Đôi điều về sự "thêu thùa" và "cắt may"
Đôi điều về sự “thêu thùa” và “cắt may”
Nhà thơ MAI NAM THẮNG
Có một cây bút thơ trẻ thế hệ “8x đời chót” đang được dư luận khá quan tâm. Mới đây, tôi bảo bạn ấy gửi cho tôi một chùm thơ dăm bài để giới thiệu trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.net) và tôi đã nhận được chùm thơ 5 bài khá “xinh xắn, sạch sẽ”. Có điều, cả chùm thơ đều viết về những vui buồn nội tâm, đóng khung trong thế giới riêng của tác giả. Tôi bảo bạn ấy chọn gửi cho tôi thêm một số bài viết về quê hương, đất nước; hoặc viết về chuyện học tập, rèn luyện, lao động… của thế hệ trẻ hiện nay; hoặc viết về những vấn đề mà xã hội, cộng đồng, dân tộc đang quan tâm v.v… Phải như vậy thì chùm thơ mới đa dạng, chân dung tác giả mới trọn vẹn. Người thơ trẻ nói rằng hiện tại thì mình cũng có vài bài gần gần chủ đề như thế, nhưng tự thấy không ổn lắm nên không muốn gửi báo nào. Hỏi tại sao “không ổn” thì người ấy thú thật vì đó là những chủ đề mình ít quan tâm, ít hứng thú…
Là người quan tâm đến đời sống văn học và làm công tác biên tập văn nghệ nhiều năm nay, tôi đã gặp không ít cây bút trẻ “ít quan tâm, ít hứng thú” với những đề tài đòi hỏi tính công dân như trên và cảm thấy hình như đó là nét chung của nhiều cây bút trẻ hiện nay. Sợ rằng mình nói thế thì quá phiếm diện, khắt khe và trịch thượng, tôi bèn lục tìm các tài liệu về Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8-2011 là Hội nghị văn trẻ gần đây nhất, thì bắt gặp khá nhiều những ý kiến tương tự. Đặc biệt, bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tại hội nghị trên đây có đoạn khái quát rất hình ảnh, rằng: “Miêu tả chặng đường vừa qua, có thể diễn đạt qua ba nhận xét sau đây về tác phẩm của các bạn: Nhiều đầy tràn nhưng còn ít sâu lắng; Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa; Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, nhưng may cắt cho thiên hạ thì còn ít dụng công”…
Tôi lại “truy” vào Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai, vừa tổ chức cuối năm 2015, lại cũng gặp khá nhiều những nhận xét như trên. Thẳng thắn nhất là nhận xét của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khi trả lời báo chí: “Nhìn vào những gì đã xuất bản, rõ ràng người ta thấy nhà văn trẻ hiện nay chỉ quẩn quanh với những vui buồn, hời hợt của lớp trẻ; ít đi sâu vào đời sống của đất nước, nhân dân; ít đầu tư cho những vấn đề lớn, những tác phẩm lớn (…) Dù không bắt buộc nhưng tôi nghĩ nhà văn cũng phải có ý thức với cuộc sống, đi sâu vào cuộc sống (…) Ý thức công dân, ý thức trách nhiệm xã hội không cho phép nhà văn chỉ quẩn quanh trong thế giới riêng của mình. Khi viết về lớp trẻ thì anh cũng phải đi sâu vào giới trẻ, phải nói cho ra được vấn đề của người trẻ hôm nay trong vấn đề chung của xã hội, của đất nước…”.
Những cây bút trẻ đoạt giải cuộc thi truyện ngắn năm 2014 của tạp chí VNQĐ
Quả thật là đọc sáng tác của những cây bút thuộc thế hệ trên dưới 30 tuổi hiện nay, thấy văn chương của họ nhiều mới lạ và táo bạo, đôi khi lấp lánh những nét thông minh đáng nể. Nhưng trong tác phẩm của họ hiếm có những cọ xát, những va đập của hiện thực cuộc sống bộn bề phức tạp; bao gồm cả những điều tốt đẹp, nhân văn cần được ngợi ca, bênh vực lẫn những cái xấu, cái ác cần phê phán, lên án. Có lẽ vì thế mà nhìn chung văn chương của họ chưa bật lên được cái sức trẻ, sức xuân, sức vươn; chưa hé lộ một sự vạm vỡ nay mai và khả năng chiếm lĩnh của những cây bút trường sức? Hay vì những người đọc lớn tuổi khó tính, khắt khe? Hay vì nhà văn trẻ thì tạm thời được miễn trừ những điều to tát thiêng liêng kiểu như “nghĩa vụ công dân, trách nhiệm xã hội”… còn lại thì cứ hãy đợi đấy! Tôi không muốn so sánh văn thơ của họ hiện nay với những sáng tác ở tuổi mười tám, đôi mươi của những “ông lớn” như Huy Cận, Chế Lan Viên, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Thi… Nhưng so sánh những cây bút thế hệ 8x, 9x hôm nay với những cây bút của thế hệ vừa mới nhấc một chân ra khỏi sân chơi của các cây bút trẻ như Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Hữu Việt… thì thấy ngay từ khi mới xuất hiện ở tuổi hai mươi, họ đã có được những tác phẩm có chiều kích vóc dáng hứa hẹn những bước đi vững chắc. Và thực tế đã không làm thất vọng những dự cảm ấy!
Vẫn biết rằng, ngày nay điều kiện để được nhận danh xưng là “nhà văn” có phần hơi dễ dãi, nên nhiều người chỉ thích làm du khách dạo chơi chứ không muốn trở thành tín đồ trong ngôi đền văn chương. Vẫn biết rằng, ngày nay văn hóa đọc đang phải chống chọi với sự tấn công như vũ bão của các phương tiện nghe nhìn và nhiều hình thức giải trí tiện ích hấp dẫn. Vẫn biết rằng, thời thế bây giờ nhiều giá trị đang bị đảo lộn, đánh tráo, tác động không nhỏ tới lý tưởng thẩm mỹ của các cây bút trẻ cũng như cảm xúc thẩm mỹ của công chúng nghệ thuật. Vẫn biết rằng… nhưng xét cho cùng, giá trị CON NGƯỜI là bất biến, thì chức năng “sinh ra con người lần thứ hai” của văn học, nghệ thuật là vĩnh hằng. Và như thế, văn chương phải thấm đẫm tinh thần dân tộc và mang tính nhân loại sâu sắc thì mới có sức sống và có “đất sống”. Điều đó đòi hỏi nhà văn trước hết phải là một CÔNG DÂN trách nhiệm. Và đất nước, cộng đồng phải là mối quan tâm lớn nhất của nhà văn. Nhớ lại cách nay gần hai thập niên, tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ năm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng tâm sự: “Cảm hứng của các nhà văn phải là cảm hứng của thời đại... Hãy sống hết mình và viết vì thời đại ấy”. Đó là tâm huyết của một nhà văn đã thành danh, cũng từng có một thời cầm bút… rất trẻ!