Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội, thách thức và hy vọng
Minh họa (ảnh Internet)
Bởi theo tôi, chuẩn mực về cái Hay không còn duy nhất, đơn điệu nữa. Công chúng thường đánh giá tác phẩm đa chiều, đôi khi trái ngược nhau. Cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội cũng không nằm ngoài thách thức đó. Mới đi được nửa cuộc thi, nhìn lại các thi phẩm được giới thiệu trên tạp chí này, tôi có tâm trạng vừa mừng, vừa lo.
Điều mừng đầu tiên là sự hưởng ứng thật nhiệt tình của bạn viết, bạn đọc xa gần. Tính đến thời điểm này đã có hàng nghìn tác phẩm dự thi; gần 500 bài của hơn 100 tác giả được giới thiệu trên 25 số Tạp chí Văn nghệ quân đội. Vui là có không ít nhà thơ nhà văn đã thành danh như Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Đức Lợi, Cao Hạnh, Nguyễn Phan Quế Mai, Đặng Hiển, Phạm Trọng Thanh, Nguyễn Minh Khiêm, Du An, Phạm Vân Anh, Nguyễn Quang Hưng, Lưu Thị Bạch Liễu, Thụy Anh, Ngô Kim Đỉnh, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thánh Ngã, Phan Trung Thành, Hồ Minh Tâm, Bình Nguyên…bên cạnh các cây bút mới, tác giả trẻ và rất trẻ như Viễn Hải, Lê Quang Trạng, Hoàng Anh Tuấn, Ngô Thanh Vân, Kai Hoàng, Khương Thị Mến, Lê Vi Thủy, Đỗ Tấn Đạt, Ngô Liêm Khoan, Lê Quang Trạng…tham gia cuộc thi. Mỗi người một vẻ góp vào cuộc thi những mảng đời sống, những khúc tâm tình, những ngẫm suy thật phong phú, thật đa dạng mang nhiều màu sắc, cung bậc bằng thơ.
Cũng như mọi cuộc thi trước đây của Văn nghệ quân đội, chiếm ưu thế và có phần nổi trội là những tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Có thể xem đây là một đặc trưng, một yêu cầu quan trọng của mọi cuộc thi do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức. Điều đó cũng chẳng có gì lạ nếu như không muốn nói đó là tiêu chuẩn số 1 của Văn nghệ quân đội. Nó tạo bản sắc riêng cho các cuộc thi ở Văn nghệ quân đội, dù muốn hay không thì cũng phải quan tâm. Tuy nhiên, viết về chiến tranh và người lính chính là thử thách lớn nhất đối với các tác giả tham gia cuộc thi thơ lần này. Phía trước, đã có nhiều tác giả trong và ngoài quân đội thuộc thế hệ nhà thơ kháng chiến và sau năm 1975 có các tác phẩm ấn tượng về đề tài này. Nói là nói thế nhưng hiện thực cuộc sống (cả quá khứ và hiện tại) quá bao la, nhiều góc độ, lắm tầng nấc để người làm thơ khai thác, sáng tạo bằng niềm xúc cảm mãnh liệt và tâm năng tiềm tàng của mình. Đặc biệt, hình ảnh người lính hôm nay gắn liền với chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng là mảng hiện thực các thế hệ làm thơ đi trước chưa khai thác nhiều. Dù chưa thật mới mẻ, bứt phá nhưng những tác phẩm viết về chiến tranh - người lính hôm qua, hôm nay của Nguyễn Minh Khiêm (Xin về nhận lại), Bình Nguyên (Mộ khói), Vũ Ngọc Thư (Ở ngã ba Đồng Lộc), Phạm Vân Anh (Những người lính áo rêu), Du An (Cây bưởi góc vườn), Nguyễn Minh Đức (Mảnh lược nhôm), Nguyễn Đức Lợi (Những lá thư đêm), Phạm Hồng Thịnh (Gửi đồng đội), Nguyễn Thị Thúy Ngoan (Ngày xuân viếng mộ chồng)…đã gây được hiệu ứng tốt cho bạn đọc.
Tôi muốn nhấn mạnh hơn những bài thơ viết về biên giới, biển đảo bởi đây là tình yêu sâu sắc nhất, xoáy xiết nhất trong lòng mỗi người chúng ta bây giờ. Trái tim của chúng ta cũng bão giông khi biển Việt dậy sóng. Chính vì thế, không thể không rưng rưng khi được đọc những vần thơ xúc động chân thực về biển đảo biên cương của Nguyễn Quang Hưng (Cát vọng phu; Điểm tựa; Khúc ca ngư dân), Bình Thanh (Hoa đồng hồ trên đảo Cô Lin), Nguyễn Hưng Hải (Tiếng chuông chùa ở Trường Sa), Hoàng Vũ Thuật (Đảo), Viễn Hải (Giọt máu đào trên hải đồ Tổ quốc), Nguyễn Trọng Văn (Nơi tôi sinh – Hoàng Sa), Lưu Thị Bạch Liễu (Nhớ biển; Những khay rau ở đảo Đá Nam), Nguyễn Thị Mai (X-men lính đảo), Thụy Anh (Tin nhắn)…
Thành công của mỗi cuộc thi, ngoài tôn vinh những tác phẩm xuất sắc còn phát hiện các tác giả trẻ nhiều triển vọng. Trong nửa chặng đường thi hình như đã có những nhân tố mới, tôi xin được nhắc tới Viễn Hải, tác giả sinh năm 1994 đã có chùm bài khá chắc chắn Chuyện tình Long Biên; Cây dâu đảo Lý Sơn và Giọt máu đào trên hải đồ Tổ quốc đã nhắc ở trên cùng với Lê Quang Trạng sinh năm 1996 với Những ngọn nến soi sáng con đường; Góc sân đình; Mộ cỏ. Tôi chú ý tới Hoàng Anh Tuấn với những bài thơ có chất liệu mới mẻ trên nền truyền thống vững bền như Chơi hội chọi dê; Mẹ vợ…
Khắt khe mà nói, thì cho đến hôm nay, có vẻ như những tác phẩm xuất sắc để có thể trao các giải cao của cuộc thi chưa xuất hiện. Những bài thơ mang những phát hiện mới mẻ về cuộc sống, có hàm lượng nghệ thuật cao với tứ thơ độc đáo, hình ảnh thơ gợi cảm, ngôn ngữ sáng tạo…còn được “giấu” kỹ đâu đó chăng?
Vượt qua thách thức với những hy vọng có cơ sở như mấy dẫn dụ chưa đầy đủ tôi vừa nêu trên là cách Tạp chí Văn nghệ quân đội đang làm để đẩy cuộc thi tăng tốc với những bứt phá mới trong nửa chặng còn lại. Thông thường, trong các cuộc thi thì giai đoạn sau mới là thời điểm sôi động, “cạnh tranh” quyết liệt. Biết đâu, có những tác giả đang “ém quân” để chờ tung ra vào thời điểm thích hợp nhất. Biết đâu, nửa chặng đầu cuộc thi với những chuyển động đáng mừng sẽ tạo hứng khởi, kích hoạt sáng tạo mới cho các tác giả. Hy vọng, khi cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội kết thúc và trao giải vào tháng 1 năm 2017, chúng ta sẽ được thưởng thức những tác phẩm Hay viết về chiến tranh cách mạng - người lính và muôn mặt đời thường khác.
Trong dịp này, Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức trại viết tại Đà Nẵng để nâng cao chất lượng tác phẩm cho cuộc thi thơ. Xin giới thiệu một số gương mặt từ trại viết Đà Nẵng.
Viễn Hải
Lính đảo ru con
Lính Trường Sa ru con từ biển trời
Tiếng ru hời hòa tiếng sóng ngoài khơi
À ơi... à ơi... đảo chìm... đảo nổi
Con ngủ ngoan đong đầy giấc môi cười
Khúc hát ru đi qua áng mây trời
Ba gửi về ôm ấp lấy vành nôi
Khúc hát ru hương gió muối mặn mòi
Tiếng ơi à... giữa bờ môi nghẹn đắng
Sóng biển ơi xin vỗ nhẹ nhẹ thôi
Cho lính đảo ru con lấy đôi lời
Cơn gió muối hôm nay xin đừng thổi
Cho đất liền
nghe rõ
tiếng à ơi...
Phạm Trọng Thanh
Gửi sông Tiền
Dòng sông nao nao chân trời tiền duyên
Năm tháng bay vòng cánh chim vần vũ
Em còn giữ cây dầm qua xoáy lũ
Đêm hoả châu sóng lửa quét ngang người
Nghe rao rao gió chướng thổi sao trời
Bông điên điển thả sang mùa nước nổi
Rạch chớp loé vàm xa lắng dội
Chiều tím lục bình xa khuất hạt Nàng tiên
Chân đạp rào gai máu đỏ lòng thuyền
Chiếc bòng nhỏ ngút ngàn lau lách
Câu thơ chạm mạch nguồn trong mát
Nắng sông Tiền chuốt sáng ngọn tầm vông
Ai theo sông về rẫy ăn còng
Thong thả chín những miệt vườn bông trái
Thong thả vỗ nét bình nguyên mềm mại
Trở lại câu hò phía sau vầng trăng
Cây cải về trời con sáo sang sông
Đất nước ngát thơm cơi trầu của má
Người hướng rừng tràm, người trông biển cả
Hỡi bờ xa bãi khuất bạn ta nằm!
Ngược sông Tiền mong đợi bấy nhiêu năm
Mắt ta chạm dải Ngân Hà đồng vọng
Sông là bến của dòng chiều lồng lộng
Ở phương này mây trắng cũng vừa bay...
Nguyễn Minh Đức
“Người thợ dệt” non sông
Ngày đó…
Hà Nội mùa đông
Bác về làng lụa(*)
Căn gác canh khuya
Mắt Người - ánh sao khuê
Dệt chữ!
Người “dệt” lời hịch non sông!
“- Hỡi đồng bào… tôi nói nghe rõ không?
- Chúng ta muốn hòa bình… nhưng thực dân Pháp càng lấn tới…”
Cả nước sục sôi theo lời Người gọi
Bước vào cuộc trường chinh
Hà Nội ra đi oai hùng
Như từng “vườn không nhà trống”
Hào khí Đông A cuộn sóng
Chín năm kháng chiến trường kì
Hà Nội trở về ngày giải phóng
“Bút dệt” của Người đồng vọng tiếng thoi xưa
Vi Thùy Linh
Cơn mưa X
Đâu cần nói ra “Anh yêu em” kèm đóa hồng nhung đỏ
Em không thích hoa hồng
Sải chân dài khép lên nhau hình chữ X
Mình cùng vào mơ
Lúc nào cũng nhớ thương
Ta nuôi nhau trong ngực
Em muốn thức và lịm, thèm sống và có thể chết
Trong vòng ôm của Anh
Nuôi bao giấc mơ
Nơi vầng ngực ấy
Trước các ngả đường của thực tế - ảo ảnh
Em thuận theo đường Anh
Ôm nhau biết khi nào thỏa
Dịu lại nhờ cơn mưa bất chợt
Tham tiếc sống để tặng, dâng
Mỗi thân phận đều đến đích Chết
Hãy thanh thản nhận vòng đời tự nhiên
Đối lập, nghịch lý, mâu thuẫn, tai ương
Ta chịu trải, hóa giải
Một vòng đời cần nhu thuận
Sáng và đêm
Chỉ cần mưa môi
Trần gian quên thời
Thế giới tự dừng lời
Sa mạc rát bỏng tỉ linh hồn
Trái đất lại thất tình quay cuồng
Riêng Anh và Em
Chậm trong cơn X
X quang thế giới bằng cảm xúc niên đại
X quang cơ thể bằng năng lượng đầy
X cắt mọi ngã tư thành phố
Trận môi thuận đắm
Hai người măng thơ...