Chuyện văn chương

28/10
10:06 AM 2015

Về tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học nghệ thuật từ thời kỳ Đổi mới đến nay

Tính dân tộc và tính hiện đại đã, đang, và sẽ tác động sâu sắc đến nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Việc lý luận văn học đổi mới tư duy, tiến đến sự khẳng định rõ mối liên kết, thống nhất biện chứng giá trị của hai khái niệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo cơ sở vững chắc, hướng đến mục tiêu phát triển nền văn học nghệ thuật phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nghệ thuật vì lợi ích của quốc gia và nhân loại, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới.

1. Tính dân tộc – “khái niệm thuộc phạm trù tư tưởng - thẩm mỹ chỉ mối liên hệ khăng khít giữa văn học và dân tộc, thể hiện qua tổng thể những đặc điểm độc đáo tương đối bền vững chung cho các sáng tác của dân tộc, được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử phân biệt với văn học của các dân tộc khác”(1).

Có thể thấy suốt chặng đường dài mấy chục năm trước đổi mới, xung quanh vấn đề tính dân tộc của văn học đã xuất hiện nhiều ý kiến, mà nói như Phương Lựu là “có sai, có đúng, có tiến, có lùi nhưng dù sao cũng dần dần ghi được những thành tựu đáng kể (2). Điều này cho thấy lý luận văn học Việt Nam đã sớm từng bước có những phát hiện giá trị về nguyên lý tính dân tộc của văn học ở nhiều phương diện, cấp độ. Tuy vậy do mục đích đấu tranh cách mạng, văn học dùng làm “công cụ” phục vụ chính trị, hướng đến mục tiêu “dân tộc hóa và đại chúng hóa” nên trong giai đoạn trước đổi mới, lý luận văn học chú trọng nhiều đến lời giải đáp cho câu hỏi về mối quan hệ giữa tính dân tộc với tính giai cấp. Các phương diện như mối quan hệ giữa tính dân tộc với các phạm trù hữu quan về bản chất, chức năng xã hội và thẩm mỹ của văn chương như: tính chân thật, tính nghệ thuật, đặc biệt là tính hiện đại, chưa được chú ý nghiên cứu cụ thể, khoa học và sâu sắc. Trong quá trình tiếp diễn của lịch sử vấn đề còn nảy sinh nhiều ý kiến và quan điểm chưa thống nhất, phải đợi đến thời kỳ sau 1986  mới được tiếp tục bàn bạc để tìm đến những giá trị nhận thức mới.

2. Từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, xu hướng “toàn cầu hóa kinh tế” trên thế giới đã dẫn đến toàn cầu hóa các mặt của đời sống xã hội. Khi giao lưu văn hóa quốc tế ngày càng được mở rộng thì vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc càng trở nên quan trọng và cấp thiết bởi nó quyết định đến sự tồn tại vững bền của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, nếu trước đổi mới (kể từ 1943 trở đi) những khái niệm quốc hồn, quốc túy, tính dân tộc, bản sắc dân tộc đã được đề cao thì sau đổi mới (từ 1986 đến nay) những khái niệm bản sắc dân tộc hay bản sắc văn hóa dân tộc, tính dân tộc, chất dân tộc,… càng được chú trọng. Năm 1991, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển. Đại hội VIII của Đảng lại tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội” (3). Khái niệm Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc xuất hiện trong văn bản Nghị quyết Đại hội VIII, và tháng 7/1998, Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khóa VIII đã ra Nghị quyết có tênVề xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết 23-QĐ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đặt mục tiêu: “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (4). Như vậy qua những Nghị quyết của Đảng, có thể thấy vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trở thành mục tiêu hàng đầu trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời đại mới. Văn học, nghệ thuật được coi là một yếu tố quan trọng tạo nên các giá trị văn hóa truyền thống, là phương tiện bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.

Nhìn một cách khái quát, ngót 30 năm qua, văn học tiếp tục thực hiện phương châm toàn diện dân tộc và hiện đại (đã từng được nêu lên sau 1954). Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, vấn đề tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn. Quan sát diễn biến của sự vận động nhận thức chúng tôi thấy quan điểm học thuật của các nhà nghiên cứu được thể hiện ngày càng hệ thống, đa dạng, nhiều cấp độ khoa học.

Trong bài viết Về bản sắc dân tộc trong văn học Việt Nam (1994), Trần Đình Sử đã xem xét bản sắc dân tộc trên đường biên tiếp giáp với cái phi dân tộc để nhận ra sự vận động, biến đổi hình thành diện mạo tinh thần riêng của dân tộc. Từ đó tìm câu trả lời cho câu hỏi: Ngọn nguồn nào hình thành nên bản sắc dân tộc của văn học? Tác giả viết: “Bản sắc dân tộc không phải đơn giản là thuộc tính khép kín, được hình thành biệt lập với giao lưu. Trái lại, nó được hình thành trong giao lưu và cố định trong giao lưu. Nó tạo thành cái giới hạn trong đời sống văn hóa của cộng đồng người này so với cộng đồng người khác, và giới hạn ấy là một phạm trù tương đối, không ngừng biến đổi, phát triển. Do vậy, cần xem bản sắc dân tộc trong sự biến đổi không ngừng (5). Ông phát hiện: “Hình như bản sắc dân tộc luôn ở trong quá trình bị rạn nứt rồi xây đắp lại, và mỗi lần lại sâu hơn, phong phú hơn, dân tộc hơn. Giữ nguyên tức là không phát triển. Cái mới là cái làm rạn nứt cái cũ (...) thời gian sẽ sàng lọc, điều chỉnh, hoàn thiện” (6).

Giáo trình Lý luận văn học (1996) của trường Đại học Tổng hợp biên soạn lập luận: “Nói tới dân tộc, đặc tính dân tộc, phẩm chất dân tộc nhiều người thường cho rằng các yếu tố đó thường mang tính ổn định, ít thay đổi. Quan niệm này không sai nhưng lại không đầy đủ bởi vì nói tới dân tộc, tới truyền thống dân tộc, đặc điểm dân tộc cũng có nghĩa là nói tới một cái gì đó dễ gần với sự bảo thủ, trì trệ. Thực ra giữa đặc tính dân tộc với đặc điểm giai cấp và tính toàn nhân loại có mối liên hệ hữu cơ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tiếp xúc giao lưu giữa các dân tộc. Trong điều kiện giao lưu ngày càng tăng như hiện nay, khó có thể nói tới một đặc điểm nào đó của riêng dân tộc này hay dân tộc khác mà trong mỗi đặc điểm dễ nhận thấy ấy cũng ít nhiều phản ánh những yếu tố không còn là của riêng nó, đặc biệt là trong lĩnh vực tinh thần (7).

Những quan điểm lý luận trên thừa nhận trong điều kiện ngày càng mở rộng giao lưu quốc tế, trong lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học nói riêng sự tiếp thu, đồng hóa, bổ sung, làm phong phú thêm những đặc điểm dân tộc bằng các yếu tố thuộc về dân tộc khác để đổi mới, nâng cao và hoàn thiện thêm những phẩm chất của dân tộc là một quy luật tất yếu. Lý luận đổi mới cho thấy tính dân tộc là biểu hiện đặc thù của tính nhân loại. Tính nhân loại là thước đo của tính dân tộc, sự giao thoa văn hóa nói chung và và văn học nghệ thuật nói riêng trong thời đại hội nhập khiến các dân tộc có thể làm phong phú cho nhau.

Bước vào thiên niên kỷ mới, hội thảo về Bản sắc dân tộc trong văn hóa văn nghệ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/1/2001 với sự tham gia của hàng trăm nhà nghiên cứu, nhà văn: Tố Hữu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Nguyễn Khải, Hà Xuân Trường, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Trần Đình Sử,... Hội thảo đã khẳng định bản sắc dân tộc tốt đẹp của Việt Nam và điều quan tâm khẩn thiết là làm sao bảo vệ và phát huy cái bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong sáng tạo văn học nghệ thuật, trong nếp sống, tâm hồn… Đó là một vấn đề ngang tầm sự mất còn của dân tộc, một vấn đề có ý nghĩa lớn lao trong hiện tình của đất nước. Tinh thần hội thảo khích lệ nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục bổ sung nhận thức xung quanh vấn đề tính dân tộc và hiện đại để mong muốn góp phần tìm lời giải đáp cho vấn đề đặt ra: Làm thế nào để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của văn học nghệ thuật trong thời đại nhân loại tiến đến khái niệm “thế giới phẳng”?

Chuyên luận công phu Những phương diện lịch sử và lý thuyết của tính dân tộc trong văn học của Phương Lựu đã hệ thống hóa lý thuyết về nguyên lý tính dân tộc. Chuyên luận gồm sáu chương: 1/ Vấn đề tính dân tộc trong lịch sử mỹ học và lý luận văn học; 2/ Nguyên lý tính dân tộc trong văn nghệ từ ý kiến các tác gia kinh điển của chủ nghĩa Mác đến đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam; 3/ Hai phương diện “thuộc tính” và “phẩm chất” của tính dân tộc trong văn học; 4/ Tính dân tộc qua các yếu tố của tác phẩm văn học; 5/ Các mối tương quan hai chiều lịch sử và nhân loại của tính dân tộc trong văn học; 6/ Vấn đề tính dân tộc trong lý luận văn học.

Nhìn vào hệ thống sáu luận điểm chính của công trình này có thể thấy tác giả hướng đến một mục đích khoa học cẩn trọng, nghiêm túc: hệ thống và khái quát những vấn đề khó khăn và phức tạp nhất của nguyên lý tính dân tộc dù đã được đề cập từ lâu nhưng chưa được giải quyết một cách thấu đáo và triệt để trong nền lý luận văn học mácxít, trên lập trường của chủ nghĩa xã hội khoa học. Điều đáng lưu ý ở công trình này là Phương Lựu đã mở rộng những nhận thức về nội hàm khái niệm tính dân tộc bên cạnh những nhận thức do chính ông đã nêu lên ở giai đoạn trước như Hai phương diện “thuộc tính” và “phẩm chất” của tính dân tộc trong văn học; Tính dân tộc qua các yếu tố của tác phẩm văn học. Ông khẳng định rằng: “Tính dân tộc vừa là nội dung vừa là hình thức đã đành mà có thể nói có bao nhiêu yếu tố trong tác phẩm văn học là có bấy nhiêu chỗ để tính dân tộc thể hiện” (8). Nhìn ra đặc điểm này đồng nghĩa với việc cho thấy nét khác biệt của tính dân tộc so với những thuộc tính và phẩm chất khác của văn học như tính hiện thực, tính giai cấp, tính chân thật, tính đảng,... Theo đó, ta có thể khảo sát tính dân tộc ở nhiều yếu tố tác phẩm trong khi đó các thuộc tính và phẩm chất khác chỉ có thể được xem xét trên một vài yếu tố cơ bản mà thôi.

Với công trình này, Phương Lựu có lẽ là người sớm đưa ra quan điểm bàn bạc và đề xuất việc tăng cường tính dân tộc trong lý luận văn học Việt Nam bởi: “Do sự phát triển nhanh chóng và phức tạp của văn học, kể cả bản thân nó, lý luận từ chỗ là công cụ để nhận thức văn học, đến lượt mình, lại ngày càng trở thành một đối tượng cần được nhận thức rõ ràng và chính xác hơn (...), làm sao cho hệ thống và phạm trù của mình được chặt chẽ, toàn diện và phong phú hơn, ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn đa dạng của nền văn học nhiều nước” (9). Theo ông tăng cường tính dân tộc cho lý luận có thể khái quát vào ba lĩnh vực: a/ Khai thác di sản lý luận văn học của ông cha; b/ Nghiên cứu đường lối văn nghệ của Đảng; c/ Tổng kết ở cấp độ lý thuyết những vấn đề trong thực tiễn văn học nước nhà. Chúng tôi chia sẻ và đồng tình với quan điểm của Phương Lựu khi ông cho rằng: “Mặc dù hoàn toàn không thể và cũng không cần thiết xây dựng một nền lý luận văn học thuần túy dân tộc, nhưng việc vận dụng và phát triển lý luận văn học phải được xuyên thấm bản sắc dân tộc” (10), bởi lẽ trong thời đại thế giới hóa, nếu phương châm toàn diện của văn học là dân tộc - hiện đại thì lý luận không thể nằm ngoài sự chi phối chung của quy luật vận động của nền văn học dân tộc. Phủ nhận truyền thống dân tộc hoặc tự giam mình vào quá khứ, làm nô lệ của truyền thống, trói buộc sáng tạo đều là những quan điểm sai lầm cả về thực tiễn lẫn lý luận. Dân tộc và hiện đại tuy không đồng nhất nhưng thống nhất, tuy khác nhau nhưng luôn xuyên thấm và chuyển hóa lẫn nhau. Lý luận văn học thời kỳ đổi mới hướng đến mục tiêu dân tộc - hiện đại là một quan điểm biện chứng và hoàn toàn phù hợp thời đại.

Tại thời điểm giáp ranh giữa thập niên thứ nhất và thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới. Tính dân tộc và tính hiện đại của văn học được nhìn nhận ở một vị trí mới khác với tất cả những giai đoạn trước đây: “Tính dân tộc và tính hiện đại là hai thuộc tính căn bản của nền văn hóa dân tộc, xử lý đúng đắn mối quan hệ của chúng có ý nghĩa hệ trọng đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới của chúng ta, đưa dân tộc ta tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới, xử lý không tốt có nguy cơ làm chậm bước phát triển nhiều mặt của văn hóa dân tộc, trong đó có văn học và văn hóa dân tộc” (11). Như vậy, hơn lúc nào hết nguyên lý tính dân tộc, tính hiện đại trở thành trọng điểm cơ bản đòi hỏi sự hợp lực của trí tuệ nhiều nhà khoa học để tìm tòi và khẳng định những giá trị sao cho phù hợp một giai đoạn lịch sử mới khi dân tộc nhịp bước cùng thời đại.

Ngày 4 - 5/8/2009 tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay”. Tham luận tại hội thảo của các nhà nghiên cứu: Phong Lê, Trần Đình Sử, Mai Quốc Liên, Phương Lựu, Huỳnh Như Phương, Tô Ngọc Thanh, Phan Trọng Thưởng, Nguyên An, Nguyễn Văn Dân, Thành Duy, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Đăng Điệp, Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Ngọc Hiến,… đã luận giải tính dân tộc và tính hiện đại từ nhiều góc độ. Khảo sát 48 tham luận tại hội thảo, có thể thấy những vấn đề lớn được các nhà nghiên cứu quan tâm là: a/ Những cách tiếp cận và nhận thức mới về tính dân tộc và tính hiện đại, mối quan hệ giữa chúng xét trên bình diện lý luận; b/ Nhận thức về phương thức xử lý mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong sáng tác; c/ Cách nhận thức, cách làm và kinh nghiệm của một số nước trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại; d/ Đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm kết hợp hài hòa, giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong quá trình xây dựng nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đào sâu nhận thức xung quanh khái niệm dân tộc và hiện đại các nhà nghiên cứu thống nhất coi tính dân tộc (bản sắc dân tộc) chứa đựng cái “gốc” tạo nên những nét riêng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tính dân tộc là tinh thần, tính cách dân tộc, ý thức chủ thể dân tộc, hệ giá trị của dân tộc. Nói dân tộc là nói đến giá trị văn hóa, giá trị mang tính bền vững của văn hóa là giá trị dân tộc. Văn hóa giữ cho mỗi dân tộc có gương mặt riêng của mình. Tính dân tộc bao gồm trong nó những giá trị kết tinh thành những tinh hoa, những tinh hoa đó mang tải những giá trị tinh túy của thời kỳ lịch sử khi chúng được sáng tạo - đó là những biểu tượng mà nhìn vào đó có thể nhận ra ngay nó là tính dân tộc của cộng đồng nàọ, nó là minh chứng cho sự sáng tạo của trí tuệ cả dân tộc.

Tính hiện đại thực chất cũng là tính dân tộc hình thành từ truyền thống, mang đặc điểm và giá trị văn hóa truyền thống với những bản sắc độc đáo của mỗi dân tộc, nhưng nó đã được phát triển, hiện đại hóa cho phù hợp với nhu cầu xã hội mới. Tính hiện đại là sự thay đổi hệ hình tư duy, hệ thống giá trị, sự hình thành một giai đoạn văn hóa mới trong đời sống dân tộc và nhân loại, tùy theo bối cảnh của mỗi nền văn hóa mà tính hiện đại có nội dung khác nhau. Tính hiện đại trong văn hóa văn nghệ thể hiện với sự đổi thay về chất lượng và có ảnh hưởng rộng, chịu được thử thách bởi thời gian.

Như vậy khái niệm dân tộc và hiện đại được các nhà nghiên cứu hiểu rộng, có độ mở hơn so với quan niệm trước đây cho rằng tính dân tộc như là biểu hiện hình thức, tính dân tộc là phạm trù khép kín, bản sắc bất biến còn hiện đại là những gì phủ định, gạt bỏ truyền thống.

Trong Báo cáo đề dẫn hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng trong lý luận nghệ thuật còn có những ý kiến phiến diện khác nhau về tiếp biến văn hóa. Loại ý kiến thứ nhất nghiêng về bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, dè dặt trước yêu cầu hiện đại hóa, vô tình làm chỗ dựa cho sự trì trệ chậm đổi mới. Loại ý kiến thứ hai nghiêng về xu hướng nhân loại, quay lưng lại với văn hóa dân tộc, thậm chí cho rằng bản sắc dân tộc đang cản trở chính xu thế hội nhập. Luận giải hiện tượng này, Trần Đình Sử phê phán: “Những cách đặt vấn đề như vậy đều có tính siêu hình và chưa hiểu mối liên hệ khăng khít không thể tách rời của hai phạm trù tính dân tộc và tính hiện đại (12). Ông xác quyết: “Tính dân tộc luôn luôn là động lực bên trong của tính hiện đại và tính hiện đại là hệ giá trị, phương hướng nâng cao tính dân tộc (…), tính dân tộc và tính hiện đại không phải là xung đột nhau, loại trừ nhau mà gắn kết nâng đỡ nhau, thúc đẩy nhau. Tính hiện đại trong một nền văn học phải là tính hiện đại của dân tộc, và tính dân tộc phải là tính dân tộc hiện đại (13). Đồng tình với Trần Đình Sử, Hà Minh Đức cũng cho rằng: “Tự mình mỗi dân tộc phải phát triển yếu tố nội sinh về văn hóa cùng với những giao lưu tiếp nhận những giá trị tinh thần của thời đại” (14).

Có thể thấy tuy quan điểm, cách tiếp cận, luận giải khác nhau nhưng phần lớn ý kiến của các nhà nghiên cứu thống nhất không xem tính dân tộc và tính hiện đại là hai phạm trù đối lập nhau, cái này cản trở, triệt tiêu cái kia mà hỗ trợ bổ sung cho nhau tạo thành chất lượng phát triển văn học nghệ thuật. Tính dân tộc và tính hiện đại tuy hai mà là một. Tính dân tộc qua các thời đại luôn được phát triển, bổ sung nhân tố mới được chắt lọc từ chính dân tộc và từ các nền văn hóa bên ngoài tạo thành tính dân tộc hiện đại của mỗi thời đại. Chính vì thế, tính dân tộc trong hiện hữu và phát triển của mình đã hàm chứa tính hiện đại. Đặt vấn đề dân tộc trong tương quan với vấn đề quốc gia và quốc tế là nét mới của tư duy lý luận tại hội thảo này nói riêng và suốt tiến trình đổi mới lý luận văn học nước nhà nói chung.

3. Tính dân tộc và tính hiện đại đã, đang, và sẽ tác động sâu sắc đến nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Việc lý luận văn học đổi mới tư duy, tiến đến sự khẳng định mối liên kết, thống nhất biện chứng giá trị của hai khái niệm trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo cơ sở vững chắc, hướng đến mục tiêu phát triển nền văn học nghệ thuật phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nghệ thuật vì lợi ích của quốc gia và nhân loại, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới.

 

----------------------------

Chú thích:

(1). Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Đại học Quốc gia, H., 2004, tr.289.

(2). Phương Lựu, Lý luận phê bình văn học, Nxb. Đà Nẵng, 2004, tr.281 

(3). Nhiều tác giả, Về lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật trong công cuộc đổi mới, (Nguyễn Duy Bắc tuyển chọn), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2001, tr.26 

 (4). Bộ Chính trị (2008), Nghị quyết số 23-QĐ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, (7), tr.3-9.

 (5). (6). Trần Đình Sử, Lý luận và phê bình văn học, Nxb. Giáo dục Hà Nội, H., 2000. tr.219; 224.

Trần Đình Sử, Lý luận,...sđd, tr.219; 224.

 (7).  Hà Minh Đức (chủ biên), Lý luận văn học, Nxb. Giáo dục, H., 1996, tr.73. 

(8), (9), (10).  Phương Lựu, Lý luận văn học Mác - Lênin, Nxb. Giáo dục, H., 2006, tr.278, 364.

 (11), ( 12), (13), (14).  Nhiều tác giả, Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay (Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc do HĐLL - PB VNNTTW tổ chức tại Hội An, 2009), tr.239. 239, 240, 89.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *