VẤN ĐỀ XỬ LÍ THỜI GIAN TRONG TIỂU THUYẾT KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ CỦA TRẦN NHƯƠNG
Nhà văn Trần Nhương và cuốn sách mới xuất bản
Tất nhiên hai cuốn sách này ở hai lĩnh vực, cấp độ khác nhau nhưng nó lại có một điểm chung đó là bút pháp diễu nhại hài hước. Thời Xéc văng tét thị trường sách tràn ngập tác phẩm văn chương các loại kể về kị sĩ với các chiến công kì lạ làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị hiếu người đọc, nhất là giới trẻ. Vì thế Xéc văng tét nẩy ra ý định viết cuốn tiểu thuyết để diễu cợt thứ tiều thuyết kị sĩ này. Nhưng với thiên tài trong sự cảm nhận và bút pháp của mình, Xéc đã viết nên một kiệt tác để đời. Thực trạng thời đại của giai đoạn lịch sử cuối trung cổ thoát thai ra thời trung đại với những bi, hài kịch về thời đại và thân phận con người đã hiện ra trong hình tượng chàng kị sĩ mặt dài- buồn nhân hậu, ảo tưởng đi tìm người đẹp là nàng Đun Xi nê lý tưởng và đánh nhau với cối xay gió. Còn cuốn tiểu thuyết lấy năm chữ K đặt cho đầu đề của Trần Nhương lại là sự diễu nhại về một thực tế xã hội đáng bị lên án được khu biệt và cá tính hóa thông qua lĩnh vực văn chương.
Cùng với cuốn tiểu thuyết “Phùng Vương” của Phùng Văn Khai tiểu thuyết có tên bằng năm chữ K đầu là hai tiểu thuyết đương đại kết cấu theo hình thức chương hồi cổ điển đã thành danh với “Hoàng Lê nhất thống trí”và xa hơn nữa với hàng loạt tuyệt tác của tiểu thuyết chương hồi Trung hoa cổ với “Hồng Lâu Mộng”, “Thủy Hử”,”Tam quốc”...
Với Phùng Văn Khai thì kết cấu chương hồi là thủ pháp cốt lõi được tôn trọng một cách nghiêm nhặt để chuyển tải câu chuyện về một nhân vật sử có thật trong lịch sử. Mỗi hồi có đầu đề là đôi dòng biện ngẫu cố gắng nghiêm chỉnh về luật, về câu chữ tóm tắt sự việc được mô tả trong từng chương. Còn với Trần Nhương thì kết cầu chương hồi chì là cái cớ để tạo không khí diễu nhại, gây cười. Cách đặt chương hồi chỉ còn là phương tiện mà nhà văn họ Trần không mấy tuân theo một cách nghiêm nhặt. Thậm chí có lúc vì mải chạy theo chuyện kể tác giả còn quên cách viết khuôn mẫu “xem hồi sau sẽ rõ “để thay bằng cầu”xin chờ đọc chương sau”. Điểm khác nữa về mặt hình thức ở hai cuốn tiểu thuyết chương hồi này còn ở chỗ. Mỗi hồi của Phùng Khai rất dài và nội dung tả trong các hồi thì lại là lối viết tiểu thuyết hiện đại. Cuối mỗi hồi không có hai câu thơ kết tóm tắt, hay bình sự kiện xẩy ra. Còn kết cấu chương hồi trong 5 K rất lỏng lẻo nhưng nó lại tôn trọng tương đối nghiêm cẩn cách hành văn của tiểu thuyết chương hồi từ lối văn thuần túy kể sự việc theo lối trần thuật đặc trưng mô tả dẫn dắt câu chuyện giả cổ theo trình tự thời gian khiến tốc độ câu chuyện nhanh, đến việc luôn có hai câu thơ Hán Việt để kết cùng lời mồi hình thức kiểu như “muốn biết vì sao câu chuyện lại nghiêm trọng như vậy, xin xem phần sau sẽ rõ”.( trang 18)
Lại nói đến phong vị giả cổ trong tiểu thuyết 5K đã khiến tiểu thuyết của Trần Nhương gần với “chuyện tình người điên”( CTNNĐ) của Nguyễn Hiếu( kẻ viết bài này). CTNĐ về hình thức giống như tiểu thuyết lịch sử với khung cảnh, nhân vật nhưng triều đại mô tả trong CTNĐ lại không hề có trong lịch sử. Tiểu thuyết 5 K cũng có hơi hướng, phong vị tiểu thuyết dã sử nhưng cái lạ của cuốn tiểu thuyết của Trần Nhương lại mô tả những chuyện nhặt được trong giới văn nghệ đương đại được khoác lên tấm áo giả cổ.
Cái khác của hai tiểu thuyết có thể xem là kì lạ và đặc thù nhất trong nền tiểu thuyết đương đại này là. Nếu CTNĐ tràn đầy chất anh hùng ca và huyền thoại mang chất phổ cập nhân loại (sự xung đột của bản năng và lý trí. Mâu thuẫn giữa tiến trình lịch sử và ý thức chủ quan của các nhà lãnh đạo) thì tiều thuyết 5 K của Trần Nhương lại tràn ngập chất hài và chất tiếu lâm sinh ra từ những câu chuyện lượm lặt mang đầy chất nhân thế và thời cuộc trong thực trạng của đất nước ta trong giai đoạn “cười ra nước mắt này”.
Đọc tiểu thuyết 5K của Trần Nhương, tôi không mấy đồng tình khi ông dành nhiều tình cảm cho hai nhân vật được tác giả phiếm chỉ là có lý lịch là hậu duệ của hai nhà phê bình văn học cổ người Hán là Mao Tôn Cương và Kim Thánh Thán, đó là Mao Tôn Úc và Kim Thánh Phán. Tôi cũng thấy rõ sự bất nhất khi ông thay đổi sự mô tả cũng như thái độ của tác giả được bộc lộ khi ở những chương đầu Mao Tôn Úc là một văn nhân bị xua đuổi bởi cường quyền nhưng cuối cùng lộ nguyên hình là một gã do thám-gián điệp bẩn thỉu dùng kế khổ nhục, nằm gai nếm mật để leo sâu, trèo cao. Nhưng đứng về nghệ thuật tiểu thuyết,thì có thể nói 5K đã thành công trong bút pháp nghệ thuật.
Thành công đầu tiên của 5K phải nói đến bút pháp chủ đạo được xử dụng có chủ ý và tương đối thành công đó là giọng điệu hài hước và trào lộng. Giọng điệu này bao phủ toàn bộ tiểu thuyết xinh xắn này với 227 trang in khổ 12x20. Giọng điệu hài được Trần Nhương dụng tâm xử dụng từ cách đặt nhan đề, tên nhân vật cách mô tả nhân vật cho đến các câu chuyện, chi tiết mô tả. Lớn và bao phủ hơn cả như phần trên chúng tôi đã đề cập đó là không khí, không gian giả cổ được xử dụng một cách công phu làm nền cho sự diễu nhại từ đó tạo ra hiệu quả của hài hước và châm biếm. Nói đến thủ pháp này không thể không nhắc đến sự uyên bác và kiến thức văn học cổ của nhà văn Trần Nhương đã trở thành phương tiện cứu cánh tạo nên sự chân xác của tính cách nhân vật, không gian cần mô tả, mô phỏng. Có thể nói với bút pháp hài hước, gây cười khá thành công ở tiều thuyết 5K của Trần Nhương đã có công lớn cứu cho nền văn học đương đại Việt nam đỡ đơn điệu vì quá thiếu nếu không muốn nói là trống vắng các tác phẩm hài hước trong một thực tế xã hội tràn đầy những nhân vật , sự việc gây cười, đủ sức làm nguyên mẫu cho các tác phẩm hài hước nhiều cung bậc.
Thành công thứ hai mà theo tôi thành công này của tiểu thuyết 5K của Trần Nhương là quá lớn và có thể trở thành một sáng tạo điển hình trong bút pháp tiểu thuyết của nền văn học đương đại. Đó là chính là việc xử lý thời gian trong tiểu thuyết.
Khởi thủy của việc xử lý thời gian là bút pháp tuần tự như tiến y hệt như thời gian đang diễn ra ngoài đời. Việc xử lý này có thể tóm tắt một cách hài hước như sau”thằng bé sinh ra. Thằng bé lớn lên. Trường thành. Lập gia đình, Sinh con đẻ cái.Già đi. Rồi chết”. Bút pháp này có thể xem các chuyện nôm khuyết danh của ta làm điển hình. Cách xử lý thứ hai là phương pháp đồng hiện. Đó là sự chồng chéo của sự việc đang xẩy ra và sự việc trong quá khứ thông qua trí tượng tượng của tác giá, trí nhớ, cảm xúc của nhân vật. Trong tiểu thuyết “con ngố”( NXBLĐ 2007), “Tình nhân “( NXBHN 200)“mặt nạ để đời”( NXBCA 2011)...Tôi đã xử dụng cách xử lý này. Cách xử lý thời gian dựa trên dòng suy tưởng triền miên của nhân vật mà các nhà chuyên môn gọi là phương pháp “dòng thời gian” bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỉ 20 mà tiêu biểu là “đi tìm thời gian đã mất”của Mác xen Pruts mà gần đây các nhà văn theo trường phái hiện đại, hậu hiện đại ưa dùng. Truyện vừa “lâu đài” của Kápka là tiêu biểu cho phương pháp cho biến đổi của phương pháp “dòng thời gian”.
Còn với tiểu thuyết 5K của Trần Nhương thì sự xử lý thời gian của ông quả là một sáng tạo mà tôi chưa biết đặt tên chính xác ra sao. Với một phong vị giả cổ, với bút pháp tiểu thuyết chương hồi, cùng với các nhân vật cũng khoác trang phục ngữ điệu cổ ngay từ lúc vào chuyện thời gian trong tiểu thuyết 5K của Trần Nhương đã được phiếm chỉ là trong thời cổ.Nhưng ở giai đoạn nào: cổ đại, trung đại hay cận đại thì hầu như tác giả không muốn và người đọc cũng ngay lập tức bị cuốn vào câu chuyện của một thời đại không được xác định.Trang Web của Trần Nhương ai đọc cũng phải thừa nhận đó là sự thượng thặng của một tay nghề. Tác giả luôn luôn đi trên sợi dây giữa sự phê phán và phản ảnh một cách vững vàng và an toàn. Trong tiểu thuyết 5K ranh giới thời gian cũng bị xóa đi và được làm xiếc như vậy. Người cùng thời với tác giả biết trong trang phục của cái áo thời đại cổ xưa Trần Nhương đang phản ảnh những sự việc đương đại với một cái cười nửa miệng. Độc giả tương lai chắc chắn cũng nhận ra ý đồ này của tác giả nếu họ đọc tài liệu báo chí ,tư liệu nói về thời chúng ta. Để làm mất và hình như cố tình xóa đi ranh giới cụ thể của thời gian, mặc dù sự việc đang xẩy ra với những nhân vật, hoàn cảnh như cổ nhưng với nhân vật Nhương Tác nghiệp, những cảnh làm tình được mô tả một cách hiện sinh giữa Nhương Tác nghiệp và cô thôn nữ ( trang 141), giữa Mao Tôn Úc và Đàm Linh ( trang 151,163) cùng những từ hiện đại “Trần Nhương chấm con”( trang 9), xóm Khâm Thiên (trang 142).Rồi đối thoại nhân vật của Trần Nhương viết theo giọng hiện đại ”tôi xin chu cấp...mỗi tuần..xuống Khâm Thiên hoặc Đồ Sơn mua vui một lần,ăn mặc tiêu pha tôi lo từ A đến Z...”( trang 93)...đã khiến ranh giới các thời đại bị xóa nhòa. Cái áo thời cổ biến mất để hiện ra thực trạng đương đại.
Các nhà lý luận thường nói “mượn cổ nói mới”còn với thủ pháp xử lý thời gian linh hoạt như trong tác phẩm 5K, tiểu thuyết gia Trần Nhương đã sáng tạo, cống hiến khiến mục tiêu phê phán của ông đã có một bút lực mạnh mẽ mà không cần đến một sự ngụy trang nào về thời gian, cốt chuyện .