Tiếng nói nhà văn: Không thể thờ ơ với “cuộc chiến” hóa chất
Kiểm tra, phát hiện thực phẩm bẩn (ảnh Internet)
Qua hai cuộc chiến đánh đế quốc Pháp và Mỹ, nhất là thời kỳ chống Mỹ, biết bao bom đạn và chất độc hóa học đã được rải vô tội vạ trên mảnh đất hình chữ S, lên những người dân hiền lành vô tội. Hàng trăm, hàng vạn tấn dioxin, loại chất cực độc nhất trong lịch sử hóa chất giết người từ trước tới nay. Gần 50 năm sau chiến tranh, chất độc này vẫn tiếp tục gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhân dân ta chỉ biết là chất khai quang chớ không ai ngờ đó là chất độc kinh hoàng mà quân dân ta phải gánh chịu cho đến bây giờ. Đã nhiều lần đệ đơn thưa công ty sản xuất chất độc này nhưng xem ra tiếng nói của chúng ta nhỏ bé, lạc lõng nên sự việc tày đình như vậy rồi cũng buông trôi theo tháng ngày.
Được mấy mươi năm thanh bình, cuộc sống người dân có phát triển đi lên nhưng bên cạnh đó vì lòng người quá hám lợi, muốn mau làm giàu bằng mọi cách, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, các nhà nông (có sự trợ giúp, tiếp tay của hóa chất trong nước, ngoài nước, nhất là hóa chất và thực phẩm của Trung Quốc là nước láng giềng rất tiện lợi cho việc chuyên chở bán mua của hai bên), cộng với sự lỏng lẻo của luật pháp Việt Nam (một phần do tiền bạc, phần do không quản lý nổi) nên thị trường Việt Nam, trước nhất là ẩm thực từ lâu đã thả trôi nổi, không kiểm soát cũng như chưa khống chế được nguồn hàng cực bẩn, cực nguy hiểm cho tính mạng con người. Báo chí kêu la, các trang mạng kêu cứu mỗi ngày, “Mâm cơm Việt Nam đầy chất độc”, “Ẩm thực Việt Nam - SOS”… là những bài viết đầy tâm huyết, nhưng cuộc chiến hóa chất vẫn càng ngày càng xiết chặt vòng dây, giết người dân Việt từng ngày từng giờ trên mâm cơm, trong từng ly nước uống, trong những vật dụng sinh hoạt hàng ngày….
Chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có hàng ngàn tấn thịt bẩn tuồn vào, trái cây, rau quả Việt Nam và Trung Quốc hầu hết đều có phun xịt hoặc tẩm hóa chất để giữ cho trái tươi lâu, cho xanh hoặc đỏ chín với những màu sắc rất bắt mắt người tiêu dùng. Hóa chất hiện nay như chiếc đũa thần, biến hóa thức ăn theo mọi cách mọi kiểu khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lường. Người nội trợ đi chợ, cầm đồng tiền trả món hàng mình mua mà lòng đau đáu nỗi lo, nhìn những người thân yêu của mình ăn uống tươi cười mà đôi lúc thắt lòng, không biết rồi đây tai họa sẽ tới lúc nào. Mỗi khi trong nhà có ai bệnh đau, nỗi sợ canh cánh khi đi xét nghiệm, hàng trăm thứ bệnh khác nhau (có nhiều bệnh nhân đến lúc chết, bác sĩ cũng không tìm ra bệnh gì) đang lởn vởn trước mắt. Đã hình thành nhiều làng ung thư do hóa chất thải ra từ các làng nghề, các xí nghiệp sản xuất… Người dân nghèo lại mang những chứng bệnh ngặt nghèo, bán đi miếng đất, miếng vườn cuối cùng hoặc vay mượn họ hàng, hàng xóm được vài chục triệu lên thành phố chen chúc nhau trong các bệnh viện chật hẹp hôi hám để cuối cùng mang xác về quê mà không còn chốn nương thân.
Hóa chất giết con người hàng ngày bằng ẩm thực, hóa chất tiêu hủy môi trường bởi các xí nghiệp trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp chạy đua theo lời nhuận, một số bộ phận chánh quyền hám lợi, làm lơ để cho các doanh nghiệp hoành hành. Rừng và cây xanh bị đốn trụi, đất và nước bị ô nhiễm hóa chất khiến môi trường bị tiêu hủy trầm trọng mà người dân đâu hay biết gì hoặc hay biết nhưng vẫn không kêu cứu được. Chao ơi! Lẽ nào một đất nước đẹp tươi như thế, một dân tộc anh hùng như thế mà giờ đây vì sự vô minh, vì quá hám lợi mà tiếp tay với kẻ xấu để tự giết mình và giết dân mình chăng? Thiết nghĩ, trước thảm họa chung, vì tương lai con cháu chúng ta, nhà văn, nhà thơ chúng ta trước mắt bằng mọi cách bảo vệ gia đình mình qua cách chọn lựa và tự trồng trọt chăn nuôi (nếu có thể), nói “không” với ẩm thực bẩn, tuyên truyền vận đông bà con nông dân bớt phun xịt cây trái và bớt dùng thức ăn có hóa chất trong chăn nuôi. Nhìn ngó, quan sát, tìm hiểu môi trường xung quanh xem có vấn đề gì lạ là thông báo ngay cho mọi người cùng biết. Viết bài để phản ánh mọi vấn đề có liên quan đến ẩm thực, môi trường và các vấn đề khác có liên quan đến cuộc sống của người dân. Đã đến lúc không thể ngồi yên để cái chết trắng đang đến gần, chúng ta có tội với Tổ quốc, với nhân dân nếu chúng ta cứ mãi thờ ơ vô cảm.
Kim Quyên (Nguồn Văn nghệ số 23/2016)