Những giai thoại văn chương (2)
BINH BA LÀ ANH BINH NHÌ
Nhà văn Hồ Phương khi làm báo tờ Quân Tiên Phong những năm 1949-1950 tỏ ra rất tài hoa. Ông vừa là nhà văn, nhà báo lại vừa có thể làm thơ, vẽ tranh. Tranh ông thiên về khắc họa chân dung những người lính “áo nâu” hồn nhiên và ngộ nghĩnh, bộ đội ta thích lắm. Ông thường ký tên dưới những bức tranh đó là HOP, tức là chữ Hồ Phương rút gọn… Những năm sau này, khi làm tờ Văn nghệ quân đội, ngoài bút danh Hồ Phương ra, ông còn ký bằng các bút danh khác như P.V, Tê Hoa. Một dạo ký là Binh Ba. Có người hỏi, tại sao tướng lại ký là Binh Ba? Ông cười bảo: “Binh Ba tức là bạn, là anh của Binh Nhất, Binh Nhì. Là bạn, là anh em của nhau viết về nhau thoải mái hơn và có thể anh em lính trẻ cũng dễ đọc hơn”. Quả nhiên những bài viết ngắn, giàu chất hóm hỉnh của Binh Ba đã gây được sự chú ý, tò mò của tuổi trẻ các đơn vị. Ấy thường là những mẩu chuyện vui, nhưng giàu chất thông tuệ.
BUỒN HUNG, THANH TỊNH ƠI!
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Thanh Tịnh hay đến với nhau vì công chuyện - một là Đại tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một là Đại uý Phó chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ quân đội tức là một cấp trên, một cấp dưới. Cũng có nhiều khi hai người đến với nhau vì tình đồng hương, đồng tuế - cả hai đều quê “Bình - Trị Thiên khói lửa”, cả hai đều sinh vào thập niên đầu thế kỷ XX (Thanh Tịnh sinh năm 1911, Nguyễn Chí Thanh sinh năm 1914) Người ta kể rằng, có tối Đại tướng đi bộ từ nhà riêng mãi trên mạn Cổ Ngư, Quan Thánh đến chơi với nhà thơ. Hai người nằm khoèo trên sàn gỗ chuyện trò, tâm sự. Đại tướng nói với nhà thơ:
- Buồn hung Thanh Tịnh ơi. Chiều nay miềng bị mạ mắng.
- Mắng răng? - nhà thơ hỏi bạn
Mạ nói: “Thanh ơi, mi mần đến Đại tướng mà có mỗi một việc đưa mạ về thăm quê mà không mần được!” - Đại tướng xúc động thuật lại.
Thì ra, hai người con xứ Huế - một nhà thơ, một đại tướng không lúc nào là nguôi nhớ về quê hương đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Bấy giờ có câu: “ngày bắc, đêm nam” là vậy
CAO HỔ CỐT, VŨ BA LÊ
Hàng năm, cứ vào dịp áp Tết là những anh em văn hóa văn nghệ công tác ở các cơ quan dọc đường Lý Nam Đế lại kéo nhau đi dạo chợ hoa Hàng Lược. Sắm sanh thì ít nhưng ngắm nghía thì nhiều. Một năm, Trần Nhương cùng với mấy cây bút trẻ khác của Văn nghệ quân đội vừa vào cổng chợ đã thoáng thấy nhà văn Vũ Sắc co ro trong bộ đại cán bạc màu đang ngắm nghía một cành đào cùng với anh Cao Hùng (cũng là cán bộ biên tập của nhà xuất bản Quân đội). Tức cảnh sinh tình, Trần Nhương vừa chỉ tay cho mấy người bạn cùng đi vừa ngâm nga:
Cao Kính, Cao Hùng, Cao... hổ cốt
Vũ Lai, Vũ Sắc, Vũ,.. Vũ...
Đang bí vần thì một anh bạn đi cùng đế luôn: Vũ ... Vũ ba lê. Trần Nhương tâm đắc lắm.
NGÔ VĨNH BÌNH