Dưới dấu hiệu một nền văn hóa hòa bình
ảnh minh họa- nguồn: Internet
Mọi cuộc chiến tranh - mọi cuộc xung đột - đều có người thắng kẻ thua. Nay tất cả các bên đều có nguy cơ thua thiệt. Chiến tranh trở thành vô nghĩa. Từ đó, một cách hầu như không thể nhận thấy, văn minh chiến tranh chuyển sang văn minh hoà bình, không phải bằng sự bừng tỉnh của đạo đức mà do sợ hãi sức mạnh mà kỹ thuật huỷ diệt nay đã nắm trong tay. Nền văn hoá hoà bình sẽ sinh ra không phải từ sự khôn ngoan của con người mà từ sự nguy khốn không cùng của con người. Chính tại bước ngoặt đó - theo tôi có lẽ là bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử loài người - hệ thống Liên hợp quốc đã được thiết lập.
Liên hợp quốc đề ra mục đích mở rộng diện hợp tác đến tất cả các quốc gia và nhiều lĩnh vực của hoạt động trí tuệ, xã hội, kinh tế và nhân đạo. Liên hợp quốc là cơ quan chính trị của hệ thống đó, được bổ sung bằng một loạt tổ chức quốc tế, cơ quan, chương trình, ngân quỹ và uỷ ban: UNESCO cho giáo dục, khoa học và văn hoá; WHO (Tổ chức y tế thế giới) cho y tế; UNICEF (Quỹ nhi đồng quốc tế) cho trẻ em; ILO (Tổ chức lao động quốc tế) về những vấn đề liên quan đến lao động; HCR (Văn phòng Cao uỷ LHQ về người tị nạn) cho việc giúp đỡ những người tị nạn; FAO (Tổ chức lương nông) cho vấn đề lương thực và nông nghiệp, v.v...
Cố nhiên, những thành công lớn nhỏ, những thành tựu vang dội ít hay nhiều, những thiếu sót hoặc thất bại của hệ thống Liên hợp quốc đều phụ thuộc chặt chẽ ở khả năng thoả thuận được với nhau giữa những nước có nhiều thế lực nhất để nguyện vọng dung hoà vượt được lên. Nếu có những nhân tố thuận lợi đó thì gia đình Liên hợp quốc có thể triệt để khai thác động lực của sự hợp tác đa phương và thúc đẩy việc cùng nhau đề ra những giải pháp không thể tìm được một cách riêng rẽ.
Theo tôi, đó là ý nghĩa đích thực của hoạt động của Liên hợp quốc, Liên hợp quốc tồn tại để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thuộc về cùng một giống loài duy nhất, sinh sống trên cùng một hành tinh duy nhất. Chúng ta sẽ ra sao nếu như một ngày nào đấy chúng ta quên mất điều đó?
Unesco tất nhiên không có chức năng can thiệp vào các quá trình sáng tạo, mà là khuyến khích tạo ra những điều kiện trong đó các hoạt động văn hoá có thể phát triển và đâm hoa kết quả. Nhưng trước hết, ta phải phân biệt những nghĩa khác nhau của từ văn hoá mà đôi khi người ta lẫn lộn.
Ban đầu, người ta nói đến văn hoá để đối lập nó với thiên nhiên, để phân biệt loài người kẻ sáng tạo với loài vật chỉ biết tuân theo các quy luật tự nhiên. Từ văn hoá cũng đã được dùng để phân biệt giữa lao động giáo dục trí óc và lao động chân tay sản xuất hàng hoá. Nhiều định nghĩa khác nhau về văn hoá đã được nêu lên, có cái rộng, có cái hẹp. Đối với một số người, văn hoá chỉ bao gồm những kiệt tác tuyệt vời trong các lĩnh vực tư duy và sáng tạo; đối với những người khác, văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Cách hiểu thứ hai này đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hoá, họp năm 1970 tại Venise. Đến năm 1982, một Hội nghị thứ hai, gọi là "Mondiacult" đã phê chuẩn cách tiếp cận "tích cực" đó đối với văn hoá.
Trong hệ thống Liên hợp quốc nơi cùng tồn tại các triết học khác nhau, các cơ sở để thoả thuận với nhau là các cơ sở hoạt động, một hoạt động tất nhiên tuân theo những nguyên tắc chính được lấy làm nền móng cho toàn thể hệ thống Liên hợp quốc.
Những định nghĩa là những điểm xuất phát. Và trong hoạt động văn hoá, điểm xuất phát duy nhất có thể có là thừa nhận tính đa dạng, tôn trọng tính đa dạng đó - nó là hình thức sơ đẳng của sự tôn trọng nhân phẩm của các cá nhân trong các nền văn hoá khác nhau. Cụ thể hơn, có thể nói rằng mỗi người là một cá nhân đơn nhất về sinh học và xã hội - văn hoá, và thừa nhận tính đơn nhất ấy là điều kiện không thể thiếu để hiểu biết lẫn nhau. Song nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là trong tất cả các nền văn hoá, mọi thứ đều giá trị như nhau và ta không thể vượt qua những đặc thù văn hoá. Là sản phẩm của một lịch sử, mỗi nền văn hoá không phải là những thực thể không thể động đến. Là sản phẩm của một lịch sử, mỗi nền văn hoá đều có những ánh sáng và bóng tối của nó, có sự cao cả vĩ đại của nó, có những dà vươn lên tới cái trác tuyệt, những ước mơ về tình hữu ái, nhưng cũng có những khuynh hướng kém tích cực. Vai trò của chúng tôi là kêu gọi cái tốt đẹp nhất của mỗi nền văn hoá, cái đi theo hướng hoàn thiện nhất của con người - và cái đó đương nhiên sản sinh ra một tinh thần hoà bình.
Qua đa nguyên tôn giáo làm nổi lên những gì nhích gần con người lại với nhau, nghĩa là những gì đạt tới tính phổ biến trong mỗi nền văn hoá. Muốn làm được như vậy, phải bắt đầu từ chỗ khởi đầu, với ý nghĩ cơ bản là mỗi nền văn hoá - nhiều khi bản thân nó là cái nôi của những nền văn hoá khác - có đặc tính riêng của nó, có dấu ấn riêng của nó trong lịch sử văn minh của nhân loại, có cái dấu ấn bản sắc qua đó nó tự nhận ra mình ở mỗi chặng đường trên quỹ đạo và qua đó thế giới còn lại có thể nhận biết được nó.
Tôi là người xứ Catalina. Tôi yêu tha thiết xứ sở của tôi và ngôn ngữ mà tôi đã dùng để thưa gửi với cha mẹ tôi. Nền văn hoá ấy, kết quả của nhiều thời kỳ văn minh, xác định diện mạo riêng biệt của chúng tôi. Tôi biết rằng chỉ với khả năng phát triển nó một cách không trói buộc tôi mới có thể cống hiến cho sự thống nhất của Tây Ban Nha, cho việc tăng cường tất cả các nền văn hoá dân tộc khác. Trong quá khứ, không biết đến chân lý cơ bản ấy nhiều khi là nguồn gốc sinh ra thái độ khinh miệt các nền văn hoá khác. Trong tương lai, có cơ sở để cho rằng việc bàn bạc với nhau sẽ trở nên dễ dàng hơn vì các dân tộc đã đi đến chỗ hiểu biết nhau, hiểu được các động cơ của nhau, hiểu được cách sống và các thang bậc giá trị của mỗi bên; và sau cùng phát hiện ra rằng vượt lên trên những biểu hiện đặc thù kia, họ có cùng những khát vọng lớn lao chung và những lý tưởng nhiều khi trùng hợp nhau trên những khía cạnh chủ yếu.
Vì lẽ đó, chức năng đầu tiên của Unesco trong lĩnh vực văn hoá tất nhiên là - như ghi trong Công ước thành lập của Unesco - "phát triển và tăng cường các phương tiện liên lạc giữa các dân tộc... nhằm mục đích hiểu biết lẫn nhau hơn và biết đích xác, đầy đủ hơn các phong tục của nhau".
Hoạt động của Unesco trong lĩnh vực văn hoá về cơ bản nhằm đẩy mạnh các cuộc gặp gỡ, các cuộc hội họp giữa các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà trí thức, hoạ sĩ, nhà giáo dục, kiến trúc sư, nhà văn, nhà thơ, của mọi miền và mọi nước, cũng như công bố những bàn bạc và kết luận trong các cuộc gặp ấy. Chính họ là tài sản chủ yếu của nhân loại. Không những họ có thể soi sáng cho chúng ta về ý nghĩa của quá khứ mà còn về và nhất là về những hình thái có thể có trong tương lai. Chính trong sự cộng tác với các tổ chức ngoài chính phủ, các hội nghề nghiệp, các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo mà Unesco xây dựng và thực hiện các chương trình văn hoá của mình.
Tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng công trình hoàn thiện nhất chính là con người; những tác phẩm văn hoá quý báu nhất - đồng thời cũng là bị đe doạ nhiều nhất, chính là các ngôn ngữ thiểu số, các truyền thống truyền miệng, là những khúc ca, điệu nhảy, những phong tục của nhiều nước chưa tham gia dàn đại hoà tấu văn hoá thế giới. Tôi xin nhấn mạnh điều này: đúng như cần bảo vệ quyền tự do cụ thể của các nghệ sĩ, cũng cần bảo đảm sự tồn tại thực sự của nghệ thuật, folklor và văn hoá dân gian. Hai đòi hỏi đó đi song song với nhau.
Unesco đã sẵn sàng hành động ngay khi điều kiện cho phép. Nhưng hoạt động của Unesco về mặt văn hoá còn đi xa hơn cứu vãn các đền đài và di chỉ. Unesco điều hành ba công cụ pháp lý quốc tế có tầm quan trọng hàng đầu: Công ước về việc bảo vệ các tài sản văn hoá trong trường hợp xung đột vũ trang, Công ước về các biện pháp cần tiến hành để ngăn cấm và ngăn cản việc xuất nhập khẩu và chuyển giao bất hợp pháp quyền sở hữu các tài sản văn hoá, và sau cùng là Công ước về di sản văn hoá và tự nhiên thế giới.
Ngoài ra, Unesco còn góp sức vào việc dịch và xuất bản các kiệt tác văn học của nhiều nước, lập danh mục, ghi lại và xuất bản một sưu tập đĩa nhạc có một không hai, ghi lại các bản nhạc chọn lọc của khắp mọi nơi trên thế giới... Ngày nay, ở nhiều nước, sách, đĩa hát, các chương trình phát thanh và truyền hình dành một vị trí ngày một lớn cho các tác phẩm của các nước khác, cho những thực tế và những vấn đề của những khu vực rất khác nhau. Dần dà, nhưng chắc chắn, cái toàn cầu đang đi vào cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng và dễ nhận thấy của công việc của Unesco.
Sáng tạo văn hoá là và chỉ có thể là địa hạt của những cá nhân được hoàn toàn tự do đi theo cảm hứng, lương tâm và tài năng của mình. Không được can thiệp điều gì làm cản trở hoặc kiểm duyệt cái tự do đó. Ngược lại cần phải làm mọi thứ có thể làm để bảo vệ nó và cho phép nó nẩy nở. Có thể nói rằng vị trí dành cho hoạt động của Unesco là ở phía trước và phía sau quyền tự do ấy. Một mặt là để tố cáo những vi phạm có thể có. Mặt khác, là để khuyến khích những điều kiện tối ưu cho công việc sáng tạo của nó.
Rõ ràng, việc tự do lưu thông các ý tưởng và tác phẩm của mọi nền văn hoá là một trong những điều kiện thuận lợi nhất cho sự nẩy nở của sáng tạo, cho việc kích thích tri thức, mở rộng các chân trời và làm phong phú cho nhau các nguồn cảm hứng dành cho mỗi nghệ sĩ. Đồng thời nó tạo điều kiện cho việc hiểu biết sâu sắc hơn những ý nghĩa toàn cầu mà các nghệ sĩ có thể tìm thấy trong nền văn hoá của cộng đồng mình.
Chính những dân tộc láng giềng, những thành phố láng giềng lại khó hiểu nhau nhất - bởi vì họ mặt đối mặt trực tiếp với nhau và mỗi bên có xu hướng khép mình lại trong các truyền thống của mình và khinh rẻ các truyền thống của bên kia. Vì vậy, hiểu biết lẫn nhau không phải là thứ mặc nhiên sinh ra từ các cuộc tiếp xúc chính trị và thương mại đã được thiết lập giữa các dân tộc. Những tiếp xúc này cũng có thể dễ dàng dẫn đến xung đột như dẫn đến thoả thuận, tuỳ thuộc ở chỗ người ta dung dưỡng những phản xạ sợ hãi, hoài nghi và khinh rẻ lẫn nhau, hay là vun đắp khả năng tiềm tàng trong mọi dân tộc biết đánh giá chân lý và cái đẹp từ bất kỳ xuất xứ nào, biết tôn trọng sự đa dạng về ý tưởng và phong cách, tán thành khoan dung, tìm kiếm sự chung sống.
Lấy ví dụ hệ tư tưởng quốc xã. Cớ sao nó đã ghép được vào nền văn hoá Đức? Bằng cách làm hư hỏng những khía cạnh cao đẹp nhất của nền văn hoá đó, chỉ tán dương những khía cạnh ích kỷ. Các thủ lĩnh quốc xã không đếm xỉa đến chủ nghĩa nhân văn của Kant, tính toàn cầu của Goethe, sự quảng đại của Beethoven. Họ đề cao một cách hệ thống sự ưu đẳng chủng tộc và sùng bái bạo lực đến bệnh hoạn, ra sức làm cho đồng bào họ quen với ý kiến cho rằng toàn bộ lịch sử nước Đức tất nhiên dẫn theo hướng đó. Nhằm mục đích ấy, cố nhiên họ cũng đã phải xuyên tạc lịch sử nước Đức bằng cách quy nó lại là một sự đối đầu về chủng tộc; khơi dậy ký ức về những cuộc chiến tranh đã qua, nhấn mạnh mọi chi tiết bôi xấu những kẻ khác mà họ đổ cho trách nhiệm đã gây ra những tai hoạ kế tiếp của nước Đức; qua đó biện bạch cho tất cả những cuộc phục thù trong tương lai. Ngày nay, tất cả những điều đó xem ra thật điên rồ và hão huyền.
Về mặt này, cũng nên nhắc lại một kinh nghiệm mà Unesco đã trực tiếp dính líu. Ngay sau chiến tranh, một trong những nhiệm vụ mà Unesco xúc tiến là xem xét lại các sách dạy sử nhằm tìm ra những chỗ sai sự thực và những nhận định thiên lệch. Tham gia công trình này có các nhà sử học của cả hai phe vừa mới giao chiến với nhau. Họ làm việc với nhiều thiện chí nhưng cuộc thử nghiệm này đã không thành công. Các nhà sử học đó không những bất đồng về cách giải thích các sự kiện mà đôi khi về chính sự tồn tại của một số sự kiện.
Tôi cho rằng lúc bấy giờ thật là quá sớm. Nhưng tác hại ảnh hưởng sâu xa hơn nhiều. Chiến tranh đã cảy trên một thửa đất đã chuẩn bị sẵn. Nó làm há miệng lại những vết thương xa xưa hơn, đào khoét sâu hơn trong những luống mà các cuộc chiến tranh trước đã vạch ra bằng cách thao túng văn hoá và lịch sử. đó cũng là điều đã xảy ra từ bấy đến nay trong nhiều cuộc xung đột khác, cho dù các bên đối đầu đã không đi xa tới mức đề ra một giải pháp cuối cùng.
Chiến tranh có những nguồn gốc sâu xa trong quá khứ của nhiều dân tộc. Muốn trốc nhổ những gốc rễ đó, cần một nỗ lực liên tục và dũng cảm vì chân lý. Tất nhiên các nhà lãnh đạo chính trị kêu gọi đóng một vai trò quyết định trong quá trình này. Nhưng họ không đơn độc. Các nhà triết học, các nghệ sĩ, các nhà điện ảnh và nhà báo đều đóng góp phần mình, một cách có ý thức hay không ý thức, ở chỗ họ khơi gợi sự quan tâm, thái độ tôn trọng, niềm khâm phục đối với văn hoá của các dân tộc khác cũng như của chính họ.
Ở điểm này, Unesco có thể đi đầu làm một công cụ động viên và cổ động trên quy mô toàn thế giới. Cần phải gieo cấy vào trong đầu óc mọi người niềm tin vững chắc rằng trong mỗi người chúng ta đều có một phần quý báu của chân lý... Và không một ai, tuyệt đối không có riêng một ai nắm giữ toàn bộ chân lý. Chính trên đường ranh giới khó khăn giữa hoài nghi và tin tưởng, giữa tôn trọng mình và tôn trọng người khác, là nơi mà ta phải đứng nếu ta muốn phục vụ tự do và thúc đẩy một không khí sáng tạo liên tục.
Trên ngưỡng cửa của giai đoạn mới này trong lịch sử thế giới, mở ra dưới dấu hiệu của một nền văn hoá hoà bình, học vấn và khả năng tiếp xúc với tri thức phải trở thành điều mà tất cả mọi người đều được hưởng không trừ một ai chứ không chỉ là đặc quyền của một số người ở một số nước. Mơ ước của chúng ta là thế đấy. Mơ ước sẽ có một trang mới viết ra bằng một ngôn ngữ mới, một ngôn ngữ được rèn giũa hết ngày này sang ngày khác bởi những công dân tự do trong lựa chọn, thể hiện tư tưởng và sáng tạo của họ không mảy may bị trói buộc. Một ngôn ngữ phản ánh một tâm trạng đích thực yên ổn, một ngôn ngữ được trút bỏ mọi sự độc chiếm, mọi sự phân biệt. Một ngôn ngữ có thể cuối cùng chỉ nhằm mục đích là làm một phương tiện truyền bá văn hoá.
Người đưa tin Unesco- Nguồn: Tạp chí Thơ HNV