn sử gia các đời vẫn im hơi lặng tiếng. Tôi tìm thấy chỗ cho những đường cày đầu tiên. Vì vậy tôi quyết định đi điền dã trong các vùng còn dấu ấn văn hóa Champa. Bắt đầu từ Thừa Thiên- Huế. Và tôi dừng lại ở Thuận-Hải nay là Ninh Thuận, Bình Thuận tới ba tháng. Mục tiêu của tôi vẫn là văn hóa Champa, trong đó có lễ nghi phong tục như nếp ăn, nếp ở, ma chay cưới hỏi, hội hè, lễ tết, tín ngưỡng, tôn giáo, thần linh… Đặc biệt âm nhạc, kiến trúc và điêu khắc Champa. Kết thúc năm 1982, tôi thấy cảm hứng viết Huyền Trân công chúa đã dâng trào. Nhưng tôi vẫn chưa viết mà còn nghiền ngẫm để giải mã các điểm mờ trong lịch sử. Lại tiếp tục khảo sát lịch sử Việt-Champa. Tới năm 1986 nghe chừng mọi vấn đề đã chín mọng, tôi bắt tay vào viết. Năm 1987 sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa in 50.000 bản và phát hành tại Sài Gòn, chỉ ba tháng đã hết veo. Lại nối bản thêm 20.000 bản nữa mới có sách đưa ra phía Bắc.
Thấy cánh cửa vào mảng lịch sử đang hé dần. Tôi đầu tư thời gian nhiều vào đó. Và lần lượt các tập: Bão táp cung đình, Đuổi quân Mông Thát, Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng, Vương triều sụp đổ cùng với Huyền Trân công chúa là trọn bộ 6 tập, viết suốt 175 năm nhà Trần giữ ngôi nước. Bộ tiểu thuyết này có độ dài 3.000 trang.
Kế đó, tôi lại bắt tay vào nghiên cứu và viết tiếp thời đại nhà Lý, xuyên suốt 216 năm với tựa đề “Tám triều vua lý” chia làm 4 tập: Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật, Bình bắc dẹp nam, Con đường định mệnh. Bộ tiểu thuyết này có độ dài tới 3650 trang.
Hai bộ tiểu thuyết lịch sử được ấp ủ từ năm 1980 và hoàn thành trọn vẹn vào năm 2010, đúng dịp Một ngàn năm Thăng Long.
Sự thật, nếu không có sự cởi mở về tinh thần trong thời kỳ đổi mới, khó có sự bùng nổ và thăng hoa trong các tác phẩm dài hơi này. Đặc biệt là việc in ấn. Bởi tôi viết bằng tất cả lương tâm của người cầm bút, và sự tự do tuyệt đối của nhà văn, không có bất kỳ một ràng buộc nào đối với tôi. (Tất nhiên là tự do trong tư duy). Do vậy, tôi không mấy hy vọng sách có thể in được. Mặc dù có những trở ngại không đáng có khi xuất bản. Nhưng cuối cùng vẫn vượt qua được. Và cả hai bộ tiểu thuyết đó đều đến tay bạn đọc. Riêng bộ Bão táp triều Trần, ít ra cũng tái bản tới hơn chục lần. Do đó, tôi sống được, nhờ nhuận bút.
Hoàng Quốc Hải
Láng Thượng ngày 8.6.2016