Văn học với đời sống

15/4
7:23 PM 2016

Tiếng nói nhà văn: Trồng rau để ăn và trồng rau để bán

THẠCH QUỲ - Hôm nay đã sang tháng 3 âm lịch. Thế nhưng, trên bàn thờ nhà tôi, những quả dưa, quả táo, quả lê… bày trên mâm ngũ quả từ bữa tết tới nay vẫn tươi nguyên, trông rất ngon lành, ngỡ như mới hái từ vườn đem vào, không khô héo, không thối rữa.

                                                                                     Nhà thơ Thạch Quỳ (ảnh: Internet)

Mấy người hàng xóm sang chơi, chặc lưỡi khen người bán hoa quả ngoài chợ một cách mỉa mai là “tài thật”! “Tài thật” đấy, những quả dưa, quả táo này có thể để trên bàn thờ 6 tháng, có khi kéo dài cả năm mà vẫn không thối, không hỏng!

Tôi có một khu vườn ở huyện Quỳnh Lưu đang cho người dân sở tại mượn đất để sản xuất rau quả, bởi thế mà tôi biết khá nhiều chiêu thức làm ăn của người dân ở đây. Họ liên tục phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và các loại hóa chất khác lên các luống rau, quả, bất kể thời gian, bất kể liều lượng. Người ta trực tiếp phun suyn-phát đồng, châm thuốc độc 24D vào từng cái hoa của từng cây cà chua, không sót một hoa nào. Kết quả là mỗi cây cà chua cho thu hoạch từ 5kg đến 1 yến quả. Quả cà chua cũng được thu hái khi đang xanh, thậm chí là đang non rồi đem ủ đất đèn, ủ hóa chất cho chín vàng, chín đỏ, trông rất hấp dẫn, rất bắt mắt. Theo cách sản xuất đó, một sào cà chua người nông dân có thể thu được hàng chục tấn quả. Nếu cắt đôi quả cà chua ra thì, hoặc là quả cà chua không hề có hạt, hoặc là hạt quả cà chua lầy nhầy, xanh lét, xanh y xì như màu xanh của suyn-phát đồng. Những quả cà chua như vậy, tất nhiên, chẳng bao giờ người sản xuất ra nó dám đưa vào bữa ăn của gia đình họ.

Cũng như vậy, họ mua đủ các loại thuốc hóa học theo sự bày vẽ của người bán hàng ở ngoài chợ để phun vào những cây bắp cải, xu hào, mướp đắng… Có nhiều ruộng bắp cải sau buổi chiều phun thuốc, ban đêm lá cuốn rào rào. Tôi không nói ngoa đâu, ban đêm, nghe tiếng động bắp cải cuốn lá rào rào trên ruộng, đàn chó cả làng thi nhau sủa váng lên! Chỉ vài ngày sau cuộc phun hóa chất, những cái bắp cải trên ruộng đã nở ra và cuộn chặt lại xanh biếc như những quả bưởi to đùng.

Tất nhiên, những thứ bắp cải đó người sản xuất ra nó cũng không ăn.

Người nông dân không ăn xu hào, bắp cải, cà chua, mướp đắng, rau mùi, rau thơm, đậu đỗ… do chính tay họ sản xuất. Đó là sự thật.

Ở khu vườn của tôi ngoài ấy, có những khoảnh đất nho nhỏ, các gia đình tự trồng riêng các loại rau quả cho mình sử dụng. Sản xuất rau quả để bán và sản xuất rau quả để ăn là hai việc khác nhau, hiện tại người nông dân đang thực hiện trong những khu vườn của họ. Đó cũng là sự thật.

Có câu chuyện kể rằng, một người nông dân gánh rau quả ra chợ bán, đến tận chiều, rau quả chưa bán hết,  anh ta ném tất cả vào thùng rác. Người ta hỏi anh ta: Sao bác không đem rau quả ấy về cho bò và lợn ăn? Anh ta trả lời: Đem những thứ rau quả ấy về cho bò, lợn ăn để chúng nó chết hết đi à? Thế đấy, người nông dân biết rất rõ, những thứ rau quả họ đem ra chợ bán là vô cùng độc hại. Biết nhưng họ vẫn làm. Rõ ràng, cuộc thử thách giữa lương tâm, đạo đức của con người và lợi nhuận của hàng hóa trên thị trường đang là vấn đề rất nhức nhối hiện nay.

Làm thế nào để chấm dứt việc vừa trồng rau để ăn lại vừa trồng rau để bán trong chính một khu vườn của người nông dân?... Tất nhiên, biện pháp đầu tiên phải là biện pháp tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy lòng tốt, rèn dũa lại lương tâm vốn có trong đáy sâu tâm hồn của người nông dân. Một lần nữa, câu nói của người xưa, sinh thời Bác Hồ thường vận dụng “cái gì mình không muốn thì đừng làm cái đó cho người khác” phải được đề cao, coi trọng. Phải làm sao để toàn dân nhớ, thuộc và thực thi câu nói của Bác trong đời sống thường nhật của mỗi người.

Ngày nay, chúng ta có hệ thống chính quyền, đoàn thể, có hệ thống cán bộ y tế, cán bộ khuyến nông đến tận xóm xã, đến từng đội sản xuất. Đó là thuận lợi lớn, cần được phát huy để bà con giúp đỡ nhau, giám sát lẫn nhau trong việc sản xuất thực phẩm  sạch, chống lại những thói quen sản xuất thực phẩm mất an toàn.

Ngoài ra, chúng ta cần giúp bà con hiểu pháp luật, tuân thủ pháp luật hơn nữa trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa cần bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước mắt, chúng ta cần tổ chức một đợt tuyên truyền rộng rãi, làm sao cho mọi người nắm được nội dung các điều khoản về an toàn thực phẩm được quy định trong Bộ luật Hình sự mới được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7 sắp tới. Cụ thể là :

- Người bán, người cung cấp thực phẩm mà biết rõ thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

- Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng làm chết 1 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỉ lệ tổn thương sức khỏe 61% trở lên thì bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 3 đến 7 năm.

- Làm chết 2 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người với tỉ lệ tổn thương sức khỏe 61% trở lên, phạt tù từ 7 đến 15 năm. Làm chết 3 người trở lên, phạt tù từ 12 đến 20 năm.

Với biện pháp tích cực tuyên truyền, vận dung các tổ chức chính quyền, đoàn thể để giám sát, đồng thời các cấp, các ngành có trách nhiệm thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, chúng ta tin rằng, nạn sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn chắc chắn sẽ bị đẩy lùi.

Và vì vậy, việc trồng rau để ăn và trồng rau để bán trên các thửa ruộng của người nông dân cũng cần được chấm dứt, càng sớm càng tốt.n

(Nguồn: Báo Văn Nghệ-HNV)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *